Từ ngày 23-25/4/2025, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum đã tổ chức Hội nghị “chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm về nâng cao năng suất chất lượng trên địa bàn tỉnh, phát triển cơ sở dữ liệu chuẩn và thực hành tốt về năng suất để phục vụ doanh nghiệp”. Sự kiện diễn ra tại Hội trường khách sạn An Thái, thành phố Kon Tum, thu hút sự tham gia của nhiều công chức các sở, ngành, các đơn vị, địa phương, doanh nghiệp, các chủ thể OCOP của tỉnh, giảng viên và sinh viên Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum, Trường Cao đẳng Kon Tum,…
(Bà Mai Thoan – Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum –
phát biểu khai mạc Hội nghị)
Tham dự Hội nghị có bà Mai Thoan – Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ; Tiến sĩ Phạm Thị Hồng Phượng - Trưởng Cộng đồng Ecotech - Techfest ViệtNam, cố vấn cao cấp Trung tâm Đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp và chuyển giao công nghệ, Chủ nhiệm Bộ môn Công nghệ Hóa học Vật liệu, Trường Đại học Công nghiệp Tp. HCM; Ông Phạm Văn Quân - Cố vấn chuyển đổi số của Cộng đồng Ecotech - Techfest Việt Nam; Bà Đoàn Thị Kiều Vân - Phó Cộng đồng Ecotech-Techfest Việt Nam; Ông Huỳnh Chí Đông Hải - Trưởng Ban đào tạo và Truyền thông Ecotech -Techfest Việt Nam; Ông Đinh Ngọc Thi – Giám đốc Công ty TNHH TM&DV Môi Trường Việt. Đây là những chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực khoa học, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và năng suất chất lượng.
Tiến sĩ Phạm Thị Hồng Phượng trình bày các chuyên đề tại Hội nghị
Ngoài ra có 6 đơn vị trong và ngoài tỉnh là những đơn vị tiêu biểu về áp dụng năng suất chất lượng tham gia trưng bày sản phẩm gồm: Trung tâm Khoa học – Công nghệ - Truyền thông tỉnh Kon Tum, Công ty Yến Sào Kon Tum, Công ty TNHH Thảo dược Tây Nguyên DATO, Công ty cổ phần nước giải khát Ngọc Linh, Công ty TNHH Môi trường Việt và Công ty TNHH Mỹ phẩm Vtcos.
Đại biểu dự Hội nghị tham quan các gian hàng trưng bày sản phẩm của các doanh nghiệp
là các đơn vị tiêu biểu về áp dụng năng suất chất lượng
Tại Hội nghị, các chuyên gia đã trình bày chuyên đề “năng suất chất lượng và tư duy cải tiến, thay đổi công nghệ, chuẩn hóa hệ thống quản trị doanh nghiệp - trách nhiệm của doanh nghiệp đối với hành trình ESG hướng đến phát triển bền vững”; hướng dẫn xây dựng và áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc vào hoạt động của doanh nghiệp, các đơn vị sản xuất, kinh doanh và thực hành truy xuất nguồn gốc từ Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc quốc gia; hướng dẫn các đơn vị sản xuất, kinh doanh đăng ký nhãn hiệu; định hướng phát triển cơ sở dữ liệu chuyển đổi số giúp doanh nghiệp tăng năng lực cạnh tranh, qua đó đã cung cấp những kiến thức cần thiết để doanh nghiệp kiểm soát chất lượng sản phẩm hàng hóa, bảo vệ thương hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng đã chia sẻ kinh nghiệm xây dựng, quản lý và tổ chức thực hành năng suất chất lượng hiệu quả tại doanh nghiệp từ các đề án hỗ trợ doanh nghiệp của trường Đại học Công nghiệp Tp.HCM, kinh nghiệm quản trị doanh nghiệp chuẩn hóa và đạt kỳ vọng về doanh thu và thương hiệu từ chương trình năng suất chất lượng của Công ty mỹ phẩm VTCos, về hành trình thực hiện năng suất chất lượng, chuyển đổi số để hội nhập cùng xu hướng phát triển bền vững toàn cầu, hành trình cải tiến và sáng tạo để phát triển doanh nghiệp.
Đáng chú ý, Hội nghị còn giới thiệu khung pháp lý hỗ trợ doanh nghiệp về năng suất chất lượng, hướng dẫn doanh nghiệp đề xuất nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh thuộc Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp về năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa giai đoạn 2020-2025 của tỉnh Kon Tum. Đây là một phần trong chiến lược dài hạn của địa phương nhằm thúc đẩy việc áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến trong sản xuất và kinh doanh, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Tại Hội nghị, bà Mai Thoan - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ - nhấn mạnh tầm quan trọng của việc áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, chuyển đổi số, đăng ký nhãn hiệu,… không chỉ giúp doanh nghiệp kiểm soát chất lượng hàng hóa, bảo vệ sản phẩm trước nạn hàng giả, mà còn là công cụ để nâng cao sức cạnh tranh và tiếp cận các thị trường lớn, đặc biệt là thị trường quốc tế.
Trong phần thảo luận, các doanh nghiệp đã nêu ra nhiều vấn đề thực tế mà họ đang gặp phải như khó khăn trong việc kiểm soát nguồn cung nguyên liệu, quản lý quá trình vận chuyển, giám sát khâu bán lẻ, đặc biệt là trong môi trường thương mại điện tử đang phát triển nhanh chóng. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng mong muốn nhận được sự hỗ trợ từ Sở Khoa học và Công nghệ và các chuyên gia để giúp doanh nghiệp xây dựng và áp dụng truy xuất nguồn gốc, các hệ thống quản lý chất lượng, đăng ký nhãn hiệu,… đáp ứng yêu cầu xuất khẩu sang các thị trường lớn của thế giới.
Bà Lương Thị Mỹ Huệ - Giám đốc Công ty TNHH Thảo dược Tây Nguyên DATO – tham gia ý kiến tại Hội nghị
Theo đó, các chuyên gia đã hướng dẫn, giải đáp các thắc mắc của doanh nghiệp và cam kết sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp để triển khai các công việc trên tinh thần là các đối tác. Về phía Sở Khoa học và Công nghệ, bà Mai Thoan – Phó Giám đốc Sở - mong muốn các doanh nghiệp mạnh dạn đề xuất nhiệm vụ khoa học và công nghệ thuộc Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp về năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa giai đoạn 2020-2025 để Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ cho doanh nghiệp.
Bên lề sự kiện, lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ, Tiến sĩ Phạm Thị Hồng Phượng cùng đoàn chuyên gia và các đại biểu đã đi thực tế tại 3 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh gồm Công ty Yến Sào Kon Tum, Công ty TNHH Thảo dược Tây Nguyên DATO, HTX Chè sạch Đông Trường Sơn để khảo sát và hướng dẫn các doanh nghiệp, HTX xây dựng và áp dụng truy xuất nguồn gốc, xây dựng Hệ thống quản lý chất lượng và đăng ký nhãn hiệu sản phẩm, hàng hóa.
Đoàn Công tác khảo sát thực tế tại Công ty TNHH Thảo dược Tây Nguyên DATO
Đoàn Công tác khảo sát thực tế tại Công ty TNHH Yến Sào Kon Tum

Đoàn Công tác khảo sát thực tế tại HTX Chè sạch Đông Trường Sơn
Kết thúc Hội nghị, nhiều học viên bày tỏ mong muốn Sở Khoa học và Công nghệ tiếp tục tổ chức các Hội nghị/khóa tập huấn chuyên sâu trong lĩnh vực năng suất chất lượng cho doanh nghiệp trong tương lai. Họ nhận thấy đây là cơ hội quý giá để họ được tiếp cận với những giải pháp tiên tiến, được các chuyên gia tư vấn về chiến lược phát triển kinh doanh dựa trên nền tảng năng suất chất lượng và đổi mới sáng tạo để nâng năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, đồng thời tạo sinh kế cho người dân bản địa, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển.