banner
Thứ 6, ngày 22 tháng 11 năm 2024
Chủ tịch Hồ Chí Minh kế thừa truyền thống văn hóa trọng trí thức của dân tộc
4-5-2023

Sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự và phát biểu tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ nhất Hội Phổ biến khoa học và kỹ thuật Việt Nam ngày 18 tháng 5 năm 1963 là một cuộc gặp lịch sử giữa vị lãnh tụ anh minh với đại diện giới trí thức. Sự kiện này một lần nữa khẳng định, trọng đãi trí thức là một truyền thống tốt đẹp có từ lâu đời của Việt Nam.

 

Trọng trí thức - một truyền thống tốt đẹp có từ lâu đời của Việt Nam

Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất Hội Phổ biến khoa học, kỹ thuật Việt Nam ngày 18/05/1963.

Trên tấm văn bia đề danh tiến sỹ khoa Nhâm tuất, niên hiệu Đại Bảo năm thứ 3 tại Văn Miếu có đoạn viết: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà đi lên, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn. Vì thế các bậc thánh đế minh vương không đời nào không coi việc giáo dục nhân tài, kén chọn kẻ sỹ, vun trồng nguyên khí quốc gia làm công việc cần thiết. Vì kẻ sỹ có quan hệ trọng đại với quốc gia như thế, được quý chuộng không biết dường nào”1. Điều đáng nói ở đây là dưới thời phong kiến, hầu như không tìm thấy ở đâu, nhất là ở những nước chủ yếu sống bằng nghề nông, một tư tưởng đề cao, trọng dụng trí thức đến như vậy. Phải chăng do hoàn cảnh lịch sử khắc nghiệt, đất nước thường xuyên phải đối mặt với những thử thách hiểm nghèo đã khiến dân tộc Việt Nam không chỉ cần cù, anh dũng mà còn phải vận dụng tối đa nguồn lực trí tuệ của mình. Truyền thống hiếu học, trọng học, trọng trí thức cũng từ đây mà ra.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện thân của dân tộc nên hơn ai hết đã thấu hiểu sự nghiệp cách mạng ở Việt Nam không thể không huy động tối đa vai trò của trí thức. Trong những năm bôn ba ở nước ngoài, mặc dù hoàn cảnh vô cùng khó khăn và bận trăm công nghìn việc, Người vẫn không ngừng tự học, nâng cao trình độ để tự mình trở thành một trí thức. Chính vì tinh thần cầu thị và trọng trí thức nên Nguyễn Ái Quốc đã nhận được cảm tình và sự giúp đỡ hết sức quý báu của nhiều trí thức Pháp và Việt kiều, trong đó đặc biệt phải kể đến sự tin cậy và giúp đỡ chí tình của chí sỹ yêu nước Phan Chu Trinh.

Sau khi lãnh đạo cuộc cách mạng giải phóng dân tộc thành công vào tháng 8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện rõ tư tưởng trọng trí thức trong việc xây dựng Chính phủ lâm thời. Người đã quy tụ xung quanh mình rất nhiều trí thức yêu nước có tài, có đức và uy tín trong nhân dân như Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Văn Tố, Vũ Đình Hoè, Vũ Trọng Khánh… để cùng gánh vác việc nước. Không phải ngẫu nhiên mà chỉ hai tháng sau Lễ Tuyên ngôn độc lập, khi mà chính quyền cách mạng non trẻ đang còn như ngàn cân treo trên đầu sợi tóc, lại phải gồng mình lên để chống đỡ với giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm, tháng 11/1945 Hồ Chí Minh vẫn giành thời gian đích thân đến chủ trì lễ khai giảng và trao bằng tốt nghiệp tại Đại học Quốc gia Việt Nam. Cùng tháng đó, Người đã viết trên báo Cứu quốc bài “Nhân tài và kiến quốc” nêu rõ quan điểm kiến thiết cần phải có nhân tài.

Một năm sau, khi cuộc chiến chống thực dân Pháp cận kề, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Thông lệnh Tìm người tài đức, trong đó nêu rõ: “Nước nhà cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài. Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài có đức. E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bậc tài đức không thể xuất thân. Khuyết điểm đó tôi xin thừa nhận. Nay muốn sửa điều đó, và trọng dụng những kẻ hiền năng, các địa phương phải lập tức điều tra nơi nào có người tài đức, có thể làm được những việc ích nước lợi dân, thì phải báo cáo ngay cho Chính phủ biết. Báo cáo phải nói rõ: tên tuổi, nghề nghiệp, tài năng, nguyện vọng và chỗ ở của người đó. Hạn trong một tháng, các cơ quan địa phương phải báo cáo cho đủ”2. Đây chẳng khác gì một bức “Thư cầu hiền” của người đứng đầu đất nước.

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh và cụ Huỳnh Thúc Kháng (người mặc áo dài đứng bên phải) và nội các Chính phủ Liên hiệp lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (sau này là Chính phủ Liên hiệp kháng chiến)

Với tâm nguyện trí thức là vốn liếng quý báu của dân tộc, trong thời gian công tác ở Pháp năm 1946, Hồ Chủ tịch đã cảm hoá được nhiều trí thức tài giỏi từ bỏ cuộc sống đủ đầy, tương lai cá nhân rộng mở, về nước tham gia vào công cuộc kháng chiến cứu quốc đầy hy sinh, gian khổ. Sức cảm hoá của Hồ Chủ tịch đối với trí thức không chỉ ở thái độ trọng thị mà còn là sự thấu hiểu, cảm thông. Người từng khẳng định, việc dùng nhân tài không nên quá khắt khe, miễn họ có lòng trung thành với Tổ quốc, không phản bội lại quyền lợi nhân dân là có thể dùng được. Người còn chỉ đạo không được bỏ rơi những nhân tài ngoài Đảng mà phải phải thật thà đoàn kết với họ, nâng đỡ họ, thân thiết với họ, gần gũi họ để họ đem tài năng ra giúp ích vào công cuộc kháng chiến cứu nước. Đây là tư tưởng nhất quán của Người về sử dụng trí thức: Đã dùng thì phải tin, phải tin mới dùng.

Trí thức - “Có tài phải có đức”

Từ sau sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp đại diện giới trí thức năm 1963, tư tưởng của Người về trí thức ngày càng được thấm sâu trong quan điểm của Đảng và từng bước được cụ thể hóa thành những chủ trương, chính sách của Nhà nước.

Đặc điểm đã hình thành từ xa xưa của đội ngũ trí thức là họ có mối quan hệ rất gần gũi với quần chúng nhân dân. Không giống với nhiều quốc gia phong kiến khác, ranh giới đẳng cấp trong xã hội Việt Nam trung đại không ngăn cản con em nông dân nghèo ứng thí. Nhiều tiến sỹ có xuất thân bình dân, thậm chí còn là con em của những nông dân nghèo nên khi có vị trí trong bộ máy quản lý nhà nước luôn có tình cảm thân thiết và quan hệ gắn bó với nhân dân. Từ khi Đảng trở thành tổ chức lãnh đạo hệ thống chính trị, đội ngũ trí thức công càng có điều kiện phát huy đặc điểm này.

Một điểm nổi bật của đội ngũ trí thức Việt Nam là những người xuất sắc trở thành những nhà lãnh đạo ưu tú. Cũng như với Chủ tịch Hồ Chí Minh, người thấu hiểu tầm quan trọng của tri thức với sự nghiệp cách mạng nên đã ra sức học tập để tự trở thành một trí thức. Thực tế cũng cho thấy, trong hàng ngũ các nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước luôn có những trí thức uyên bác. Đây là “sản phẩm” của truyền thống văn hoá Việt Nam, và đến lượt mình, đặc điểm này lại trở thành tiền đề và môi trường thuận lợi cho trí thức Việt Nam phát huy vai trò trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tuy nhiên, đối với những cán bộ lãnh đạo, trong đó có nhiều người là trí thức, Hồ Chủ tịch cũng đặt ra yêu cầu nghiêm khắc là phải luôn luôn giữ gìn nhân cách, phải không ngừng trau dồi, nâng cao trình độ chuyên môn, đồng thời phải thường xuyên rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống. Người từng nói: “Có tài phải có đức, có tài không có đức, tham ô hủ hóa có hại cho nhà nước. Có đức không có tài, như ông Bụt ngồi trong chùa, không giúp ích được ai”3. Giữa đức và tài thì Người luôn khẳng định đức là gốc: “Cũng như sông thì phải có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”4.

Hơn 500 năm trước, cũng chính trên tấm bia đề cao trí thức là nguyên khí quốc gia, các bậc tiền nhân cũng chỉ ra rằng, trong số những người đỗ đạt, có bằng cấp “không phải là không có kẻ vì tham lam hối lộ mà hư hỏng hoặc rơi xuống hạng gian tà, có lẽ vì lúc sống bọn họ chưa được nhìn thấy tấm bia này. Ví thử đương thời chính mắt họ trông thấy, thì lòng thiện được khuyến khích mà ý xấu được ngăn ngừa, mầm nghiệt đâu dám nảy sinh? Thế thì việc dựng bia khắc đá này có lợi ích rất nhiều: kẻ ác lấy đó làm răn, người thiện lấy đó làm gắng, biết rõ dĩ vãng, rộng nhìn tương lai, vừa là để rèn giũa danh tiết của kẻ sĩ, vừa là để củng cố mệnh mạch nước nhà. Việc lớn mà Thánh tổ Thần tông đặt ra đâu phải là vô ích. Vậy những ai xem đến tấm bia này cũng nên hiểu ý sâu xa đó”5. Lời nhắc nhở đó thật sâu sắc và cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Đất nước Việt Nam đang có một cơ đồ lớn để có thể thực hiện khát vọng đưa dân tộc đi tới phồn vinh. Hơn bao giờ hết chúng ta phải đủ khả năng biến tất cả những gì người Việt Nam có thành lợi thế đưa đất nước đi lên. Trong sự nghiệp vĩ đại này, dưới sự lãnh đạo của một Đảng chính trị đầy trí tuệ, đội ngũ trí thức vừa hồng, vừa chuyên sẽ đóng vai trò cực kỳ quan trọng.

 

GS.TSKH Vũ Minh Giang

Đại học Quốc gia Hà Nội

1 太和六年戊辰科進士題名碑記 (Văn bia đề danh tiến sỹ khoa Mậu Thân, niên hiệu Thái Hoà năm thứ 6, 1448)

2 Báo Cứu quốc ngày 20/11/1946.

3 Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2001, tập 8. Tr.184.

4 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 5, tr.292.

5 太和六年戊辰科進士題名碑記 (Văn bia đề danh tiến sỹ khoa Mậu Thân, niên hiệu Thái Hoà năm thứ 6, 1448)

 

Số lượt xem:658

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
Công báo tỉnh Kon Tum





de tai khoa hoc cap tinh








Trang thông tin điện tử Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum
Quản lý và nhập tin: Trung tâm Nghiên cứu, Ứng dụng và Dịch vụ KH&CN – Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Huỳnh Trung Kim - P. Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ - Trưởng Ban biên tập

Địa chỉ: Tầng 4 - Tòa nhà B Trung tâm Hành chính công tỉnh Kon Tum - Tổ 8, P. Thống Nhất, Tp. Kon Tum, tỉnh Kon Tum; Điện thoại: 0260.3862518 - Email: skhcn@kontum.gov.vn

Chung nhan Tin Nhiem Mang


550188 Tổng số người truy cập: 1032 Số người online:
TNC Phát triển: