1. Loại sản phẩm, dịch vụ mang Nhãn hiệu chứng nhận Dệt Thổ cẩm Kon Tum
Sản phẩm, dịch vụ mang nhãn hiệu chứng nhận Dệt Thổ cẩm Kon Tum, gồm các nhóm sau:
- Túi vải; Địu trẻ em; Ví đựng tiền; Ví đựng đồ cá nhân; Cặp sách; Ba lô (tất cả làm bằng vải dệt thổ cẩm); Gối thổ cẩm.
- Vải thổ cẩm; vải thổ cẩm dùng cho gia đình như: khăn trải bàn, khăn trải giường, khăn phủ gối, rèm, vỏ chăn, vỏ gối, vỏ nệm.
- Đồ đội đầu; quần áo; khăn choàng; mũ; cà vạt; khố (tất cả làm bằng vải dệt thổ cẩm).
- Dịch vụ mua bán - xuất nhập khẩu sản phẩm làm từ dệt thổ cẩm; Dịch vụ quảng cáo, quảng bá nhằm mục đích kinh doanh các sản phẩm dệt thổ cẩm.
2. Quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận
- Việc quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận, nhằm đảm bảo chất lượng, duy trì danh tiếng, nâng cao giá trị, hiệu quả kinh tế trong sản xuất, kinh doanh các sản phẩm thổ cẩm và dịch vụ từ các sản phẩm thổ cẩm có nguồn gốc trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
- Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum được Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum ủy quyền cho Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum quản lý nhãn hiệu chứng nhận Dệt Thổ cẩm Kon Tum.
- Các tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh các sản phẩm và dịch vụ từ Dệt Thổ cẩm Kon Tum có nguồn gốc trên địa bàn tỉnh Kon Tum đủ điều kiện quy định của Hướng dẫn này được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận.
3. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận
3.1. Quyền lợi:
a) Được sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận kèm nhãn hiệu riêng của tổ chức, cá nhân trên bao bì sản phẩm, phương tiện kinh doanh, quảng cáo và các giấy tờ giao dịch khác cho sản phẩm Dệt Thổ cẩm Kon Tum đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận.
b) Được khai thác, sử dụng và hưởng các lợi ích kinh tế phát sinh từ việc sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận.
c) Được tham gia vào các chương trình tập huấn, đào tạo về quản lý, sử dụng, quảng bá nhãn hiệu chứng nhận và hưởng các chính sách hiện hành của Nhà nước về hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ, hỗ trợ sử dụng và phát triển sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận.
d) Được quyền tham gia đề xuất các ý kiến liên quan đến việc quản lý, phát triển nhãn hiệu chứng nhận.
đ) Được quyền khiếu nại khi phát hiện bị xâm phạm quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận Dệt Thổ cẩm Kon Tum đã được cấp.
e) Được thực hiện các quyền tự bảo vệ và các quyền khác theo quy định của pháp luật.
3.2. Nghĩa vụ:
a) Sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận theo quy định và hướng dẫn của Ban Dân tộc.
b) Chỉ được sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm Dệt Thổ cẩm Kon Tum đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận.
c) Đảm bảo chất lượng sản phẩm mang Nhãn hiệu chứng nhận; duy trì, bảo vệ và phát triển giá trị tài sản trí tuệ đối với Nhãn hiệu chứng nhận.
d) Thông báo đến Ban Dân tộc khi không còn nhu cầu sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận.
đ) Nộp chi phí theo quy định cho hoạt động cấp và duy trì hiệu lực Giấy chứng nhận quyền sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận.
e) Báo cáo tình hình sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận định kỳ vào ngày 25 tháng 12 hàng năm và đột xuất khi có yêu cầu của Ban Dân tộc.
4. Điều kiện được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận:
Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm và dịch vụ từ Dệt Thổ cẩm Kon Tum có nguồn gốc trên địa bàn tỉnh Kon Tum được cấp quyền sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận khi đáp ứng các điều kiện sau:
- Có hoạt động sản xuất, kinh doanh sản phẩm và dịch vụ từ các sản phẩm thổ cẩm nằm trong phạm vi vùng chứng nhận theo Bản đồ tại Phụ lục 01 của Hướng dẫn này.
- Sản phẩm, dịch vụ yêu cầu cấp quyền sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận nằm trong danh mục các sản phẩm, dịch vụ tại Điều 7 của Quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận Dệt Thổ cẩm Kon Tum.
- Sản phẩm, dịch vụ yêu cầu cấp quyền sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận phải đáp ứng tiêu chí chứng nhận được quy định tại Điều 8 của Quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận Dệt Thổ cẩm Kon Tum.
- Sản phẩm được Tổ chức chứng nhận hoặc cơ quan quản lý Nhà nước về chất lượng sản phẩm dệt thổ cẩm chứng nhận theo quy định.
- Cam kết thực hiện nghiêm túc và đầy đủ các nội dung trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận của Quy chế này.
- Chấp hành tốt các quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật.
5. Trình tự, thủ tục và thời gian giải quyết:
a) Tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận nộp đơn trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến Ban Dân tộc và bản sao các tài liệu liên quan theo quy định.
b) Trường hợp Đơn đăng ký không hợp lệ thì chậm nhất là sau 05 (năm) ngày làm việc, Ban Dân tộc có văn bản đề nghị tổ chức, cá nhân sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện.
c) Trong thời hạn tối đa 10 (mười) ngày làm việc sau khi nhận được Đơn đăng ký hợp lệ của tổ chức, cá nhân, Ban Dân tộc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận cho tổ chức, cá nhân đó.
d) Thành phần hồ sơ
- Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận Dệt Thổ cẩm Kon Tum (theo Mẫu đơn số 01 kèm theo).
- Bản cam kết về việc sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận Dệt Thổ cẩm Kon Tum (theo Mẫu đơn số 02 kèm theo)
- Bản sao hoặc bản photo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (nếu có);
e) Hồ sơ: Lập thành 01 (một) bộ và nộp trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum.
6. Sửa đổi, bổ sung và cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận
6.1. Những trường hợp sau đây được sửa đổi, bổ sung và cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận:
a) Giấy chứng nhận hết hạn.
b) Có sự thay đổi nội dung thông tin trong Giấy chứng nhận đã cấp.
c) Giấy chứng nhận bị mờ, rách nát, thất lạc.
6.2. Trình tự, thủ tục sửa đổi, bổ sung và cấp lại Giấy chứng nhận:
a) Trường hợp Giấy chứng nhận hết hạn: Trình tự, thủ tục thực hiện như cấp Giấy chứng nhận lần đầu.
b) Trường hợp Giấy chứng nhận thay đổi nội dung thông tin hay bị mờ, rách nát, thất lạc: Tổ chức, cá nhân gửi văn bản đến Ban Dân tộc nêu rõ lý do đề nghị sửa đổi, bổ sung, cấp lại và kèm theo Giấy chứng nhận gốc (trừ trường hợp bị thất lạc).
- Trong thời hạn 10 (mười) ngày làm việc, Ban Dân tộc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận cho tổ chức, cá nhân.
- Trường hợp không cấp lại Giấy chứng nhận, Ban Dân tộc có văn bản trả lời và nêu rõ lý do cho tổ chức, cá nhân.
6.3. Thành phần hồ sơ
- Đơn đề nghị cấp lại, sửa đổi, bổ sung Giấy chứng nhận quyền sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận Dệt Thổ cẩm Kon Tum (theo Mẫu đơn số 03 kèm theo)
- Bản gốc Giấy chứng nhận quyền sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận (trong trường hợp sửa đổi, bổ sung hoặc cấp lại Giấy chứng nhận).
- Tài liệu minh chứng về sự thay đổi thông tin của tổ chức, cá nhân có yêu cầu sửa đổi, bổ sung Giấy chứng nhận (nếu có).
4.3. Hồ sơ: Lập thành 01 (một) bộ và nộp trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum.
7. Đình chỉ quyền sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận
a) Tổ chức, cá nhân bị đình chỉ quyền sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận Dệt Thổ cẩm Kon Tum trong trường hợp không đáp ứng một trong các điều kiện quy định tại mục 4 của Hướng dẫn này.
b) Thời hạn tạm đình chỉ tối đa không quá 06 (sáu) tháng kể từ ngày cơ quan quản lý ra Quyết định đình chỉ.
c) Trong thời hạn bị đình chỉ, tổ chức, cá nhân không được sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận Dệt Thổ cẩm Kon Tum dưới bất kỳ hình thức nào.
d) Tổ chức, cá nhân được quyền sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận Dệt Thổ cẩm Kon Tum trở lại khi đã khắc phục được những vi phạm và gửi báo cáo kết quả khắc phục kèm theo tài liệu chứng minh và được Ban Dân tộc ra Quyết định cho phép sử dụng lại.
7. Thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận
a) Tổ chức, cá nhân bị thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận trong các trường hợp sau:
- Khi không còn nhu cầu sử dụng và tự đề nghị thu hồi.
- Sau 06 (sáu) tháng bị đình chỉ vẫn chưa khắc phục được vi phạm.
- Bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đầu tư hoặc bị giải thể, phá sản theo quy định của pháp luật.
- Khi vi phạm quy định tại Điều 19 của Quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận Dệt Thổ cẩm Kon Tum.
b) Khi bị thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng, tổ chức, cá nhân phải dừng ngay việc sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận Dệt Thổ cẩm Kon Tum trong sản xuất, kinh doanh các sản phẩm dệt thổ cẩm của tỉnh Kon Tum.
c) Tổ chức, cá nhân không được xem xét cấp lại nhãn hiệu chứng nhận Dệt Thổ cẩm Kon Tum trong vòng 01 (một) năm tính từ ngày ra Quyết định thu hồi.
8. Chỉ tiêu chứng nhận sản phẩm mang nhãn hiệu (Theo Phụ lục chỉ tiêu sản phẩm của các dân tộc thiểu số tại chỗ tỉnh Kon Tumtheo Quy chế gửi kèm).
9. Tiêu chí chứng nhận sản phẩm mang nhãn hiệu (Theo Phụ lục tiêu chí của từng loại sản phẩm trong từng Quy chế gửi kèm).
10. Sử dụng nhãn hiệu chứng nhận và ghi nhãn hàng hóa
10.1. Sử dụng nhãn hiệu chứng nhận:
- Tổ chức, cá nhân được cấp quyền sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận được quyền gắn Logo Nhãn hiệu chứng nhận trên bao bì, phương tiện kinh doanh, thư từ giao dịch, phương tiện quảng cáo cho các loại sản phẩm thổ cẩm đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận Dệt Thổ cẩm Kon Tum do mình sản xuất, kinh doanh. Sử dụng đúng và chính xác Nhãn hiệu chứng nhận gồm cả phần chữ và phần hình theo mẫu đã được cấp; Chỉ sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận cho các loại sản phẩm thổ cẩm được liệt kê trong Giấy chứng nhận này. Tuân thủ các quy định do Chủ sở hữu Nhãn hiệu chứng nhận ban hành.
- Logo Nhãn hiệu chứng nhận do tổ chức, cá nhân tự in theo đúng mẫu kèm theo Hướng dẫn này. Nhãn hiệu không được chỉnh sửa, thay đổi bất cứ bộ phận, chi tiết nào (hình khối, màu sắc, đường nét, chữ và kiểu chữ..). Kích thước của nhãn hiệu tùy thuộc vào kích cỡ của sản phẩm (nếu gắn trực tiếp lên sản phẩm), bao bì đựng sản phẩm, phương tiện kinh doanh, quảng cáo và các giấy tờ giao dịch khác.
- Logo Nhãn hiệu chứng được bố trí ở vị trí trang trọng, dễ nhận diện nhất trên sản phẩm, bao bì đựng sản phẩm, phương tiện kinh doanh, quảng cáo và các giấy tờ giao dịch khác kèm với nhãn hiệu riêng của tổ chức, cá nhân.
10.2. Cách ghi nhãn hàng hóa:
a) Phần thứ nhất: Phần Logo Nhãn hiệu chứng nhận:
- Phần Logo Nhãn hiệu chứng nhận chiếm 1/3 diện tích của nhãn hàng hóa và nằm ở phần trên hoặc phần bên trái của nhãn hàng hóa.
b) Phần thứ hai: Phần thông tin riêng của tổ chức, cá nhân và sản phẩm
- Diện tích trong phần thông tin riêng của tổ chức, cá nhân và sản phẩm chiếm 2/3 diện tích của nhãn hàng hóa và nằm ở phần dưới hoặc bên phải của phần logo nhãn hiệu chứng nhận.
- Tên tổ chức, cá nhân được sử dụng có kích thước không vượt quá 2/3 cỡ chữ được ghi ở phần thứ nhất của nhãn hàng hóa.
- Đảm bảo các yêu cầu về ghi nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật.
- Giữa phần thứ nhất (phần Logo) và phần thứ hai (phần thông tin riêng của tổ chức, cá nhân) phải có dấu phân cách bằng một đường phân cách.
- Chi tiết về cách ghi nhãn hàng hóa cho sản phẩm Dệt Thổ cẩm Kon Tum mang nhãn hiệu chứng nhận kèm theo ví dụ của Hướng dẫn này.
8. Tổ chức thực hiện:
8.1. Ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch; Sở Công Thương, Cục quản lý thị trường kiểm tra các tổ chức, cá nhân sử dụng nhãn hiệu chứng nhận. Nội dung kiểm tra: Hồ sơ, tài liệu gốc về điều kiện được quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận; kiểm tra các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh các sản phẩm thổ cẩm và dịch vụ từ các sản phẩm thổ cẩm có nguồn gốc trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã được cấp Giấy chứng nhận.
8.2. Các tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh các sản phẩm thổ cẩm và dịch vụ từ các sản phẩm thổ cẩm có nguồn gốc trên địa bàn tỉnh Kon Tum sử dụng nhãn hiệu chứng nhận phải tuân thủ đầy đủ các quy định theo Hướng dẫn này. Các nội dung không đề cập trong Hướng dẫn này, thực hiện theo quy định trong các Quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận (gửi kèm hướng dẫn này).
Trong quá trình thực hiện những vướng mắc, bất cập đề nghị các tổ chức, cá nhân trong hoạt động sản xuất, kinh doanh các sản phẩm thổ cẩm và dịch vụ từ các sản phẩm thổ cẩm có nguồn gốc trên địa bàn tỉnh Kon Tum phản ánh kịp thời về Ban Dân tộc (qua phòng Tuyên truyền – Địa bàn) để xem xét, giải quyết hoặc trình cấp thẩm quyền giải quyết./.