Australia chi 1,45 triệu AUD hỗ trợ đổi mới nông nghiệp bền vững tại Việt Nam
3-8-2024
Australia chi 1,45 triệu AUD hỗ trợ đổi mới nông nghiệp bền vững tại Việt Nam
CT

Kinh phí 1,45 triệu AUD tài trợ cho ba dự án để áp dụng các công nghệ tiên tiến có khả năng nâng cao năng suất nông nghiệp và thúc đẩy các thực hành nông nghiệp bền vững.

Chiều 1/8, Chính phủ Australia cùng Bộ Khoa học và Công nghệ công bố ba dự án công nghệ nông nghiệp tiên tiến nhận tài trợ thông qua quỹ Đối tác Đổi mới sáng tạo thuộc Chương trình Aus4Innovation. Ba dự án gồm:

"Nâng cao năng lực giám sát cây trồng và khả năng tiếp cận thông tin cho nông hộ nhỏ và cán bộ quản lý tại Việt Nam" của Đại học Southern Queensland hợp tác Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (VNSC). Dự án sử dụng công nghệ không gian địa lý, dữ liệu thực địa và thuật toán AI để tạo bản đồ ở quy mô trang trại cho cây lúa và cây ăn quả. Công nghệ giúp thu thập, cung cấp thông tin quan trọng về cây trồng nhằm nâng cao năng suất.

"Canh tác carbon chủ động ứng dụng trí tuệ nhân tạo và bản sao số để phát triển nông nghiệp bền vững tại tỉnh Thanh Hóa" do Đại học Griffith và Đại học Bách khoa Hà Nội nghiên cứu. Dự án phát triển nền tảng số được hỗ trợ bởi AI, cho phép định lượng khí thải nhà kính chính xác hơn và thúc đẩy ngành nông nghiệp carbon, từ đó góp phần vào các thực hành nông nghiệp bền vững và mang lại cơ hội tạo nguồn thu mới từ tín chỉ carbon.

"Tăng cường năng lực cho các nông hộ nhỏ thông qua hệ thống chứng nhận tiêu chuẩn và truy xuất nguồn gốc dựa vào AI nhằm hướng tới nông nghiệp bền vững tại Việt Nam" do Đại học Griffith và Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia thực hiện. Giải pháp dự án là nâng cao tiêu chuẩn nông nghiệp thông qua hệ thống AI và số hóa, đảm bảo giám sát nông trại hiệu quả, tăng khả năng truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Thông qua cảm biến từ drone và vệ tinh, dự án sẽ thu thập dữ liệu về sức khỏe và thuộc tính của cây trồng, sau đó xử lý bằng trí tuệ nhân tạo để phân loại. Ảnh: Nhóm nghiên cứu

Thông qua cảm biến từ drone và vệ tinh, dự án sẽ thu thập dữ liệu về sức khỏe và thuộc tính của cây trồng, sau đó xử lý bằng trí tuệ nhân tạo để phân loại. Ảnh: Nhóm nghiên cứu

Ông Andrew Goledzinowski, Đại sứ Australia tại Việt Nam, cho biết những sáng kiến không chỉ giải quyết các thách thức mới nổi mà còn đầu tư vào sự bền vững lâu dài của ngành nông nghiệp Việt Nam.

Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ ông Bùi Thế Duy nhấn mạnh việc triển khai thành công các dự án này sẽ đánh dấu bước tiến quan trọng trong tham vọng của Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong trong việc ứng dụng các giải pháp công nghệ cao trong nông nghiệp.

Quỹ tài trợ Đối tác Đổi mới sáng tạo của Chương trình Aus4Innovation là một sáng kiến chiến lược nhằm thúc đẩy các giải pháp công nghệ đổi mới sáng tạo tại Việt Nam. Chương trình Aus4Innovation do CSIRO, cơ quan khoa học quốc gia Autralia, quản lý, tập trung vào chủ đề "Đổi mới sáng tạo công nghệ cao nhằm giải quyết các thách thức trong nông nghiệp, hướng đến phát triển bền vững".

Tại vòng tài trợ 4, các dự án được tìm kiếm cần đáp ứng ứng dụng giải pháp công nghệ cao nhằm nâng cao năng suất nông nghiệp, phát triển thị trường cho nông sản, thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, thúc đẩy tính bao trùm xã hội.

Trong ba vòng tài trợ trước, 12 dự án thuộc các lĩnh vực khác nhau như như nông nghiệp và thực phẩm, y tế, quản lý thiên tai và môi trường đã nhận được tổng cộng 5,3 triệu AUD. Các dự án này đã đóng góp đáng kể vào việc giải quyết các thách thức mới nổi trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Việt Nam.

Chương trình Aus4Innovation thực hiện trong 10 năm (2018-2028) với tổng ngân sách 33,5 triệu AUD, nhằm củng cố hệ thống đổi mới sáng tạo của Việt Nam hướng đến phát triển kinh tế xã hội bền vững và bao trùm. Chương trình được tài trợ bởi Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia, đồng tài trợ và quản lý bởi CSIRO -cơ quan khoa học quốc gia Australia với đối tác chiến lược là Bộ Khoa học và Công nghệ.

Link liên kết nguồn: https://vnexpress.net/australia-chi-1-45-trieu-aud-ho-tro-doi-moi-nong-nghiep-ben-vung-tai-viet-nam-4776753.html
 

  
Số lượt xem:174