Hội nghị "Phát huy nội lực, tăng cường hợp tác quốc tế để đẩy mạnh phát triển ngành Halal Việt Nam"
27-10-2024
Hội nghị "Phát huy nội lực, tăng cường hợp tác quốc tế để đẩy mạnh phát triển ngành Halal Việt Nam"
CT

Ngày 22/10/2024, Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị "Phát huy nội lực, tăng cường hợp tác quốc tế để đẩy mạnh phát triển ngành Halal Việt Nam". 

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại Hội nghị

Các đại biểu tham dự Hội nghị

Đây là sự kiện quốc tế có quy mô lớn nhất về Halal lần đầu tiên được tổ chức kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án "Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030", có ý nghĩa định hướng quan trọng cho việc phát triển ngành Halal của Việt Nam.

Hội nghị gồm 6 hoạt động chính thức và hơn 20 hoạt động song phương bên lề. Trong đó, phiên toàn thể bao gồm lễ giới thiệu Trung tâm Chứng nhận Halal quốc gia và ra mắt Bộ Tiêu chuẩn Halal Việt Nam; ký kết các văn kiện hợp tác giữa các cơ quan, doanh nghiệp trong lĩnh vực này.

Halal là một thuật ngữ trong tiếng Ả Rập có nghĩa là "hợp pháp" hoặc "được phép" trong Hồi giáo. Nó đề cập đến những điều, hành động hoặc sản phẩm được phép sử dụng và tiêu thụ theo quy định của luật Hồi giáo (Sharia). Các lĩnh vực liên quan đến Halal như: thực phẩm; sản phẩm tiêu dùng; tài chính; thời trang: du lịch. Trong những năm gần đây, nhu cầu về sản phẩm và dịch vụ Halal đã gia tăng mạnh mẽ, không chỉ trong cộng đồng Hồi giáo mà còn ở các thị trường khác. Sự tăng trưởng này đã thúc đẩy nhiều doanh nghiệp và tổ chức phát triển các sản phẩm Halal để phục vụ nhu cầu này.

Tại hội nghị, chia sẻ định hướng phát triển ngành Halal Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt nhận định, các sản phẩm và dịch vụ Halal ngày càng trở nên phổ biến trong những năm qua. Thị trường tiêu thụ sản phẩm Halal phân bổ khắp thế giới, từ các nước Hồi giáo đến phi Hồi giáo, từ các nền kinh tế phát triển đến đang phát triển. Có được sự phát triển đó là do các sản phẩm Halal đáp ứng nhiều tiêu chí về vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo đảm sức khỏe, chất lượng, xanh, sạch, có đạo đức trong chế biến và góp phần bảo vệ môi trường. Điều này mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam, khi chúng ta có lợi thế về nông nghiệp, công nghiệp chế biến và xuất khẩu. Đồng thời, Việt Nam còn là quốc gia có nền tảng vững chắc về KHCN để nghiên cứu và phát triển các sản phẩm Halal chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường quốc tế.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong thời gian qua, Bộ Khoa học và Công nghệ đã chủ động xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia về Halal gồm các tiêu chuẩn về thực phẩm Halal, về sản xuất nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi và giết mổ động vật theo Halal. Trong năm 2023, Bộ Khoa học và Công nghệ đã công bố tiêu chuẩn quốc gia về tổ chức chứng nhận Halal. Năm 2024, Bộ Khoa học và Công nghệ đã chỉ đạo thành lập Trung tâm Chứng nhận Halal quốc gia và xây dựng tiêu chuẩn quốc gia "TCVN 14230:2024 Dịch vụ du lịch thân thiện với người Hồi giáo - Các yêu cầu để tạo thuận lợi cho việc thu hút khách du lịch Hồi giáo thăm quan, nghỉ dưỡng, du lịch kết hợp hội nghị tại VN". 

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt tin tưởng rằng, tiêu chuẩn quốc gia này sẽ góp phần hỗ trợ cho các doanh nghiệp du lịch, lữ hành Việt Nam tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm của mình thông qua việc phục vụ dòng khách từ Trung Đông và các quốc gia Hồi giáo, đóng góp vào chương trình phát triển ngành Halal của Việt Nam.

Trong thời gian tới, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, cộng đồng doanh nghiệp và các đối tác quốc tế để xây dựng một hệ sinh thái Halal bền vững, từ việc tiêu chuẩn hóa quy trình sản xuất, tăng cường năng lực nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đến việc nâng cao năng lực chứng nhận Halal của Việt Nam, nhằm bảo đảm các sản phẩm và dịch vụ của chúng ta đạt được các tiêu chuẩn quốc tế cao nhất. Bộ Khoa học và Công nghệ cũng rất mong muốn được hợp tác chặt chẽ với các nước bạn, các đối tác quốc tế, để cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, mở rộng cơ hội hợp tác và thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành Halal, không chỉ tại Việt Nam mà còn trong khu vực và trên toàn thế giới.

Tại Hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận các nội dung để phát huy nội lực và đẩy mạnh hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam: Chia sẻ kinh nghiệm phát triển ngành Halal của các nước và các tổ chức khu vực, quốc tế; cơ hội và các đề xuất hợp tác với Việt Nam để phát triển ngành Halal, mở cửa thị trường đối với sản phẩm Halal Việt Nam; tiềm năng, định hướng phát triển ngành Halal của Việt Nam và địa phương; thúc đẩy đàm phán, hướng tới ký kết các thỏa thuận/biên bản ghi nhớ hợp tác về Halal giữa các cơ quan, địa phương của Việt Nam với một số đối tác Halal tiềm năng, quan trọng.

Ông Zafer Gedikli, Chủ tịch Hội đồng Halal Thế giới đánh giá, đây là một dịp quan trọng trong lịch sử của Halal. Việt Nam là một quốc gia trọng điểm ở khu vực Đông Nam Á, và ông tin rằng Việt Nam có thể trở thành đối tác chủ chốt trong việc cung cấp các sản phẩm và dịch vụ Halal tới các quốc gia cũng như người tiêu dùng Hồi giáo trên toàn thế giới. Hiện nay, trên thế giới có khoảng 2 tỷ người Hồi giáo. Sự gia tăng nhanh chóng về số lượng người Hồi giáo chắc chắn sẽ có tác động tích cực đến sự phát triển của nền kinh tế Hồi giáo. Năm 2023, người Hồi giáo đã chi khoảng 2,5 nghìn tỷ USD cho việc tiêu thụ các sản phẩm Halal, bao gồm: thực phẩm và đồ uống, thuốc men và các sản phẩm hỗ trợ lối sống Halal khác. Con số này được dự báo sẽ tăng lên mức 2,7 nghìn tỷ USD vào năm 2024. Các lĩnh vực đóng vai trò then chốt bao gồm: ngành công nghiệp thực phẩm và đồ uống Halal, công nghiệp mỹ phẩm, thuốc men, dịch vụ tài chính Hồi giáo, thời trang Hồi giáo, du lịch Halal và truyền thông Hồi giáo. Ông cho biết, mặc dù số người Hồi giáo tại Việt Nam còn ít, song Việt Nam vẫn có cơ hội rộng mở và tiềm năng thị trường to lớn trong ngành công nghiệp Halal. Vị trí địa lý nằm ở gần các quốc gia Hồi giáo như: Malaysia và Indonesia cũng đem lại cho Việt Nam lợi thế rất lớn.

Trong khuôn Hội nghị, Bộ Khoa học và Công nghệ đã giới thiệu Trung tâm chứng nhận Halal quốc gia Việt Nam (HALCERT) và bộ tiêu chuẩn Halal Việt Nam. Chúc mừng sự thành lập mang tính lịch sử của Trung tâm chứng nhận Halal Việt Nam, ông Yousif S. AlHarbi, Phó Chủ tịch Trung tâm Halal Saudi Arabia, Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Saudi Arabia (SFDA) cho biết, thành tựu đáng kể này là một cột mốc quan trọng trong việc nâng cao vị thế của Việt Nam trong nền kinh tế Halal toàn cầu. Bằng cách áp dụng chứng nhận Halal, Việt Nam khẳng định mình là nguồn cung cấp sản phẩm Halal được chứng nhận đáng tin cậy, mở ra cơ hội mới cho các nhà sản xuất Việt Nam trên thị trường quốc tế. Sáng kiến này không chỉ thúc đẩy tăng trưởng trong lĩnh vực Halal mà còn góp phần vào thành công chung của nền kinh tế hướng đến xuất khẩu của Việt Nam.

Theo ông Yousif S. AlHarbi, mặc dù các tiêu chuẩn Halal có thể tương đối mới đối với Việt Nam, nhưng các giá trị cốt lõi mà chúng đại diện - sự tinh khiết, tính đạo đức và tôn trọng thiên nhiên - đã bén rễ sâu trong văn hóa Việt Nam. Câu nói “Ăn sạch, sống khỏe” của người Việt – hoàn toàn phù hợp với bản chất của Halal: Bảo đảm rằng những gì chúng ta tiêu thụ vừa tinh khiết, vừa có lợi cho sức khỏe và tinh thần. Sự phù hợp về các giá trị này mang đến cho Việt Nam một cơ hội tuyệt vời để tích hợp các nguyên tắc Halal và mở rộng các sản phẩm của mình trên thị trường toàn cầu. Ông Yousif S. AlHarbi nhấn mạnh, hợp tác quốc tế là yếu tố quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế Halal toàn cầu; khẳng định cam kết của Saudi Arabia trong việc hợp tác với Việt Nam để phát triển hệ sinh thái Halal mạnh mẽ.

Việc áp dụng các tiêu chuẩn Halal không chỉ phục vụ nhu cầu của cộng đồng Hồi giáo mà còn thu hút được một đối tượng người tiêu dùng toàn cầu đánh giá cao tính minh bạch, tính toàn vẹn và đảm bảo chất lượng. Bằng cách kết hợp các nguyên tắc Halal vào quy trình sản xuất, Việt Nam có thể tạo ra các sản phẩm thu hút lượng người tiêu dùng rộng rãi trên toàn thế giới, vượt xa thị trường Hồi giáo. Theo ông Yousif S. AlHarbi, Việt Nam đang nổi lên như một nhân tố quan trọng trong chuỗi cung ứng Halal toàn cầu. Với nguồn tài nguyên dồi dào, vị trí địa lý chiến lược và cam kết về chất lượng, Việt Nam đang ở vị thế thuận lợi để trở thành một trung tâm lớn cho các thành phần và sản phẩm được chứng nhận Halal.

Trung tâm Halal của Saudi Arabia mong muốn làm việc chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Việt Nam để thúc đẩy đổi mới, nâng cao tiêu chuẩn và mở ra cơ hội phát triển mới, cùng xây dựng một tương lai tươi sáng hơn cho ngành công nghiệp Halal toàn cầu, trao quyền cho các nhà sản xuất và người tiêu dùng cùng phát triển trong một thế giới kết nối. 

Link liên kết nguồn: https://www.vista.gov.vn/vi/news/khoa-hoc-ky-thuat-va-cong-nghe/hoi-nghi-phat-huy-noi-luc-tang-cuong-hop-tac-quoc-te-de-day-manh-phat-trien-nganh-halal-viet-nam-9992.html
 

  
Số lượt xem:39