banner
Thứ 2, ngày 23 tháng 12 năm 2024
Sửa đổi 5 thông tư quản lý nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia: Kéo dài thời gian tài trợ, rút ngắn thủ tục hành chính
20-2-2023

Mặc dù chưa như mong mỏi của các nhà khoa học lâu nay, nhưng việc cùng một lúc sửa đổi năm thông tư quản lý các chương trình KH&CN cấp quốc gia, với các điều chỉnh chủ yếu rút ngắn thủ tục hành chính và tài chính, đã là những thay đổi rất lớn đối với các nhà quản lý.

Trong lần tái cấu trúc các Chương trình KH&CN cấp quốc gia lần này, thay đổi lớn nhất về quan điểm quản lý là tài trợ dài hơi hơn khi kéo dài thời gian thực hiện các nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia lên tới 10 năm giúp các nhà khoa học có đủ thời gian để theo đuổi những đề tài có định hướng ứng dụng tới lúc trở thành một sản phẩm công nghệ và chấp nhận rủi ro trong quá trình thực hiện đề tài. Để đáp ứng định hướng mới này, Bộ KH&CN đang tiến hành sửa đổi một loạt thông tư quản lý đề tài nhằm tạo điều kiện thông thoáng hơn cho các nhà khoa học thực hiện nhiệm vụ KH&CN quốc gia.
 
Tại Hội thảo “Đổi mới quy định quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia” do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức ngày 9/2/2023 tại Hà Nội, ông Nguyễn Nam Hải, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính, Bộ KH&CN, cho biết các nội dung sửa đổi sẽ bám sát theo ba định hướng quan trọng gồm nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước đầu tư cho nhiệm vụ KH&CN, đồng thời, chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học, tạo điều kiện cho khoán chi và tăng cường hậu kiểm trong quản lý nhiệm vụ KH&CN; tạo điều kiện đơn giản hóa về thủ tục thực hiện cho các bên tham gia, khuyến khích doanh nghiệp tham gia phối hợp thực hiện cùng các viện, trường, tăng cường công khai, minh bạch, bảo đảm liêm chính học thuật; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng cơ sở dữ liệu đã hình thành và tạo ra cơ sở dữ liệu theo thời gian thực. Tinh thần “chống tiêu cực bằng cách tăng cường công khai minh bạch, đảm bảo liêm chính học thuật” như ông Nam Hải chia sẻ, chứ không phải bằng các thủ tục hành chính rườm rà và nhiêu khê tới mức nhiều nhà khoa học đã phản ánh “chứng từ báo cáo hành chính và tài chính của đề tài còn dày hơn nhiều lần so với báo cáo thực hiện đề tài”, là một điểm mới trong quan điểm quản lý.
 
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt tham quan Phòng thí nghiệm Nhà máy số của trường Đại học Bách khoa Hà Nội - Nguồn: hust.edu.vn
 
Lần sửa đổi cùng một lúc 5 thông tư quy định quản lý nhiệm vụ KHCN là lần đổi mới lớn nhất từ trước đến nay, theo hết “một vòng đời” của đề tài, từ khâu xác định nhiệm vụ, tổ chức đặt hàng, tuyển chọn và xét chọn, kiểm tra trong quá trình thực hiện đến khâu đánh giá nghiệm thu cuối cùng nhiệm vụ KHCN. Điều này thể hiện quyết tâm rất lớn của Bộ KH&CN trong việc tái cơ cấu, hoàn thiện hành lang pháp lý cho việc triển khai các nhiệm vụ, chương trình KH&CN cấp quốc gia.
 
Trọng tâm sửa đổi 5 thông tư về tổ chức quản lý các Chương trình KH&CN cấp quốc gia (Thông tư số 05/2015/TT BKHCN), trình tự, thủ tục xác định nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia (Thông tư số 07/2014/TT BKHCN và 03/2017/TT-BKHCN), tuyển chọn, giao trực tiếp tổ chức, cá nhân chủ trì nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia (Thông tư số 08/2017/TT-BKHCN), kiểm tra, đánh giá, điều chỉnh và chấm dứt hợp đồng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia (Thông tư số 04/2015/TT-BKHCN) và đánh giá, nghiệm thu nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia (Thông tư số 11/2014/TT BKHCN) là rút gọn quy trình thủ tục tài chính, hành chính trong quá trình thực hiện đề tài.
 
Trong đó trình tự và thời gian tuyển chọn, giao trực tiếp tổ chức, cá nhân chủ trì đề tài có nhiều sửa đổi lớn như sử dụng cả phương thức tuyển chọn đề tài trực tiếp và trực tuyến, đẩy nhanh tiến độ xét duyệt đề tài bằng cách điều chỉnh thời gian nộp hồ sơ xuống còn 30 ngày, tức là chỉ bằng ½ thời gian so với trước, chấp nhận rủi ro khi bỏ quy định treo hai năm không được xét tuyển chọn nếu có nhiệm vụ trước đó bị kết luận không đạt, bỏ quy định yêu cầu các tổ chức thực hiện đề tài phải có báo cáo tài chính đối với loại hình nhiệm vụ như đề tài, đề án được tài trợ 100% từ ngân sách nhà nước. Riêng với các nhiệm vụ KH&CN cấp bách, phát sinh nhằm ứng phó với các tình huống khẩn cấp như dịch bệnh, thiên tai, dự thảo mới quy định rõ “giao Bộ KH&CN chủ động hoặc theo yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng đề xuất nhiệm vụ cấp bách, mới phát sinh có tác động lớn đến phát triển kinh tế xã hội của đất nước, ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng thông qua ý kiến tư vấn của các chuyên gia, tổ chức”. Các thông tư cũng xác định nhiệm vụ và quy định giao thẩm quyền cho Bộ trưởng Bộ KH&CN quyết định chủ động rút ngắn thời gian thực hiện các bước theo trình tự thủ tục để đảm bảo tiến độ các đề tài.
 
Tuy nhiên, để đảm bảo hiệu quả đầu tư cho các dự án sản xuất thử nghiệm đúng địa chỉ, không quá “chặt” nhưng cũng không “lỏng” dẫn tới có “kẽ hở” gây thất thoát ngân sách nhà nước, các dự thảo sẽ bổ sung thêm nội dung bắt buộc kiểm tra thực tế cơ sở vật chất, kỹ thuật của tổ chức chủ trì và đơn vị phối hợp trong dự án sản xuất thử nghiệm, dự án KH&CN, bổ sung yêu cầu bắt buộc phải có hồ sơ chứng nhận chứng minh năng lực của đơn vị phối hợp trong dự án sản xuất thử nghiệm, dự án KH&CN.
 
Cùng thời gian sửa đổi các thông tư này, Bộ KH&CN cũng phối hợp cùng Bộ Tài chính khảo sát thực tiễn thực hiện các đề tài KH&CN, từ đó Bộ Tài chính đưa ra thông tư mới về định mức chi (Thông tư 03/2023/TT-BTC) cho nhà khoa học thực hiện đề tài với tinh thần “lắng nghe Bộ KH&CN tối đa”. Tuy chưa thể khoán chi hoàn toàn nhưng các định mức chi cho thù lao của nhà khoa học thực hiện đề tài, tổ chức hội thảo, chi thuê khoán chuyên môn cũng đã tăng cao hơn nhiều so với trước, chẳng hạn mức chi cho chủ nhiệm đề tài lên tới 40 triệu đồng/ người/ tháng.
 
Nhìn chung, mối quan tâm sửa đổi lần này chủ yếu vẫn tập trung ở nghĩa vụ tài chính, những sửa đổi lần này mới chỉ tăng định mức chi, tăng quyền hạn nghĩa vụ với người thực hiện đề tài. Nhưng các nhà khoa học vẫn còn mong muốn được giảm bớt triệt để các thủ tục hành chính mà phải tới lúc thực thi mới biết các thông tư này giúp rút ngắn thủ tục hành chính ở mức độ nào.
 
Mặt khác, để đạt được như mục tiêu và ba định hướng mà Chương trình đề ra, các cơ quan quản lý khoa học và tài chính sẽ còn phải đổi mới để thực hiện khoán chi sản phẩm và hậu kiểm, giám sát rõ ràng, công khai minh bạch bằng hệ thống công nghệ thông tin, như các nhà khoa học đã đề xuất trong nhiều năm nay, cũng như giải tỏa được các rắc rối nảy sinh từ quá trình quản lý, sử dụng tài sản hình thành từ đề tài quy định (trong Nghị định 70/2018). Những nội dung này chưa được đề cập tới trong đợt góp ý sửa 5 thông tư này mà sẽ còn chờ đợi sửa đổi Nghị định 70 và các hướng dẫn có liên quan. Cho đến lúc được sửa đổi, đây vẫn là vướng mắc rất lớn để các chương trình lấy doanh nghiệp làm trung tâm, khuyến khích doanh nghiệp tham gia từ thực hiện dự án sản xuất thử nghiệm tới nhận chuyển giao công nghệ như trọng tâm mà các chương trình KH&CN cấp quốc gia đề ra. Trong bối cảnh mà các doanh nghiệp ở Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang rất cần công nghệ, hoạt động đổi mới công nghệ còn yếu, thì việc đầu tư cho nghiên cứu để rồi lúng túng trong xử lý tài sản, chuyển giao sẽ là lãng phí nguồn lực rất lớn.
 
Việc sửa đổi cách quản lý đề tài, nhằm phục vụ mục tiêu tái cơ cấu các nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia theo hướng bám sát các nhiệm vụ của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 -2030 và quan điểm chỉ đạo về lấy doanh nghiệp làm trung tâm, viện nghiên cứu, trường đại học là các chủ thể nghiên cứu mạnh; chú trọng thu hút nguồn lực xã hội đặc biệt là từ Quỹ phát triển KH&CN của các doanh nghiệp để đầu tư cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo tại doanh nghiệp; đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ KH&CN trên tinh thần chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế; bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch, công bằng, tạo điều kiện cho khoán sản phẩm và hậu kiểm, gắn kết chặt chẽ với thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp và sản phẩm đầu ra; góp phần phát triển tiềm lực KH&CN trong trung hạn và dài hạn, phát triển các hướng nghiên cứu cơ bản, các hướng công nghệ ưu tiên, các sản phẩm trọng điểm, chủ lực của đất nước hoặc phục vụ chương trình mục tiêu quốc gia, phải gắn kết với lộ trình công nghệ của các ngành, lĩnh vực, phù hợp với nội dung Chiến lược phát triển KHCN&ĐMST giai đoạn 2021-2030, Phương hướng nhiệm vụ KH&CN 5 năm 2021-2025.
 
Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt phát biểu về những định hướng chủ yếu trong đổi mới quy định quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia do Bộ Khoa học và Công nghệ đang triển khai, tại Hội thảo.
 

Link liên kết: https://khoahocphattrien.vn/chinh-sach/sua-doi-5-thong-tu-quan-ly-nhiem-vu-khcn-cap-quoc-gia-keo-dai-thoi-gian-tai-tro-rut-ngan-thu-tuc-hanh-chinh/20230216105531127p1c785.htm

Số lượt xem:996

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
Công báo tỉnh Kon Tum















Trang thông tin điện tử Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum
Quản lý và nhập tin: Trung tâm Nghiên cứu, Ứng dụng và Dịch vụ KH&CN – Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Huỳnh Trung Kim - P. Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ - Trưởng Ban biên tập

Địa chỉ: Tầng 4 - Tòa nhà B Trung tâm Hành chính công tỉnh Kon Tum - Tổ 8, P. Thống Nhất, Tp. Kon Tum, tỉnh Kon Tum; Điện thoại: 0260.3862518 - Email: skhcn@kontum.gov.vn

Chung nhan Tin Nhiem Mang


622622 Tổng số người truy cập: 160 Số người online:
TNC Phát triển: