banner
Thứ 7, ngày 22 tháng 2 năm 2025
Kết quả triển khai hoạt động nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh năm 2024
13-2-2025
Trong năm 2024, thực hiện các chủ trương, chính sách của Trung ương, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, đã kịp thời tham mưu  UBND tỉnh trình Ban Cán sự Đảng, trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành các chủ trương, chính sách về phát triển khoa học và công nghệ, như Kế hoạch số 144-KH/TU ngày 24 tháng 4 năm 2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Kết luận số 69-KL/TW, ngày 11 tháng 01 tháng 2024 của Bộ Chính trị về về tiếp  tục thực  hiện  Nghị quyết  số 20-NQ/TW ngày 01 tháng 11 năm 2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng  khóa  XI về phát  triển  khoa  học  và  công  nghệ phục  vụ sự nghiệp CNH, HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCH và hội nhập quốc tế; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 2040/KH-UBND ngày 12 tháng 6 năm 2024 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Kế hoạch số 144-KH/TU ngày 24 tháng 4 năm 2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Kết luận số 69-KL/TW, ngày 11 tháng 01 tháng 2024 của Bộ Chính trị; ban hành 02 văn bản quy phạm pháp luật phục vụ quản lý nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh,...

Trên cơ sở đó, Sở KH&CN đã kịp thời cụ thể hóa để tổ chức triển khai thực hiện các Chương trình, kế hoạch của Bộ KH&CN, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về thực hiện chiến lược phát triển KH&CN đến năm 2030; kế hoạch về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững trong tình hình mới; kế hoạch phát triển KH&CN giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh,... Nghị quyết, chương trình kế hoạch của tỉnh về về đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; phát triển nông nghiệp hàng hóa đi vào chiều sâu, ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030; phát triển hợp tác xã, kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân trong lĩnh vực khoa học và công nghệ hoạt động trên địa bàn tỉnh,…, đồng thời cụ thể vào định hướng của hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ của tỉnh làm cơ sở để các ngành, địa phương, doanh nghiệp đề xuất nhiệm vụ KH&CN, sát với yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong năm qua đã đạt được một số kết quả sau:

I. Kết quả hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ năm 2024

1. Đối với nhiệm vụ KH&CN cấp Bộ, cấp quốc gia

a) Dự án thuộc chương trình nông thôn-miền núi: Trong năm 2024, có 05 dự án thuộc Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2025” (theo Quyết định số 1747/QĐ-TTg ngày 13 tháng 10 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ,...., trong đó có 2 dự án đã tổ chức nghiệm thu cấp tỉnh, Kết quả các dự án đã chuyển giao ứng dụng thành công các mô hình như: mô hình sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá Trắm đen; sản xuất nguyên liệu và chế biến sản phẩm chè mang thương hiệu Măng Đen; sản xuất giống và nuôi thương phẩm lợn quy mô công nghiệp theo hướng an toàn sinh học trên địa bàn huyện Ngọc Hồi; chuyển giao công nghệ để sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh trên địa bàn thành phố Kon Tum; xây dựng mô hình trồng thâm canh và chế biến chè Măng Đen,... thông qua các dự án đã tạo ra các sản phẩm mới, chủ động được nguồn giống cây trồng, vật nuôi, giải quyết công ăn việc làm cho người dân tại địa phương, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

b) Các nhiệm vụ phát triển sản phẩm quốc gia Sâm Ngọc Linh

 Tỉnh Kon Tum được Bộ KH&CN phê duyệt triển khai thực hiện  05 nhiệm vụ thuộc 02 dự án KH&CN phát triển sản phẩm quốc gia “Sâm Việt Nam”, (1) Dự án KH&CN số 3 “Hoàn thiện các giải pháp KH&CN trong sản xuất cây giống từ hạt và trồng Sâm Ngọc Linh ở quy mô công nghiệp tại tỉnh Kon Tum”; (2) Dự án KH&CN số 4 “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao phát triển dược liệu Sâm Ngọc Linh và sản phẩm chế biến từ Sâm Ngọc Linh tại tỉnh Kon Tum”, các dự án đã hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện. Kết quả bước đầu của các dự án đã hoàn thiện một số quy trình công nghệ về sản xuất giống; quy trình trồng, thu hoạch, bảo quản sâm Ngọc Linh để phục vụ phát triển sản phẩm quốc gia sâm Ngọc Linh trong thời gian đến trên địa bàn tỉnh.

2. Nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh

Năm 2024, đã tổ chức triển khai thực hiện 21 đề tài, dự án (kể cả chuyển tiếp), trong đó đã nghiệm thu kết quả 07 đề tài, dự án; tổ chức ký kết 04 hợp đồng mới bắt đầu thực hiện 2024; tham mưu UBND tỉnh phê duyệt mới 6 đề tài, dự án KH&CN thực hiện trong năm 2025. Tổ chức bàn giao kết quả 05 đề tài/dự án KH&CN cấp tỉnh năm 2024 (đợt 1) cho 08 đơn vị, địa phương để tổ chức ứng dụng, nhân rộng vào thực tế sản xuất, kết quả nổi bật trên một số lĩnh vực sau:

- Trong trồng trọt: Đã và đang triển khai nghiên cứu, thử nghiệm, đánh giá khả năng thích nghi của một số giống cây trồng, vật nuôi để bổ sung vào cơ cấu giống cây trồng của tỉnh như: Các giống sắn kháng bệnh khảm lá NH1, NH3, NH5, Mắc ca, giống cam không hạt,..; bảy lá một hoa, Giổi ăn hạt; cá trắm đen, cá sọc dưa, cá hô, cá niên... Một số quy trình kỹ thuật nhân giống, kỹ thuật trồng trọt, biện pháp phòng trừ sâu bệnh các loại cây trồng có giá trị cao như Sâm Ngọc Linh, Đảng sâm, Ngũ vị tử, sa nhân,.. các loại rau, hoa, cây ăn quả, giống nếp than....; các biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại bằng phương pháp sinh học, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp đã và đang triển khai nghiên cứu, hoàn thiện quy trình công nghệ và đã được chuyển giao, ứng dụng có hiệu quả vào thực tiễn sản xuất trong nông nghiệp.

Đối với các đề tài kết thúc, nghiệm thu, sau khi bàn giao đã các ngành, địa phương, doanh nghiệp triển khai ứng dụng có hiệu quả vào sản xuất như mô hình nuôi tôm càng xanh trên địa bàn huyện Đăk Tô, Đăk Hà; mô hình sinh sản và nuôi thương phẩm cá niên trên địa bàn huyện Kon Plông; mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học trong xử lý phụ phẩm nông nghiệp làm phân bón; mô hình tái canh cà phê bằng giống cà phê TR4; mô hình ứng dụng các biện pháp sinh học trong phòng trừ sâu bệnh sâm Ngọc Linh,.. đã được triển khai ứng dụng rộng rãi trong sản xuất,....  Đối với kết quả nghiên cứu về cây trồng, vật nuôi đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp nhận sử dụng để xây dựng và tham mưu UBND tỉnh ban hành quy trình sản xuất cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh.
 
Mô hình sinh sản và nuôi thương phẩm cá niên đã được duy trì, nhân rộng trong sản xuất tại huyện Kon Plông
 
- Trong lĩnh vực bảo quản: Đã triển khai nghiên cứu đề tài đã xây dựng quy trình công nghệ xử lý và bảo quản tươi sâm củ Ngọc Linh, quy trình đảm bảo cơ sở khoa học và thực tiễn, phù hợp, dễ áp dụng với quy mô thu mua, phân phối của các cơ sở sản xuất, kinh doanh Sâm Ngọc Linh tại địa phương, giúp giảm tổn thất về chất lượng và khối lượng tươi sau thu hoạch, giúp nâng cao hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh sâm Ngọc Linh[1].

 - Trong lĩnh vực chế biến: Đã triển khai ứng dụng quy trình công nghệ chiết xuất cao dược liệu trong sản xuất như chiết xuất cao Đương quy (ứng dụng tại Hợp tác xã hữu cơ Tu Mơ Rông; ứng dụng quy trình công nghệ chiết xuất dược liệu (Đảng sâm, Đông trùng hạ thảo) tại Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng và Dịch vụ KH&CN; Ứng dụng quy trình công nghệ chiết xuất và sản xuất một số sản phẩm từ sâm Ngọc Linh tại Công ty Cổ phần sâm Ngọc Linh Tu Mơ Rông,.. Triển khai ứng dụng quy trình công nghệ sản xuất trà túi lọc Đảng sâm, Khổ qua rừng đạt chứng nhận ISO 22000 tại Công ty TNHH Thảo dược Tây Nguyên; ứng dụng quy trình công nghệ sơ chế một số sản phẩm từ Gấc tại Hợp tác xã dược liệu hữu cơ Tu Mơ Rông[2]. Kết quả các dự án đã và đang được các doanh nghiệp, hợp tác xã duy trì, triển khai ứng dụng trong sản xuất.

* Đánh giá chung: Hoạt động KH&CN nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2024 đã có những đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nhiều kết quả nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng đã gắn kết với các sở, ban, ngành, địa phương và các doanh nghiệp phục vụ trực tiếp cho quá trình sản xuất để tạo sản phẩm mới và tăng năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa của tỉnh, tập trung trên một số lĩnh vực nông nghiệp, nuôi trồng, chế biến dược liệu. Nhiều quy trình công nghệ trong nhân giống; quy trình phòng trừ sâu bệnh hại; quy trình trồng chăm sóc các loại cây nông nghiệp, dược liệu và thủy sản nước ngọt..., Việc áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) ngày càng mở rộng và hiệu quả mang lại sản phẩm an toàn, chất lượng tốt, năng suất cao. Bên cạnh đó, việc mở rộng ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất cùng với kết quả nghiên cứu, đánh giá, triển khai mô hình ứng dụng, chuyển giao trong các lĩnh vực NNUDCNC, công nghệ sinh học, dược liệu, quy trình bảo quản…được sự quan tâm đồng bộ các sở, ban ngành, địa phương.
 
Tuy nhiên bên cạnh đó còn một số khó khăn hạn, hạn chế đó là:

- Chưa huy động được các nguồn lực của tỉnh tham gia vào quá trình xã hội hóa các hoạt động KH&CN, tổ chức ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào trong thực tiễn sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, sản phẩm. Chưa có biện pháp để khuyến khích, thúc đẩy các doanh nghiệp chủ động đầu tư kinh phí, nhân lực cho việc đổi mới công nghệ, thiết bị và nâng cao chất lượng sản phẩm.

- Điều kiện kinh tế của tỉnh, khả năng đầu tư của doanh nghiệp, người dân còn khó khăn; doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đa số là doanh nghiệp nhỏ, tiềm lực KH&CN, vốn, trình độ công nghệ còn hạn chế,... do đó việc triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách phát triển KH&CN trên địa bàn tỉnh nhất là lĩnh vực chuyển giao, đổi mới công nghệ, ươm tạo công nghệ trong các doanh nghiệp, phát triển thị trường KH&CN còn gặp nhiều khó khăn.
 
II. Một số định hướng trong hoạt động nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng công nghệ năm 2025

- Tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; Triển khai áp dụng đồng bộ các quy định cơ chế đặt hàng thực hiện nhiệm vụ KH&CN gắn với yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

- Tập trung nguồn lực đầu tư cho nghiên cứu ứng dụng các công nghệ tiên tiến, công nghệ sinh học, công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, tập trung vào các sản phẩm chủ lực, có lợi thế và phù hợp với mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Đẩy mạnh các mô hình nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao KHCN và đổi mới sáng tạo theo chuỗi giá trị; khuyến khích sự tham gia của doanh nghiệp, người nông dân, đảm bảo kết nối quá trình sản xuất với thị trường tiêu thụ.

- Tăng cường hỗ trợ các mô hình ứng dụng quy trình sản xuất theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, các quy trình công nghệ cho sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn phù hợp với điều kiện sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tăng hiệu quả kinh tế và an toàn với môi trường.

- Ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, xây dựng và áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc, ứng dụng mã số mã vạch và xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, công cụ quản lý tiên tiến góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa của tỉnh; ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi khối (blockchain) và thực tế ảo/thực tế tăng cường (VR/AR) vào hoạt động sản xuất, thương mại.

- Tăng cường công tác thông tin, phổ biến kiến thức KH&CN, tập huấn nâng cao trình độ sản xuất, áp dụng tiến bộ KHCN và đổi mới sáng tạo cho nông dân ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào thiểu số.

- Tăng cường hợp tác KH&CN, phát huy sự liên kết 04 nhà (Nhà nước-Nhà khoa học- Nhà doanh nghiệp- Nhà nông) để thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KHCN, ĐMST sản xuất, chế biến, thương mại các sản phẩm nông nghiệp./. 
 

[1] Đề tài “Xây dựng quy trình bảo quản tươi dược liệu dạng củ (Sâm Ngọc Linh) trên địa bàn tỉnh Kon Tum”.
[2] Dự án “Sản xuất thử nghiệm cao từ rễ Đương quy Nhật Bản (Ange licaacutiloba)”; Dự án “Ứng dụng tiến bộ KH&CN xây dựng mô hình liên kết sản xuất nguyên liệu đảng sâm và khổ qua rừng theo tiêu chuẩn GACP-WHO và chế biến sản phẩm đạt chuẩn ISO 22000”,...

Theo Bản tin KH&CN số 6.2025
Số lượt xem:42

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
Công báo tỉnh Kon Tum















Trang thông tin điện tử Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum
Quản lý và nhập tin: Trung tâm Nghiên cứu, Ứng dụng và Dịch vụ KH&CN – Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Huỳnh Trung Kim - P. Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ - Trưởng Ban biên tập

Địa chỉ: Tầng 4 - Tòa nhà B Trung tâm Hành chính công tỉnh Kon Tum - Tổ 8, P. Thống Nhất, Tp. Kon Tum, tỉnh Kon Tum; Điện thoại: 0260.3862518 - Email: skhcn@kontum.gov.vn

Chung nhan Tin Nhiem Mang


702992 Tổng số người truy cập: 792 Số người online:
TNC Phát triển: