banner
Thứ 6, ngày 3 tháng 1 năm 2025
Hướng dẫn trình tự thủ tục xét, công nhận sáng kiến và công nhận phạm vi ảnh hưởng, hiệu quả của sáng kiến cấp tỉnh
12-1-2021

Ngày 10/11/2020 Hội đồng sáng kiến tỉnh đã ban hành hướng dẫn số 03/HD-SKHCN về trình tự thủ tục xét, công nhận sáng kiến và công nhận phạm vi ảnh hưởng, hiệu quả của sáng kiến cấp tỉnh như sau:

I. MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHUNG

1. Sáng kiến: khái niệm sáng kiến được quy định tại Điều 3 Nghị định 13/2012/NĐ-CP ngày 02/3/2012 của Chính phủ ban hành Điều lệ Sáng kiến.

2. Sáng kiến cấp cơ sở: là sáng kiến được Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể, đơn vị sự nghiệp cấp tỉnh; phòng, ban, đơn vị cấp huyện, thành phố; xã, phường, thị trấn; doanh nghiệp, hợp tác xã (gọi tắt là cơ quan, đơn vị) xét, công nhận và có phạm vi ứng dụng trong cơ quan, đơn vị đó.

3. Sáng kiến cấp tỉnh:là sáng kiến cấp cơ sở đã được ứng dụng ở cơ sở, đã được nhân rộng hoặc có khả năng nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh, ngành, lĩnh vực hoặc tối thiểu được 50% sở, đơn vị tương đương sở, huyện, thành phố có cùng điều kiện áp dụng, được Chủ tịch UBND tỉnh xét, công nhận.

4. Đối tượng được công nhận là sáng kiến: Thực hiện theo quy định tại Điều 3, Thông tư 18/2013/TT-BKHCN ngày 01/8/2013 của Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn thi hành một số quy định của Điều lệ Sáng kiến được ban hành theo Nghị định số 13/2012/NĐ-CP ngày 02 tháng 3 năm 2012 của Chính phủ.

5. Nơi yêu cầu công nhận sáng kiến cấp cơ sở: Tác giả sáng kiến có thể yêu cầu công nhận sáng kiến tại các cơ sở sau đây:

a) Tại cơ sở là chủ đầu tư tạo ra sáng kiến;

b) Tại cơ sở được tác giả sáng kiến chuyển giao sáng kiến theo thỏa thuận giữa hai bên, với điều kiện chủ đầu tư tạo ra sáng kiến từ chối công nhận sáng kiến và không có thỏa thuận khác với tác giả sáng kiến;

c) Tại cơ sở được tác giả sáng kiến chuyển giao sáng kiến theo thỏa thuận giữa hai bên, trong trường hợp tác giả sáng kiến đồng thời là chủ đầu tư tạo ra sáng kiến.

6. Nơi yêu cầu công nhận sáng kiến cấp tỉnh: Hội đồng sáng kiến tỉnh (Thông qua cơ quan Thường trực là Sở Khoa học và Công nghệ).

7. Quyền nộp đơn yêu cầu công nhận sáng kiến cấp tỉnh:

- Mỗi sáng kiến, tác giả chỉ được quyền nộp đơn yêu cầu công nhận sáng kiến một lần trừ trường hợp phải sửa đổi, bổ sung hoặc tách đơn theo quy định[1].

- Đối với giải pháp chưa được áp dụng hoặc áp dụng thử, tác giả (đồng tác giả) có quyền nộp đơn yêu cầu công nhận sáng kiến vào bất kỳ thời điểm nào từ khi tạo ra sáng kiến.

- Đối với giải pháp đã được áp dụng quyền yêu cầu công nhận sáng kiến là 01 năm kể từ ngày sáng kiến được đưa vào áp dụng lần đầu theo quy định tại Khoản 2 Điều 5 của Nghị định số 13/2012/NĐ-CP ngày 02 tháng 3 năm 2012 của Chính phủ ban hành Điều lệ Sáng kiến .và được hướng dẫn chi tiết như sau:

+ Thời hiệu để xác định quyền yêu cầu công nhận sáng kiến được tính kể từ ngày sáng kiến được đưa vào áp dụng lần đầu tiên (nếu sáng kiến trải qua các lần áp dụng thử thì tính từ ngày áp dụng thử lần đầu tiên) và chấm dứt tại thời điểm kết thúc ngày, tháng tương ứng của năm kế tiếp năm sáng kiến được đưa vào áp dụng lần đầu;

+ Cơ sở có quyền từ chối tiếp nhận đơn yêu cầu công nhận sáng kiến khi tác giả nộp sau thời hiệu quy định nêu trên.

8. Công nhận hiệu quả, phạm vi ảnh hưởng của sáng kiến: Sáng kiến đề nghị  xét, công nhận hiệu quả, phạm vi ảnh hưởng ở cấp cao hơn thì phải được công nhận và đề nghị của cấp dưới.

II. VỀ XÉT, CÔNG NHẬN SÁNG KIẾN CẤP TỈNH

A. CÁCH TRÌNH BÀY ĐƠN VÀ MÔ TẢ SÁNG KIẾN CẤP TỈNH

1. Thể thức Đơn yêu cầu công nhận sáng kiến cấp tỉnh

1.1. Đơn yêu cầu công nhận sáng cấp tỉnh theo mẫu quy định tại Phụ lục 1.

1.2. Mỗi đơn yêu cầu công nhận sáng kiến chỉ áp dụng cho một giải pháp. Trường hợp tác giả có nhiều giải pháp đề nghị công nhận sáng kiến thì không được gộp chung nhiều giải pháp đó vào trong một đơn mà phải trình bày riêng trong từng đơn yêu cầu công nhận sáng kiến.

1.3. Đơn yêu cầu công nhận sáng kiến được tác giả đánh máy vi tính hoặc viết tay trên giấy A4, trừ trường hợp khi mô tả nội dung sáng kiến tác giả phải lựa chọn khổ giấy khác để trình bày các bản vẽ, thiết kế, sơ đồ, ảnh chụp mẫu sản phẩm cho phù hợp. Việc sử dụng ngôn ngữ trong đơn theo yêu cầu như sau:

a) Sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt, chính xác, phổ thông;

b) Không dùng từ ngữ địa phương, từ ngữ cổ;

c) Chỉ được sử dụng từ ngữ nước ngoài khi không có từ ngữ tiếng Việt tương ứng để thay thế; nếu từ ngữ nước ngoài là từ ngữ thông dụng, phổ biến có thể sử dụng trực tiếp hoặc phải phiên âm sang tiếng Việt;

d) Phải sử dụng ngôn ngữ viết, cách diễn đạt phải ngắn gọn, rõ ràng, đơn giản, dễ hiểu;

đ) Khi sử dụng thuật ngữ chuyên môn cần phải làm rõ nội dung thì thuật ngữ đó phải được giải thích trong đơn;

e) Chỉ được sử dụng từ ngữ viết tắt trong trường hợp cần thiết và phải giải thích nội dung của từ ngữ đó tại lần xuất hiện đầu tiên trong đơn; nếu sử dụng nhiều từ viết tắt, cần phải có phụ lục giải thích toàn bộ các từ viết tắt trong đơn;

g) Từ ngữ phải được sử dụng thống nhất trong đơn và phải thể hiện chính xác nội dung cần truyền đạt, không làm phát sinh nhiều cách hiểu; trường hợp dùng từ có thể hiểu theo nhiều nghĩa thì phải giải thích theo nghĩa được sử dụng trong đơn.

1.4. Trường hợp Đơn yêu cầu công nhận sáng kiến được tác giả đánh máy vi tính thì phải sử dụng phông chữ tiếng Việt của bộ mã ký tự Unicode theo Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 6909:2001, cỡ chữ 13 hoặc 14.

1.5. Đơn yêu cầu công nhận sáng kiến phải được tác giả ký và ghi rõ họ tên vào mục người nộp đơn ở trang cuối cùng của đơn; trường hợp sáng kiến có đồng tác giả thì người nộp đơn phải là một trong các đồng tác giả và phải được các đồng tác giả còn lại đồng ý nộp đơn và cùng ký xác nhận vào đơn.

1.6. Không giới hạn số trang của Đơn yêu cầu công nhận sáng kiến; trường hợp đơn có từ 02 trang trở lên thì phải đánh số trang và tác giả phải ký xác nhận vào góc phải dưới cùng mỗi trang của đơn trừ trang cuối cùng đã có chữ ký của tác giả vào phần người nộp đơn.

Trường hợp sáng kiến có đồng tác giả thì trừ trang cuối cùng đã có đầy đủ chữ ký của các đồng tác giả theo quy định tại điểm 1.5 nêu trên, việc ký xác nhận vào các trang của đơn thực hiện như sau:

a) Người có tỷ lệ phần trăm đóng góp tạo ra sáng kiến nhiều nhất ký xác nhận;

b) Trường hợp các đồng tác giả có tỷ lệ phần trăm đóng góp như nhau thì người giữ chức vụ cao nhất ký xác nhận;

c) Trường hợp còn lại do các đồng tác giả tự thoả thuận để giao cho một đồng tác giả ký xác nhận vào các trang của đơn.

1.7. Trường hợp sáng kiến có đồng tác giả thì yêu cầu liệt kê khối lượng công việc đóng góp của từng tác giả để xác định tỷ lệ % đóng góp công sức, trí tuệ của tác giả kèm theo đơn.

2. Trình bày nội dung Đơn yêu cầu công nhận sáng kiến cấp tỉnh (Chi tiết tại Phụ lục 1)

B. TRÌNH TỰ, THỦ TỤC XÉT CÔNG NHẬN SÁNG KIẾN CẤP TỈNH

1. Thời điểm nhận hồ sơ và xét công nhận sáng kiến cấp tỉnh: Quí I năm liền kề của năm đề nghị. Cụ thể:

- Thời hạn nộp đơn: Tháng 01

- Thời hạn thẩm định bước đầu đơn: Xong trong tháng 02

- Thời hạn xét, công nhận: Xong trong tháng 03.

Đối với sáng kiến thuộc lĩnh vực giáo dục - đào tạo thời điểm xét công nhận sáng kiến cấp tỉnh trong vòng 3 tháng kể từ sau khi kết thúc năm học.

2. Hồ sơ đề nghị xét công nhận sáng kiến cấp tỉnh, gồm:

- Đơn yêu cầu công nhận sáng kiến cấp tỉnh (Phụ lục 1)

- Giấy chứng nhận sáng kiến cấp cơ sở (Phụ lục 2)

- Giấy xác nhận hiệu quả ứng dụng của sáng kiến tại cơ sở nơi công nhận sáng kiến và nơi sáng kiến đã được nhân rộng (Phụ lục 3)

3. Trình tự xét công nhận sáng kiến cấp tỉnh

3.1. Tiếp nhận và xem xét tính hợp lệ của đơn yêu cầu công nhận sáng kiến cấp tỉnh

Sở Khoa học và Công nghệ (Cơ quan Thường trực của Hội đồng sáng kiến tỉnh) khi nhận được yêu cầu công nhận sáng kiến có trách nhiệm:

a. Kiểm tra, xem xét đơn yêu cầu công nhận sáng kiến có đảm bảo theo quy định tại Điều 6 của Nghị định số 13/2012/NĐ-CP; Khoản 1 Điều 6 của Thông tư số 18/2013/TT-BKHCN và hướng dẫn này.

b. Vào sổ tiếp nhận đơn yêu cầu công nhận sáng kiến theo mẫu (Phụ lục 4)

3.2. Thẩm định bước đầu các sáng kiến đề nghị công nhận:

Cơ quan Thường trực của Hội đồng sáng kiến tỉnh tiến hành thẩm định bước đầu. Nội dung thẩm định theo (Phụ lục 5), gồm:

-  Đánh giá đối tượng nêu trong đơn theo quy định tại Điều 3 và Điều 4 của Nghị định số 13/2012/NĐ-CP và Điều 4 của Thông tư số 18/2013/TT-BKHCN.

-  Đánh giá tính mới của giải pháp nêu trong đơn bằng phương pháp sau:

+ Tiến hành tra cứu các văn bản, sách, tác phẩm báo chí, tài liệu kỹ thuật, tài liệu phục vụ cho hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ, các báo cáo khoa học, báo cáo kết quả của các chương trình, đề tài nghiên cứu và các tài liệu khác thuộc cùng lĩnh vực áp dụng sáng kiến đã được công bố trước thời điểm tác giả nộp đơn yêu cầu công nhận sáng kiến dưới bất kỳ hình thức nào có thể tiếp cận công khai trong phạm vi cơ sở. Mục đích của việc tra cứu thông tin là tìm giải pháp có bản chất tương tự hoặc trùng lặp với giải pháp nêu trong đơn, trong đó:

* Hai giải pháp được coi là trùng nhau khi có tất cả các dấu hiệu hoặc đặc điểm cơ bản trùng nhau hoặc tương đương, có thể thay thế được cho nhau;

* Hai giải pháp được coi là tương tự nhau khi có phần lớn các dấu hiệu hoặc đặc điểm cơ bản trùng nhau hoặc tương đương, có thể thay thế được cho nhau.

+ So sánh các dấu hiệu hoặc đặc điểm cơ bản của giải pháp nêu trong đơn với các dấu hiệu của giải pháp đối chứng được tìm thấy trong quá trình tra cứu thông tin, trong đó:

* Dấu hiệu cơ bản của giải pháp có thể là đặc điểm về chức năng, công dụng, cấu tạo, liên kết, thành phần cùng với các dấu hiệu cơ bản khác tạo thành một tập hợp cần và đủ để xác định bản chất, nội dung của đối tượng;

* Các dấu hiệu cơ bản của giải pháp nêu trong các tài liệu khác được thể hiện và phát hiện theo tài liệu mô tả hoặc dạng thể hiện thực tế của giải pháp đó.

+ Kết luận về tính mới của giải pháp nêu trong đơn:

* Giải pháp nêu trong đơn được coi là có tính mới nếu không tìm thấy giải pháp đối chứng trong quá trình tra cứu thông tin hoặc có tìm thấy giải pháp đối chứng nhưng giải pháp nêu trong đơn có ít nhất một dấu hiệu cơ bản không có mặt trong giải pháp đối chứng và dấu hiệu đó được gọi là dấu hiệu cơ bản khác biệt;

* Giải pháp nêu trong đơn được coi là không có tính mới nếu tìm thấy giải pháp có bản chất tương tự hoặc trùng lặp với giải pháp đã được tìm thấy qua tra cứu thông tin.

Lưu ý: Trường hợp cần thiết phải tra cứu thông tin về tình trạng bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật để đánh giá sáng kiến theo điều kiện quy định tại điểm b khoản 2 Điều 3 của Nghị định số 13/2012/NĐ-CP, thì tiến hành tra cứu từ cơ sở dữ liệu về sở hữu công nghiệp có tại Cục Sở hữu trí tuệ và các nguồn thông tin khác do Cục Sở hữu trí tuệ quy định (tham khảo trên Trang thông tin điện tử của Cục Sở hữu trí tuệ tại địa chỉ: http://www.noip.gov.vn hoặc thông qua đơn vị có chức năng tư vấn về sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật để hỗ trợ tra cứu về thông tin này).

- Đánh giá về hiệu quả áp dụng sáng kiến theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 3 của Nghị định số 13/2012/NĐ-CP:

+ Trường hợp giải pháp nêu trong đơn đã được áp dụng hoặc áp dụng thử tại cơ sở thì đánh giá khả năng mang lại lợi ích thiết thực theo quy định tại Khoản 2 Điều 4 của Nghị định số 13/2012/NĐ-CP, bằng cách so sánh hiệu quả khi áp dụng sáng kiến so với trường hợp không áp dụng giải pháp đó, hoặc so với những giải pháp tương tự đã biết;

+ Trường hợp sáng kiến là giải pháp cải tiến giải pháp đã biết trước đó thì cần phải đánh giá rõ hiệu quả áp dụng sáng kiến khắc phục được đến mức độ nào những nhược điểm của giải pháp đã biết.

+ Trường hợp áp dụng sáng kiến mang lại hiệu quả về mặt kinh tế thì việc xác định tiền làm lợi thực hiện theo quy định tại Điều 11 của Nghị định số 13/2012/NĐ-CP.

+ Kiểm tra, xác minh thực tế hiệu quả áp dụng giải pháp được mô tả trong đơn yêu cầu công nhận sáng kiến nếu thấy cần thiết.

3.3. Báo cáo Chủ tịch Hội đồng kết quả thẩm định bước đầu

- Cơ quan Thường trực của Hội đồng sáng kiến tỉnh báo cáo bằng văn bản cho Chủ tịch Hội đồng sáng kiến kết quả thẩm định bước đầu.

- Chủ tịch Hội đồng sáng kiến xem xét, cho ý kiến chỉ đạo.

3.4. Tổ chức họp Hội đồng sáng kiến tỉnh xét, đề nghị công nhận sáng kiến cấp tỉnh

Sau khi có ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Hội đồng sáng kiến tỉnh, Cơ quan Thường trực tham mưu tổ chức họp Hội đồng.

3.4.1. Công tác chuẩn bị của cơ quan Thường trực (Trước ngày họp Hội đồng ít nhất 7 ngày làm việc)

- Phát hành Giấy mời họp Hội đồng.

- Gửi đơn đề nghị công nhận sáng kiến; Báo cáo kết quả thẩm định bước đầu (thành viên Hội đồng nghiên cứu, tham khảo chuẩn bị ý kiến nhận xét, đánh giá tại cuộc họp Hội đồng.

- Chương trình cuộc họp.

3.4.2. Họp Hội đồng sáng kiến tỉnh

 Trình tự làm việc của Hội đồng sáng kiến:

a. Thư ký tuyên bố lý do, giới thiệu thành phần; thông qua Chương trình họp Hội đồng; công bố quyết định thành lập Hội đồng và báo cáo kết quả tiếp nhận, xử lý đơn yêu cầu công nhận sáng kiến;

b. Chủ tịch Hội đồng hoặc Phó Chủ tịch Hội đồng khi được Chủ tịch Hội đồng uỷ quyền chủ trì phiên họp, yêu cầu Thư ký thông qua danh mục sáng kiến đề nghị xét, công nhận.

c. Các thành viên Hội đồng và các đại biểu dự họp (nếu có):

- Trên cơ sở đã nghiên cứu Báo cáo kết quả thẩm định bước đầu đã gửi trước phát biểu thể hiện chính kiến của mình đối với từng sáng kiến, nhận xét đạt hoặc không đạt.

- Hội đồng thảo luận những ý kiến còn khác nhau của các thành viên. Trường hợp qua thảo luận cho thấy chưa đủ cơ sở để đưa ra kết luận công nhận hoặc không công nhận đối với sáng kiến nào thì Chủ tịch Hội đồng có thể lấy ý kiến biểu quyết của các thành viên Hội đồng để thống nhất chuyển xem xét trong phiên họp khác sau khi có đủ căn cứ xét công nhận hoặc từ chối công nhận sáng kiến;

d. Chủ tịch Hội đồng phát biểu kết luận đối với các ý kiến còn khác nhau qua thảo luận.

đ. Tổ kiểm phiếu phát phiếu đánh giá, chấm điểm (Phụ lục 6) để các thành viên Hội đồng tiến hành chấm điểm.

e. Tổ kiểm phiếu thu phiếu và kiểm phiếu dưới sự giám sát của Chủ tịch Hội đồng và các thành viên dự họp. Tổng hợp và công bố kết quả chấm điểm (Phụ lục 7).

g. Căn cứ kết quả chấm điểm Chủ tịch Hội đồng kết luận danh sách sáng kiến đề nghị công nhận, không công nhận và bế mạc cuộc họp.

3.5. Thông báo kết quả xét, đề nghị công nhận sáng kiến cấp tỉnh

Sau khi có kết quả họp Hội đồng, Cơ quan Thường trực Hội đồng thông báo kết quả đến các tác giả/đồng tác giả. Đối với các sáng kiến không được công nhận trong thông báo cần nêu rõ lý do theo kết luận của Hội đồng. Trong thời hạn 5 ngày làm việc sau khi thông báo nếu không có ý kiến phản đối, khiếu nại của cơ quan, tổ chức, cá nhân nào khác về kết quả thì Hội đồng sáng kiến tỉnh trình Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, ban hành Quyết định công nhận sáng kiến cấp tỉnh. Trường hợp có khiếu nại thì Hội đồng sáng kiến tỉnh tổ chức họp lại để xem xét và trả lời bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân khiếu nại.

3.6. Trình Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, ban hành quyết định công nhận sáng kiến cấp tỉnh

Cơ quan Thường trực Hội đồng tham mưu Hội đồng ký các văn bản trình Chủ tịch UBND tỉnh, gồm:

- Tờ trình công nhận sáng kiến cấp tỉnh năm......

- Biên bản họp Hội đồng sáng kiến tỉnh.

- Dự thảo Quyết định công nhận sáng kiến cấp tỉnh năm......

- Giấy chứng nhận sáng kiến cấp tỉnh năm.... theo (Phụ lục 8).

Mỗi sáng kiến được công nhận được cấp 01 Quyết định công nhận sáng kiến kèm theo Giấy chứng nhận sáng kiến và không cấp lại; trường hợp sáng kiến có đồng tác giả thì mỗi đồng tác giả được cấp 01 bản có giá trị như nhau.

3.7. Phổ biến sáng kiến cấp tỉnh

Việc phổ biến sáng kiến cấp tỉnh đã được công nhận thực hiện theo quy định tại Điều 14, Nghị định số 13/2012/NĐ-CP ngày 02/03/2012 của Chính phủ.

3.8. Huỷ bỏ việc công nhận sáng kiến cấp tỉnh

- Sáng kiến cấp tỉnh đã được công nhận sẽ bị hủy bỏ theo quy định tại Khoản 3 Điều 9 của Thông tư số 18/2013/TT-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ về hướng dẫn thi hành một số Điều của Điều lệ sáng kiến.

- Trình tự hủy bỏ như sau:

Khi có yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc các thành viên Hội đồng sáng kiến tỉnh phát hiện có sai phạm đối với sáng kiến cấp tỉnh đã được công nhận thì cơ quan Thường trực Hội đồng tham mưu:

+ Họp Hội đồng sáng kiến tỉnh họp để xem xét, tham mưu giải quyết và mời các cá nhân, đại diện các cơ quan, tổ chức có liên quan và tác giả (đồng tác giả) dự họp để giải trình và thống nhất phương án xử lý.

+ Cuộc họp của Hội đồng sáng kiến tỉnh phải được lập thành biên bản, trong đó ghi rõ ý kiến của những người dự họp và kết luận của Hội đồng.

+ Hội đồng sáng kiến tỉnh trình Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định hủy bỏ Giấy chứng nhận sáng kiến đã được công nhận (nếu có đủ căn cứ hủy bỏ theo quy định tại Khoản 3 Điều 9 của Thông tư số 18/2013/TT-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ về hướng dẫn thi hành một số Điều của Điều lệ sáng kiến).

+ Sau khi có Quyết định huỷ bỏ Giấy chứng nhận sáng kiến đã được công nhận của Chủ tịch UBND tỉnh, Cơ quan Thường trực Hội đồng sáng kiến tỉnh tiến hành thu hồi và huỷ bỏ Quyết định công nhận và Giấy chứng nhận sáng kiến đã cấp cho tác giả (đồng tác giả); thu hồi lại các khoản thù lao đã trả cho tác giả (đồng tác giả) và người tham gia tổ chức áp dụng sáng kiến lần đầu (nếu có); thu hồi hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền thu hồi, huỷ bỏ các chế độ, quyền lợi mà tác giả (đồng tác giả) được hưởng từ sáng kiến đó.

III. VỀ XÉT CÔNG NHẬN HIỆU QUẢ ÁP DỤNG VÀ PHẠM VI ẢNH HƯỞNG CỦA SÁNG KIẾN CẤP TỈNH

A. THẨM QUYỀN, ĐIỀU KIỆN, THỜI GIAN XÉT CÔNG NHẬN HIỆU QUẢ ÁP DỤNG VÀ PHẠM VI ẢNH HƯỞNG CỦA SÁNG KIẾN CẤP TỈNH

1. Chủ tịch UBND tỉnh xét công nhận hiệu quả, phạm vi ảnh hưởng của sáng kiến cấp tỉnh hoặc toàn quốc.

Trường hợp sáng kiến đã được công nhận bởi các cơ quan, đơn vị ngành dọc Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh do bộ, ngành Trung ương quản lý về biên chế, tổ chức thì việc xét công nhận hiệu quả, phạm vi ảnh hưởng của sáng kiến do cơ quan cấp trên của các cơ quan, đơn vị đó xem xét đánh giá.

2. Sáng kiến đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh công nhận hiệu quả, phạm vi ảnh hưởng khi có đủ các điều kiện sau:

- Đã được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận sáng kiến cấp tỉnh.

- Đã được áp dụng trong thực tiễn ít nhất 01 năm sau khi sáng kiến được công nhận.

- Có đầy đủ hồ sơ theo quy định tại khoản 1, phần B Hướng dẫn này.

Trường hợp tác giả (đồng tác giả) đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh xem xét công nhận hiệu quả áp dụng và phạm vi ảnh hưởng của sáng kiến trên phạm vi toàn quốc thì ngoài việc đáp ứng đủ các điều kiện nêu trên, tác giả (đồng tác giả) phải chứng minh được sáng kiến đáp ứng một trong các điều kiện sau đây:

- Đã được phổ biến, áp dụng rộng rãi trên phạm vi toàn quốc;

- Đã được chuyển giao áp dụng hiệu quả tại ít nhất 02 cơ sở ở địa phương khác nhau ngoài phạm vi tỉnh Kon Tum;

- Có khả năng áp dụng rộng rãi cho nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân khác trên phạm vi toàn quốc.

3. Thời gian: Theo tiến độ thời gian xét các danh hiệu thi đua, khen thưởng của tỉnh và khi có yêu cầu đề nghị của tác giả/nhóm tác giả có sáng kiến cấp tỉnh đã được công nhận.

B. HỒ SƠ, TRÌNH TỰ XÉT CÔNG NHẬN HIỆU QUẢ, PHẠM VI ẢNH HƯỞNG CỦA SÁNG KIẾN CẤP TỈNH

1. Hồ sơ đề nghị công nhận hiệu quả, phạm vi ảnh hưởng của sáng kiến cấp tỉnh

-  Đơn đề nghị công nhận hiệu quả, phạm vi ảnh hưởng của sáng kiến cấp tỉnh của tác giả/nhóm tác giả sáng kiến (Phụ lục 9).

- Tờ trình đề nghị xét công nhận hiệu quả, phạm vi ảnh hưởng sáng kiến cấp tỉnh của cơ sở xét công nhận sáng kiến cấp cơ sở.

- Bản sao Giấy chứng nhận sáng kiến cấp tỉnh.

- Báo cáo hiệu quả, phạm vi ảnh hưởng sáng kiến cấp tỉnh (Phụ lục 10).

- Các tài liệu chứng minh hiệu quả, phạm vi ảnh hưởng, khả năng áp dụng rộng rãi của sáng kiến (nếu có).

2. Trình tự xét công nhận hiệu quả, phạm vi ảnh hưởng của sáng kiến cấp tỉnh

2.1. Tác giả/nhóm tác giả nộp hồ sơ theo điểm 1, phần B về Sở Khoa học và Công nghệ (Cơ quan Thường trực của Hội đồng sáng kiến tỉnh). Sở Khoa học và Công nghệ kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ theo quy định điểm 1, phần B, hướng dẫn tác giả/nhóm tác giả bổ sung, hoàn thiện hồ sơ (nếu chưa đạt yêu cầu).

2.2. Trong thời gian 10 ngày làm việc sau khi nhận hồ sơ hợp lệ, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Ban thi đua khen thưởng tỉnh thẩm định bước đầu các hồ sơ trước khi tham mưu tổ chức họp Hội đồng sáng kiển tỉnh xem xét, đánh giá. Nội dung thẩm định theo (Phụ lục 11).

2.3. Trong thời gian 5 ngày làm việc sau khi có kết quả thẩm định bước đầu, Sở Khoa học và Công nghệ báo cáo Chủ tịch Hội sáng kiến tỉnh kết quả thẩm định bước đầu và xin ý kiến về thời gian tổ chức họp Hội đồng sáng kiến tỉnh xét, đề nghị công nhận hiệu quả, phạm vi ảnh hưởng của sáng kiến cấp tỉnh.

2.4. Sau khi có ý kiến của Chủ tịch Hội đồng sáng kiến tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ tham mưu họp Hội đồng sáng kiến tỉnh.

2.5. Trình tự, nội dung chính họp Hội đồng sáng kiến tỉnh:

-  Cơ quan Thường trực Hội đồng báo cáo kết quả nộp hồ sơ; kết quả thẩm định bước đầu và ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Hội đồng sáng kiến tỉnh về các sáng kiến đề nghị xét công nhận hiệu quả, phạm vi ảnh hưởng.

- Các thành viên Hội đồng thảo luận.

- Chủ tịch Hội đồng kết luận.

- Các thành viên Hội đồng đánh giá theo phiếu (Phụ lục 12).

- Thư ký Hội đồng tổng hợp phiếu.

- Chủ tịch Hội đồng kết luận.

2.6. Trình Chủ tịch UBND tỉnh ban hành quyết định công nhận hiệu quả, phạm vi ảnh hưởng của sáng kiến cấp tỉnh:

Trong vòng 5 ngày làm việc sau khi có kết quả đánh giá của Hội đồng sáng kiến tỉnh, Cơ quan Thường trực Hội đồng tiến hành:

- Tham mưu Chủ tịch Hội đồng sáng kiến tỉnh ký Tờ trình trình Chủ tịch UBND tỉnh xét, công nhận hiệu quả, phạm vi ảnh hưởng của sáng kiến cấp tỉnh.

- Dự thảo Quyết định công nhận hiệu quả, phạm vi ảnh hưởng của sáng kiến cấp tỉnh (Phụ lục 13).

2.7. Huỷ bỏ kết quả công nhận hiệu quả, phạm vi ảnh hưởng của sáng kiến cấp tỉnh:

- Các sáng kiến cấp tỉnh bị hủy bổ công nhận hiệu quả, phạm vi ảnh hưởng khi sáng kiến đó đã bị huỷ bỏ theo quy định tại điểm 3.8, khoản 3, phần B, mục II Hướng dẫn này.

- Hồ sơ đề nghị hủy bỏ kết quả công nhận hiệu quả, phạm vi ảnh hưởng của sáng kiến gồm có:

+ Tờ trình của Hội đồng sáng kiến tỉnh đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh hủy bỏ kết quả công nhận hiệu quả, phạm vi ảnh hưởng của sáng kiến cấp tỉnh.

+ Quyết định huỷ bỏ công nhận sáng kiến cấp tỉnh.

+ Dự thảo Quyết định hủy bỏ kết quả công nhận hiệu quả, phạm vi ảnh hưởng của sáng kiến cấp tỉnh

IV. ÁP DỤNG HƯỚNG DẪN

1. Các quy định tại Hướng dẫn này được áp dụng để xét công nhận sáng kiến; công nhận hiệu quả, phạm vi ảnh hưởng của sáng kiến cấp tỉnh từ năm 2020 trở đi. Các nội dung khác liên quan đến hoạt động sáng kiến không quy định trong hướng dẫn này thì thực hiện theo quy định của Nghị định số 13/2012/NĐ-CP và Thông tư số 18/2013/TT-BKHCN.

2. Các sở, ban, ngành, đoàn thể, đơn vị sự nghiệp cấp tỉnh; phòng, ban, đơn vị cấp huyện, thành phố; xã, phường, thị trấn; doanh nghiệp, hợp tác xã (gọi tắt là cơ quan, đơn vị) có thể vận dụng Hướng dẫn này để xây dựng các quy định cụ thể về xét công nhận sáng kiến; công nhận hiệu quả, phạm vi ảnh hưởng của sáng kiến cấp cơ sở.

3. Trong quá trình thực hiện phát hiện những khó khăn, vướng mắc hoặc phát sinh những vấn đề mới do quy định của Trung ương, Cơ quan Thường trực kịp thời báo cáo Hội đồng sáng kiến tỉnh sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.

Số lượt xem:34281

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
Công báo tỉnh Kon Tum















Trang thông tin điện tử Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum
Quản lý và nhập tin: Trung tâm Nghiên cứu, Ứng dụng và Dịch vụ KH&CN – Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Huỳnh Trung Kim - P. Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ - Trưởng Ban biên tập

Địa chỉ: Tầng 4 - Tòa nhà B Trung tâm Hành chính công tỉnh Kon Tum - Tổ 8, P. Thống Nhất, Tp. Kon Tum, tỉnh Kon Tum; Điện thoại: 0260.3862518 - Email: skhcn@kontum.gov.vn

Chung nhan Tin Nhiem Mang


639065 Tổng số người truy cập: 3940 Số người online:
TNC Phát triển: