banner
Thứ 6, ngày 24 tháng 1 năm 2025
Thúc đẩy mạnh mẽ đổi mới sáng tạo, ứng dụng và khai thác tài sản trí tuệ
25-8-2022

Các quy định liên quan đến việc xác định quyền sở hữu, quyền khai thác đối với các kết quả nghiên cứu khoa học do Nhà nước đầu tư vốn được quy định rõ ràng và chi tiết hơn, nhằm mục đích khuyến khích biến các kết quả nghiên cứu thành các tài sản được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, tạo tiền đề để khai thác thương mại đối với các tài sản này trên thị trường được hiệu quả hơn.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt: Luật SHTT được sửa đổi sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hơn hoạt động nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, ứng dụng và khai thác tài sản trí tuệ của Việt Nam - Ảnh: VGP/Hoàng Giang
 

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) vừa được Quốc hội thông qua vào sáng nay (16/6). Báo Điện tử Chính phủ, Cổng TTĐT Chính phủ đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt xoay quanh những điểm mới của luật này và việc triển khai đưa luật vào cuộc sống. 

Khuyến khích biến các kết quả nghiên cứu thành tài sản được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ

Luật SHTT được đánh giá là luật khó, phức tạp, có tính chuyên môn sâu và liên quan đến nhiều điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Vấn đề nào trong xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT nhận được nhiều ý kiến, quan tâm nhất, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt: Luật SHTT được ban hành từ năm 2005, sửa đổi, bổ sung vào các năm 2009 và 2019 đã phát huy vai trò trong việc điều chỉnh các quan hệ pháp luật đối với loại tài sản đặc biệt – quyền SHTT. Tuy nhiên, thực tiễn thi hành cùng với việc hội nhập quốc tế sâu rộng của Việt Nam trong thời gian qua cho thấy Luật SHTT còn tồn tại một số vướng mắc, bất cập nhất định.

Do đó, việc sửa đổi, bổ sung Luật SHTT lần này là yêu cầu cấp thiết đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam, với mục tiêu tạo ra động lực mạnh mẽ cho việc nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, đảm bảo hành lang pháp lý đầy đủ và hiệu quả đối với việc bảo hộ, khai thác và bảo vệ quyền SHTT.

Điều này cũng đã được thể hiện trong chủ trương, đường lối của Đảng và các chính sách của Nhà nước về hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, công nghiệp hóa và hiện đại hóa để chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào KH&CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Luật SHTT sửa đổi lần này có phạm vi khá rộng, với hơn 100 điều được sửa đổi, bổ sung. Luật đã nhận được sự quan tâm, đóng góp ý kiến của các đại biểu Quốc hội về rất nhiều nội dung, trong đó nội dung liên quan đến việc giao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, giống cây trồng là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước được quan tâm nhiều nhất.

Nội dung này được sửa đổi theo hướng quy định rõ ràng và chi tiết hơn, với việc trao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, giống cây trồng được tạo ra từ ngân sách nhà nước một cách tự động và không bồi hoàn cho tổ chức chủ trì trực tiếp tại Luật, qua đó nhằm mục đích khuyến khích biến các kết quả nghiên cứu thành các tài sản được bảo hộ quyền SHTT, tạo tiền đề để khai thác thương mại đối với các tài sản này trên thị trường được hiệu quả hơn.

Bộ trưởng có thể cho biết rõ hơn những chính sách, điểm mới căn bản và quan trọng nhất trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT mà nhờ đó sẽ tạo ra đột phá trong lĩnh vực này?

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt: Luật sửa đổi, bổ sung 102 Điều của Luật SHTT hiện hành đồng thời sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giá, Luật Hải quan, Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Nội dung của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT được thể hiện qua 7 nhóm chính sách lớn, với một số quy định cụ thể như sau:

Chính sách 1: Đảm bảo quy định rõ về tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, chủ sở hữu quyền liên quan trong các trường hợp chuyển nhượng, chuyển quyền sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan.

Điểm nổi bật của Luật là quy định cho phép chuyển quyền sử dụng một số quyền nhân thân theo thỏa thuận (ví dụ thỏa thuận đặt tên tác phẩm) phù hợp với đặc thù của lĩnh vực quyền tác giả nhằm giải quyết những vướng mắc tồn tại trong thực tiễn thời gian qua như trường hợp có nhu cầu thay đổi tên tác phẩm, sửa đổi, nâng cấp chương trình máy tính ...

Chính sách 2: Khuyến khích tạo ra, khai thác và phổ biến sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí được tạo ra từ ngân sách nhà nước.

Luật quy định trao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, giống cây trồng được tạo ra từ ngân sách nhà nước một cách tự động và không bồi hoàn cho tổ chức chủ trì trực tiếp tại Luật (và trở thành chủ sở hữu khi các đối tượng này được cấp văn bằng bảo hộ); đồng thời bổ sung các quy định để Nhà nước vẫn kiểm soát để đảm bảo việc khai thác có hiệu quả và đảm bảo cân bằng lợi ích giữa tổ chức chủ trì (chủ văn bằng bảo hộ) và lợi ích của Nhà nước với tư cách là "chủ đầu tư" và lợi ích xã hội.

Chính sách 3: Tạo thuận lợi cho quá trình thực hiện thủ tục đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan, thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp. Theo đó, dù là quyền được xác lập tự động mà không qua đăng ký (trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan) hay phải đăng ký (lĩnh vực sở hữu công nghiệp), thì các quy định liên quan đến thủ tục, thời hạn, thành phần hồ sơ... tiếp tục được hoàn thiện theo hướng gọn nhẹ, nhanh chóng, thuận tiện, minh bạch để khuyến khích, gia tăng hoạt động đăng ký, xác lập quyền SHTT nhằm tạo cơ sở, bằng chứng vững chắc trong việc xác định chủ thể quyền và đối tượng được bảo hộ, làm tiền đề cho việc khai thác quyền cũng như thực thi quyền sau này.

Chính sách 4: Đảm bảo mức độ bảo hộ thỏa đáng và cân bằng trong bảo hộ quyền SHTT. Các nội dung sửa đổi liên quan đến cả 3 lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng, trong đó phải kể đến việc bổ sung một số trường hợp ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan, các giới hạn quyền tác giả, quyền liên quan nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích giữa chủ thể quyền tác giả với tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng và công chúng hưởng thụ tiếp cận tác phẩm; việc bổ sung một số quy định nhằm kiểm soát sáng chế có sử dụng nguồn gen và tri thức truyền thống về nguồn gen; bổ sung một số căn cứ chấm dứt hiệu lực, huỷ bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ; xử lý xung đột giữa nhãn hiệu với tên giống cây trồng, với đối tượng quyền tác giả, quyền liên quan...

Chính sách 5: Tăng cường hiệu quả hoạt động hỗ trợ về SHTTCác nội dung sửa đổi nhằm đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ cho hệ thống SHTT (bao gồm hoạt động đại diện, giám định), cụ thể là sửa đổi, bổ sung một số quy định theo hướng mở hơn nhằm tạo tính cạnh tranh trong cung cấp dịch vụ đại diện (phân chia đại diện theo lĩnh vực; nới lỏng điều kiện được cấp Chứng chỉ hành nghề đại diện tùy theo lĩnh vực); sửa đổi quy định về giám định theo hướng xác định rõ phạm vi giữa giám định SHTT với giám định tư pháp về SHTT; làm rõ ý nghĩa mang tính chứng cứ của kết luận giám định SHTT.

Chính sách 6: Nâng cao hiệu quả của hoạt động bảo vệ quyền SHTT. Các quy định liên quan đến bảo vệ quyền được sửa đổi nhằm bảo đảm cơ chế bảo vệ quyền SHTT được hiệu quả hơn, trong đó đáng chú ý là quy định bổ sung thẩm quyền chủ động áp dụng biện pháp kiểm soát tại biên giới nếu trong quá trình kiểm tra, giám sát và kiểm soát cơ quan hải quan phát hiện căn cứ rõ ràng để nghi ngờ hàng hóa xuất, nhập khẩu là hàng giả mạo SHTT.

Chính sách 7: Bảo đảm thi hành đầy đủ và nghiêm túc các cam kết quốc tế của Việt Nam về bảo hộ SHTT trong quá trình hội nhập. Một số quy định sửa đổi, bổ sung cần quan tâm là quy định liên quan đến biện pháp công nghệ bảo vệ quyền và thông tin quản lý quyền để đảm bảo thực thi trong môi trường số; về quyền, trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian trên môi trường mạng Internet và mạng viễn thông; về bảo hộ nhãn hiệu âm thanh; về cơ chế bảo đảm thông tin cho chủ bằng sáng chế thực thi quyền trong thủ tục cấp phép lưu hành thị trường đối với dược phẩm; nghĩa vụ bảo hộ dữ liệu bí mật trong đơn xin cấp phép nông hóa phẩm; cơ chế đền bù cho chủ sở hữu sáng chế vì sự chậm trễ trong việc cấp phép lưu hành dược phẩm...

Các quy định được sửa đổi, bổ sung theo hướng mở

Việc triển khai Luật SHTT trong thời gian tới sẽ gặp những khó khăn, thuận lợi gì, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt: Theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, các quy định hướng dẫn thi hành Luật cũng phải có hiệu lực cùng thời điểm với Luật. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2023. Vì vậy, chúng tôi hình dung khối lượng công việc trước mắt là khá lớn.

Một số văn bản quy định chi tiết hay hướng dẫn thi hành như các nghị định, thông tư trong từng lĩnh vực, từng vấn đề liên quan đến quy định tại Luật SHTT cần phải tiếp tục được sửa đổi, bổ sung để có thể áp dụng sau khi Luật SHTT sửa đổi có hiệu lực. Mặc dù khi trình Dự án Luật, Bộ KH&CN cùng các bộ liên quan (Bộ VHTT&DL, Bộ NN&PTNT) đã dự thảo các quy định dự kiến đưa vào văn bản hướng dẫn Luật (nghị định, thông tư), tuy nhiên vẫn còn phải triển khai nhiều công việc trong một khoảng thời gian tương đối gấp gáp.

Tuy nhiên, tôi tin rằng việc triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT sẽ có hiệu quả và thuận lợi. Như tôi đã nêu ở trên, việc hoàn thiện pháp luật về SHTT là phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước. Trong quá trình xây dựng dự thảo Luật, cơ quan chủ trì soạn thảo đã nhận được sự tham gia và đóng góp ý kiến tích cực từ nhiều cơ quan, tổ chức ở cả Trung ương và địa phương. Khi trình Dự án Luật lên Quốc hội, hầu hết các đại biểu Quốc hội đánh giá cao và nhất trí với những nội dung sửa đổi của Luật SHTT.

Bên cạnh đó, các quy định của Luật SHTT được sửa đổi, bổ sung theo hướng mở, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong xác lập và bảo hộ quyền SHTT, thúc đẩy mạnh mẽ hơn hoạt động nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, ứng dụng và khai thác tài sản trí tuệ của Việt Nam.

Để khắc phục những khó khăn trong triển khai và đưa Luật nhanh chóng đi vào trong cuộc sống, Bộ KH&CN có kế hoạch, giải pháp gì, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt: Sau khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT được Quốc hội thông qua, Bộ KH&CN sẽ phối hợp với các cơ quan có liên quan triển khai một số hoạt động để phổ biến, hướng dẫn thi hành Luật.

Cụ thể là: Tuyên truyền, phổ biến về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, các hội thảo, tọa đàm đến các nhóm chủ thể liên quan như cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương và địa phương, các viện nghiên cứu, trường đại học, hiệp hội, doanh nghiệp...

Đồng thời thực hiện các thủ tục để xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật theo kế hoạch mà trước mắt là việc sửa đổi một số nghị định của Chính phủ như Nghị định số 103/2006/NĐ-CP về sở hữu công nghiệp, Nghị định số 105/2006/NĐ-CP về quản lý nhà nước và bảo vệ quyền SHTT...

Bộ KH&CN kỳ vọng rằng Luật SHTT sau khi được sửa đổi, bổ sung sẽ mang lại những thay đổi tích cực hơn nữa, góp phần tạo động lực mạnh mẽ để thúc đẩy các tổ chức, cá nhân sáng tạo, đầu tư nghiên cứu, phát triển, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, thương mại hóa các đối tượng quyền SHTT, qua đó thu hút thêm nhiều nguồn vốn đầu tư cho hoạt động của các tổ chức, doanh nghiệp nói riêng và cho phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam nói chung.

Bộ KH&CN rất mong nhận được sự phối hợp tích cực và hiệu quả của các bộ, ngành, địa phương trong việc phổ biến, tuyên truyền về những nội dung sửa đổi, bổ sung của Luật SHTT cũng như trong công tác xây dựng các văn bản hướng dẫn Luật sẽ được triển khai ngay trong nửa cuối năm 2022 này để các quy định pháp luật về SHTT sớm đi vào cuộc sống.

Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Liên kết nguồn tin: https://baochinhphu.vn/thuc-day-manh-me-doi-moi-sang-tao-ung-dung-va-khai-thac-tai-san-tri-tue-102220616093347048.htm

 

Số lượt xem:6297

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
Công báo tỉnh Kon Tum















Trang thông tin điện tử Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum
Quản lý và nhập tin: Trung tâm Nghiên cứu, Ứng dụng và Dịch vụ KH&CN – Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Huỳnh Trung Kim - P. Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ - Trưởng Ban biên tập

Địa chỉ: Tầng 4 - Tòa nhà B Trung tâm Hành chính công tỉnh Kon Tum - Tổ 8, P. Thống Nhất, Tp. Kon Tum, tỉnh Kon Tum; Điện thoại: 0260.3862518 - Email: skhcn@kontum.gov.vn

Chung nhan Tin Nhiem Mang


670791 Tổng số người truy cập: 18 Số người online:
TNC Phát triển: