banner
Thứ 7, ngày 23 tháng 11 năm 2024
Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII)
9-4-2024
PII là gì?

Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (được gọi tắt là PII theo tiếng Anh - Provincial Innovation Index) cung cấp bức tranh thực tế, tổng thể về hiện trạng mô hình phát triển kinh tế - xã hội dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo (KHCN&ĐMST) của từng địa phương. Bộ chỉ số cung cấp căn cứ và bằng chứng về điểm mạnh, yếu, các yếu tố tiềm năng và các điều kiện cần thiết để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội dựa trên KHCN&ĐMST của từng địa phương.

Dựa trên bộ chỉ số, các nhà hoạch định chính sách, các cấp lãnh đạo địa phương có cơ sở xác định, lựa chọn các định hướng, giải pháp phù hợp cho việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương mình dựa trên KHCN & ĐMST.

Bối cảnh ra đời

Nghị quyết số 05-NQ/TW Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế; Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và Chiến lược phát triển Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo (KHCN & ĐMST) đến năm 2030... đã khẳng định đổi mới mô hình tăng trưởng của Việt Nam theo hướng “chuyển dần từ dựa vào gia tăng số lượng các yếu tố đầu vào của sản xuất sang dựa vào tăng năng suất, chất lượng lao động, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo”.

Tuy nhiên, do chưa có các mô tả định lượng để giúp hình dung và cụ thể hóa thành mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể, việc phải có một bộ chỉ số mô tả hiện trạng mô hình phát triển kinh tế - xã hội dựa trên KHCN ĐMST là cần thiết. Bộ chỉ số sẽ cung cấp cơ sở về điểm mạnh, yếu, về các yếu tố tiềm năng và các điều kiện cần, giúp các nhà hoạch định chính sách và các cấp lãnh đạo có cơ sở xác định, lựa chọn các định hướng, giải pháp phù hợp cho phát triển kinh tế - xã hội dựa trên KHCN&ĐMST ở cả cấp quốc gia và cấp địa phương.

Ở cấp quốc gia, từ năm 2017, Chính phủ đã sử dụng bộ chỉ số đổi mới sáng tạo (ĐMST) toàn cầu GII do Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO) công bố hàng năm. Chỉ số GII xác định các điểm mạnh, điểm yếu của quốc gia, từ đó đưa ra các giải pháp cải thiện phù hợp, cũng như kịp thời xây dựng, ban hành các chính sách có liên quan.
Tại Nghị quyết hàng năm, Chính phủ đã phân công cụ thể đến từng bộ, ngành chủ trì theo dõi và cải thiện các chỉ số Việt Nam còn yếu kém, đồng thời giao Bộ Khoa học và Công nghệ làm đầu mối điều phối, theo dõi chung.

Những năm qua, kết quả chỉ số GII của Việt Nam luôn có sự cải thiện tích cực. Việt Nam liên tục được tổ chức WIPO ghi nhận là quốc gia có điểm số cao hơn so với mức trung bình của các nước cùng nhóm thu nhập. Trong 12 năm liền, Việt Nam luôn có kết quả ĐMST cao hơn so với mức độ phát triển, cho thấy hiệu quả trong việc chuyển các nguồn lực đầu vào thành kết quả đầu ra phát triển kinh tế - xã hội.

Việt Nam là một trong số ít những quốc gia thu nhập trung bình thấp được tổ chức WIPO ghi nhận có tốc độ bắt kịp về ĐMST nhanh nhất. Tuy nhiên, ở cấp địa phương, nhiều nơi còn lúng túng trong việc tham gia thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về cải thiện chỉ số GII cấp quốc gia.

Một trong những lý do là chỉ số GII đánh giá ở cấp quốc gia nên nhiều số liệu thống kê tương tự ở cấp địa phương không có. Ngoài ra, phương pháp đánh giá theo quy chuẩn quốc tế còn mới lạ nên có những điểm không phù hợp với cấp địa phương của Việt Nam.

Với sự khác biệt giữa các địa phương về quy mô kinh tế - xã hội, dân số, đất đai, cơ cấu kinh tế, định hướng phát triển..., các địa phương cần phải lựa chọn mô hình phát triển KT-XH dựa trên KHCN & ĐMST khác nhau, phù hợp với bối cảnh, điều kiện, đặc điểm riêng có của địa phương mình. Do đó, nhiều địa phương kiến nghị cần có bộ chỉ số ĐMST riêng, căn cứ vào đó có thể chỉ đạo, điều hành tốt hơn, sát với thực tiễn hơn.

Từ yêu cầu thực tiễn này, tháng 11/2021, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt đã tới thăm và làm việc với Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), trao đổi và đề nghị WIPO hỗ trợ Việt Nam về ĐMST. Tổng giám đốc WIPO đã cam kết hỗ trợ Việt Nam xây dựng PII trên nền tảng bộ chỉ số GII.

Tại phiên họp đầu năm 2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 12/NQ-CP ngày 30/01/2022, giao: “Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với cơ quan, địa phương, WIPO và các tổ chức liên quan xây dựng bộ chỉ số ĐMST cấp địa phương và tổ chức đánh giá thử nghiệm tại một số địa phương nhằm đo lường năng lực ĐMST và kết quả ĐMST của từng địa phương, đồng bộ với chỉ số ĐMST toàn cầu GII của Việt Nam”.

Sau khi có kết quả thử nghiệm, Chính phủ đã giao Bộ Khoa học và Công nghệ "chính thức triển khai xây dựng Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương trên phạm vi toàn quốc từ năm 2023" (Nghị quyết số 10/NQ-CP ngày 3 tháng 2 năm 2023).

Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương của Việt Nam có 52 chỉ số thành phần, chia làm 7 trụ cột, trong đó có: 05 trụ cột đầu vào phản ánh những yếu tố tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển KT-XH dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST), bao gồm (1) Thể chế, (2) Vốn con người và Nghiên cứu và phát triển, (3) Cơ sở hạ tầng, (4) Trình độ phát triển của thị trường; (5) Trình độ phát triển của doanh nghiệp và 02 trụ cột đầu ra phản ánh kết quả tác động của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo vào phát triển KT-XH, bao gồm: (6) Sản phẩm tri thức, sáng tạo và công nghệ và (7) Tác động.

Ý nghĩa

Bộ chỉ số PII có ý nghĩa quan trọng, trong đó:

Đối với chính quyền các cấp

- Cung cấp các căn cứ về điểm mạnh, điểm yếu, các yếu tố tiềm năng và điều kiện cần thiết để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội dựa trên KHCN&ĐMST của từng địa phương.

- Làm cơ sở khoa học và thực tiễn để xây dựng và thực thi hiệu quả các chính sách thúc đẩy, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động KHCN&ĐMST ở địa phương.

- Thúc đẩy thực hiện các sáng kiến phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương dựa trên KHCN&ĐMST, tận dụng các thế mạnh và vượt qua các thách thức.

- Cung cấp công cụ và kĩ thuật cho phép đánh giá, so sánh năng lực, kết quả hoạt động KHCN & ĐMST giữa các địa phương cũng như chất lượng điều hành, quản lí nhà nước về KHCN ĐMST của từng địa phương.

- Góp phần nâng cao năng lực và kết quả hoạt động KHCN & ĐMST quốc gia; góp phần thực hiện và theo dõi, đánh giá việc thực hiện Chiến lược KHCN&ĐMST đến năm 2030, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030, Chiến lược Sở hữu trí tuệ đến năm 2030 và các mục tiêu phát triển bền vững.

Đối với nhà đầu tư

Kết quả đánh giá PII của địa phương là thông tin tham khảo hữu ích về môi trường đầu tư địa phương giúp nhà đầu tư, doanh nghiệp có các quyết định phù hợp.
Đối với khu vực nghiên cứu

Bộ chỉ số PII cung cấp cơ sở dữ liệu toàn diện với hệ thống các chỉ tiêu đánh giá, có thể so sánh được qua thời gian và thúc đẩy các nghiên cứu khác.
Đối với cộng đồng các tổ chức quốc tế và nhà tài trợ

Là cơ sở để xem xét, cân nhắc các tài trợ và hoạt động có liên quan tại các địa phương ở Việt Nam.
 
Lê Văn Thanh
Số lượt xem:3086

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
Công báo tỉnh Kon Tum





de tai khoa hoc cap tinh








Trang thông tin điện tử Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum
Quản lý và nhập tin: Trung tâm Nghiên cứu, Ứng dụng và Dịch vụ KH&CN – Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Huỳnh Trung Kim - P. Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ - Trưởng Ban biên tập

Địa chỉ: Tầng 4 - Tòa nhà B Trung tâm Hành chính công tỉnh Kon Tum - Tổ 8, P. Thống Nhất, Tp. Kon Tum, tỉnh Kon Tum; Điện thoại: 0260.3862518 - Email: skhcn@kontum.gov.vn

Chung nhan Tin Nhiem Mang


550912 Tổng số người truy cập: 382 Số người online:
TNC Phát triển: