banner
Thứ 3, ngày 24 tháng 12 năm 2024
Hoạt động KH&CN: Tiếp tục phát triển mạnh mẽ, tạo đà cho các năm tiếp theo
14-1-2022

Sáng 31/12/2021, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2022. Tham dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, đại diện lãnh đạo các bộ/ngành, cơ quan trung ương và địa phương.

 Những kết quả nổi bật

Quán triệt phương châm hành động của Chính phủ năm 2021 là“Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo và khát vọng phát triển, cùng đất nước vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19, Bộ KH&CN đã khẩn trương xây dựng và ban hành các chương trình, kế hoạch hành động để cụ thể hóa các định hướng, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội thành các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, đồng bộ và khả thi nhằm đưa khoa học, công nghệ và đổi mới sáng (KH,CN&ĐMST) đóng góp ngày càng hiệu quả vào nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân.

Trong năm qua, Bộ đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 20 văn bản nhằm thúc đẩy phát triển toàn diện và bền vững hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia; thúc đẩy phát triển thị trường KH&CN, nâng cao năng lực hấp thụ, làm chủ và đổi mới công nghệ của doanh nghiệp; khuyến khích các doanh nghiệp lớn đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ khuyến khích chuyển giao; đẩy nhanh tốc độ và hiệu quả phát triển trí tuệ nhân tạo trong tất cả các ngành, lĩnh vực; nghiên cứu, phát triển và ứng dụng KH&CN vũ trụ; xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, phát triển vắc-xin trong nước; hoàn thiện các quy định về nhãn hàng hóa. Bên cạnh đó, Bộ tập trung rà soát  các tồn tại, hạn chế của pháp luật để khắc phục, thúc đẩy hoạt động KH,CN&ĐMST trong bối cảnh tác động mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) và ảnh hưởng của đại dịch Covid-19; rà soát, đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật gây vướng mắc, cản trở hoạt động đầu tư kinh doanh và đời sống xã hội.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt chủ trì Hội nghị.

Bộ đã phối hợp với các cơ quan trung ương và địa phương tổ chức tái cơ cấu các chương trình KH&CN quốc gia giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong đó có nhiều giải pháp quan trọng như đơn giản hóa thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý chương trình, nhiệm vụ KH&CN ở tất cả các cấp, các ngành theo hướng chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà khoa học.

Các chương trình, nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia và hoạt động KH&CN tại các bộ/ngành, địa phương cũng được triển khai mạnh mẽ và đạt được nhiều kết quả tốt. Trong lĩnh vực y tế, KH&CN đã góp phần đắc lực trong bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, hầu hết các thành tựu nổi bật nhất của ngành này trong giai đoạn 2016-2020 như ghép phổi, truyền máu song thai, điều phối ghép tạng từ người cho chết não để cùng lúc cứu được nhiều người… đều gắn liền với Chương trình KH&CN cấp quốc gia KC.101. Trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, đã quy tụ hơn 300 nhà khoa học làm việc trong 5 năm liên tục để hoàn thiện bộ Quốc sử đồ sộ nhất từ trước đến nay. Trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản, số lượng công bố quốc tế của Việt Nam tăng 2,5% so với năm 2020. Trong lĩnh vực nông nghiệp, tiếp tục nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ và ứng dụng KH&CN trong toàn bộ các khâu của chuỗi sản xuất từ giống, quy trình canh tác, bảo quản, chế biến. Nhiều tiến bộ kỹ thuật, công nghệ sau khi áp dụng đã nâng cao hiệu quả của sản xuất tối thiểu từ 10-15%; sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, sản xuất bền vững với môi trường. Trong lĩnh vực công nghiệp, hoạt động ứng dụng, đổi mới công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo đã được các doanh nghiệp đặc biệt chú trọng, tận dụng một cách hiệu quả thành tựu của cuộc CMCN 4.0 thông qua việc ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất, quản trị doanh nghiệp, thực hiện chuyển đổi số, từng bước phát triển sản xuất thông minh, trở thành giải pháp cấp bách, có tính sống còn để giúp mỗi đơn vị vượt qua được những khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra...

Các hoạt động khác như phát triển thị trường công nghệ, tiêu chuẩn đo lường chất lượng, bảo hộ thực thi quyền sở hữu trí tuệ, năng lượng nguyên tử, an toàn bức xạ hạt nhân… đều đạt kết quả tốt, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tiếp tục phát triển mạnh mẽ, tạo đà cho các năm tiếp theo

Tham luận tại Hội nghị, đại diện các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp, bộ/ngành đều khẳng định tầm quan trọng của KH&CN và đưa ra các đề xuất, sáng kiến để tiếp tục phát huy vai trò nền tảng, động lực và tiên phong của KH&CN trong bối cảnh tương lai có nhiều thách thức song cũng không ít thời cơ. Theo PGS.TS Vũ Hải Quân (Giám đốc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh), với mô hình 4 V + 1 Mtrong thời gian tới sự kết nối, chia sẻ nguồn lực, hợp tác quốc tế… của các cơ sở đầu ngành về KH&CN sẽ được đẩy mạnh hơn, góp phần giải quyết tốt hơn các bài toán lớn của đất nước. Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan, tương lai của nền nông nghiệp như nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp xanh sẽ đều phải đặt trên nền tảng là KH&CN…

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam biểu dương những nỗ lực của Bộ KH&CN, các nhà khoa học, sự chung tay của các bộ/ngành/địa phương đã  từng bước dành sự quan tâm cho KH&CN nhiều hơn, thiết thực hơn. Theo Phó Thủ tướng, việc đánh giá những đóng góp của ngành KH&CN cần nhìn cả quá trình chứ không chỉ sau một vài năm hay một số sự kiện nổi bật. Trong 10 năm qua, ngành KH&CN đã có những đóng góp rất quan trọng. Phó Thủ tướng nêu ví dụ, đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng GDP từ mức 33,6% năm 2010 lên 45,2% năm 2020 (vượt mục tiêu đặt ra ở thời điểm năm 2010 là 39%). Tương tự, năm 2010 các mặt hàng có hàm lượng công nghệ cao chỉ chiếm 19% tổng kim ngạch xuất khẩu, đến nay tỷ lệ này đã xấp xỉ trên 50% và tiếp tục tăng. Không chỉ trong các ngành công nghiệp, điện tử, máy tính mà ngay trong lĩnh vực nông nghiệp, hàm lượng công nghệ cao cũng đã tăng lên. Năm 2010, đầu tư cho KH&CN chủ yếu từ ngân sách nhà nước, chiếm 70-80% nhưng đến năm 2020 tỷ lệ này là 48% từ Nhà nước, 52% từ doanh nghiệp. Những kết quả đó khẳng định ngành KH&CN đã đi đúng hướng và cần tiếp tục điều chỉnh thích hợp với những thay đổi trong nước và quốc tế.

Về các nhiệm vụ triển khai trong năm tới, Phó Thủ tướng lưu ý một số điểm chính. Thứ nhất, ngành KH&CN phải có cơ chế mạnh mẽ, tạo điểm nhấn trong phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo như là một bộ phận trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. Thứ hai, Bộ KH&CN cần chú trọng phát triển các mô hình nghiên cứu trong trường đại học và doanh nghiệp; chú trọng quy hoạch các cơ sở nghiên cứu khoa học, bao gồm các viện nghiên cứu trong doanh nghiệp, trường đại học, đồng thời tính đến mạng lưới liên kết với các trung tâm nghiên cứu ở nước ngoài. Thứ ba, quan tâm tới quá trình triển khai thí điểm mô hình Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc (VKIST), tháo gỡ các vướng mắc để mô hình này phát triển đúng nghĩa là mô hình mới trong quản trị khoa học và lan toả các kết quả nghiên cứu. Thứ tư, Bộ KH&CN phải tiên phong trong quản lý một cách khoa học, trên cơ sở hình thành cơ sở dữ liệu về quản lý khoa học, minh bạch hoá, công khai hoàn toàn các quy trình xét duyệt đề tài, phản biện..., tăng cường sự giám sát đồng đẳng trong giới khoa học. Thứ năm, Bộ KH&CN cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, nhất là Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để đẩy mạnh hoạt động KH&CN gắn với những vấn đề thiết thực ở địa phương, qua đó nâng cao vai trò của các Sở KH&CN. Thứ sáu, thúc đẩy hơn nữa các khoa học xã hội, khoa học chính trị với nhiều nghiên cứu lớn đang triển khai, đặc biệt là việc xây dựng bộ Địa chí Quốc gia Việt Nam - “Quốc chí”. Thứ bảy, ngành KH&CN phải đẩy mạnh phổ biến tri thức KH&CN cho toàn dân. “Năm 2022, Bộ KH&CN cần tạo chuyển biến rõ rệt, tạo đà cho những năm tiếp theo” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Các nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2022

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt khẳng định các chỉ đạo của Phó Thủ tướng tại buổi tổng kết sẽ tiếp tục là định hướng quan trọng cho hoạt động của Bộ trong thời gian tới. Bộ trưởng báo cáo Phó Thủ tướng về việc triển khai các nhiệm vụ đã được Chính phủ giao cho ngành trong thời gian gần đây, liên quan tới các hoạt động: tổ chức rà soát hệ thống các chương trình, nhiệm vụ, đề tài KH&CN, kết hợp với việc đổi mới cơ chế, phương thức quản lý các chương trình, đề tài nghiên cứu khoa học; xây dựng chính sách, giải pháp để đại học thực sự trở thành trung tâm nghiên cứu KH&CN; tăng cường hoạt động KH&CN tại các địa phương. Ngoài các nội dung trên, Bộ KH&CN cũng đang triển khai các nhiệm vụ khác mà Chính phủ đã giao, như: xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu KH&CN; xây dựng chính sách để các doanh nghiệp tăng cường trích lập quỹ phát triển KH&CN; quy hoạch lại hệ thống cơ sở nghiên cứu KH&CN của Việt Nam trong thời kỳ mới…

Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định báo cáo tại Hội nghị.

Trước đó, trong báo cáo tổng kết, Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định nêu rõ, năm 2022 được Bộ xác định là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Dự báo bối cảnh trong nước và trên thế giới vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, dịch Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Thực hiện mục tiêu thúc đẩy, ứng dụng mạnh mẽ KH,CN&ĐMST, nhất là những thành tựu của cuộc CMCN 4.0 để phục hồi kinh tế, tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững đất nước, Bộ đã xác định 8 nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2022, bao gồm:

1. Tập trung triển khai Chiến lược phát triển KH,CN&ĐMST giai đoạn 2021-2030, Kế hoạch ngành KH&CN giai đoạn 2021-2025.

2. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện các chính sách, quy định để thúc đẩy phát triển KH,CN&ĐMST: (i) Hoàn thiện dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, trình Quốc hội thông qua vào Kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khóa XV; (ii) Lập đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KH&CN trình Chính phủ để đưa vào Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2023; (iii) Đề xuất sửa đổi, bổ sung các chính sách về tài chính, đầu tư, KH&CN để thúc đẩy sự phát triển của KH,CN&ĐMST, đồng thời đồng bộ với quy định của pháp luật về tài chính, đầu tư, mua sắm công và quản lý công chức, viên chức.

3. Quy hoạch toàn bộ hệ thống các tổ chức KH&CN của đất nước, lưu ý đến các tổ chức nghiên cứu thuộc các doanh nghiệp và các tổ chức tư nhân; đề xuất các chính sách về tự chủ cho các tổ chức KH&CN công lập. Tiếp tục xây dựng cơ chế trọng dụng các nhà khoa học, nhất là các nhà khoa học tài năng, phù hợp với quy luật của thị trường lao động.

4. Tiếp tục xây dựng, triển khai hiệu quả, có trọng điểm các chương trình KH&CN cấp quốc gia. Xác định rõ những công nghệ trọng điểm cần ưu tiên phát triển dựa trên thế mạnh, thực tiễn của Việt Nam; hình thành các đầu bài lớn; đổi mới cách xác định và triển khai các nhiệm vụ KH&CN phục vụ các sản phẩm quốc gia, sản phẩm trọng điểm.

5. Nghiên cứu, đề xuất cơ chế thí điểm phát triển loại hình doanh nghiệp KH&CN tại các viện nghiên cứu, trường đại học theo mô hình doanh nghiệp khởi nguồn (spin-off). Tăng cường gắn kết, hợp tác giữa các trường đại học, viện nghiên cứu với khu vực công nghiệp và doanh nghiệp để đẩy mạnh thương mại hóa kết quả nghiên cứu trong thực tiễn sản xuất, kinh doanh.

6. Thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia để phát triển mạnh lực lượng doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo có tiềm năng tăng trưởng nhanh. Đẩy nhanh thành lập các trung tâm khởi nghiệp sáng tạo quốc gia, trước mắt tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh; tăng cường liên kết các mạng lưới đổi mới sáng tạo trong và ngoài nước.

7. Tích cực, chủ động hội nhập và hợp tác quốc tế về KH&CN; tranh thủ trao đổi, tiếp nhận những thành tựu KH&CN của thế giới, tận dụng tối đa cơ hội của Cuộc CMCN 4.0 mang lại để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

8. Đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số gắn với cải cách thủ tục hành chính. Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong quản lý nhiệm vụ KH&CN, công khai, minh bạch để các nhà khoa học và cộng đồng giám sát. Hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về KH&CN, bảo đảm tích hợp, kết nối, chia sẻ với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành.

Trong khuôn khổ Hội nghị tổng kết đã diễn ra Lễ ký Kế hoạch phối hợp hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2022-2025 giữa Bộ KH&CN với Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dưới sự chứng kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam.

 Nguồn: Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam
Số lượt xem:7334

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
Công báo tỉnh Kon Tum















Trang thông tin điện tử Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum
Quản lý và nhập tin: Trung tâm Nghiên cứu, Ứng dụng và Dịch vụ KH&CN – Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Huỳnh Trung Kim - P. Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ - Trưởng Ban biên tập

Địa chỉ: Tầng 4 - Tòa nhà B Trung tâm Hành chính công tỉnh Kon Tum - Tổ 8, P. Thống Nhất, Tp. Kon Tum, tỉnh Kon Tum; Điện thoại: 0260.3862518 - Email: skhcn@kontum.gov.vn

Chung nhan Tin Nhiem Mang


623883 Tổng số người truy cập: 2578 Số người online:
TNC Phát triển: