<p style="text-align: justify;"><strong><em>Thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XV Đảng bộ tỉnh, thời gian qua, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh Kon Tum đã tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành nhiều chương trình, đề án, kế hoạch để triển khai nhiệm vụ KH&CN. Từ năm 2016 đến nay, hoạt động KH&CN trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.</em></strong></p>
<p style="text-align: justify;"><strong>Về kết quả nghiên cứu, ứng dụng KH&CN </strong></p>
<p style="text-align: justify;">Từ năm 2016-2019 đã triển khai 47 đề tài, dự án; tổ chức nghiệm thu kết thúc 34 đề tài, dự án. Các đề tài sau khi nghiệm thu được công bố, chuyển giao cho các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh để triển khai ứng dụng. Kết quả các đề tài đã được các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố triển khai ứng dụng trong thực tiễn sản xuất.</p>
<p style="text-align: justify;">Trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản:đã tập trung nghiên cứu các quy trình công nghệ sản xuất giống, nghiên cứu lựa chọn đối tượng và cơ cấu cây trồng hàng năm thích hợp với điều kiện hạn hán và vùng có nguy cơ thiếu nước ở các tiểu vùng sinh thái tỉnh Kon Tum. Nghiên cứu sản xuất giống và trồng lan Kim tuyến trên địa bàn huyện Kon Plông, Tu Mơ Rông, qua đó đã làm chủ công nghệ sản xuất và cung ứng giống trên thị trường phục vụ sản xuất; triển khai ứng dụng các giống mía mới như: K95-156, KK3, K88-92, K2000-89, với diện tích 15ha, năng suất đạt bình quân 95-110 tấn/ha; mô hình trồng sâm dây<em> (Đảng sâm)</em> với diện tích 04 ha trên địa bàn các huyện Kon PLông, Đăk Glei và Tu Mơ Rông, sau 2 năm trồng năng suất bình quân đạt trên 1 tấn củ tươi/ha, cho thu nhập bình quân từ 80-100 triệu đồng/ha, đến nay diện tích trồng sâm dây mở rộng gần 140 ha; triển khai ứng dụng các biện thâm canh tổng hợp trong tái canh cà phê <em>(giống TR4)</em> trên địa bàn thành phố Kon Tum, các huyện Đăk Hà và Đăk Tô với diện tích 10 ha, năng suất đạt trên 8kg quả tươi/cây. Mô hình nhân giống và trồng Ngũ vị tử trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông; mô hình thâm canh giống nghệ vàng trên địa bàn thành phố Kon Tum, huyện Ia H’Drai; mô hình nuôi thử nghiệm giống cá Chẽm trên địa bàn huyện Đăk Hà; chuyển giao mô hình sản xuất các giống hoa trên địa bàn huyện Kon Plông; mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Sê San <em>(cá lăng, các thác lác, Diêu hồng)</em>; chuyển giao, ứng dụng thiết bị sấy cà phê trên địa bàn các xã Đông Trường Sơn; ứng dụng các giống lúa chịu lạnh JO1, ĐS3 trong sản xuất trên địa bàn một số xã Đông Trường Sơn tỉnh Kon Tum.</p>
<p style="text-align: justify;">Kết quả nghiên cứu, đã xác định các cơ cấu trên đất lúa một vụ thiếu nước <em>(mô hình 1 vụ lúa + 1 vụ đậu đỗ, ngô,... trên đất lúa 1 vụ mang lại hiệu quả cao, tăng thu nhập từ 30-50 triệu đồng/ha/vụ)</em>; kết quả đề tài “<em>Nghiên cứu xây dựng tiêu chuẩn cây giống Sâm Ngọc Linh (Panax vietnamesis Ha et Grushv.)”</em> đã xây dựng Quy chuẩn kỹ thuật địa phương cây giống Sâm Ngọc Linh bàn giao Sở NN&PTNT tham mưu UBND tỉnh Kon Tum ban hành, phục vụ công tác quản lý, kiểm soát và phân biệt nguồn gốc giống Sâm Ngọc Linh, nâng cao chất lượng trong sản xuất giống và yêu cầu trong quản lý nguồn giống Sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Kết quả triển khai nghiên cứu mở rộng phạm vi bảo hộ chỉ dẫn địa lý Ngọc Linh, đã xác định được diện tích vùng mở rộng chỉ dẫn địa lý thuộc các xã: Mường Hoong, Ngọc Linh, xã Xốp thuộc huyện Đăk Glei; Đăk Na, Măng Ri, Ngọc Lây, Ngọc Yêu, Văn Xuôi, Tê Xăng thuộc huyện Tu Mơ Rông và đã được Cục sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận bổ sung. </p>
<p style="text-align: center;"><img class="rao"src="/uploads/2019/03/lan.jpg" alt="" width="550" height="340" /></p>
<p align="center"><em>Lan nuôi cấy mô tại Trung tâm Nghiên cứu, Ứng dụng và Dịch vụ KH&CN tỉnh Kon Tum</em></p>
<p style="text-align: justify;">Ngoài ra, các đề tài, dự án cấp tỉnh đã tập trung nghiên cứu ứng dụng công nghệ mô hom để sản xuất một số giống cây trồng, cây dược liệu phục vụ trong sản xuất <em>(chuối, dâu tây, dâu tằm, các loại lan rừng, lan Hồ điệp, địa lan ...)</em>, các loại giống dược liệu <em>(Sâm dây, lan Kim tuyến, đương quy,...)</em> tại Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Măng Đen. Trung tâm Nghiên cứu, Ứng dụng và Dịch vụ KH&CN tỉnh thường xuyên sản xuất meo giống và nuôi trồng các loại nấm ăn, nấm dược liệu<sup>(</sup><a title="" href="file:///F:/TH%E1%BB%90NG%20K%C3%8A%20KHCN/WEBSITE/2019/T3/chj%20van/K%E1%BA%BFt%20qu%E1%BA%A3%20th%E1%BB%B1c%20hi%E1%BB%87n%20Ngh%E1%BB%8B%20quy%E1%BA%BFt%20%C4%90%E1%BA%A1i%20h%E1%BB%99i%20XII%20c%E1%BB%A7a%20%C4%90%E1%BA%A3ng%20trong%20l%C4%A9nh%20v%E1%BB%B1c.doc#_ftn1">[1]</a><sup>)</sup>, tiếp nhận 02 quy trình công nghệ sản xuất nấm Đông Trùng Hạ thảo và quy trình công nghệ sản xuất chế phẩm sinh học. Hiện nay chế phẩm sinh học đã được triển khai ứng dụng trong xử lý phụ phẩm nông nghiệp, ủ giá thể trong sản xuất rau quả để nâng cao năng suất các loại cây trồng (<a title="" href="file:///F:/TH%E1%BB%90NG%20K%C3%8A%20KHCN/WEBSITE/2019/T3/chj%20van/K%E1%BA%BFt%20qu%E1%BA%A3%20th%E1%BB%B1c%20hi%E1%BB%87n%20Ngh%E1%BB%8B%20quy%E1%BA%BFt%20%C4%90%E1%BA%A1i%20h%E1%BB%99i%20XII%20c%E1%BB%A7a%20%C4%90%E1%BA%A3ng%20trong%20l%C4%A9nh%20v%E1%BB%B1c.doc#_ftn2">[2]</a>).</p>
<p style="text-align: center;" align="center"> <img class="rao"src="/uploads/2019/03/ruou_DTHT.jpg" alt="" width="550" height="320" /></p>
<p style="text-align: center;" align="center"><em>Rượu Đông Trùng Hạ Thảo - sản phẩm mới của Trung tâm Nghiên cứu, Ứng dụng và Dịch vụ KH&CN tỉnh Kon Tum</em></p>
<p style="text-align: justify;">Trong lĩnh vực giống thủy sản, một số doanh nghiệp đã tiếp nhận quy trình công nghệ ươm ấp cá giống nước ngọt để phục vụ sản xuất. Qua đó đã cung cấp được một phần nguồn giống có năng suất, chất lượng cao đáp ứng nhu cầu sản xuất trên địa bàn tỉnh. </p>
<p style="text-align: justify;">Triển khai các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp như: khâu tự động điều chỉnh ánh sáng, độ ẩm, hệ thống tưới tiết kiệm, máy gieo hạt,..; nhân giống bằng phương pháp giâm hom, nuôi cấy mô,... mang lại hiệu quả cao tại Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Măng Đen, huyện Kon Plong, thành phố Kon Tum và huyện Đăk Hà; triển khai các mô hình trình diễn ứng dụng các chế phẩm sinh học trong xử lý phụ phẩm hữu cơ làm phân bón, cải tạo đất, sử dụng trong canh tác cây trồng để nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng; ứng dụng công nghệ vi sinh làm giá thể hữu cơ, bước đầu sản xuất hơn 10 tấn giá thể để cung cấp trên thị trường; ứng dụng rộng rãi hệ thống Biogar mang lại hiệu quả cao,...; các mô hình sản xuất rau an toàn, mô hình sản xuất dược liệu ứng dụng công nghệ cao đã được các địa phương, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh triển khai nhân rộng.</p>
<p style="text-align: justify;">Một số đề tài, dự án KH&CN cấp tỉnh đã tập trung nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm “Nước giải khát sâm dây” đóng lon và “cao sâm dây” từ nguồn nguyên liệu của địa phương, hiện đã sản xuất thành công 2 sản phẩm; nghiên cứu, sản xuất cà phê chất lượng cao bằng công nghệ lên men tại Công ty TNHH MTV Nguyên Huy Hùng huyện Đăk Hà.</p>
<p style="text-align: justify;">Trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn:đãđánh giá thực trạng, đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục ở các trường phổ thông dân tộc bán trú tỉnh Kon Tum, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, kết quả đề tài đã đề xuất 5 nhóm giải pháp tác động nhằm nâng cao chất lượng giáo dục cho học các trường phổ thông dân tộc bán trú trên địa bàn tỉnh Kon Tum; Triển khai nghiên cứu thực trạng và đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả ứng dụng kết quả các đề tài, dự án KH&CN cấp tỉnh ở tỉnh Kon Tum, kết quả bước đầu đã xây dựng hệ thống mẫu phiếu điều tra cho từng lĩnh vực nghiên cứu, qua đó đã tiến hành điều tra với số lượng 1.000 phiếu/10 huyện, thành phố để đánh giá hiệu quả triển khai ứng dụng của các đề tài, dự án KH&CN, làm cơ sở để đề xuất các giải pháp triển khai ứng dụng kết quả các đề tài, dự án sau khi nghiệm thu.</p>
<p style="text-align: justify;">Trong lĩnh vực công nghệ thông tin: kết quả triển khai đề tài <em>“Nghiên cứu xây dựng hệ hỗ trợ quyết định không gian (SDSS) trên nền web trong quản lý tổng hợp tài nguyên thiên nhiên phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Kon Tum”</em> đã xây dựng hệ hỗ trợ quyết định không gian trên nền web, hệ thống cơ sở dữ liệu, các mô hình toán để phục vụ công tác quản lý tài nguyên bền vững trên địa bàn tỉnh Kon Tum; đề tài <em>“Xây dựng phần mềm quản lý CSDL tài nguyên và môi trường trên địa bàn tỉnh Kon Tum” </em>đã thiết kế, xây dựng phần mềm quản lý đáp ứng yêu cầu cập nhật, lưu trữ, khai thác và sử dụng dữ liệu tài nguyên và môi trường, thông qua đề tài đã số hóa trên 95% dữ liệu thuộc lĩnh vực đất đai và khoáng sản hiện có, phần mềm đã được Sở Tài nguyên và Môi trường đưa vào sử dụng, phục vụ công tác quản lý tại đơn vị; kết quả dự án <em>“Xây dựng phần mềm quản lý chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh Kon Tum trên nền Web”</em> đã góp phần cải cách hành chính, giúp tiết kiệm thời gian, công sức và kinh phí in ấn để thực hiện theo dõi, tổng hợp các báo cáo hàng tháng của các cơ quan trên địa bàn tỉnh.</p>
<p style="text-align: justify;">Trong lĩnh vực phát triển các sản phẩm chủ lực và ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh: tập trung nghiên cứu, chọn tạo và sản xuất các giống cây trồng đáp ứng nhu cầu sản xuất và phát triển sản phẩm rau, hoa xứ lạnh, cây dược liệu; ứng dụng các tiến bộ KH&CN để nâng cao năng suất chất lượng, ổn định nguồn nguyên liệu cho chế biến cà phê, sắn, cao su...; nghiên cứu chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong điều kiện biến đổi khí hậu; xây dựng tiêu chuẩn Sâm Ngọc Linh; nghiên cứu, mở rộng phạm vi đăng ký chỉ dẫn địa lý <em>“Ngọc Linh” </em>cho sản phẩm sâm củ trên địa bàn tỉnh Kon Tum,... Cụ thể:</p>
<p style="text-align: justify;"><strong><em>- Cây cà phê:</em></strong> đã tiến hành đánh giá điều kiện đất đai, khí hậu và triển khai trồng thử nghiệm 05 giống cà phê chè trên địa bàn vùng Đông Trường Sơn của tỉnh Kon Tum, kết quả trồng thử nghiệm đã xác định 02 giống cà phê chè TN2 và F5TN1 có khả năng sinh trưởng và phát triển tốt, thích nghi tốt với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của vùng Đông Trường Sơn của tỉnh <em>(năng suất tăng từ 1,5-2 tấn/ ha cà phê nhân/ha so với cà phê Catimor)</em>; triển khai ứng dụng các biện pháp kỹ thuật và giống mới (TR4) trong tái canh cà phê với diện tích 10 ha trên địa bàn 3 huyện Đăk Tô, Đăk Hà và thành phố Kon Tum; triển khai mô hình cải tạo vườn cà phê bằng phương pháp ghép với 3 dòng cà phê mới (TR5, TR9, TR10) cho năng suất tăng từ 1-1,5tấn/ha. Các mô hình đã và đang được các địa phương triển khai ứng dụng, nhân rộng trong sản xuất.</p>
<p style="text-align: justify;"><strong><em>- Cây sắn và các sản phẩm từ sắn:</em></strong> đã triển khai ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật về giống, biện pháp thâm canh để tăng năng suất, chất lượng đáp ứng nguyên liệu sắn trong sản xuất cho 06 nhà máy chế biến tinh bột sắn trên địa bàn tỉnh, các giống: KM 140, KM 419, KM98-7, SM2075-18,… qua triển khai năng suất tăng khoảng 30% so với các giống cũ của địa phương. </p>
<p style="text-align: justify;"><strong><em>- Cao su và các sản phẩm chế biến từ cao su:</em></strong> đã chuyển giao các biện pháp kỹ thuật trồng thâm canh, giống cao su PB 260 trên địa bàn huyện Đăk Hà với diện tích 50 ha, từ kết quả dự án đã nhân rộng thêm 57,3ha; hỗ trợ dụng cụ cạo mủ <em>(chén, kiềng máng, dao cạo)</em> cho 68 hộ dân để khai thác mủ; hỗ trợ phân bón, hướng dẫn kỹ thuật các hộ duy trì chăm sóc diện tích cao su tiểu điền trong vùng dự án khi giá mủ cao su trên thị trường thấp, không ổn định.</p>
<p style="text-align: justify;"><strong><em>- Thủy sản nước ngọt:</em></strong> đã chuyển giao thành công các mô hình nuôi cá nước ngọt có giá trị kinh tế cao như: cá lăng nha đuôi đỏ, cá thát lát cườm, diêu hồng,… trong sản xuất tại các lòng hồ thủy điện thuộc huyện Sa Thầy, huyện Ia H’Drai; triển khai nghiên cứu xác định các điều kiện nuôi cá nước lạnh (cá tầm, cá hồi) trên địa bàn tỉnh đã được các doanh nghiệp trên địa bàn huyện Kon Plông đầu tư phát triển sản xuất; “Chuyển giao công nghệ ương, ấp giống cá Tầm Siberi trên địa bàn huyện Kon Plong phục vụ nhu cầu phát triển nghề nuôi cá Tầm trên địa bàn tỉnh Kon Tum và một số địa phương khác” đã tiếp nhận, làm chủ các kỹ thuật và quy trình ương ấp cá Tầm giống. Việc nghiên cứu quy trình, công nghệ ương trứng giống cá Tầm tại chỗ nhằm chủ động con giống, cung ứng cho nhu cầu phát triển cá nước lạnh trên địa bàn tỉnh và các vùng lân cận.</p>
<p style="text-align: justify;"><strong><em>- Về phát triển Sâm Ngọc Linh:</em></strong> Kết quả nghiên cứu xây dựng quy trình kỹ thuật trồng, nhân giống cây Sâm Ngọc Linh đã được các doanh nghiệp tiếp nhận ứng dụng trong sản xuất, đến nay tổng diện tích sâm Ngọc Linh đã trồng được hơn 500 ha Sâm Ngọc Linh, đồng thời kêu gọi đầu tư nhiều dự án trồng Sâm trên địa bàn<a title="" href="file:///F:/TH%E1%BB%90NG%20K%C3%8A%20KHCN/WEBSITE/2019/T3/chj%20van/K%E1%BA%BFt%20qu%E1%BA%A3%20th%E1%BB%B1c%20hi%E1%BB%87n%20Ngh%E1%BB%8B%20quy%E1%BA%BFt%20%C4%90%E1%BA%A1i%20h%E1%BB%99i%20XII%20c%E1%BB%A7a%20%C4%90%E1%BA%A3ng%20trong%20l%C4%A9nh%20v%E1%BB%B1c.doc#_ftn3">[3]</a>, xây dựng và phát triển thương hiệu quốc gia Sâm Ngọc Linh.</p>
<p style="text-align: justify;">Với những kết quả đã đạt được về nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp trong thời gian qua đã góp phần thu hút đầu tư phát triển các sản phẩm chủ lực của tỉnh cả về số lượng và chất lượng. Theo thống kê, so với năm 2013, năm 2016 toàn tỉnh có 16.607 ha cà phê, tăng 3.225,4 ha; 74.718 ha cao su, tăng 1.848,5 ha; 500 ha sâm Ngọc Linh; trên 25 dự án đầu tư đăng ký phát triển rau, hoa xứ lạnh tại huyện Kon Plông. Hiện tại, nhiều sản phẩm chủ lực ở tỉnh có các nhà máy chế biến như: 01 nhà máy chế biến đường, 06 nhà máy chế tinh bột sắn, 07 cơ sở chế biến cà phê, 06 nhà máy chế biến mủ cao su, 01 nhà máy chế biến các sản phẩm Sâm Ngọc Linh do Bộ Khoa học và Công nghệ làm chủ đầu tư.</p>
<p style="text-align: justify;">- Trong lĩnh vực chế biến các sản phẩm chủ lực của tỉnh, đã và đang triển khai nghiên cứu, sản xuất “Nước giải khát sâm dây” đóng lon và “cao sâm dây” từ nguồn nguyên liệu của địa phương tại Công ty TNHH Thái Hòa Kon Tum (<em>Đến nay Công ty đã sản xuất được 23.215 lon nước giải khát, 6.120 chai cao sâm dây để cung cấp cho thị trường)</em>; nghiên cứu, sản xuất cà phê chất lượng cao bằng công nghệ lên men tại huyện Đăk Hà tại Công ty TNHH MTV Nguyên Huy Hùng;…. </p>
<p style="text-align: justify;"><strong>Hoạt động sở hữu trí tuệ:</strong></p>
<p style="text-align: justify;">Năm 2016, Sở KH&CN Kon Tum đã phối hợp với Sở KH&CN tỉnh Quảng Nam và Viện thổ nhưỡng thực hiện nhiệm vụ “hợp nhất cơ sở khoa học và thực tiễn phục vụ đăng ký chỉ dẫn địa lý <em>“Ngọc Linh”</em> dùng cho sản phẩm sâm củ của 02 tỉnh Kon Tum và Quảng Nam” <em>(được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ ngày 18/6/2016). </em>Tham mưu UBND tỉnh thành lập Hội sâm Ngọc Linh tỉnh Kon Tum <em>(Hội đã đại hội lần thứ I, nhiệm kỳ 2017-2022); </em>tham mưu UBND tỉnh ban hành Quy chế quản lý, sử dụng chỉ dẫn địa lý Ngọc Linh cho sản phẩm sâm củ và thành lập Hội Sâm Ngọc Linh tỉnh Kon Tum.</p>
<p style="text-align: justify;">Trong năm 2017, Sở KH&CN đã tham mưu UBND tỉnh phê duyệt Chương trình phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Kon Tum giai đoạn 2017-2020 <em>(ban hành tại Quyết định số 554/QĐ-UBND ngày 19/6/2017)</em>. Hỗ trợ kinh phí, hướng dẫn UBND huyện Kon Plông đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận cho các sản phẩm trên địa bàn huyện. Hướng dẫn 13 tổ chức, cá nhân đăng ký nhãn hiệu và sáng chế trên địa bàn tỉnh. Tham mưu UBND tỉnh phê duyệt triển khai thực hiện đề tài cấp tỉnh <em>“Nghiên cứu mở rộng phạm vi bảo hộ chỉ dẫn địa lý Ngọc Linh cho sản phẩm Sâm củ trên địa bàn tỉnh Kon Tum”</em>. Kết quả đề tài đã xác định được diện tích vùng mở rộng chỉ dẫn địa lý thuộc các xã: Mường Hoong, Ngọc Linh, xã Xốp thuộc huyện Đăk Glei; Đăk Na, Măng Ri, Ngọc Lây, Ngọc Yêu, Văn Xuôi, Tê Xăng thuộc huyện Tu Mơ Rông. Đến nay, đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) ban hành quyết định sửa đổi, bổ sung vùng chỉ dẫn địa lý tại Quyết định số 2465/QĐ-SHTT về việc sửa đổi Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00049, ngày 30/7/2018.</p>
<p style="text-align: justify;">Năm 2018 hướng dẫn 12 cá nhân đăng ký nhãn hiệu và 01 tổ chức đăng ký giải pháp hữu ích. Đề xuất 03 dự án<a title="" href="file:///F:/TH%E1%BB%90NG%20K%C3%8A%20KHCN/WEBSITE/2019/T3/chj%20van/K%E1%BA%BFt%20qu%E1%BA%A3%20th%E1%BB%B1c%20hi%E1%BB%87n%20Ngh%E1%BB%8B%20quy%E1%BA%BFt%20%C4%90%E1%BA%A1i%20h%E1%BB%99i%20XII%20c%E1%BB%A7a%20%C4%90%E1%BA%A3ng%20trong%20l%C4%A9nh%20v%E1%BB%B1c.doc#_ftn4"><sup><sup>[4]</sup></sup></a> thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016-2020 của Trung ương quản lý. Triển khai thực hiện Dự án Xây dựng chỉ dẫn địa lý “Đăk Hà” cho sản phẩm cà phê huyện Đăk Hà và dự án đăng ký Nhãn hiệu chứng nhận Sâm Ngọc Linh Kon Tum.</p>
<p style="text-align: justify;"><strong>Về kết quả hợp tác với các Sở KH&CN các tỉnh, các Trường Đại học và các tổ chức KH&CN</strong></p>
<p style="text-align: justify;">Sở KH&CN đã triển khai phối hợp với các Trường Đại học, các tổ chức KH&CN trong hoạt động nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng KH&CN trên địa bàn tỉnh <em>(Trường Đại học Quốc tế, Đại học Nông lâm Thành phố Hồ Chí Minh, Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Duyên Hải Nam Trung bộ, Sở KH&CN tỉnh Đồng Nai, Ban quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Đà Nẵng,..).</em> Qua đó, đã đề xuất, tham mưu UBND tỉnh xây dựng các nhiệm vụ KH&CN để triển khai thực hiện, đồng thời trao đổi, học tập kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả công tác nghiên cứu ứng dụng KH&CN. Ngoài ra, Sở KH&CN đã ký Bản ghi nhớ hợp tác giữa Sở KH&CN với Viện Nghiên cứu Sâm Jinan và Hiệp hội nông nghiệp tỉnh Jeonlabuk, Hàn Quốc về hợp tác nghiên cứu, phát triển sâm Ngọc Linh Kon Tum, Việt Nam. Các nội dung hợp tác cụ thể sẽ được 2 bên bàn bạc và triển khai kể từ năm 2019./.</p>
<p style="text-align: right;" align="right"><em>Hồng Vân</em></p>
<div><br clear="all" /><hr align="left" size="1" width="33%" />
<div style="text-align: justify;">
<p><a title="" href="file:///F:/TH%E1%BB%90NG%20K%C3%8A%20KHCN/WEBSITE/2019/T3/chj%20van/K%E1%BA%BFt%20qu%E1%BA%A3%20th%E1%BB%B1c%20hi%E1%BB%87n%20Ngh%E1%BB%8B%20quy%E1%BA%BFt%20%C4%90%E1%BA%A1i%20h%E1%BB%99i%20XII%20c%E1%BB%A7a%20%C4%90%E1%BA%A3ng%20trong%20l%C4%A9nh%20v%E1%BB%B1c.doc#_ftnref1">[1]</a> Năm 2016-2018 sản xuất gần 600.000 cây lan Kim tuyến bằng phương pháp nuôi cấy mô; hơn 3000 cây lan rừng các loại; khảo nghiệm giống cúc mới (cúc nhật lùn); sản xuất 2000 cây dâu tây nuôi cấy mô; hàng chục ngàn chuối nuôi cấy mô...</p>
</div>
<div style="text-align: justify;">
<p><sup>([2]</sup><sup>) </sup>Sản xuất hơn gần 3 tấn chế phẩm vi sinh; 12 kg nấm khô Đông Trùng Hạ thảo và một số sản phẩm từ Đông Trùng Hạ thảo như rượu, Đông Trùng Hạ thảo sấy khô.</p>
</div>
<div style="text-align: justify;">
<p><a title="" href="file:///F:/TH%E1%BB%90NG%20K%C3%8A%20KHCN/WEBSITE/2019/T3/chj%20van/K%E1%BA%BFt%20qu%E1%BA%A3%20th%E1%BB%B1c%20hi%E1%BB%87n%20Ngh%E1%BB%8B%20quy%E1%BA%BFt%20%C4%90%E1%BA%A1i%20h%E1%BB%99i%20XII%20c%E1%BB%A7a%20%C4%90%E1%BA%A3ng%20trong%20l%C4%A9nh%20v%E1%BB%B1c.doc#_ftnref3">[3]</a> Dự án đầu tư của Bộ khoa học và Công nghệ với diện tích dự kiến 500 ha.</p>
</div>
<div>
<p style="text-align: justify;"><a title="" href="file:///F:/TH%E1%BB%90NG%20K%C3%8A%20KHCN/WEBSITE/2019/T3/chj%20van/K%E1%BA%BFt%20qu%E1%BA%A3%20th%E1%BB%B1c%20hi%E1%BB%87n%20Ngh%E1%BB%8B%20quy%E1%BA%BFt%20%C4%90%E1%BA%A1i%20h%E1%BB%99i%20XII%20c%E1%BB%A7a%20%C4%90%E1%BA%A3ng%20trong%20l%C4%A9nh%20v%E1%BB%B1c.doc#_ftnref4">[4]</a> <em>(1) Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Cà phê Kon Tum” dùng cho sản phẩm cà phê xứ lạnh tỉnh Kon Tum; (2) Xây dựng, quản lý và phát triển Chỉ dẫn địa lý “Kon Tum” dùng cho sản phẩm Đảng sâm (sâm dây) của tỉnh Kon Tum; (3) Quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ tại Kon Tum</em></p>
<p style="text-align: justify;"> </p>
</div>
</div> |