Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn vừa ký Quyết định 1703/QĐ-TTg ngày 31/12/2024 ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW ngày 30/7/2024 của Ban Bí thư về đẩy mạnh công tác tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng quốc gia đến năm 2030 và những năm tiếp theo (Kế hoạch).
Mục đích của Kế hoạch nhằm quán triệt và tổ chức thực hiện đầy đủ, hiệu quả các nhiệm vụ và giải pháp tại Chỉ thị số 38-CT/TW ngày 30/7/2024 của Ban Bí thư về đẩy mạnh công tác tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng quốc gia đến năm 2030 và những năm tiếp theo (Chỉ thị số 38-CT/TW). Tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của các bộ, ngành, địa phương và người dân về công tác tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, xây dựng cơ chế, chính sách và bố trí nguồn lực cho công tác tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng.
Theo đó, Chính phủ đề ra 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp:
1. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, nhân dân và doanh nghiệp về tầm quan trọng của công tác tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng: Tổ chức nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền, phổ biến nội dung Chỉ thị số 38-CT/TW và các văn bản hướng dẫn thực hiện bằng nhiều hình thức. Xây dựng kế hoạch tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền, nhân dân, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng tại trung ương và địa phương, nâng cao ý thức tự giác chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng. Tổ chức định kỳ diễn đàn đối thoại với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân về hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng; các chương trình bồi dưỡng, vai trò, ý nghĩa của việc sản xuất, phân phối, tiêu dùng theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, chất lượng.
2. Rà soát, xây dựng, bổ sung, hoàn thiện hệ thống, chính sách pháp luật, văn bản quản lý về công tác tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng; đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng
- Thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, phù hợp với tình hình thực tiễn, đáp ứng nhu cầu phát triển và bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước.
- Sửa đổi Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, đảm bảo sự tương thích giữa các quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đánh giá sự phù hợp của Việt Nam với các cam kết quốc tế, trong đó có các FTA thế hệ mới mà Việt Nam đã ký kết, hoặc có kế hoạch tham gia trong tương lai nhằm giảm thiểu các rào cản kỹ thuật trong thương mại quốc tế và thúc đẩy hoạt động xuất khẩu sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam.
- Sửa đổi Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước, từng bước chuyển từ hình thức kiểm soát đối tượng, công đoạn cụ thể sang quản lý chuỗi sản phẩm, từ khâu tổ chức sản xuất đến phân phối, lưu thông, tiêu dùng và xuất khẩu sản phẩm, hàng hóa mang thương hiệu Việt Nam. Xây dựng quy định về tiêu chí, quy trình đánh giá, chỉ định các tổ chức công nhận quốc gia, tổ chức đánh giá sự phù hợp quốc gia, tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm quốc gia, tổ chức năng suất quốc gia để thực hiện cơ chế trọng tài phục vụ công tác quản lý về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng trong phạm vi cả nước, đáp ứng yêu cầu và thông lệ quốc tế.
- Xây dựng, nâng cấp và đưa vào sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, kết nối với các cơ sở dữ liệu quốc gia khác nhằm cung cấp thông tin công khai, minh bạch, phục vụ nhu cầu của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong nước và chia sẻ thông tin giữa các cơ quan quản lý của Việt Nam với cơ sở dữ liệu của tổ chức quốc tế, các quốc gia khác.
- Tiếp tục triển khai Đề án chuyển đổi số trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, bảo đảm kết nối thông suốt từ trung ương đến địa phương, chú trọng công tác bảo đảm an toàn, an ninh thông tin cho hệ thống; ứng dụng các giải pháp về chuyển đổi số, mã số mã vạch, truy xuất nguồn gốc để tăng cường công tác quản lý nhà nước về năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, tạo môi trường sản xuất kinh doanh minh bạch, thúc đẩy phát triển thương mại trong nước và hoạt động xuất, nhập khẩu.
- Xây dựng và tổ chức thực hiện Đề án kiện toàn tổ chức hoạt động cơ quan tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng theo hướng chỉ một đầu mối cấp quốc gia để thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng thống nhất từ trung ương đến địa phương.
- Nâng cao vị thế và hiệu quả hoạt động của cơ quan thông tin truyền thông thông về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng để kịp thời cung cấp thông tin chính sách, pháp luật phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiếp nhận, báo cáo cấp có thẩm quyền nghiên cứu, xử lý các phản ảnh, góp ý, đề xuất giải pháp, chính sách từ phía các tổ chức, doanh nghiệp và người dân.
3. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng: Xây dựng và tổ chức thực hiện Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng trong phạm vi cả nước đến năm 2030 và những năm tiếp theo. Xây dựng các chương trình, giáo trình đào tạo, phổ cập kiến thức về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng và đưa vào giảng dạy tại một số cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng và trung cấp nghề theo quy định của pháp luật. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đội ngũ chuyên gia đầu ngành, các nhóm chuyên gia có uy tín đạt trình độ quốc tế, tăng cường hợp tác quốc tế trong đào tạo, xuất khẩu nhân lực lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng. Bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng phục vụ công tác công an, đảm bảo về số lượng và chất lượng, phù hợp với quy định của nhà nước và Bộ Công an.
4. Tăng cường đầu tư ngân sách nhà nước cho công tác tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng: Xây dựng và tổ chức thực hiện Đề án Phát triển các trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng trên toàn quốc (tổ chức công nhận quốc gia, tổ chức đánh giá sự phù hợp quốc gia, tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm quốc gia, tổ chức năng suất quốc gia). Trong đó, xây dựng, duy trì ít nhất một trung tâm kiểm định tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng ở mỗi vùng kinh tế trọng điểm; có lộ trình thực hiện phù hợp yêu cầu thực tế và khả năng cân đối ngân sách nhà nước. Tăng cường đầu tư ngân sách nhà nước, đẩy mạnh thu hút nguồn lực xã hội cho công tác tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng; tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, hiện đại hóa hệ thống phòng kiểm định kỹ thuật, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đối với Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng ba khu vực Bắc, Trung, Nam trực thuộc Ủy ban Tiêu Chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ. Tăng cường nguồn lực đầu tư cho hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh theo Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 26 tháng 01 năm 2022 của Bộ Chính trị khoá XIII về “Đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng đến năm 2030 và những năm tiếp theo”.
5. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng: Rà soát, sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật về thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng theo hướng tăng cường hiệu quả công tác quản lý nhà nước, bảo đảm chất lượng, an toàn của sản phẩm, hàng hóa trong quá trình sản xuất, xuất, nhập khẩu và lưu thông trên thị trường. Đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, thanh tra, giám sát công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng tại các bộ, ngành, cơ quan trung ương và các tỉnh, thành phố trên cả nước. Kịp thời thực hiện các hoạt động khen thưởng, tôn vinh các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng; có biện pháp phù hợp, bảo mật thông tin về nhân thân để bảo vệ người tố giác hành vi vi phạm quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng.
6. Tăng cường hội nhập quốc tế về công tác tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng: Đẩy mạnh hội nhập quốc tế; tuân thủ các điều ước, các thỏa thuận quốc tế có liên quan mà Việt Nam tham gia. Nâng tỷ lệ hài hoà của tiêu chuẩn quốc gia với tiêu chuẩn quốc tế nhằm nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, nâng cao vị thế, vai trò của Việt Nam trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng. Tăng cường tham gia vào các tổ chức quốc tế có uy tín trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng; chủ động xây dựng và triển khai các chương trình, thoả thuận hợp tác với các tổ chức quốc tế, quốc gia có năng lực kiểm định tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, năng suất tiên tiến để trao đổi thông tin, học tập kinh nghiệm và hợp tác đào tạo nhân lực chất lượng cao; xây dựng và tổ chức thực hiện đề án tăng cường hội nhập, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng. Bố trí đủ kinh phí, đảm bảo thực hiện đầy đủ trách nhiệm thành viên (đóng niên liễm, tổ chức đoàn ra, đón đoàn vào, tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế...) tại các tổ chức quốc tế mà cơ quan tiêu chuẩn đo lường chất lượng được cơ quan có thẩm quyền cho phép tham gia theo quy định của pháp luật.
Chính phủ giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương liên quan, tổ chức thực hiện Kế hoạch, định kỳ đôn đốc, kiểm tra, sơ kết, tổng kết, báo cáo việc thực hiện.
Kinh phí thực hiện Kế hoạch được bố trí từ ngân sách nhà nước và các nguồn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.