Ngày 3/3/2021, UBND tỉnh Kon Tum ký ban hành Kế hoạch số 727/KH-UBND về việc Triển khai thực hiện đưa các chương trình hoạt động văn hóa, nghệ thuật phục vụ vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2030. Đối tượng hưởng lợi theo kế hoạch là đồng bào các dân tộc ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng dân tộc thiểu số; trong đó ưu tiên các dân tộc thiểu số có số dân dưới 10.000 người, dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù.
MỤC ĐÍCH
Tăng cường đưa các hoạt động văn hóa, nghệ thuật đến phục vụ đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng dân tộc thiểu số góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, ổn định cuộc sống cho Nhân dân; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác giữ gìn, bảo tồn phát triển văn hóa truyền thống đặc sắc vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng biên giới. Phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan, ban, ngành, địa phương trong việc đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động văn hóa, văn nghệ góp phần bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới; Tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật đa dạng, phong phú, phù hợp, có trọng tâm, trọng điểm; bảo đảm thiết thực, an toàn, tiết kiệm, hiệu quả; có sự thống nhất, đồng bộ trong công tác chỉ đạo tổ chức thực hiện.
MỤC TIÊU
Xây dựng, tổ chức hiệu quả các hoạt động văn hóa, nghệ thuật nhằm nâng cao mức hưởng thụ và đời sống văn hóa cho đồng bào vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng dân tộc thiểu số; góp phần xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc; Tăng cường quan hệ hợp tác, đoàn kết, hữu nghị giữa đồng bào các dân tộc vùng biên giới; Phát huy vai trò làm chủ của đồng bào trong bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch, trong đó mục tiêu cụ thể hướng đến của kế hoạch được chia thành 2 giai đoạn:
Giai đoạn 2021 - 2025
Tổ chức hiệu quả các hoạt động Chương trình văn hóa, nghệ thuật phục vụ đồng bào các dân tộc ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng dân tộc thiểu số.
Nâng cao mức hưởng thụ văn hóa và phát huy vai trò làm chủ trong xây dựng đời sống văn hóa, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu. Mỗi thôn, làng hoặc liên kết 02 đến 03 thôn, làng thành lập 01 đến 02 Câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ hoạt động hiệu quả; duy trì hằng năm tổ chức liên hoan, giao lưu các Câu lạc bộ 01 đến 02 lần phù hợp với điều kiện địa phương.
Tổ chức các chuyến đi thực tế cho văn nghệ sĩ người dân tộc thiểu số; các cuộc thi, liên hoan, các cuộc vận động sáng tác văn học, kịch bản phim, kịch bản sân khấu, nhạc, thơ, ảnh, mỹ thuật, ca khúc, chuyên mục phát thanh, phóng sự truyền hình, tác phẩm báo chí về đề tài dân tộc thiểu số.
Tăng cường phát triển văn hóa đọc; tiếp tục trang bị sách, báo cho các thư viện tỉnh, huyện; phấn đấu chỉ tiêu 03 bản sách/người.
Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền các hoạt động văn hóa, nghệ thuật đến vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn qua các phương tiện thông tin đại chúng.
Hỗ trợ kinh phí nhằm đảm bảo duy trì, phát triển các hoạt động văn hóa nghệ thuật tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Giai đoạn 2025 - 2030
Nâng cao chất lượng, đổi mới hình thức, nội dung các chương trình văn hóa, nghệ thuật phục vụ đồng bào các dân tộc ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng dân tộc thiểu số.
Tiếp tục nâng cao mức hưởng thụ văn hóa và phát huy vai trò làm chủ trong xây dựng đời sống văn hóa, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu; nhân rộng các mô hình Câu lạc bộ văn hóa, nghệ thuật ở thôn, làng và khu dân cư vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng dân tộc thiểu số có hiệu quả. Duy trì hằng năm tổ chức liên hoan, giao lưu các Câu lạc bộ, đội văn nghệ phù hợp với điều kiện thực tế của mỗi địa phương.
Ứng dụng công nghệ số xây dựng các sản phẩm phim, ảnh, sách, báo về văn hóa nghệ thuật phục vụ vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn.
NHIỆM VỤ ĐẶT RA:
Tổ chức hoạt động nghệ thuật biểu diễn (biểu diễn nghệ thuật quần chúng và biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp): Kết hợp các loại hình chuyên nghiệp và không chuyên, khuyến khích các loại hình sinh hoạt nghệ thuật quần chúng, sinh hoạt Câu lạc bộ, đội, nhóm; tổ chức các hoạt động biểu diễn nghệ thuật quần chúng và các hoạt động văn hóa, nghệ thuật khác nhằm tạo sự đa dạng, phong phú với nhiều cấp độ, quy mô ở cơ sở; Tăng cường tuyên truyền các chương trình văn hóa nghệ thuật chuyên mục trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Tổ chức các ngày hội, giao lưu liên hoan, hội diễn văn hóa, nghệthuật: Cấp tỉnh, huyện chỉ đạo tổ chức các ngày hội, lễ hội, liên hoan văn hóa, văn nghệ, đưa các hoạt động văn hóa nghệ thuật lồng ghép vào các ngày lễ lớn của đất nước, của địa phương theo kế hoạch cụ thể hàng năm; Tăng cường các hoạt động văn nghệ quần chúng ở cơ sở, nhất là tại các thôn, làng xa trung tâm xã, huyện; định hướng các câu lạc bộ văn nghệ sưu tầm các bài hát, điệu múa truyền thống, nghi thức diễn xướng dân gian, các giá trị văn hóa dân tộc trên địa bàn để truyền dạy cho lớp trẻ.
Tổ chức hoạt động điện ảnh ở cơ sở: Lựa chọn và cung cấp nguồn phim có nội dung phù hợp cho các đội chiếu bóng lưu động cấp tỉnh đảm bảo từ 02 đến 04 buổi chiếu/xã/năm; Xây dựng chuyên mục văn hóa, nghệ thuật dân tộc thiểu số và tổ chức truyền thanh, truyền hình trên kênh sóng của Đài phát thanh, truyền hình các địa phương.
Tổ chức các cuộc thi, sáng tác về đề tài dân tộc thiểu số: Tổ chức cho văn nghệ sỹ người dân tộc thiểu số các chuyến đi thực tế lấy tư liệu; tổ chức các cuộc thi sáng tác văn học, kịch bản phim, ảnh, mỹ thuật, ca khúc... về đề tài dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa; Sử dụng, phổ biến các tác phẩm của các văn nghệ sỹ người dân tộc thiểu số có nội dung và chất lượng nghệ thuật tốt để khuyến khích sáng tạo và đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa nghệ thuật trên địa bàn vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người.
Tổ chức hoạt động thư viện và phát triển văn hóa đọc: Đẩy mạnh hoạt động hệ thống thư viện, hỗ trợ các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số xây dựng tủ sách thư viện cấp xã và tại các đồn Biên phòng. Hàng năm trang bị, bổ sung sách, báo và ấn phẩm văn hóa cho tủ sách thôn, làng. Đặc biệt chú ý tăng cường các loại sách song ngữ tiếng dân tộc. Thư viện các cấp phối hợp với các đồn biên phòng tổ chức phục vụ và luân chuyển sách đến với bạn đọc tại các điểm trường phổ thông, các xã, bản vào các dịp thích hợp; Tổ chức các đợt thi đọc sách, các buổi bình thơ, nói chuyện về sách, các hội thi, giới thiệu, tuyên truyền sách, kể chuyện sách tại các điểm vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng dân tộc thiểu số.
Tổ chức hoạt động triển lãm, trưng bày Tổ chức triển lãm tranh, ảnh nghệ thuật (bản chính hoặc phiên bản), hiện vật, tư liệu, sách, báo, sản phẩm văn hóa vào dịp lễ, tết tại các sự kiện trọng đại của đất nước, địa phương nhằm tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, tạo cơ hội để nhân dân các dân tộc vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng dân tộc thiểu số được tiếp cận nhiều sản phẩm văn hóa, nghệ thuật.
Tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá văn hóa truyền thống, phát triểndu lịch: Xây dựng các sản phẩm du lịch độc đáo, phù hợp với văn hóa truyền thống vùng biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số; tạo nguồn thu từ du lịch, góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống và nâng cao đời sống kinh tế - văn hóa cho đồng bào trên địa bàn.
Vận động các tổ chức, cá nhân hợp tác và đầu tư cho các hoạt động văn hóa nghệ thuật tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng dân tộc thiểu số; nghiên cứu tổ chức đoàn diễn viên, nghệ nhân các dân tộc thiểu số đi giao lưu, biểu diễn giới thiệu văn hóa truyền thống ở nước ngoài.
Tổ chức tuyên truyền hoạt động văn hóa, nghệ thuật, chuyên mục phù hợp với vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn qua các phương tiện thông tin đại chúng. Chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong hoạt động thông tin, tuyên truyền.
Tổ chức ghi hình, thu âm các hoạt động chương trình văn hóa, nghệ thuật để phát sóng hoặc chuyển cho cho các trung tâm văn hóa và các thôn, làng làm tư liệu hoặc phát lại vào những ngày lễ, hội.
Trang bị âm ly, loa đài, máy chiếu, micro, máy phát điện để hỗ trợ các hoạt động văn hóa, nghệ thuật; đầu tư các trang thiết bị công nghệ thông tin để lưu trữ, khai thác nội dung các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, phát triển du lịch.
Lồng ghép phổ biến, giáo dục pháp luật trong các hoạt động văn hóa, nghệ thuật; giới thiệu các mô hình tốt, cách làm hay phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Nghiên cứu, sưu tầm các làn điệu dân ca, dân vũ, nhạc cụ các dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một, thất truyền để bảo tồn và phát huy.
Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, phương pháp, kỹ năng triển khai các hoạt động của chương trình văn hóa, nghệ thuật.
Tôn vinh, khen thưởng: Tổ chức tôn vinh, khen thưởng (vào dịp sơ kết và tổng kết Kế hoạch) đối với tác giả có tác phẩm về đề tài dân tộc thiểu số đạt giá trị nghệ thuật, nhân văn cao. Tôn vinh các nghệ nhân có công truyền dạy văn hóa, nghệ thuật truyền thống dân tộc. Có hình thức động viên, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích cao, có nhiều đóng góp trong việc tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật phục vụ vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng dân tộc thiểu số.
GIẢI PHÁP TRIỂN KHAI
Về chỉ đạo, điều hành: Tăng cường, nâng cao hiệu quả chỉ đạo và tổ chức thực hiện của các ban, ngành, địa phương, các đoàn thể, các tổ chức, cá nhân đối với công tác gìn giữ và phát huy văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số; thực hiện nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, thể thao, du lịch kết hợp chặt chẽ với thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội của từng đơn vị, địa phương.
Về cơ chế, chính sách hỗ trợ: Có cơ chế hỗ trợ các nghệ nhân, nghệ sỹ, già làng, trưởng thôn, người uy tín trong việc truyền dạy văn hóa truyền thống cho lớp trẻ; hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao và kinh doanh các dịch vụ văn hóa, các điểm vui chơi giải trí tại các địa bàn khó khăn ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng dân tộc thiểu số; thu hút sinh viên là người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh tốt nghiệp tại các trường Cao đẳng, Đại học về văn hóa, nghệ thuật nhận công tác tại các huyện vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
Khuyến khích các thành phần kinh tế; các tổ chức, cá nhân xây dựng các thiết chế văn hóa cơ sở và kinh doanh các dịch vụ văn hóa, các điểm vui chơi, giải trí tại các địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa; tạo điều kiện để nhân dân các dân tộc được hưởng thụ và tham gia các hoạt động văn hóa nghệ thuật, tạo sự ổn định và nâng cao đời sống văn hóa trên địa bàn.
Về thông tin, tuyên truyền: Tăng cường các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và của nhân dân về công tác bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số trên cả nước; đa dạng hóa hình thức thông tin, tuyên truyền thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng.
Về phát triển nguồn nhân lực: Xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác thông tin tuyên truyền tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng dân tộc thiểu số; phát hiện, bồi dưỡng các hạt nhân văn hóa, văn nghệ tham gia vào các hoạt động phong trào, Câu lạc bộ văn hóa; tập huấn, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ văn hóa, thể thao và du lịch cho cán bộ của Đội tuyên truyền lưu động, đội chiếu bóng lưu động.
Về ứng dụng khoa học, công nghệ: Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ thông tin trong tổ chức các hoạt động của Chương trình văn hóa, nghệ thuật; đầu tư trang thiết bị công nghệ hiện đại để nâng cao khả năng tiếp cận cho đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng dân tộc thiểu số; phát huy hiệu quả mạng lưới phát thanh, truyền hình của trung ương và địa phương, nâng cao chất lượng sóng và nội dung chương trình.
Về huy động nguồn lực xã hội hoá: Huy động và khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân phối hợp tổ chức đa dạng các hoạt động của Chương trình văn hóa, nghệ thuật tại các địa bàn khó khăn ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng dân tộc thiểu số./.