Thực hiện Quyết định số 1086/QĐ-TTg ngày 22 tháng 8 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030 và Quyết định số 2205/QĐ-TTg ngày 24 tháng 12 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030, tỉnh đã tham mưu HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 30/2022/NQ-HĐND ngày 12 tháng 7 năm 2022[1] và ban hành các văn bản chỉ đạo và quản lý như: Kế hoạch số 946/KH-UBND ngày 26/3/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh về triển khai thực hiện Quyết định số 1068/QĐ-TTg ngày 22 tháng 8 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030; Quyết định số 137/QĐ-UBND ngày 26/02/2021của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt Chương trình phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021-2030; Ký kết Chương trình phối hợp giữa UBND tỉnh và Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh trong thực thi quyền sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh Kon Tum (Chương trình số 3744/CTPH-UBND-TAND-VKSND ngày 18/10/2021).
Trong năm 2024, hoạt động quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã có những chuyển biến tích cực và đạt được nhiều kết quả khả quan. Qua đó, Tỉnh đã ban hành và chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả nghị quyết, quy định, kế hoạch thực hiện Chiến lược; đầu tư hệ thống trang thiết bị chuyên dụng phục vụ phân tích AND, phân tích, kiểm định chất lượng sâm Ngọc Linh Kon Tum đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm sâm củ và Nhãn hiệu chứng nhận Sâm Ngọc Linh Kon Tum (đối với sản phẩm chế biến từ sâm củ Ngọc Linh); Trong năm 2024, các tổ chức được giao quản lý chỉ dẫn địa lý[2], các Nhãn hiệu chứng nhận[3] đã tích cực tuyên truyền, hướng dẫn tổ chức, cá nhân đăng ký cấp quyền sử dụng nhằm bảo vệ uy tín, chất lượng sản phẩm, hàng hóa khi đưa ra thị trường; khai thác, phát triển chỉ dẫn địa lý, bảo vệ danh tiếng cho sản phẩm (Sâm Ngọc Linh Kon Tum, Cà phê, Yến sào Kon Tum, Dệt thổ cẩm Kon Tum và các dược liệu …), bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của người sản xuất và tiêu dùng sản phẩm đã được bảo hộ. Qua đó, đã cấp 04 Giấy chứng nhận[4] quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý "Ngọc Linh" cho sản phẩm sâm củ cho 01 HTX và 03 cá nhân; Cấp 07 giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý Đăk Hà cho 05 tổ chức và 02 cơ sở; cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng Nhãn hiệu Sâm Ngọc Linh Kon Tum GINSENG cho các sản phẩm chế biến sâm Ngọc Linh Kon Tum cho 02 tổ chức và 02 hộ cá nhân; cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng Nhãn hiệu Yến sào Kon Tum cho các sản phẩm chế biến từ yến cho 01 tổ chức.
Công tác thực thi pháp luật về sở hữu trí tuệ đã được tăng cường: Công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra xử lý các vi phạm về sở hữu trí tuệ trên địa bàn được các cấp các ngành trong tỉnh phối hợp thực hiện có hiệu quả. Lực lượng chức năng đã phát hiện ngăn chặn, xử lý nhiều trường hợp buôn bán giả mạo cây giống Sâm Ngọc Linh[5]. Kết quả phát hiện 148 cây giống không phải là Sâm Ngọc Linh. Hiện đang được cơ quan chức năng điều tra, xử lý theo quy định.
Công tác đào tạo, tập huấn về sở hữu trí tuệ: UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với các sở, ngành, cơ quan có liên quan tích cực, chủ động tăng cường các hoạt động thông tin tuyên truyền về sở hữu trí tuệ bằng nhiều hình thức khác nhau như: xây dựng chuyên mục phát sóng trên Đài Phát thanh và Truyền hình, Trang thông tin điện tử của các Sở, ngành, Chuyên san khoa học và công nghệ và tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo về SHTT; Tư vấn, hướng dẫn cho các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp có nhu cầu xác lập quyền bảo hộ SHTT đối với các sản phẩm của tổ chức, doanh nghiệp nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức, năng lực khai thác, quản lý và bảo hộ SHTT tới các cơ quan, doanh nghiệp, hợp tác xã, các tổ chức và cá nhân trên địa bàn tỉnh nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.
Công tác hỗ trợ khai thác quyền sở hữu trí tuệ cho các doanh nghiệp và tổ chức khoa học và công nghệ: Trong năm 2024, đã hỗ trợ kinh phí đăng ký bảo hộ đối với nhãn hiệu trong và ngoài nước cho 02 tổ chức[6] theo Nghị quyết số 30/2022/NQ-HĐND ngày 12/07/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh Kon Tum.
Công tác hỗ trợ bảo hộ, phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm chủ lực của địa phương.
- Trong năm 2024, tỉnh đã phê duyệt thực hiện 02 dự án: Xác lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Sầu riêng Kon Tum” cho sản phẩm sầu riêng của tỉnh Kon Tum và Mở rộng phạm vi bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ trên địa bàn tỉnh Kon Tum thực hiện năm 2025; nộp hồ sơ đăng ký bảo hộ Nhãn hiệu chứng nhận “Du lịch Kon Tum”.
- Hỗ trợ truy xuất nguồn gốc sản phẩm với 02 (hai) nhiệm vụ gồm quản lý, vận hành hệ thống truy xuất nguồn gốc (https://etrace.kontum.vn); xây dựng và hỗ trợ tạo lập hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm bằng mã QR code (cho 06 sản phẩm).Tổ chức các đoàn tham gia chương trình kết nối giao thương giữa nhà cung cấp địa phương với các doanh nghiệp xuất khẩu và xúc tiến thương mại do Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương tổ chức tại Đà Nẵng. Tổ chức cho 5 doanh nghiệp, hợp tác xã([7]) giao thương trực tiếp và trực tuyến với các nhà phân phối như Central Retail, Bách Hoá Xanh, Lotte Mart, DuBai, Chambers, Eofarm Pay, Winmart, PRG, các doanh nghiệp đến từ Trung Quốc, Nhật Bản, Dubai; tham gia Hội thảo tư vấn hợp tác cung ứng sản phẩm vào hệ thống Ecofarm Mart và tổ chức Chương trình kết nối giao thương với các tỉnh phía Bắc và phía Nam, qua đó tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, các cơ sở sản xuất giữa các tỉnh trực tiếp giới thiệu sản phẩm và các chính sách hợp tác. Bên cạnh đó, đã tổ chức tham gia Chương trình kết nối cung cầu giữa Thành phố Hồ Chí Minh, Hội chợ đặc sản vùng miền Việt Nam tại Hà Nội và giới thiệu, trưng bày các sản phẩm trưng bày của tỉnh Kon Tum gồm có các mặt hàng đặc trưng như: Trà hòa tan sâm Ngọc Linh, trà OLong sâm Ngọc Linh, dịch chiết sâm Ngọc Linh, dịch chiết sâm dây, rượu sâm Ngọc Linh, rượu sâm dây, trà sâm dây, củ sâm tươi, trà thảo mộc, mật ong, trà thảo mộc, trà gừng, nấm lim xanh, nấm linh chi,…
- Nhiều sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm đặc trưng, có lợi thế, các sản phẩm chủ lực của tỉnh được chú trọng xác lập quyền bảo hộ. Các sản phẩm hàng hóa đặc trưng, có lợi thế của tỉnh khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký bảo hộ đã thực sự mang lại hiệu quả thiết thực cho bà con nhân dân trong vùng sản xuất, góp phần phát triển bền vững và nâng cao thu nhập cho bà con nhân dân từ đó đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Sau khi sản phẩm được bảo hộ, các chủ sở hữu nhãn hiệu đã chủ động đưa ra được các phương án nhằm khai thác, phát huy giá trị các văn bằng được bảo hộ.
Bên cạnh những kết đạt được, hoạt động sở hữu trí tuệ tính cung gặp khó khăn, vướng mắc. Hoạt động nghiên cứu, sáng tạo trên địa bàn tỉnh còn hạn chế. Các sáng chế, giải pháp hữu ích trên địa bàn tỉnh còn ít. Việc khai thác, sử dụng tài sản trí tuệ của doanh nghiệp chưa nhiều, hiệu quả chưa cao. Thị trường khoa học và công nghệ của tỉnh chưa phát triển. Năng lực nghiên cứu, phát triển của hầu hết doanh nghiệp còn yếu. Khả năng cạnh tranh của các sản phẩm trên địa bàn còn hạn chế. Trên địa bàn tỉnh hiện chưa có tổ chức dịch vụ hỗ trợ về sở hữu trí tuệ; đội ngũ giám định viên sở hữu trí tuệ; dịch vụ tư vấn pháp luật về bảo vệ quyền sở hữu trí.
Nguyên nhân: Tổ chức nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ trên địa bàn tỉnh còn ít. Lực lượng trực tiếp tham gia nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ còn mỏng. Phần lớn doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, sản phẩm, hàng hóa có tính cạnh tranh thấp. Một số quy định, đề án do các Bộ, ngành Trung ương được phân công xây dựng tại Phụ lục Danh mục nhiệm vụ, đề án ưu tiên thực hiện Chiến lược chậm ban hành.
Đề tiếp tục triển khai tốt Chiến lược Sở hữu trí tuệ đến năm 2030, trong thời gian tới tỉnh cần tiêp tục triển khai thực hiện tốt một số nội dung, giải pháp sau:
- Tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đã được xác định tại Kế hoạch số 946/KH-UBND ngày 26/3/2020 về triển khai thực hiện Quyết định số 1068/QĐ-TTg ngày 22 tháng 8 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030 và Quyết định số 137/QĐ-UBND ngày 26/02/2021 phê duyệt Chương trình phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021-2030
- Tiếp tục triển khai thực hiện tốt Chương trình phối hợp giữa UBND tỉnh với Viện kiểm sát, Tòa án nhân dân tỉnh trong công tác phòng, chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021-2030.
- Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền Chiến lược sở hữu trí tuệ, nâng cao nhận thức, hiểu biết cho cán bộ chuyên môn, chủ doanh nghiệp về các chính sách, pháp luật sở hữu trí tuệ và lợi ích, giá trị của tài sản trí tuệ đối với hoạt động sản xuất và kinh doanh của các tổ chức, cá nhân; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các Hiệp định Thương mại tự do (FTA), Hiệp định EVFTA mà Việt Nam là thành viên.
- Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương trong việc kiểm tra, thanh tra, giám định, chống hàng giả, chống gian lận thương mại, chống xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, quyền tác giả, quyền liên quan, giống cây trồng … giải quyết tranh chấp (nếu có) trên địa bàn tỉnh.
[1] Quy định mức hỗ trợ đăng ký bảo hộ đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu; đăng ký bảo hộ, công nhận giống cây trồng mới thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Kon Tum
[2] Chỉ dẫn địa lý Ngọc Linh cho sản phẩm sâm củ; Chỉ dẫn địa lý Đăk Hà cho sảm phẩm cà phê Đăk Hà
[3]Sâm Ngọc Linh Kon Tum, Cà phê xứ lạnh Kon Tum, Lan kim tuyến Kon Tum, Ý dĩ Kon Tum, Đảng sâm Kon Tum, Ngũ vị tử Kon Tum, Đương quy Kon Tum, Sa nhân tím Kon Tum, Nghệ vàng Kon Tum, Đinh lăng Kon Tum, Nấm linh chi Kon Tum; Dệt thổ cẩm Kon Tum và Gạo thơm Đăk Hà …
[4]Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum; Công ty cổ phần Sâm Ngọc Linh Tu Mơ Rông Kon Tum; Công ty Cổ phần VinGin, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô; Hợp tác xã cộng đồng Green farm; Ông Quách Văn Nhi; Ông Phạm Duy Sinh; Ông Nguyễn Hữu Nam và hộ ông Lê Văn Hoàn.
[5] Vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tháng 5/2024 tại thành phố Kon Tum (mua bán qua mạng xã hội) gồm 148 cây giống Sâm, được xác 147 mẫu cho kết quả không phải Sâm Ngọc Linh; 01 mẫu bị hư không ra kết quả,đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với L.V.C về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” mua bán sâm giả.
[6]Công ty cổ phần VinGin 02 nhãn hiệu nước ngoài và 01 nhãn hiệu trong nước và Hợp tác xã Du lịch và Dược liệu Siu Puông 01 nhãn hiệu trong nước
([7]) Công ty TNHH Ứng dụng công nghệ cao Hoàng Linh Sơn; Công ty TNHH Bửu Khang Kon Tum;Hợp tác xã TMTH Trồng và chế biến Dược Liệu An Thành;Hợp tác xã Trồng rừng hôm nay; Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Minh Quân.