Ngày 10 tháng 01 năm 2025, Sở Khoa học và Công nghệ ban hành Kế hoạch số 05/KH-SKHCN về thực hiện công tác cải cách hành chính tại Sở Khoa học và Công nghệ năm 2025. Theo đó, Kế hoạch đã đề ra 07 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm, cụ thể như sau:
Một là, công tác chỉ đạo, điều hành và tuyên truyền cải cách hành chính
Ban hành kịp thời Kế hoạch thực hiện cải cách hành chính ngành Khoa học và Công nghệ năm 2025; thực hiện tốt công tác báo cáo cải cách hành chính định kỳ và đột xuất theo yêu cầu của Sở Nội vụ.
Tiếp tục tăng cường kiểm tra cải cách hành chính; thực hiện kiểm tra trực tiếp về công tác cải cách hành chính trên 30% các phòng, đơn vị trực thuộc Sở Khoa học và Công nghệ; gắn công tác kiểm tra với việc đánh giá, chấm điểm cải cách hành chính.
Thực hiện tốt công tác tuyên truyền cải cách hành chính đến đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp Nhân dân bằng các hình thức đa dạng, nội dung phong phú, phù hợp với từng đối tượng; tạo điều kiện thuận tiện cho công chức, viên chức, người dân tiếp cận thông tin, nắm bắt các nội dung về CCHC, Đề án 06 được kịp thời. Đồng thời, nâng cao nhận thức của công chức, viên chức người dân về các lợi ích được hưởng khi triển khai thực hiện Đề án 06 trên địa bàn tỉnh.
Tiếp tục tham mưu các giải pháp về cải thiện, nâng cao Chỉ số cải cách hành chính, Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công của tỉnh.
Gắn kết quả cải cách hành chính với công tác thi đua, khen thưởng; kịp thời biểu dương, khen thưởng các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong thực hiện cải cách hành chính.
Hai là, cải cách thể chế
Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, khả thi, hợp pháp; triển khai kịp thời văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương; xây dựng, ban hành kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh các quan hệ kinh tế - xã hội mới phát sinh.
Thường xuyên rà soát văn bản quy phạm pháp luật tự kiểm tra để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ, bãi bỏ những quy định không phù hợp.
Tiếp tục triển khai thực hiện tốt Quyết định số 30/2021/QĐ-UBND ngày 29 tháng 9 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về ban hành Quy chế phối hợp theo dõi tình hình thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
Tăng cường công tác theo dõi thi hành pháp luật; chú trọng các giải pháp nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật.
Ba là, cải cách thủ tục hành chính
Triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 để phục vụ giải quyết TTHC và cung cấp dịch vụ công trực tuyến.
Tiếp tục đẩy mạnh quyết liệt hơn nữa cải cách thủ tục hành chính. Tập trung đẩy mạnh rà soát, mạnh dạn đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ thủ tục hành chính, quy định không cần thiết làm phát sinh chi phí, nhất là của người dân, doanh nghiệp tại các văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là pháp luật chuyên ngành.
Thực hiện nghiêm việc công bố, công khai, minh bạch đầy đủ thủ tục hành chính theo quy định.
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công. Thực hiện nghiêm việc báo cáo giải trình của người đứng đầu, xin lỗi người dân, doanh nghiệp và kịp thời khắc phục đối với các trường hợp để xảy ra chậm muộn, tiêu cực trong giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính của cơ quan, đơn vị.
Thực hiện số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo đúng quy định của Chính phủ tại Nghị định số 45/2020/NĐ-CP ngày 08 tháng 4 năm 2020 và Nghị định số 107/2021/NĐ-CP ngày 06 tháng 12 năm 2021, gắn việc số hóa với việc thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính.
Tiếp tục triển khai thực hiện rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính nội bộ trong hệ thống hành chính nhà nước theo Quyết định số 1085/QĐ-TTg ngày 15 tháng 9 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Bốn là, cải cách tổ chức bộ máy
Tiếp tục rà soát, tham mưu cấp có thẩm quyền kiện toàn, sắp xếp, tổ chức lại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập theo các quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Rà soát Thông tư hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của sở; đồng thời, hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Phòng chuyên môn cấp huyện theo ngành, lĩnh vực.
Năm là, cải cách chế độ công vụ
Tổ chức thực hiện các văn bản, hướng dẫn về các quy định mới trong công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức; cơ cấu, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm, khung năng lực theo quy định; bố trí cán bộ, công chức, viên chức theo đúng vị trí việc làm được phê duyệt, bảo đảm đúng người, đúng việc, nâng cao chất lượng. Nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ.
Thường xuyên rà soát chất lượng các mặt của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đánh giá việc đáp ứng các quy định về tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, quản lý, tiêu chuẩn ngạch, chức danh nghề nghiệp; xây dựng, tổ chức thực hiện tốt kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, công chức, viên chức theo tiêu chuẩn ngạch, chức danh nghề nghiệp, yêu cầu vị trí việc làm và nâng cao kỹ năng nghề nghiệp và năng lực thực thi công vụ.
Thực hiện nghiêm túc, đúng quy định trong công tác thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức. Thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức đảm bảo kịp thời, đúng quy định.
Thực hiện tốt công tác đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức; từng bước lượng hóa các tiêu chí đánh giá dựa trên kết quả thực hiện nhiệm vụ và gắn với vị trí việc làm, thông qua công việc, kết quả thực hiện nhiệm vụ đảm bảo phù hợp.
Sáu là, cải cách tài chính công
Tổ chức triển khai thực hiện kịp thời, có hiệu quả các cơ chế, chính sách về tài chính - ngân sách; cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về quản lý, sử dụng kinh phí quản lý hành chính của cơ quan nhà nước; cơ chế giao quyền tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.
Triển khai tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kịp thời định mức kinh tế - kỹ thuật làm cơ sở ban hành đơn giá, giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc lĩnh vực khoa học và công nghệ theo quy định của pháp luật. Nhằm đẩy nhanh thực hiện giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên trong năm 2025 theo đúng quy định.
Thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương tài chính, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát và công khai minh bạch trong công tác quản lý, sử dụng ngân sách, phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Bảy là, xây dựng Chính quyền điện tử, Chính quyền số
Triển khai nâng cấp hệ thống thông tin, bổ sung, thay thế trang thiết bị CNTT đảm bảo đáp ứng hoạt động chuyển đổi số, đảm bảo an toàn thông tin tại cơ quan.
Triển khai kết nối các ứng dụng dùng chung qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh (LGSP) và duy trì, phát sinh trao đổi dữ liệu thường xuyên (sau khi được UBND tỉnh phê duyệt danh mục các cơ sở dữ liệu dùng chung, danh mục cơ sở dữ liệu mở của ngành).
Sử dụng có hiệu quả các phần mềm dùng chung của tỉnh: phần mềm quản lý văn bản và điều hành, hệ thống thư điện tử tỉnh, hệ thống giải quyết thủ tục hành chính tỉnh, hệ thống hội nghị truyền hình tỉnh,...
Đẩy mạnh việc sử dụng chữ ký số, định danh số trong xử lý văn bản hành chính, cắt giảm giấy tờ, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, đơn giản hóa quy trình nghiệp vụ.
Tăng cường công tác truyền thông để nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen hành vi, tạo sự đồng thuận của người dân và doanh nghiệp về phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền số.
Rà soát, sửa đổi quy trình (quy trình áp dụng trong hệ thống ISO) giải quyết công việc cơ quan, đảm bảo phù hợp quy trình nội bộ trong giải quyết thủ tục hành chính.
Để kế hoạch được thực hiện đảm bảo yêu cầu đề ra, Giám đốc Sở giao Thanh tra Sở Theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện kế hoạch trên, định kỳ tổng hợp báo cáo Giám đốc và báo cáo khi có yêu cầu của các cơ quan chức năng./.