banner
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
Cần xây dựng cơ chế vượt trội, đột phá cho KH&CN
11-1-2021

Đó là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2020 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2021 của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN). Báo cáo tại Hội nghị cho thấy, trong năm 2020, KH&CN đã có nhiều thành tích nổi bật, tuy nhiên bên cạnh đó cũng còn một số hạn chế cần khắc phục nhằm nâng cao hơn nữa vai trò, vị trí của KH&CN trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

 KH&CN có những đóng góp quan trọng góp phần duy trì tăng trưởng dương của đất nước

2020 được đánh giá là năm có nhiều khó khách thách thức đặc biệt do đại dịch covid-19 gây ra không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới. Mặc dù vậy, Việt Nam là một trong những nước hiếm hoi trên thế giới duy trì được tăng trưởng dương. Đóng góp vào thành tích chung đó, không thể không nhắc đến những thành tích nổi bật của ngành KH&CN. Với vai trò là cơ quan quản lý ngành, Bộ KH&CN đã tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp với mục tiêu đưa khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển các ngành, lĩnh vực, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của quốc gia, thể hiện ở những mặt như:

Hệ thống pháp luật về KH&CN tiếp tục được hoàn thiện, tư duy quản lý KH&CN được đổi mới mạnh mẽ theo hướng phục vụ trực tiếp tăng trưởng kinh tế, phù hợp tình hình phát triển của đất nước và các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Những đổi mới tích cực nhất tập trung vào công tác đổi mới cơ chế tài chính, huy động nguồn kinh phí ngoài ngân sách nhà nước cho KH&CN; tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp; hoàn thiện chính sách thu hút, sử dụng, trọng dụng cán bộ, đặc biệt là nhà khoa học người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài ở Việt Nam; cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh, chuyển giao, ứng dụng, đổi mới công nghệ; phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; kết nối cung - cầu công nghệ, phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN; nâng cao năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4; tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Bên cạnh đó, KH&CN đã tập trung hướng dẫn triển khai thực hiện cơ chế tự chủ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện, sắp xếp lại các tổ chức KH&CN; hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển nhân lực KH&CN. Nhiều dự án đầu tư lớn được triển khai tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc. Số vốn đăng ký và giá trị sản xuất của 03 khu công nghệ cao quốc gia đều tăng.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định trình bày những thành tích nổi bật KH&CN Việt Nam năm 2020.

Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ngày càng phát triển. Năm 2020, Bộ KH&CN đã phối hợp với một số đơn vị liên quan tổ chức thành công Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia với trên 6.500 lượt người tham dự trực tiếp, trên 50.000 lượt tham gia trực tuyến; thu hút sự tham gia của hơn 150 nhà đầu tư, quỹ đầu tư trong và ngoài nước với mức đầu tư 14 triệu USD. Cùng với đó, tổ chức Ngày hội khởi nghiệp quốc gia theo vùng, tỉnh và lĩnh vực.

Một trong những thành công rất đáng ghi nhận đó là, năm 2020, Việt Nam tiếp tục giữ vững thứ hạng 42/131 quốc gia, vùng lãnh thổ về Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu và tiếp tục được xem là hình mẫu của các nước đang phát triển trong việc thiết lập đổi mới sáng tạo như một ưu tiên quốc gia.

Hệ thống tiêu chuẩn quốc gia (TCVN), quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) thường xuyên được rà soát, sửa đổi, bổ sung, cập nhật cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn và mức độ hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế (đến nay đã có 12.800 TCVN, tỷ lệ hài hòa trên 60%). Trong năm vừa qua, Bộ đã thẩm định và công bố 895 TCVN do các bộ, ngành xây dựng.

Trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, đã xử lý 68.971 đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp (tăng 8,3% so với năm 2019), cấp văn bằng bảo hộ cho 47.168 đối tượng sở hữu công nghiệp (tăng 15,6% so với năm 2019). Công tác an toàn bức xạ và hạt nhân được bảo đảm; đẩy mạnh ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình tập trung vào việc đảm bảo nguồn cung đồng vị phóng xạ, dược chất phóng xạ cho các cơ sở y tế.

Hoạt động hợp tác quốc tế được triển khai có hiệu quả trong bối cảnh đại dịch Covid-19 thông qua các hình thức họp trực tuyến và làm việc từ xa. Đặc biệt, trong năm Việt Nam đảm nhiệm chức Chủ tịch ASEAN 2020, Bộ đã tích cực thúc đẩy hoạt động hợp tác về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, chủ động triển khai các hoạt động trong danh mục sự kiện ASEAN 2020.

Bên cạnh công tác quản lý nhà nước về KH&CN nêu trên, các nhiệm vụ KH&CN được triển khai trong năm đã góp phần giải quyết nhiều vấn đề cấp thiết của đất nước. Cụ thể như:

Trong lĩnh vực khoa học xã hội, nhân văn: kết quả của các đề tài là các căn cứ, luận cứ đã đóng góp hiệu quả phục vụ công tác điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong phát triển kinh tế - xã hội; phục vụ trực tiếp việc chuẩn bị cho Văn kiện Đại hội XIII của Đảng.

Lĩnh vực nông nghiệp: KH&CN đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp, 38% trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi. Các Chương trình sản phẩm quốc gia, Chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Chương trình bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen... được triển khai hiệu quả, góp phần duy trì xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực trong đại dịch Covid-19. Nhiều doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trang trại tiên tiến đã và đang làm chủ được quy trình công nghệ, giảm giá thành sản phẩm, nhân rộng các quy trình công nghệ chuyển giao cho người sản xuất ở tất cả các lĩnh vực, trên các đối tượng cây, con chủ lực, tăng năng suất lao động, tăng hiệu quả kinh tế từ 15-30%, thúc đẩy sản xuất sản phẩm ở quy mô công nghiệp.

Lĩnh vực công nghiệp: đã chế tạo thành công nhiều thiết bị, dây chuyền sản xuất, chủng loại vật liệu mới phục vụ phát triển ngành cơ khí chế tạo, năng lượng, công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp… 

Lĩnh vực y dược: trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Bộ KH&CN đã huy động các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp triển khai các nhiệm vụ cấp bách và đạt nhiều kết quả quan trọng như: phân lập, nuôi cấy thành công vi rút; làm chủ công nghệ sản xuất bộ KIT phát hiện SARS-CoV-2 đạt tiêu chuẩn quốc tế; sản xuất vắc xin phòng Covid-19 bằng công nghệ protein tái tổ hợp và thuốc kháng thể đơn dòng điều trị đặc hiệu Covid-19, trong đó vắc xin Nanocovax đang thử nghiệm lâm sàng trên người tình nguyện; tổng hợp trên 1.700 công bố khoa học quốc tế về dịch bệnh; nghiên cứu chế tạo, thử nghiệm thành công robot vận chuyển, robot khử khuẩn sàn nhà trong khu cách ly. Đặc biệt, các nhà khoa học đã nghiên cứu thành công quy trình ghép chi thể từ người cho chết não, ghép ruột từ người cho sống, phẫu thuật tách cặp trẻ bị dính liền cơ thể.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt điều hành Hội nghị Tổng kết Bộ KH&CN 2020.

Cần xây dựng cơ chế vượt trội, đột phá cho KH&CN

Tham dự Hội nghị tổng kết, nhiều đại biểu đến từ các bộ/ngành, địa phương đã có tham luận, phát biểu đánh giá cao những kết quả đạt được của KH&CN trong năm qua, đề xuất, kiến nghị những nội dung cần hoàn thiện trong thời gian tới nhằm đón đầu một thập kỷ mới với nhiều cơ hội và thách thức như: Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Tạ Ngọc Tấn đánh giá cao sự đổi mới trong cơ chế quản lý các nhiệm vụ KH&CN, giao quyền tự chủ trong hoạt động nghiên cứu gắn với trách nhiệm của người đứng đầu, tạo ra một cơ chế thông thoáng trong công tác nghiên cứu, đạt hiệu quả cao hơn. Với trách nhiệm là cơ quan tổng hợp các kết quả nghiên cứu KH&CN trong cả nước, Phó Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương đề nghị Bộ KH&CN tạo điều kiện thuận lợi cho Hội đồng tiếp cận với các kết quả nghiên cứu của các chương trình quốc gia khác nhau, đặc biệt trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, từ đó giúp Hội đồng có những đề xuất về chính sách đối với Đảng, Chính phủ phù hợp và sát thực tiễn hơn. Đồng thời, đề nghị Bộ KH&CN tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý tài chính đối với các nhiệm vụ KH&CN, giảm tối đa các thủ tục thanh quyết toán, giúp các nhà khoa học chủ động hơn trong nghiên cứu và chịu trách nhiệm về kết quả nghiên cứu của mình.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng, năm 2020 ngành nông nghiệp ghi dấu ấn mạnh mẽ thông qua thành tích xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Thành tích đó có được là nhờ sự đầu tư mạnh mẽ của KH&CN trong giai đoạn vừa qua. Thứ trưởng đề nghị Bộ KH&CN trên cơ sở tổng kết nhiệm vụ KH&CN giai đoạn 2011-2020, tiến hành tái cấu trúc các chương trình KH&CN quốc gia, trong đó ưu tiên các chương trình liên quan đến KH&CN nông nghiệp. Đề nghị Bộ KH&CN sớm ký kết Chương trình phối hợp công tác giữa hai Bộ, cụ thể hóa chương trình hành động, xác định các nhiệm vụ, sản phẩm trọng tâm để đầu tư trong giai đoạn tới; tăng cường liên kết các tổ chức khoa học, viện nghiên cứu trong lĩnh vực nông nghiệp giúp cho hoạt động liên kết bốn nhà đạt hiệu quả cao hơn.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung đánh giá cao đóng góp của KH&CN vào việc nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Các hoạt động hợp tác song phương và đa phương về KH&CN đã phát huy hiệu quả tích cực. Thứ trưởng đề nghị KH&CN cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động hợp tác quốc tế, thực hiện có hiệu quả các thỏa thuận đã ký kết với các chính phủ, các tổ chức, bộ/ngành đối tác; có cơ chế và chính sách để huy động đội ngũ đại diện KH&CN Việt Nam ở nước ngoài đóng góp nhiều hơn nữa cho KH&CN đất nước.

Trong bài tham luận của mình, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh đến các vấn đề như: tăng cường sự kết nối hệ thống cơ sở dữ liệu nghiên cứu khoa học trong toàn quốc nhằm giúp các nhà khoa học thuận tiện hơn trong việc tra cứu kết quả, tránh được sự trùng lặp trong nghiên cứu; trong quản lý nhiệm vụ KH&CN cần chú ý đến đặc thù khác nhau giữa các ngành, từ đó có chính sách riêng phù hợp hơn cho hoạt động nghiên cứu; đề nghị Bộ KH&CN xây dựng Bộ tiêu chí đo lường, đánh giá các sản phẩm KH&CN. Qua đó, giúp cho việc đánh giá các kết quả nghiên cứu được kịp thời, minh bạch.

Các tham luận của các đại biểu như Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, Giám đốc Học viên Quân y 103, Phó Chủ tịch Hiệp hội da giầy Việt Nam… đều đánh giá cao những thành tích của KH&CN trong năm qua, KH&CN đã góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Các địa phương, doanh nghiệp đều nhận thức rằng, chỉ có khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo mới giúp Việt Nam có những bứt phá đi lên, duy trì được tăng trưởng, được quốc tế đánh giá cao.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đánh giá cao những kết quả ngành KH&CN đạt được trong một năm nhiều khó khăn, thách thức như năm 2020, đặc biệt là công tác quản lý các nhiệm vụ KH&CN có những bước đột phá, cải tiến và minh bạch hơn. Các đề tài, nhiệm vụ đã bớt dàn trải, tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Thủ tướng cũng nêu lên những tồn tại, hạn chế đòi hỏi toàn ngành KH&CN cần nỗ lực hơn nữa trong thời gian tới, như:

- KH&CN lấy doanh nghiệp là trung tâm của hoạt động nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo quốc gia, tuy nhiên hiện nay hoạt động đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp vẫn còn nhiều vướng mắc. Vì vậy, Bộ KH&CN cần nghiên cứu đề xuất những nhiệm vụ, chính sách cụ thể nhằm đưa doanh nghiệp thực sự là trung tâm của đổi mới, phát huy tối đa nguồn lực này trong phát triển kinh tế đất nước.

- Đổi mới mạnh mẽ hơn nữa cơ chế quản lý các nhiệm vụ KH&CN, hạn chế tối đa tình trạng lãng phí trong nghiên cứu. Đầu tư tập trung cho các nhiệm vụ trọng yếu phục vụ trực tiếp cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước, chăm sóc sức khỏe cộng đồng…, tránh tình trạng phân bổ các nhiệm vụ theo kiểu “chia thuốc”.

- Có cơ chế, chính sách vượt trội nhằm xây dựng hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, đổi mới cơ chế quản lý tài chính trong KH&CN. Phát triển KH&CN cần đi vào chiều sâu, đặc biệt là hoạt động KH&CN địa phương. KH&CN địa phương cần nâng cao hơn nữa vai trò, tiếng nói của mình, đóng góp nhiều hơn cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương mình.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đánh giá cao những kết quả KH&CN đạt được trong năm 2020.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý Bộ KH&CN trong nhiệm kỳ tới cần xây dựng được một chương trình tổng thể kết nối các ngành, lĩnh vực KH&CN khác nhau, huy động được sức mạnh của cá nhân, tập thể, địa phương, vùng để giải quyết những bài toán cụ thể của từng vùng, miền trong cả nước. Phó Thủ tướng bày tỏ mong muốn tập thể Lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức KH&CN cùng đoàn kết hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ đề ra trong giai đoạn tới, đưa KH&CN Việt Nam phát triển lên một tầm cao mới, đóng góp nhiều hơn cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Nguồn liên kết: https://vjst.vn/vn/tin-tuc/4238/can-xay-dung-co-che-vuot-troi--dot-pha-cho-khcn.aspx

Số lượt xem:584

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
Công báo tỉnh Kon Tum





de tai khoa hoc cap tinh








Trang thông tin điện tử Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum
Quản lý và nhập tin: Trung tâm Nghiên cứu, Ứng dụng và Dịch vụ KH&CN – Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Huỳnh Trung Kim - P. Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ - Trưởng Ban biên tập

Địa chỉ: Tầng 4 - Tòa nhà B Trung tâm Hành chính công tỉnh Kon Tum - Tổ 8, P. Thống Nhất, Tp. Kon Tum, tỉnh Kon Tum; Điện thoại: 0260.3862518 - Email: skhcn@kontum.gov.vn

Chung nhan Tin Nhiem Mang


553708 Tổng số người truy cập: 1798 Số người online:
TNC Phát triển: