banner
Thứ 3, ngày 16 tháng 7 năm 2024
KHCN tuần qua: Cấp phép thử nghiệm 5G, Xe bay của Boeing và Cá mập thiên thần
28-1-2019

Tuần qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã cấp giấy phép thử nghiệm mạng 5G cho nhà mạng đầu tiên tại Việt Nam.

1. Bắt đầu thử nghiệm mạng 5G tại Hà Nội, TP.HCM

Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội Viettel vừa được cấp phép thử nghiệm mạng 5G đầu tiên tại Việt Nam. Giấy phép thử nghiệm 5G của Viettel sẽ có giá trị trong vòng 1 năm, kể từ 22/01/2019.

Viettel trở thành nhà mạng đầu tiên được thử nghiệm dịch vụ 5G. Ảnh: T.H.

Phạm vi thử nghiệm 5G của Viettel là tại 2 thành phố Hà Nội và TP.HCM. Quy mô thử nghiệm dịch vụ sẽ không vượt quá 73 vị trí. Trong quá trình thử nghiệm 5G, Viettel sẽ không được thu cước của đối tượng tham gia thử nghiệm.

Cùng với việc cấp phép thử nghiệm 5G, Bộ TT&TT sẽ tiến hành cấp phép mới tần số 4G, đồng thời nghiên cứu lộ trình để tìm ra thời điểm thích hợp tắt sóng dịch vụ 2G hoặc 3G.

2. Việt Nam có phòng phân tích Dioxin/Furan đạt mức siêu vết

Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao công nghệ thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam vừa được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp Giấy chứng nhận đủ năng lực phân tích được 17 cấu tử Dioxin/Furan (chất độc da cam) trong 9 thành phần môi trường (nước mặt, bùn, đất, trầm tích, không khí, khí thải...).

Đây là đơn vị thứ hai trên cả nước được Bộ Tài nguyên và Môi trường công nhận có đủ năng lực và điều kiện để hoạt động trong lĩnh vực này. Độc tính của Dioxin/Furan rất cao nên giới hạn phát hiện của các phép phân tích phải đạt được ở mức độ siêu vết, tức là phải phân tích được đến giá trị nồng độ ppt (phần nghìn tỷ) đối với phân tích tổng Dioxin, và cỡ ppq (phần triệu tỷ) đối với từng dạng đồng phân.

Kỹ thuật viên sử dụng thiết bị đo sắc kí khối phổ phân giải cao tại phòng thí nghiệm. Ảnh: Bích Ngọc.

Việc tìm kiếm, phân tích các mẫu đất, nước, không khí... để tìm dấu vết Dioxin/Furan giúp cho việc kiểm soát, đánh giá chất lượng môi trường, từ đó giúp các cơ quan quản lý nhà nước có giải pháp bảo vệ môi trường phát triển bền vững.

3. Khánh thành Nhà máy xử lý nước thải tại Khu công nghiệp Sóng Thần II

Ngày 26/01, đại diện của UBND tỉnh Bình Dương, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cắt băng khánh thành nhà máy xử lý nước thải tại Khu công nghiệp Sóng Thần 2 (TX. Dĩ An, Bình Dương). 

Với công suất tối đa có thể đạt đến 18.000 mét khối/ngày, Nhà máy Xử lý nước thải Sóng Thần II là nhà máy kiểu mẫu đầu tiên của Việt Nam xử lý nước thải công nghiệp thành nước phục vụ sản xuất, đáp ứng tiêu chuẩn của Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Y tế.

Trong giai đoạn 2018-2021, Công ty Hằng Hữu Huỳnh sẽ đầu tư ước tính khoảng 10.000 tỷ đồng để xây dựng 100 nhà máy xử lý nước thải, ưu tiên đặc biệt cho các điểm nóng về ô nhiễm môi trường trên cả nước.

4. Boeing giới thiệu xe bay

Hãng sản xuất máy bay Boeing mới đây đã giới thiệu nguyên mẫu chiếc xe bay tự hành của hãng. Đây là một bước đi của hãng sản xuất máy bay lớn nhất thế giới tham gia vào thị trường vận chuyển hành khách và hàng hóa bằng máy bay tự hành.

Nguyên mẫu xe bay của hãng sản xuất máy bay Boeing

Chiếc xe bay của Boeing dài 9m, có khả năng cất cánh theo phương thẳng đứng và hạ cánh nhẹ nhàng trong vòng 1 phút. Trong lần bay thử, chiếc xe bay này chưa chở khách. Nhưng Boeing đang có tham vọng chế tạo chiếc xe bay có thể chở tới 4 người với quãng đường bay lên tới 80 km. Ngoài ra, Boeing cũng đang phát triển xe bay chở hàng có tải trọng lên tới 230 kg.

5. Thụy Điển tạo ra miếng thép cứng nhất thế giới nhờ công nghệ 3D

Công ty VBN Components có trụ sở tại thành phố Uppsala, cách thủ đô Stockholm của Thụy Điển 70km về phía bắc đã “in” ra một loại thép siêu cứng gọi là Vibenite 480. Công ty này đã dành nhiều năm nghiên cứu để tìm ra cách sản xuất loại hợp kim chứa nhiều carboua bằng công nghệ in 3D.

Thép Vibenite 480 có thể dùng để thay thế cho thép truyền thống với sự đa dạng về hình học hơn.

Loại thép này có khả năng chống ăn mòn và rỉ cao trong khi chịu được mức nhiệt lên tới 7500C . Ngoài độ bền vượt trội so với thép thông thường, quá trình sản xuất thép Vibenite 480 còn được rút ngắn thời gian bởi nó được “in” theo đúng nghĩa đen nhờ công nghệ in 3D.

Công ty cũng cho biết, thành công trong việc sử dụng công nghệ phi truyền thống là in 3D mở ra tương lai cho ngành sản xuất thép mà không cần tới 3 quy trình sản xuất thép gồm: tạo dòng thép nóng chảy, đúc tiếp liệu và cán thép. Điều này không chỉ tiết kiệm chi phí, mà còn giảm thiểu rủi ro lao động và bảo vệ môi trường hơn 90% so với phương pháp sản xuất truyền thống.

6. Toilet biến chất thải thành năng lượng

Một nhóm nghiên cứu và phát triển của Hàn Quốc đã sáng chế ra loại toilet thân thiện với môi trường, có thể biến chất thải thành năng lượng sạch.

Toilet dùng lực hút chân không, chỉ cần 500ml nước để xả chất thải vào lò phản ứng vi sinh ở gần đó. Trong lò phản ứng, vi sinh vật tiêu hóa chất thải và thải ra khí sinh học, CO2.

Khí sinh học được dùng trực tiếp làm nguyên liệu trong phòng thí nghiệm, trong khi CO2 có thể giúp tảo xanh phát triển. Tảo xanh vốn giàu lipid, có thể dược dùng làm dầu diesel sinh học.

7. Robot "thợ lặn siêu nhỏ" cung cấp thuốc cho cơ thể

Các nhà khoa học Thuỵ Sỹ đã sáng chế ra loại robot mới siêu nhỏ, có khả năng di chuyển trong cơ thể người với nhiệm vụ cung cấp thuốc. Nhỏ xíu, màu bạc và có khả năng co giãn, robot có khả năng di chuyển trong cơ thể người, qua mạch máu hay những bộ phận hình dáng khác nhau. Nhiệm vụ của nó mà mang thuốc tới những mô bị bệnh.

Robot có kích cỡ siêu nhỏ, chỉ dài vài milimet, lại có khả năng co, gập, giãn, duỗi, mô phỏng theo nghệ thuật gấp giấy origami của Nhật Bản.

Ý tưởng thiết kế này được hình thành dựa trên những vi sinh vật có khả năng biến đổi hình dạng theo sự thay đổi của môi trường. Robot có kích cỡ siêu nhỏ, chỉ dài vài milimet, lại có khả năng co, gập, giãn, duỗi, mô phỏng theo nghệ thuật gấp giấy origami của Nhật Bản.

8. Lần đầu tiên phát triển mạch máu người trong phòng thí nghiệm

Các nhà khoa học tại Đại học British Columbia của Canada đã phát triển thành công một hệ thống mạch máu nhân tạo trong phòng thí nghiệm. Theo đó, họ đã phát triển những chất hữu cơ từ tế bào gốc. Sau đó, chất hữu cơ này được cấy lên chuột và có tỷ lệ sống đạt 95%. Các nhà nghiên cứu nhận thấy những chất hữu cơ đã phát triển thành mạch máu của con người với các động mạch và mao mạch sau 6 tháng.

Hệ thống mạch máu này mang lại rất nhiều hứa hẹn trong việc tìm kiếm phương pháp điều trị cho một loạt căn bệnh liên quan đến hệ thống tuần hoàn như: chữa lành vết thương, Alzheimer, bệnh tim mạch, ung thư và đặc biệt là bệnh tiểu đường.

9. Phát hiện cá mập thiên thần quý hiếm ở vùng biển Wales

Một trong những loài cá mập hiếm nhất thế giới còn tồn tại ở ngoài khơi xứ Wales, chính là Cá mập thiên thần. Vùng biển Wales là khu vực lý tưởng cho quần thể cá mập thiên thần sinh sống và phát triển. Nhiều ngư dân đánh bắt cá đã gặp chúng gần đây.

Loài cá mập thiên thần quý hiếm vừa được tìm thấy ở Wales, Anh Quốc. Ảnh: Aleksei Lazukov.

Loài cá này nổi tiếng với khả năng ngụy trang độc đáo. Chúng nằm sát đáy biển và lấp đất cát lên cơ thể, chờ con mồi bơi ngang và tóm lấy. Chúng tiến hóa với những đặc điểm riêng biệt mà không có loài cá mập hay cá nhám nào có được. Vì vậy, nếu cá mập thiên thần bị tuyệt chủng, ta sẽ mất một dòng giống cá mập tiến hóa thật sự quan trọng.

10. Giấy xì mũi chứa virus cúm giá 80 USD gây sốt tại Mỹ

Một công ty khởi nghiệp ở Los Angeles, Mỹ tuyên bố: đã bán gần 1.000 khăn giấy đã qua sử dụng cho những người muốn nhiễm virus cảm lạnh. Việc làm này giống như lấy độc trị độc, tự hít virus cúm vào người để tăng sức đề kháng, khiến cơ thể không bị cảm lạnh một cách bị động nữa.

Rất khó tin, nhưng nó có giá 79,90 đô la Mỹ. Công ty cung cấp sản phẩm này tin rằng: việc chủ động hít virus cúm vào người sẽ giúp bạn kiểm soát thời gian mắc bệnh. Họ đưa ra ví dụ, rằng: bạn lo sợ sẽ bị ốm nếu đang đi nghỉ mát. Thay vì phải mang theo rất nhiều thuốc hoặc kỳ nghỉ của bạn bị gián đoạn nếu bạn ốm, thì bạn hoàn toàn có thể bị cúm trước kỳ nghỉ đó.

Các chuyên gia cảnh báo rằng: mô có chứa virus cúm này chỉ giúp bạn chống lại đúng chủng virus đó mà thôi, trong khi có hơn 200 chủng virus cúm khác mà bạn có nguy cơ mắc phải. Do đó, các bác sĩ cảnh báo: người dùng có thể chọn mua loại giấy này, nhưng không có nghĩa họ miễn dịch hoàn toàn với các chủng cúm xuất hiện theo mùa.

Theo Khampha.vn

 

Số lượt xem:5717

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
Công báo tỉnh Kon Tum



de tai khoa hoc cap tinh








Trang thông tin điện tử Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum
Quản lý và nhập tin: Trung tâm Nghiên cứu, Ứng dụng và Dịch vụ KH&CN – Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Huỳnh Trung Kim - P. Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ - Trưởng Ban biên tập

Địa chỉ: Tầng 4 - Tòa nhà B Trung tâm Hành chính công tỉnh Kon Tum - Tổ 8, P. Thống Nhất, Tp. Kon Tum, tỉnh Kon Tum; Điện thoại: 0260.3862518 - Email: skhcn@kontum.gov.vn

Chung nhan Tin Nhiem Mang


204377 Tổng số người truy cập: 1499 Số người online:
TNC Phát triển: