Theo quy định tại Điều 44 của Luật cán bộ, công chức 2008 việc nâng ngạch công chức phải căn cứ vào vị trí việc làm, phù hợp với cơ cấu công chức của cơ quan, tổ chức, đơn vị và thông qua thi tuyển.
Tuy nhiên, ngày 25/11/2019 tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV đã thông Luật số 52/2019/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của luật cán bộ, công chức và luật viên chức (sau đây viết tắt là Luật cán bộ, công chức và viên chức sửa đổi 2019) thì việc nâng ngạch công chức phải căn cứ vào vị trí việc làm, phù hợp với cơ cấu ngạch công chức của cơ quan, tổ chức, đơn vị và được thực hiện thông qua thi nâng ngạch hoặc xét nâng ngạch công chức.
Như vậy, kể từ ngày 01/7/2020 việc nâng ngạch công chức sẽ được thực hiện thông qua 02 hình thức là thi nâng ngạch và xét nâng ngạch.
Theo đó, công chức để được xét nâng ngạch công chức phải đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn, điều kiện quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 45 Luật cán bộ, công chức 2008 được sửa đổi bởi Khoản 9 Điều 1 Luật Cán bộ, công chức và Luật viên chức sửa đổi 2019, cụ thể có 05 tiêu chuẩn, điều kiện để được xét nâng ngạch công chức như sau:
(1) Được xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong năm công tác liền kề trước năm dự thi nâng ngạch; có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt; không trong thời hạn xử lý kỷ luật, không trong thời gian thực hiện các quy định liên quan đến kỷ luật quy định tại Điều 82 của Luật này;
(2) Có năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để đảm nhận vị trí việc làm tương ứng với ngạch công chức cao hơn ngạch công chức hiện giữ trong cùng ngành chuyên môn;
(3) Đáp ứng yêu cầu về văn bằng, chứng chỉ của ngạch công chức đăng ký dự thi;
(4) Có thành tích xuất sắc trong hoạt động công vụ trong thời gian giữ ngạch công chức hiện giữ, được cấp có thẩm quyền công nhận;
(5) Được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý gắn với yêu cầu của vị trí việc làm.
hbnguyet