banner
Thứ 7, ngày 11 tháng 1 năm 2025
Chính phủ ban hành chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030
2-2-2021

Nhằm đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (sau đây viết tắt là TTNT), đưa TTNT trở thành lĩnh vực công nghệ quan trọng của Việt Nam trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, ngày 26/01/2021, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 127/QĐ-TTg ban hành chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng TTNT đến năm 2030 (sau đây viết tắt là Chiến lược).

 

Chiến lược đề ra mục tiêu:

 

1.  Đến năm 2025

 

a) Đưa TTNT trở thành lĩnh vực công nghệ quan trọng của Việt Nam: Việt Nam nằm trong nhóm 5 nước dẫn đầu trong khu vực ASEAN và nhóm 60 nước dẫn đầu trên thế giới về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng TTNT; Xây dựng được 05 thương hiệu TTNT có uy tín trong khu vực; Phát triển được 01 trung tâm quốc gia về lưu trữ dữ liệu lớn và tính toán hiệu năng cao.

 

b) Việt Nam trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, phát triển các giải pháp và ứng dụng TTNT: Hình thành được 02 trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia về TTNT; gia tăng số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo về TTNT và tổng vốn đầu tư vào lĩnh vực TTNT ở Việt Nam; Nâng cấp, hình thành mới được 10 cơ sở nghiên cứu và đào tạo trọng điểm về TTNT.

 

c) Góp phần xây dựng xã hội sáng tạo, chính phủ hiệu quả, bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội và thúc đẩy phát triển kinh tế tăng trưởng bền vững: TTNT được ứng dụng rộng rãi trong hành chính công, dịch vụ công trực tuyến giúp giảm thời gian xử lý công việc, nhân lực bộ máy, giảm thời gian chờ đợi và chi phí của người dân; Nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống quản lý hành chính nhà nước trong phân phối, sử dụng nguồn lực xã hội, quản lý xã hội và quản lý đô thị, đặc biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.

 

2. Đến năm 2030

 

a) Đưa TTNT trở thành lĩnh vực công nghệ quan trọng của Việt Nam: Việt Nam nằm trong nhóm 4 nước dẫn đầu trong khu vực ASEAN và nhóm 50 nước dẫn đầu trên thế giới về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng TTNT; Xây dựng được 10 thương hiệu TTNT có uy tín trong khu vực; Phát triển được 03 trung tâm quốc gia về lưu trữ dữ liệu lớn và tính toán hiệu năng cao; kết nối được các hệ thống trung tâm dữ liệu, trung tâm tính toán hiệu năng cao trong nước tạo thành mạng lưới chia sẻ năng lực dữ liệu lớn và tính toán phục vụ TTNT; Hình thành được 50 bộ dữ liệu mở, liên thông và kết nối trong các ngành kinh tế, lĩnh vực kinh tế - xã hội phục vụ nghiên cứu, phát triển và ứng dụng TTNT.

 

b) Việt Nam là trung tâm đổi mới sáng tạo, phát triển các giải pháp và ứng dụng TTNT mạnh: Hình thành được 03 trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia về TTNT; Xây dựng được đội ngũ nhân lực chất lượng cao làm về TTNT bao gồm đội ngũ các chuyên gia và các kỹ sư triển khai ứng dụng TTNT. Tăng nhanh số lượng các công trình khoa học, đơn đăng ký sáng chế về TTNT của Việt Nam; Có ít nhất 01 đại diện nằm trong bảng xếp hạng nhóm 20 cơ sở nghiên cứu và đào tạo về TTNT dẫn đầu trong khu vực ASEAN.

 

c) Góp phần đẩy mạnh xã hội sáng tạo, chính phủ hiệu quả, bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội và thúc đẩy phát triển kinh tế tăng trưởng bền vững: Phổ cập được kỹ năng cơ bản về ứng dụng TTNT cho đội ngũ lao động trực tiếp, phục vụ thúc đẩy đổi mới sáng tạo, giảm chi phí, nâng cao năng suất lao động và cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân; Ứng dụng TTNT phục vụ các nhiệm vụ quốc phòng an ninh, các hoạt động cứu hộ, cứu nạn, phòng chống thiên tai và ứng phó sự cố, dịch bệnh; Cùng với chuyển đổi số, ứng dụng TTNT góp phần thúc đẩy tăng trưởng một số ngành kinh tế.

 

Để đạt được các mục tiêu trên, Chính phủ giao Bộ Khoa học và Công nghệ và các bộ, ngành có liên quan thực hiện các nhóm nhiệm vụ và giải pháp. Trong đó giao Bộ Khoa học và Công nghệ:

 

- Xây dựng và hoàn thiện bổ sung các văn bản pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ liên quan tới TTNT.

 

- Mở rộng các dự án xây dựng dữ liệu cộng đồng theo hình thức của đề án Hệ tri thức Việt số hóa; kết nối các cộng đồng TTNT, cộng đồng khoa học mở ở Việt Nam; hỗ trợ các nhiệm vụ nghiên cứu làm chủ, xây dựng các nền tảng nội địa cho tính toán hiệu năng cao, tính toán đám mây, tính toán sương mù; thường xuyên tổ chức các hoạt động kết nối các cộng đồng học thuật, nghiên cứu; cộng đồng nghề nghiệp phát triển và ứng dụng TTNT và khoa học dữ liệu (KHDL) trong và ngoài nước.

 

- Triển khai mạnh mẽ hình thức hợp tác công - tư, đồng tài trợ cho các trung tâm đào tạo, trung tâm nghiên cứu phát triển và trung tâm ứng dụng TTNT; đầu tư hình thành một số nhóm nghiên cứu trọng điểm về TTNT và KHDL trong một số trường đại học, viện nghiên cứu công lập; đầu tư cơ sở vật chất cho một số phòng thí nghiệm trọng điểm về TTNT và KHDL trong các trường đại học, viện nghiên cứu công lập; thúc đẩy xây dựng một số trung tâm đổi mới sáng tạo về TTNT, hình thành một số thương hiệu của Việt Nam về TTNT trên thế giới.

 

- Tổ chức triển khai nghiên cứu cơ bản về TTNT, giải mã công nghệ, làm chủ công nghệ, bắt kịp các tiến bộ trong lĩnh vực TTNT và bước đầu đóng góp trong phát triển phương pháp TTNT mới trong một số tổ chức nghiên cứu về toán học và công nghệ thông tin; tập trung đầu tư nghiên cứu, phát triển một số sản phẩm TTNT dựa trên nguồn dữ liệu và tri thức đặc thù của Việt Nam; triển khai chương trình nghiên cứu trọng điểm quốc gia về TTNT gắn với đào tạo nghiên cứu sinh; triển khai nghiên cứu, phát triển một số nền tảng cung cấp dịch vụ, sản phẩm TTNT quan trọng như xử lý ngôn ngữ tự nhiên, thị giác máy tính, quy trình tự động, các công nghệ TTNT dựa trên dữ liệu, người máy và các phương tiện tự hành, trong một số lĩnh vực đã sẵn sàng về dữ liệu, công nghệ và có nhu cầu ứng dụng ở trong nước, hướng đến thị trường trong khu vực và toàn cầu.

 

- Thúc đẩy hình thành các nhóm chuyên môn mở trong các lĩnh vực, cho phép rút ngắn thời gian hoàn thành các kết quả nghiên cứu; thúc đẩy sử dụng dùng chung, chia sẻ, mở dữ liệu, công nghệ và ứng dụng TTNT theo hướng đa ngành, liên ngành và xuyên ngành để đẩy nhanh tốc độ hình thành các kết quả và nâng cao hiệu quả đầu ra của các hoạt động nghiên cứu phát triển trong các lĩnh vực khác; tập huấn rộng rãi các nền tảng mở về dữ liệu và ứng dụng TTNT; thúc đẩy các cộng đồng, diễn đàn nguồn mở về TTNT; khuyến khích doanh nghiệp đặt hàng viện nghiên cứu, trường đại học triển khai nghiên cứu, phát triển sản phẩm TTNT đặc thù của Việt Nam.

 

- Tổ chức các chuỗi sự kiện về TTNT; hỗ trợ các cá nhân, tổ chức trong nước tham gia các hội thảo, triển lãm, kỳ thi quốc tế về TTNT; tham gia tổ chức và thực hiện các chương trình, dự án hợp tác nghiên cứu khoa học song phương và đa phương về TTNT; thúc đẩy phát triển cơ sở, trung tâm hợp tác nghiên cứu TTNT; các dự án hợp tác chuyển giao công nghệ, khai thác các sáng chế, quyền sở hữu công nghiệp giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp nước ngoài về TTNT; các trung tâm, chương trình đào tạo nhân lực TTNT chất lượng cao phục vụ thị trường trong nước và toàn cầu; trao đổi chuyên gia, người làm công tác nghiên cứu, sinh viên của tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam với các tổ chức nghiên cứu, đào tạo, doanh nghiệp TTNT nước ngoài. Tham gia các hội, hiệp hội quốc tế và tổ chức khác về TTNT./.

Hồng Vân

Số lượt xem:435

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
Công báo tỉnh Kon Tum















Trang thông tin điện tử Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum
Quản lý và nhập tin: Trung tâm Nghiên cứu, Ứng dụng và Dịch vụ KH&CN – Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Huỳnh Trung Kim - P. Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ - Trưởng Ban biên tập

Địa chỉ: Tầng 4 - Tòa nhà B Trung tâm Hành chính công tỉnh Kon Tum - Tổ 8, P. Thống Nhất, Tp. Kon Tum, tỉnh Kon Tum; Điện thoại: 0260.3862518 - Email: skhcn@kontum.gov.vn

Chung nhan Tin Nhiem Mang


653725 Tổng số người truy cập: 1470 Số người online:
TNC Phát triển: