banner
Thứ 6, ngày 27 tháng 12 năm 2024
Sở hữu trí tuệ góp phần quan trọng vào tăng Chỉ số đổi mới sáng tạo và Chỉ số năng lực cạnh tranh của Việt Nam
29-4-2021

Ngày 27/4/2021, tại TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Lâm Đồng tổ chức Hội nghị sở hữu trí tuệ năm 2021. Tham dự Hội nghị có hơn 300 đại biểu đến từ Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, viện nghiên cứu, trường đại học, tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp (SHCN), 59 Sở KH&CN trên cả nước...

Hội nghị sở hữu trí tuệ năm 2021 được tổ chức nhằm tổng kết, đánh giá công tác quản lý nhà nước về SHTT ở Trung ương và các địa phương trong giai đoạn 2019-2020 và trao đổi, thảo luận về những định hướng trong hoạt động SHTT năm 2021 và những năm tiếp theo. Hội nghị cũng đề cập đến những nội dung chính của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT; báo cáo về kết quả sau 1 năm triển khai Chiến lược SHTT đến năm 2030; báo cáo tổng kết Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016-2020 và định hướng lớn của Chương trình đến năm 2030...

Theo báo cáo tại Hội nghị, năm 2020, Cục SHTT đã tiếp nhận hơn 125.000 đơn các loại (tăng trên 4% so với năm 2019), trong đó có hơn 76.000 đơn đăng ký xác lập quyền SHCN (tăng 1,3% so với năm 2019); gần 49.000 đơn/yêu cầu khác về sửa đổi đơn, chuyển nhượng đơn, cấp lại văn bằng bảo hộ, gia hạn hiệu lực văn bằng bảo hộ... Bên cạnh việc tiếp nhận, Cục đã xử lý được hơn 113.000 đơn các loại, trong đó có 71.829 đơn đăng ký xác lập quyền SHCN (tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2019). Năm 2020, Cục đã cấp hơn 48.000 văn bằng bảo hộ SHCN (tăng 18,1% so với năm 2019), bao gồm 4.597 bằng độc quyền sáng chế/giải pháp hữu ích, 2.066 bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp, 33.700 giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu quốc gia, 7.688 đăng ký quốc tế nhãn hiệu. Đặc biệt, đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý được cấp năm 2020 đạt mức cao nhất từ trước đến nay (22 đơn). Kết quả này thể hiện sự cố gắng, nỗ lực của Cục SHTT trong hoạt động xác lập quyền SHTT, cơ bản đáp ứng nhu cầu bảo hộ tài sản trí tuệ của cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp, góp phần bảo đảm môi trường đầu tư, kinh doanh lành mạnh tại Việt Nam, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã và đang diễn biến phức tạp.

Bên cạnh đó, công tác phát triển tài sản trí tuệ được Cục đặc biệt quan tâm, thúc đẩy thông qua việc góp ý các Văn kiện của Đảng, Nghị quyết của Hội đồng nhân dân, Quyết định của UBND các tỉnh/thành phố về sử dụng tài sản trí tuệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Tính đến năm 2020, có 42 tỉnh/thành phố đã ban hành Chương trình phát triển tài sản trí tuệ; 1.148 sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã phường một sản phẩm) được hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ; hàng nghìn lớp tập huấn, đào tạo và chương trình truyền thông về SHTT được thực hiện.

Ngoài ra, Cục đã chú trọng rà soát, hoàn thiện và xây dựng mới các Quy chế nội bộ liên quan đến tiếp nhận, xử lý, khiếu nại, cấp văn bằng bảo hộ và chuyển giao quyền SHCN cho phù hợp với quy định hiện hành, cũng như nâng cao chất lượng, đẩy nhanh tiến độ và minh bạch hóa công tác tiếp nhận, xử lý và cấp văn bằng bảo hộ SHCN. Công tác xây dựng pháp luật được Cục SHTT thực hiện đúng tiến độ đề ra; việc triển khai Chiến lược SHTT đến năm 2030 và Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đã giúp nâng cao vai trò, vị thế của KH&CN ở các Bộ, ngành và địa phương; công tác hội nhập và hợp tác quốc tế về SHTT được duy trì, đóng góp tích cực vào thực hiện nhiệm vụ đối ngoại của đất nước, của Bộ KH&CN nói chung và của Cục nói riêng. Năm 2020, Việt Nam tổ chức tốt các hoạt động trong Năm ASEAN 2020; đảm nhiệm tốt vị trí Chủ tịch Nhóm công tác về SHTT của ASEAN. Cục SHTT cũng đã chủ động, tích cực trong đàm phán nội dụng về SHTT trong các Hiệp định thương mại quốc tế...

Có thể thấy, hoạt động của Cục SHTT ngày càng trở nên gắn kết với hoạt động chung của Chính phủ, Bộ KH&CN, các Bộ/ngành và địa phương. SHTT dần trở thành công cụ hữu hiệu để phát triển kinh tế - xã hội, góp phần quan trọng vào việc cải tạo Chỉ số đổi mới sáng tạo (GII) và Chỉ số năng lực cạnh tranh (GCI) của Việt Nam.

Tại Hội nghị, các chuyên gia, nhà quản lý cũng đã chia sẻ, thảo luận về kết quả hoạt động SHTT của địa phương trong thời gian qua. Ghi nhận cho thấy, công tác quản lý nhà nước về SHCN của các địa phương trong năm 2020 đã đạt được những thành quả nhất định, trong đó có thể kể đến các mặt công tác đạt được hiệu quả tốt, như hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về SHCN, hoạt động tư vấn, hướng dẫn việc đăng ký xác lập và bảo vệ quyền SHCN, công tác thực thi, xử lý các hành vi xâm phạm quyền SHCN và công tác khuyến khích, hỗ trợ các hoạt động sáng kiến, sáng tạo. Một số địa phương tiêu biểu như TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Sơn La, Hà Tĩnh, Cần Thơ, An Giang, Lâm Đồng, Bắc Giang, Hà Nội, Lào Cai, Bình Định, Kon Tum... đã thực hiện công tác quản lý nhà nước về SHCN đạt kết quả tốt.

Hoạt động quản lý nhà nước về SHCN ở các địa phương đã góp phần không nhỏ vào phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Có được kết quả này là nhờ sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các cấp lãnh đạo, sự cố gắng nỗ lực của các đơn vị, cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về SHCN tại địa phương. Bên cạnh đó là nhờ kết quả thực hiện hàng trăm dự án hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ đã góp phần tạo sự chuyển biến tích cực, nâng cao nhận thức của công chúng về việc bảo hộ quyền SHCN tại các địa phương.

Trên cơ sở những kết quả đạt được năm 2020 và phân tích những thuận lợi, khó khăn, trong năm 2021, Cục SHTT tập trung triển khai xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung Luật SHTT cùng các văn bản hướng dẫn thi hành để kịp trình Quốc hội vào tháng 10/2021; tiếp tục hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương triển khai có hiệu quả Chiến lược SHTT đến năm 2030 nói chung và tích cực thực hiện Kế hoạch triển khai Chiến lược SHTT của Bộ KH&CN nói riêng; đẩy mạnh công tác xử lý đơn đăng ký xác lập quyền SHCN, đơn khiếu nại và các yêu cầu liên quan đến văn bằng bảo hộ SHCN; tiếp tục đơn giản hóa thủ tục, nâng cao chất lượng và minh bạch hóa trong công tác thẩm định đơn; chủ động tham gia đàm phán và triển khai có hiệu quả nội dung SHTT trong các Hiệp thương mại quốc tế; đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế để tranh thủ các nguồn lực nhằm nâng cao năng lực của Cục và hệ thống SHTT; triển khai dịch vụ thông tin SHCN phục vụ công tác nghiên cứu và triển khai...

Nguồn: TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ VIỆT NAM

Số lượt xem:699

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
Công báo tỉnh Kon Tum















Trang thông tin điện tử Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum
Quản lý và nhập tin: Trung tâm Nghiên cứu, Ứng dụng và Dịch vụ KH&CN – Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Huỳnh Trung Kim - P. Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ - Trưởng Ban biên tập

Địa chỉ: Tầng 4 - Tòa nhà B Trung tâm Hành chính công tỉnh Kon Tum - Tổ 8, P. Thống Nhất, Tp. Kon Tum, tỉnh Kon Tum; Điện thoại: 0260.3862518 - Email: skhcn@kontum.gov.vn

Chung nhan Tin Nhiem Mang


628846 Tổng số người truy cập: 1691 Số người online:
TNC Phát triển: