banner
Chủ nhật, ngày 12 tháng 1 năm 2025
Các nhà khoa học vẫn còn “thờ ơ” với bảo hộ sáng chế cho sản phẩm nghiên cứu
11-12-2018

Mặc dù nhận thức về SHTT trong các viện/trường hai năm trở lại đây được gia tăng rõ rệt nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra, việc xác lập quyền bảo hộ sáng chế cho các sản phẩm nghiên cứu khoa học chưa được nhận thức một cách đầy đủ.

Đặc biệt, các nhà khoa học chưa đánh giá đúng về khả năng bảo hộ sáng chế cho sản phẩm nghiên cứu nên chưa tiến hành đăng ký.

Nhiều hạn chế trong hoạt động SHTT các viện/trường

Hạn chế này được ông Phan Ngân Sơn, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT), Bộ KH&CN nêu ra tại hội thảo “Tăng cường khả năng quản lý, thúc đẩy hoạt động sở hữu trí tuệ trong viện nghiên cứu, trường đại học”. Tham dự hội thảo có đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học.

Ông Sơn cho hay, theo thống kê của Liên đoàn Kế toán Quốc tế, nếu như vào những năm 1975, tài sản hữu hình chiếm đến 83% giá trị của doanh nghiệp thì sau 40 năm, con số này chỉ còn 16%. Điều này rõ ràng cho thấy tầm quan trọng của tài sản vô hình đối với việc định giá các doanh nghiệp trên thị trường. Cũng theo thống kê năm 2013, 80% giá trị của doanh nghiệp đưa lại là do quản lý tài sản vô hình, 20% là hữu hình.

Tại Việt Nam, nếu như trước đây, tình trạng đăng ký bảo hộ quyền SHTT của các viện/trường còn chiếm tỷ lệ thấp so với kết quả nghiên cứu của nhà khoa học, so với lượng đơn Cục SHTT nhận được.

ông Phan Ngân Sơn, cục phó cục SHTT

 

Ví dụ năm 2015, số lượng đăng ký sáng chế của các viện/trường chỉ chiếm ¼ so với tổng số đơn của các nhà sáng chế Việt Nam. Nhưng đến năm 2017 tăng lên trên 30%, sự gia tăng số đơn cho thấy nhận thức của các Viện, trường được nâng cao. Tuy nhiên vẫn còn có nhiều hạn chế trong hoạt động của các viện/trường.

Các sản phẩm đã được Chỉ dẫn địa lý thông qua Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ

Ông Sơn cho rằng, ngoài hạn chế về nhận thức nói trên thì còn phải kể đến việc phần lớn các viện/trường chưa có một chính sách riêng về SHTT phù hợp với điều kiện hoạt động của trường. Một số trường có chính sách phân định về quyền sở hữu để phân chia lợi nhuận khi tài sản trí tuệ được thương mại hóa, tuy nhiên phần nhiều các trường chưa có.

Bên cạnh đó, các viện/trường chưa có một tổ chức có chức năng về SHTT và chuyển giao công nghệ để hỗ trợ cho các nhà khoa học, tức là chưa có một nguồn nhân lực chuyên nghiệp về SHTT trong các viện/trường.

Việc khai thác thông tin sáng chế của các viện/trường không được chú trọng, gây ra tình trạng lãng phí nguồn nhân lực, đôi khi các nghiên cứu bị trùng lặp với giải pháp có sẵn trên thế giới nên không hoạch định được chiến lược nghiên cứu hiệu quả và dài hạn.

“Điều đáng nói là mặc dù những năm gần đây số lượng đăng ký bài báo trên các tạp chí của viện/trường gia tăng đáng kể, tuy nhiên đa phần các nhà khoa học cũng không nhận thức được cần phải tiến hành đồng thời đẩy mạnh công bố các bài báo khoa học, song song với đó là bảo hộ các sản phẩm khoa học của mình”, ông Sơn nói.

Xây dựng mạng lưới kết nối tạo ra hệ sinh thái SHTT

Thực tế cho thấy, giá trị tài sản trí tuệ có thể lớn hơn rất nhiều so với giá trị các tài sản hữu hình. Việc bảo hộ và khai thác hiệu quả giá trị tài sản trí tuệ góp phần thúc đẩy phát triển nền kinh tế, nâng cao năng lực, vị thế của các doanh nghiệp, tổ chức khoa học giúp tạo ra các sản phẩm có giá trị lớn, có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường trong và ngoài nước.

 

Hiện Cục SHTT là đơn vị được Bộ KH&CN giao cho quản lý Chương trình phát triển tài sản trí tuệ (Chương trình 68) , trong Chương trình này có các dự án nâng cao năng lực SHTT cho các trường đại học, tổ chức các lớp đào tạo chuyên sâu, tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp, không những cho các viên/trường mà cho cả các thành phần khác như doanh nghiệp, nhà quản lý, các địa phương cũng như các nhà thực thi… để tạo ra nguồn nhân lực trong hệ thống SHTT.

Triễn lãm các sản phẩm nghiên cứu tại trường Đại học Bách Khoa, Hà Nội

Cục SHTT cũng đang cùng WIPO triển khai Dự án khởi tạo môi trường SHTT nhằm tạo ra một hệ sinh thái SHTT, tức là xây dựng một mạng lưới các tổ chức SHTT của các viện/trường.

 

“Để làm được điều này, trước tiên các viện/trường phải xây dựng được một tổ chức có chuyên môn, có chức năng riêng biệt về SHTT và chuyển giao công nghệ. Cùng với Dự án sẽ xây dựng được một mạng lưới kết nối tạo ra hệ sinh thái SHTT. Các mạng lưới này tại các trường sẽ giúp cho hoạt động SHTT các viện/trường phát triển mạnh mẽ, trong đó có nguồn nhân lực đã được đào tạo chuyên môn, bài bản”, ông Sơn nhấn mạnh.

nguồn Truyền thông khoa học

Số lượt xem:650

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
Công báo tỉnh Kon Tum















Trang thông tin điện tử Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum
Quản lý và nhập tin: Trung tâm Nghiên cứu, Ứng dụng và Dịch vụ KH&CN – Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Huỳnh Trung Kim - P. Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ - Trưởng Ban biên tập

Địa chỉ: Tầng 4 - Tòa nhà B Trung tâm Hành chính công tỉnh Kon Tum - Tổ 8, P. Thống Nhất, Tp. Kon Tum, tỉnh Kon Tum; Điện thoại: 0260.3862518 - Email: skhcn@kontum.gov.vn

Chung nhan Tin Nhiem Mang


654739 Tổng số người truy cập: 1635 Số người online:
TNC Phát triển: