banner
Thứ 7, ngày 23 tháng 11 năm 2024
Cần áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc quốc gia
21-5-2023

(Chinhphu.vn) - Việc truy xuất nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, hàng hóa là hết sức cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, việc truy xuất nguồn gốc đang bị phân tán do chưa kết nối, chia sẻ giữa các ngành, địa phương với nhau. Để bảo đảm kết nối tốt, cần áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc quốc gia.

Hội thảo "Thông tin truy xuất nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm" - Ảnh: VGP/Hoàng Giang

 

Đây là ý kiến của nhiều nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp tại Hội thảo khoa học với chủ đề "Thông tin truy xuất nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm" do Đài truyền hình kỹ thuật số VTC phối hợp với một số đơn vị tổ chức vào ngày 16/5.

 

Tại hội thảo, ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ KH&CN) cho biết, việc truy xuất nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, hàng hóa là hết sức cấp thiết trong bối cảnh hiện nay, đặc biệt là khi nhu cầu minh bạch nguồn gốc, chất lượng sản phẩm hàng hóa được quan tâm nhiều hơn và trở thành tiêu chí bắt buộc trong xuất khẩu.

 

Việc truy xuất nguồn gốc góp phần vào chuyển đổi số của doanh nghiệp, hỗ trợ quản trị nội bộ nhằm tối ưu hiệu quả hoạt động, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, nâng cao vị thế thương hiệu, tạo dựng niềm tin với người tiêu dùng, tạo môi trường kinh doanh minh bạch.

 

Đồng thời tạo lập cơ sở dữ liệu được cập nhật và bổ sung theo thời gian thực giúp thống kê, báo cáo chính xác phục vụ hiệu quả cho việc xây dựng và thực thi chiến lược, chính sách, kế hoạch; phát triển giải pháp và dịch vụ đáp ứng tốt hơn nhu cầu của doanh nghiệp đồng thời phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế.

 

"Thực ra đây không phải vấn đề mới. Trước đây, mục tiêu truy xuất nguồn gốc phục vụ chủ yếu cho doanh nghiệp để kiểm soát chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp mình nhưng hiện nay đó còn là nhu cầu của người tiêu dùng, của thị trường trong nước và xuất khẩu. Có rất nhiều giải pháp mà các doanh nghiệp đưa ra, tuy nhiên những tem truy xuất nguồn gốc này có thực sự đáp ứng được kỳ vọng là minh bạch về chất lượng sản phẩm, hàng hóa không? Có nhiều tem gọi là truy xuất nguồn gốc nhưng bản chất đã là truy xuất nguồn gốc chưa", ông Nguyễn Hoàng Linh nêu.

 

Nghị định số 13/2022/NĐ-CP đã quy định trách nhiệm của Bộ KH&CN giúp Chính phủ quản lý nhà nước về hoạt động truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa; hướng dẫn nâng cao năng lực kỹ thuật cho hoạt động truy xuất nguồn gốc và hỗ trợ phát triển sản phẩm chủ lực, phát triển kinh tế - xã hội của bộ, ngành và địa phương; quy định hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa bảo đảm kết nối, chia sẻ dữ liệu...

 

Bên cạnh đó, Đề án 100 theo Quyết định số 100/QĐ-TTg phê duyệt Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc cũng đề ra các nhiệm vụ như: Hoàn thiện cơ bản hệ thống các văn bản quy định, pháp luật về quản lý, triển khai áp dụng và xử lý vi phạm về truy xuất nguồn gốc. Hoàn thiện nâng cấp Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa quốc gia, bảo đảm kết nối 100% hệ thống truy xuất nguồn gốc của các bộ, cơ quan liên quan và ít nhất 70% trong tổng số các đơn vị cung cấp giải pháp tại Việt Nam.

 

"Việc bảo đảm kết nối, chia sẻ dữ liệu của hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa là hết sức quan trọng. Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa quốc gia dự kiến hoàn thành vào cuối năm nay. Chúng tôi kỳ vọng đây sẽ là công cụ hữu hiệu thúc đẩy hoạt động truy xuất nguồn gốc không chỉ trong nước mà tiến tới kết nối với các quốc gia khác", ông Nguyễn Hoàng Linh thông tin.

 

Chia sẻ về việc xây dựng, vận hành Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia, ông Bùi Bá Chính, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Mã số mã vạch quốc gia (Bộ KH&CN) cho biết, việc quản lý thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm tập trung trên Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc quốc gia là đòi hỏi bức thiết.

 

Cổng này sẽ kết nối các hệ thống truy xuất nguồn gốc trong nước và quốc tế; quản lý và cập nhật cơ sở dữ liệu sản phẩm, hàng hóa trong nước và quốc tế; chia sẻ dữ liệu truy xuất nguồn gốc giữa các hệ thống. Thực hiện, giám sát, đánh giá các công việc liên quan quản lý truy xuất nguồn gốc; tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức trên toàn quốc. Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc quốc gia cũng dựa trên số liệu báo cáo, thống kê và công nghệ AI để phân tích trợ giúp cơ quan quản lý đưa chính sách kịp thời, phù hợp.

 

Tại hội thảo, các ý kiến cho rằng, hiện nay, việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa đang bị phân tán do chưa có sự kết nối, chia sẻ giữa các ngành, địa phương với nhau. Để bảo đảm kết nối tốt, cần áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc quốc gia để triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc chung phù hợp tiêu chuẩn quốc gia gắn với chương trình nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

 

Hội thảo cũng tập trung thảo luận về các vấn đề cấp bách trong quản lý chất lượng và minh bạch nguồn gốc với những nội dung như: Thực trạng và nhu cầu truy xuất nguồn gốc xuất xứ hàng hóa của người tiêu dùng; những chủ trương xã hội hóa về phát triển giải pháp, chính sách pháp luật về quản lý truy xuất nguồn gốc; những yêu cầu quốc tế về truy xuất nguồn gốc và minh bạch thông tin; các giải pháp công nghệ như RFID (nhận dạng bằng tần số radio) về truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh và giá trị sản phẩm...

 

Thống kê của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia cho thấy, quý I năm 2023, các lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ 1.345 vụ mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu (tăng 68,34% so với cùng kỳ năm 2022); 25.595 vụ gian lận thương mại, gian lận về thuế (giảm 14,54% so với cùng kỳ năm 2022); 1.088 vụ hàng giả, vi phạm sử hữu trí tuệ (tăng 30,93% so với cùng kỳ năm 2022); thu nộp ngân sách nhà nước hơn 3.387 tỷ đồng (tăng 76,66% so với cùng kỳ năm 2022); khởi tố hình sự 278 vụ, 679 đối tượng.

 

Link liên kết nguồn: https://baochinhphu.vn/can-ap-dung-he-thong-truy-xuat-nguon-goc-quoc-gia-102230516162413216.htm

 

Số lượt xem:514

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
Công báo tỉnh Kon Tum





de tai khoa hoc cap tinh








Trang thông tin điện tử Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum
Quản lý và nhập tin: Trung tâm Nghiên cứu, Ứng dụng và Dịch vụ KH&CN – Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Huỳnh Trung Kim - P. Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ - Trưởng Ban biên tập

Địa chỉ: Tầng 4 - Tòa nhà B Trung tâm Hành chính công tỉnh Kon Tum - Tổ 8, P. Thống Nhất, Tp. Kon Tum, tỉnh Kon Tum; Điện thoại: 0260.3862518 - Email: skhcn@kontum.gov.vn

Chung nhan Tin Nhiem Mang


551559 Tổng số người truy cập: 1360 Số người online:
TNC Phát triển: