banner
Thứ 4, ngày 16 tháng 4 năm 2025
Mở rộng để quản lý và phát triển Chỉ dẫn địa lý ” Ngọc Linh” cho sản phẩm Sâm củ của hai tỉnh Kon Tum và Quảng Nam
28-2-2019

Sâm Ngọc Linh là loài thân thảo, có tên khoa học là Panax vietnamensis Ha et Grushv. thuộc họ Nhân sâm (Araliaceae). Ngoài ra, còn có một số tên gọi khác là sâm Việt Nam, sâm Khu Năm (sâm K5), sâm trúc (sâm đốt trúc, trúc tiết nhân sâm), củ ngải rọm con hay cây thuốc dấu của đồng bào dân tộc sống xung quanh chân núi Ngọc Linh.

Có thể nói rằng cả thế giới chỉ có Việt Nam là nước duy nhất có Sâm Ngọc Linh. Cả nước chỉ có 2 tỉnh Kon Tum và Quảng Nam và tại 2 tỉnh cũng chỉ có 05 huyện, với 16 xã là Ngọc Linh, Mường Hoong (huyện Đắk Glei - tỉnh Kon Tum) Măng Ri, Ngọc Lây, Ngọc Yêu, Tê Xăng, Đắk Na (huyện Tu Mơ Rông - tỉnh Kon Tum) và Trà Linh, Trà Cang, Trà Nam, Trà Dơn, Trà Tập, Trà Leng, Trà Don (huyện Nam Trà My - tỉnh Quảng Nam), xã Ch’ơm (huyện Tây Giang - tỉnh Quảng Nam), xã Phước Lộc (huyện Phước Sơn - tỉnh Quảng Nam) có sâm Ngọc Linh.

Ngày 16/8/2016, Cục Sở hữu Trí tuệ đã cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00049 cho chỉ dẫn địa lý ”Ngọc Linh” dùng cho sản phẩm sâm củ của hai tỉnh Kon Tum và Quảng Nam, trong đó UBND  tỉnh Kon Tum và UBND   tỉnh  Quảng Nam là hai đơn vị được giao quyền quản lý chỉ dẫn địa lý.

Ngày 30/7/2018 hai tỉnh Kon Tum và Quảng Nam đã được Cục Sở Hữu Trí tuệ cấp Quyết định 2465/QĐ-SHTT về việc sử đổi bổ Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý, theo đó tỉnh  Kon Tum tổng diện tích mở rộng   phạm vi bảo hộ chỉ dẫn địa lý là 16.988 ha gồm 7 xã : xã Mường Hoong, xã Ngọc Linh, xã Xốp ( huyện Đăk Glei); xã Đăk Na, xã Ngọc Lei, xã Ngọc Yêu, xã Văn Xuôi (huyện Tu Mơ Rông). Đối với tỉnh Quảng Nam tổng diện tích mở rộng   phạm vi bảo hộ 8.933,6ha thuộc 6 xã: Trà Nam, Trà Cang, Trà Tập, Trà Don, Trà Dơn, Trà Leng (Nam Trà My);

Như vậy diện tích mở rộng cũng nằm trong vùng qui hoạch  phát triển Sâm Ngọc Linh của hai tỉnh. Đây là một tin vui của chính quyền và nhân dân hai tỉnh. Tuy nhiên nhiệm vụ trước mắt chúng ta phải làm gì để quản lý và phát triển Chỉ Dẫn địa lý?

Tính đến nay tỉnh Kon Tum, có tổng diện tích sâm Ngọc Linh  được bảo tồn và phát triển đạt trên 300 ha. UBND tỉnh Kon Tum đã công bố qui hoạch phát triển sâm Ngọc Linh tỉnh giai đoạn 2012- 2020, tầm nhìn đến năm 2025. Theo đó, diện tích quy hoạch có 31.743 ha; diện tích có khả năng trồng sâm Ngọc Linh trong khu vực vùng lõi khoảng 16.998,3 ha (thuộc 03 xã: Mường Hoong, Ngọc Linh, xã Xốp - huyện Đăk Glei và 05 xã: Đăk Na, Măng Ri, Ngọc Lây, Ngọc Yêu, Văn Xuôi - huyện Tu Mơ Rông). Đến năm 2020, diện tích trồng sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh Kon Tum đạt 1.000 ha, với sản lượng ước tính 190 tấn/năm. Đến năm 2025, tỉnh Kon Tum sẽ trồng hết 9.343,6 ha với qui mô công nghiệp, hàng năm khai thác bình quân 800 ha và từng bước trồng mới trên toàn bộ diện tích đã khai thác; diện tích mở rộng sẽ đưa cây sâm Ngọc Linh thành cây mũi nhọn trong việc phát triển kinh tế của tỉnh Kon Tum và tiến tới đa dạng hóa nhiều lợi sản phẩm tinh chế từ sâm Ngọc Linh để phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu (theo Quyết định 269/QĐ-UBND ngày 17/4/2013 của UBND tỉnh Kon Tum)

Tại tỉnh Quảng Nam tổng diện tích sâm trồng và bảo tồn hiện nay hơn 65 ha, UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành Quyết định số 395/QĐ-UBND ngày 27/ 01/ 2016 về việc phê duyệt Quy hoạch bảo tồn và phát triển Sâm Ngọc Linh trên địa bàn huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến 2030. Tổng diện tích quy hoạch 15.568 ha; quy hoạch bảo tồn 2.238 ha; quy hoạch phát triển 10.256 ha ; diện tích trồng và bảo tồn từ 2016 - 2020 đạt 665 ha, đến 2021-2030, trồng 400-500 ha/năm, diện tích khai thác ổn định hằng năm 200-300 ha, sản lượng khai thác khoảng 150-200 tấn/năm.

Từ trách nhiệm quan trọng trong việc quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm dược liệu này, trong thời gian từ nay đến năm 2025 và những năm tiếp theo hai tỉnh cần triển khai thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm đó là:

Đẩy mạnh công tác  quảng bá và khuyếch trương chỉ dẫn địa lý sâm Ngọc Linh trên các phương tiện thông tin đại chúng và các hoạt động thương mại có tính quảng bá cao nhằm mục đích xây dựng, củng cố uy tín, hình ảnh, tên tuổi của sâm Ngọc Linh trên thị trường trong và ngoài nước mở ra một tiềm năng phát triển kinh tế mới cho tỉnh Kon Tum và Quảng Nam, cho các ngành sử dụng nguyên liệu chế biến dược phẩm từ sâm; bên cạnh đó Xây dựng hệ thống văn bản làm cơ sở cho hoạt động quản lý chỉ dẫn địa lý, gồm: hoạt động quản lý của tổ chức tập thể các nhà khai thác, chế biến, kinh doanh sâm Ngọc Linh; hoạt động quản lý của cơ quan quản lý chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” và cơ quan kiểm soát chất lượng sản phẩm Ngọc Linh của tỉnh Kon Tum, xây dựng hệ thống kiểm soát chất lượng nội bộ trong giai đoạn quản lý chỉ dẫn địa lý; thành lập tổ chức tập thể của tổ chức, cá nhân canh tác, khai thác, chế biến, kinh doanh sâm Ngọc Linh nhằm khuyến khích nông dân tham gia thành lập các nhóm, các HTX và hiệp hội sản xuất, kinh doanh sản phẩm, làm cơ sở ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất;

Tạo lập, quản lý, quảng bá, khai thác và thực thi quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu chứng nhận “ Sâm Ngọc Linh” cho sâm củ và các sản phẩm có nguồn gốc từ Sâm Ngọc Linh nhằm tạo lập một thương hiệu quốc gia cho một sản phẩm quốc gia có giá trị ưu việt trên thị trường qua đó góp phần nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm Sâm Ngọc Linh, thống nhất được nguồn lực quản lý, quảng bá, khai thác, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường cho sản phẩm Sâm Ngọc Linh.

Ưu tiên xây dựng các dự án KH&CN dưới dạng Dự án sản xuất thử nghiệm đối với Sâm Ngọc Linh để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư kinh phí ngoài ngân sách thực hiện nhiệm vụ KH&CN, qua đó tăng cường trách nhiệm của các tổ chức chủ trì nhiệm vụ KH&CN  (Triển khai thực hiện Quyết định số 787/QĐ-TTg ngày 05 tháng 6 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt bổ sung danh mục sản phẩm quốc gia thuộc Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020; Quyết định số 3750/QĐ-BKHCN ngày 28 tháng 12 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ về việc phê duyệt Đề án khung phát triển sản phẩm quốc gia Sâm Việt Nam- Sâm Ngọc Linh).

 Từ các giải pháp tích cực, thiết thực và đồng bộ trên  hai tỉnh Kon Tum và Quảng Nam  tiếp tục phối hợp các nhà khoa học trong và ngoài nước có nhiều kinh nghiệm và các doanh nghiệp có tiềm năng và thế mạnh để phát triển cây sâm Ngọc Linh trở thành một vùng chuyên canh sản xuất với số lượng lớn tạo công ăn việc làm, xóa đói, giảm nghèo đồng thời tạo lập  khung pháp lý để thống nhất quản lý trên phạm vi  quốc gia, bảo đảm việc kiểm soát chất lượng, qua đó tăng giá trị thương phẩm của Sâm  Ngọc Linh và các sản phẩm có giá trị gia tăng từ sâm Ngọc Linh phù hợp với xu thế phát triển của thị trường trong nước và trên thế giới./.

Theo Thông tin KH&CN số 3/2018

Số lượt xem:7481

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
Công báo tỉnh Kon Tum















Trang thông tin điện tử Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum
Quản lý và nhập tin: Trung tâm Khoa học - Công nghệ - Truyền thông  trực thuộc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Huỳnh Trung Kim - P. Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ - Trưởng Ban biên tập

Địa chỉ: Tầng 4 - Tòa nhà B Trung tâm Hành chính công tỉnh Kon Tum - Tổ 8, P. Thống Nhất, Tp. Kon Tum, tỉnh Kon Tum; Điện thoại: 0260.3862518 - Email: skhcn@kontum.gov.vn

Chung nhan Tin Nhiem Mang


871819 Tổng số người truy cập: 3239 Số người online:
TNC Phát triển: