banner
Thứ 3, ngày 26 tháng 11 năm 2024
Ra mắt bản đồ số của người Việt
4-10-2019

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông... cùng nhấn nút ra mắt Bản đồ số Việt Nam (Vmap). Ảnh: VGP/Đình Nam

Ngày 01/10, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ ra mắt nền tảng Bản đồ số Việt Nam - Vmap trong khuôn khổ Đề án Chính phủ “Phát triển Hệ tri thức Việt số hoá”. Đến dự Lễ ra mắt có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp.

Được chính thức triển khai từ năm 2018, Đề án “Phát triển Hệ tri thức Việt số hóa” có mục tiêu phát triển nền tảng dữ liệu, tri thức trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đến nay, Đề án đã bước đầu hình thành hệ thống nền tảng với các chức năng và công cụ cho phép thu thập, xử lý và chia sẻ các dữ liệu dùng chung trong một số lĩnh vực.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh cho biết: Đề án “Phát triển Hệ tri thức Việt số hoá” là đề án rất quan trọng, mang tính dài hạn của Chính phủ, trong đó giao cho Bộ Khoa học và Công nghệ với tư cách thường trực, phối kết hợp với các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp tổ chức thực hiện Đề án. Đề án mang tính kết nối tri thức dựa trên nền tảng những công nghệ mới nhất như trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (BigData).

Với mạng lưới hơn 12.000 điểm phục vụ cùng hơn 50.000 lao động trải rộng tới tận cấp xã, thôn bản và hệ thống công nghệ thông tin hiện đại, cùng kinh nghiệm thu thập dữ liệu trong nhiều lĩnh vực, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam được giao là đơn vị chủ trì, phối hợp với Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Đại học Quốc gia Hà Nội xây dựng và triển khai dự án “Nền tảng dữ liệu Bản đồ số Việt Nam” - Vmap.

Trong hơn 3 tháng, hơn 120.000 nhân viên Bưu điện và đoàn viên, thanh niên trên cả nước đã tích cực tới từng khu phố, thôn bản để thu thập thông tin. Thông qua điện thoại thông minh đã cài đặt phần mềm có các tính năng thu thập dữ liệu, gắn tọa độ, thời gian, chụp ảnh… mỗi nhân viên đã thu thập tên địa chỉ (hộ gia đình, cửa hàng, địa điểm…); địa chỉ chi tiết của địa điểm (số nhà, đường phố, hẻm, xóm…) và các ghi chú về loại đối tượng (nhà hàng, nhà dân, ngân hàng, chợ… ). Sau khi xác nhận thông tin chuẩn, dữ liệu sẽ được tích hợp và đưa lên bản đồ số Việt Nam tại địa chỉ https://map.itrithuc và htpts://vmap.vn.

Vmap xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu bản đồ nền (lớp bản đồ về biên giới, hành chính, giao thông, sông ngòi…). Các lớp cơ sở dữ liệu chứa các thông tin về tọa độ, thông tin đi kèm của các đối tượng (địa danh, trường học, bệnh viện, hiệu thuốc, khách sạn…) và địa chỉ nhà dân.

Hiện Vmap đang có hơn 23,4 triệu dữ liệu địa chỉ trên cả nước. Bên cạnh các tính năng cơ bản như tìm kiếm địa chỉ, chỉ đường, Vmap sẽ đi theo một hướng đi khác biệt, hữu ích nhất cho người dùng. Đó là hiển thị lớp bản đồ riêng của các lĩnh vực trong cuộc sống và hiển thị địa chỉ chi tiết tới từng số nhà, dù ở thành thị hay miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Thời gian tới, Bưu điện Việt Nam sẽ tiếp tục cập nhật các dữ liệu, thông tin lên Vmap. Đặc biệt, đội ngũ bưu tá mỗi lần đi phát hàng hóa, thư báo cũng liên tục cập nhật thêm các thông tin cần thiết lên bản đồ trực tuyến Vmap. Ngoài ra, Vmap cũng sẽ được bổ sung thêm các ứng dụng đi kèm để hấp dẫn hơn và giúp người dùng sử dụng các ứng dụng nhanh chóng, thuận tiện hơn.

Đánh giá về Vmap, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Phạm Đại Dương cho biết, thông qua dự án này, một mặt người dùng của Phú Yên được tiếp cận và truy cập các dữ liệu dùng chung của cả hệ thống tri thức Việt số hoá. Mặt khác, đây cũng là cơ hội để quảng bá tri thức, văn hoá, du lịch của địa phương cho cả nước. Đóng góp thực hiện Vmap, chỉ trong vòng 2 tuần cuối năm 2018, các đoàn viên thanh niên, cán bộ bưu điện tỉnh và tình nguyện viên của Phú Yên đã thu thập và cập nhật toàn bộ 218.000 địa chỉ trên toàn tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã xây dựng kế hoạch triển khai các dự án về giáo dục, văn hoá, du lịch,… để đóng góp vào Hệ tri thức Việt số hoá.

Đánh giá cao tính ứng dụng của Vmap, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam Lê Thanh Hưng cho biết, các doanh nghiệp thương mại điện tử rất cần các dịch vụ bản đồ số và hiện đang sử dụng các dịch vụ khác nhau có sẵn trên thị trường. Tuy nhiên, các dịch vụ này đa phần do các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp và còn thiếu nhiều thông tin địa phương.

“Chúng tôi kỳ vọng Vmap sẽ cung cấp các dịch vụ và dữ liệu phong phú, giúp ích cho cộng đồng doanh nghiệp nói chung, trong đó bao gồm cả doanh nghiệp logistic và doanh nghiệp thương mại điện tử. Từ góc độ hiệp hội, chúng tôi sẽ đồng hành cùng bản đồ trực tuyến của người Việt, vận động các doanh nghiệp khai thác, sử dụng và liên tục cập nhật thông tin lên bản đồ số để Vmap dần trở nên quen thuộc và đem lại nhiều tiện ích cho người dùng", ông Hưng nói.

Nguồn Báo điện tử Chính phủ

Số lượt xem:1629

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
Công báo tỉnh Kon Tum





de tai khoa hoc cap tinh








Trang thông tin điện tử Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum
Quản lý và nhập tin: Trung tâm Nghiên cứu, Ứng dụng và Dịch vụ KH&CN – Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Huỳnh Trung Kim - P. Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ - Trưởng Ban biên tập

Địa chỉ: Tầng 4 - Tòa nhà B Trung tâm Hành chính công tỉnh Kon Tum - Tổ 8, P. Thống Nhất, Tp. Kon Tum, tỉnh Kon Tum; Điện thoại: 0260.3862518 - Email: skhcn@kontum.gov.vn

Chung nhan Tin Nhiem Mang


556535 Tổng số người truy cập: 6229 Số người online:
TNC Phát triển: