Nhằm cụ thể hóa và triển khai có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đề ra trong Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15 tháng 6 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 18 tháng 02 năm 2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Ngày 06/5/2022, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 1319/KH-UBND về phát triển Chính quyền số tỉnh Kon Tum đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.
Theo đó, Kế hoạch đề ra mục tiêu cụ thể:
Đến năm 2025: 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 phổ biến, liên quan tới nhiều người dân, doanh nghiệp được tích hợp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia; 100% dịch vụ công trực tuyến được thiết kế, thiết kế lại nhằm tối ưu hóa trải nghiệm người dùng, khi sử dụng được điền sẵn dữ liệu mà người dùng đã cung cấp trước đó theo thỏa thuận, phù hợp với tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ; 100% người dân và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến được định danh và xác thực thông suốt, hợp nhất trên tất cả các hệ thống của các cấp chính quyền từ trung ương tới địa phương.
Tối thiểu 80% hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý hoàn toàn trực tuyến, người dân chỉ phải nhập dữ liệu một lần. Tối thiểu 90% người dân, doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính. Tối thiểu 20% thủ tục hành chính của các cơ quan nhà nước được giảm so với hiện nay. Tối thiểu 50% dịch vụ công mới của cơ quan nhà nước có sự tham gia cung cấp của doanh nghiệp hoặc tổ chức ngoài nhà nước. Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khả năng tương tác thuận tiện, trực tuyến với cơ quan nhà nước trong các hoạt động quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ dựa trên các nền tảng công nghệ số. Tiếp tục triển khai Kiến trúc Chính quyền điện tử của tỉnh Kon Tum (phiên bản 2.0).
100% cơ quan nhà nước cung cấp dịch vụ 24/7, sẵn sàng phục vụ trực tuyến bất cứ khi nào người dân và doanh nghiệp cần. 100% công chức được gắn định danh số trong xử lý công việc; 100% hoạt động chỉ đạo, điều hành và quản trị nội bộ của cơ quan nhà nước được thực hiện trên nền tảng quản trị tổng thể, thống nhất; 100% văn bản trao đổi giữa các cơ quan nhà nước (trừ văn bản mật theo quy định của pháp luật)dưới dạng điện tử, được ký số bởi chữ ký số chuyên dùng Chính phủ. Phấn đấu 100% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước); 80% hồ sơ được tạo, lưu trữ, chia sẽ dữ liệu điện tử theo quy định. 100% công tác báo cáo được thực hiện trên hệ thống thông tin báo cáo quốc gia; Phấn đấu 100% cơ quan nhà nước có nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, có ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động; Tối thiểu 50% hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý. Tối thiểu 70% nội dung chương trình đào tạo, thi tuyển, thi nâng ngạch quản lý nhà nước ngạch chuyên viên, chuyên viên chính hoặc tương đương được thực hiện trực tuyến. 100% cán bộ, công chức, viên chức được tập huấn, bồi dưỡng, phổ cập kỹ năng số cơ bản; 80% cán bộ, công chức, viên chức được tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng phân tích, khai thác dữ liệu và công nghệ số.
Chuyển đổi IPv6 cho mạng lưới, dịch vụ, ứng dụng, phần mềm và thiết bị trên địa bàn tỉnh đảm bảo sự phát triển, tính sẵn sàng tương thích với sự phát triển mạnh mẽ của các xu hướng công nghệ mới trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Phấn đấu tỉnh Kon Tum thuộc nhóm 35 tỉnh/thành trong cả nước thực hiện tốt nhất về chuyển đổi số.
Đến năm 2030: Tiếp tục duy trì thực hiện 100% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước); 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; 100% dữ liệu quản lý của các cơ quan, đơn vị được số hóa, lưu trữ tập trung tại Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh và đưa vào khai thác hiệu quả; 70% hoạt động kiểm tra của các cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý; Trên 70% nội dung chương trình đào tạo, thi tuyển, thi nâng ngạch quản lý nhà nước ngạch chuyên viên, chuyên viên chính hoặc tương đương được thực hiện trực tuyến; Mỗi đơn vị cấp huyện xây dựng 80% đơn vị cấp xã hoàn thành các chỉ tiêu cơ bản chuyển đổi số về chính quyền số, xã hội số, kinh tế số cấp xã.
Nhiệm vụ và giải pháp được đặt ra gồm: Hoàn thiện môi trường pháp lý; Phát triển hạ tầng số; Phát triển các nền tảng số; Phát triển dữ liệu; Phát triển ứng dụng; Bảo đảm an toàn thông tin; Tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức và người dân về Chính quyền điện tử, Chính quyền số.
Giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương tham mưu lồng ghép vào chương trình hoạt động của Ban Chỉ đạo về Chuyển đổi sốtỉnh để kịp thời chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát và hướng dẫn các cơ quan, địa phương thực hiện./.
hbnguyet