Cùng với sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, hiện nay, việc đưa các thiết bị, máy móc tự động hóa vào quy trình sản xuất công nghiệp, nông nghiệp đã và đang được các doanh nghiệp, hộ gia đình địa bàn tỉnh áp dụng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Không chỉ nâng cao năng suất lao động mà còn tiết kiệm nhân công, chi phí trong quá trình sản xuất. Đào tạo nguồn nhân lực, yếu tố quyết định để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất, đời sống trong thời gian tới đang là vấn đề đặt ra đối với các cấp ngành, các cơ sở giáo dục và đào tạo hiện nay. |
<p style="text-align: justify;">Đây là dây chuyền sản xuất khép kín có ứng dụng một phần tự động hóa để sản xuất nước giải khát Hồng đẳng sâm đóng lon của Công ty TNHH Thái Hòa tại thành phố Kon Tum. Tuy mới trong giai đoạn sản xuất thử nghiệm, vừa làm vừa hoàn thiện quy trình nhưng bước đầu mang lại kết quả khả quan.</p>
<p style="text-align: justify;">Dự án sản xuất thử nghiệm nước giải khát Hồng đẳng sâm đóng lon được Công ty TNHH Thái Hòa triển khai từ đầu năm 2017, với tổng mức đầu tư trên 4 tỷ đồng. Công suất của dây chuyền khoảng 600.000 lon/năm. Theo kế hoạch, sản phẩm nước giải khát mang thương hiệu Hồng đẳng sâm Kon Tum của Công ty TNHH Thái Hòa sẽ đưa ra thị trường vào cuối năm nay. Hiện nay, sản phẩm dùng thử đã được người tiêu dùng đón nhận.</p>
<p style="text-align: justify;">Ông Tô Thanh Tùng - Phó giám đốc Công ty TNHH Thái Hòa cho biết: “Khi đưa vào máy móc, công nghệ vào sản xuất, thứ nhất là nó giảm thiểu rủi ro. Thứ hai là sản phẩm sẽ tốt hơn, chất lượng cao hơn, được người tiêu dùng đón nhận nhiều hơn. Cũng tạo điều kiện cho anh em công nhân tiếp cận được công nghệ hiện đại để nâng cao tay nghề, đồng thời mang lại nhiều lợi ích hơn cho đơn vị”.</p>
<p style="text-align: center;"><img class="rao"src="/uploads/2019/20.01.19b.jpg" alt="" width="450" height="293" /></p>
<p style="text-align: center;" align="center"><em>Dây chuyền sản xuất nước đóng chai của công ty Thái Hòa</em></p>
<p style="text-align: justify;">Ngoài việc áp dụng trong các dây chuyền sản xuất công nghiệp, hiện nay công nghệ 4.0 tự động hóa đang được áp dụng nhiều trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đó là các thiết bị tự động tưới nước, tự động điều hòa nhiệt độ, cung cấp các chất dinh dưỡng cho cây trồng theo chế độ cài đặt phù hợp với từng giai đoạn phát triển của cây và điều kiện môi trường. Với việc áp dụng công nghệ này, ngoài việc cắt giảm nhân công lao động, con người có thể chủ động trong quá trình sản xuất để mang lại năng xuất, chất lượng sản phẩm, không còn lệ thuộc quá nhiều vào điều kiện thời tiết, mùa vụ.</p>
<p style="text-align: justify;">Ngoài chủ động trong sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, việc áp dụng công nghệ tự động hóa trong sản xuất nông nghiệp còn tiết kiệm được nguồn tài nguyên, chi phí trong sản xuất, góp phần hạ giá thành sản phẩm.</p>
<p style="text-align: justify;">Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với xu hướng phát triển dựa trên nền tảng tích hợp cao độ của hệ thống kết nối số hóa - vật lý - sinh học với sự đột phá của Internet vạn vật và trí tuệ nhân tạo đang phát triển mạnh mẽ và làm thay đổi căn bản nền sản xuất của thế giới. Đồng thời tác động mạnh mẽ, ngày một gia tăng tới mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, dẫn đến việc thay đổi phương thức và lực lượng sản xuất của xã hội. Việc đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu tiệm cận với công nghiệp 4.0 đang được các cấp ủy, chính quyền tỉnh Kon Tum quan tâm chỉ đạo và được các cơ sở giáo dục đào tạo tích cực hưởng ứng.</p>
<p style="text-align: justify;">Tuy mới sáp nhập, còn nhiều khó khăn nhưng Trường Cao đẳng Cộng đồng Kon Tum đã có nhiều nỗ lực, tiên phong trong việc nghiên cứu, ứng dụng và giảng dạy bộ môn Tự động hóa. Qua đó nhằm trang bị những kiến thức nền cho đội ngũ cán bộ, giảng viên và học viên để tiếp cận với công nghệ 4.0. Sau nghiên cứu, triển khai ứng dụng thành công mô hình hệ thống điều khiển, giám sát từ xa phục vụ sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại vườn thực nghiệm của Trường trong năm 2017, mới đây, Trường Cao đẳng Cộng đồng Kon Tum tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện Đề tài nghiên cứu, thiết kế, sản xuất máy in 3D giá rẻ, dựa trên công nghệ tạo mẫu nhanh FDM. Hiện nay, nhóm nghiên cứu thực hiện đề tài của Trường Cao đẳng Cộng đồng Kon Tum đã nghiên cứu lắp ráp thành công 4 máy in 3D bằng các vật liệu hiện có trên thị trường, gọi là máy cái và đang tiến hành in các chi tiết để lắp ráp máy in 3D con giá rẻ bằng chất liệu nhựa tự sản xuất và có nhiều cải tiến so với các máy in 3D ngoài thị trường.</p>
<p style="text-align: justify;">Thầy giáo Nguyễn Minh Hoàng - Trưởng khoa Điện - Điện tử Trường Cao đẳng Cộng đồng Kon Tum chia sẻ: “Trước kia làm máy in theo 3 trục truyền thống, nhưng nay cải tiến, chúng tôi thiết kế trên cánh tay robot, dạng Del-ta. Trong thiết kế cánh tay robot nó cải thiện được tốc độ in. Thứ hai nữa là tọa độ chính xác, thứ ba nữa là nếu có sai số thì sai số theo một hướng, cho nên vật thể in đảm bảo được kích thước theo yêu cầu in”.</p>
<p style="text-align: center;"><img class="rao"src="/uploads/2019/20.01.19c.jpg" alt="" width="450" height="274" /></p>
<p style="text-align: center;" align="center"><em>Áp dụng KH&CN để cải tiến mô hình dạy học tại Trường Cao đẳng Cộng đồng</em></p>
<p style="text-align: justify;">Ngoài việc đẩy mạnh phong trào thi đua nghiên cứu, sáng tạo khoa học kỹ thuật trong đội ngũ cán bộ, giảng viên, từ năm học 2018-2019, Trường Cao đẳng Cộng đồng đã biên soạn giáo trình, đưa môn Tự động hóa thành môn bắt buộc ở tất cả các ngành học tại trường, với thời lượng 30 tiết.</p>
<p style="text-align: justify;">“Môn học này mục đích là để các em ý thức được vấn đề tự động hóa trong sản xuất. Thứ hai là quá trình tự động hóa đó, với tiếp cận với nền công nghiệp 4.0 thì bản thân nó tác động tới cá nhân của mình như thế nào. Từ đó các em có thể hình thành nên những ý tưởng; thành lập những Câu lạc bộ sẽ thu hút đội ngũ giáo viện, đội ngũ trí thức có khả năng tư duy về 3D, từ đó tạo ra những ý tưởng mới”, Thầy giáo Nguyễn Minh Hoàng, cho biết.</p>
<p style="text-align: justify;">Với phương châm tiếp cận từ đơn giản đến phức tạp, vừa nghiên cứu, học tập vừa gắn kết với thực hành và áp dụng vào thực tiễn, Trường Cao đẳng Cộng đồng Kon Tum đã tạo được nền tảng quan trọng trong công tác đào tạo nguồn nhân lực để tiếp cận và hội nhập với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 của tỉnh.</p>
<p style="text-align: justify;">Cùng với việc đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã mở ra nhiều cơ hội trong việc nâng cao trình độ công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất và cạnh tranh trong chuỗi sản phẩm; tạo ra nhiều cơ hội cho các thanh niên khởi nghiệp, sáng tạo. Công tác đào tạo nguồn nhân lực là nhân tố quyết định để đẩy mạnh việc ứng dụng KHCN, tận dụng một cách triệt để sức mạnh lan tỏa của số hóa và công nghệ thông tin Internet để đẩy nhanh quá trình tự động hóa trong sản xuất, góp phần nâng cao hiệu quả lao động, cần tiếp tục quan tâm và phát huy./. </p>
<p style="text-align: right;" align="center"><em>Nguồn Thông tin KH&CN số 4/2018 - Sở KH&CN Kon Tum</em></p> |