banner
Thứ 3, ngày 26 tháng 11 năm 2024
KHCN tuần qua: Nữ GS trẻ nhất trong lịch sử ngành Thú y nhận giải Kovalevskaia 2018
4-3-2019

Giải thưởng Kovalevskaia là giải thưởng thường niên nhằm tôn vinh các tập thể, cá nhân nữ khoa học có thành tích xuất sắc trong nghiên cứu và ứng dụng khoa học vào thực tiễn cuộc sống.

1. Các nhà khoa học nữ đoạt giải thưởng Kovalevskaia

Giải thưởng Kovalevskaia năm 2018 được trao cho GS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam (giải cá nhân) và Bộ môn Công nghệ môi trường, Khoa môi trường, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội (giải tập thể). Lễ trao giải sẽ được tổ chức vào ngày 4/3/2019.

GS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

GS Nguyễn Thị Lan được lựa chọn vì có nhiều thành tích nổi bật trong nghiên cứu khoa học với 105 bài báo khoa học công bố trong nước và quốc tế. Nhiều sản phẩm do bà nghiên cứu, phát triển đã được công nhận và chuyển giao, trong đó có vắc-xin phòng bệnh Care (bệnh sài sốt) ở chó, kít chẩn đoán nhanh hội chứng rối loạn hô hấp và sinh sản (PRRS) hay bệnh tai xanh ở lợn. GS Nguyễn Thị Lan, sinh năm 1974, được phong hàm GS năm 2018. Bà là nữ GS trẻ nhất trong lịch sử của ngành Thú y Việt Nam. 

Ở giải tập thể, Bộ môn Công nghệ môi trường, Khoa Môi trường, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, ngoài thành tích trong đào tạo còn được đánh giá có nhiều đóng góp trong nghiên cứu công nghệ xử lý, tận dụng chất thải và phân tích đánh giá chất lượng môi trường.

2. Ứng dụng công nghệ plasma lạnh trong xử lý nước thải dệt nhuộm

Nhóm các nhà khoa học Đại học Quốc gia TP.HCM vừa thực hiện thành công đề tài nghiên cứu ứng dụng công nghệ plasma lạnh trong xử lý nước thải dệt nhuộm và cồn rượu.

Nước thải dệt nhuộm được đánh giá là ô nhiễm nhất trong số các ngành công nghiệp. Công nghệ plasma lạnh có khả năng xử lý chất ô nhiễm trong nước với tốc độ nhanh và mạnh, không chọn lọc và ít bổ sung hóa chất trong quá trình xử lý.

Kết quả thử nghiệm cho thấy, hiệu suất khử độ màu và nồng độ COD (nồng độ oxy cần thiết để oxy hóa các chất hữu cơ và vô cơ trong nước) trong nước thải dệt nhuộm lên đến trên 90,09% và 85,75% trong điều kiện tối ưu vận hành được khảo sát. Cùng với đó, công nghệ plasma lạnh cho thấy hiệu quả cao trong khâu khử trùng, diệt khuẩn. 

3. Con người đưa tri thức nhân loại lên Mặt Trăng

Lo lắng về thảm họa diệt vong, một công ty Israel mới đây đã “gửi ké” Beresheet - tàu thám hiểm lên Mặt Trăng theo vụ phóng tên lửa của hãng SpaceX.

Mô phỏng tàu thám hiểm Mặt Trăng Beresheet.

Con tàu này có chứa một chiếc đĩa cứng, có tới 30 triệu trang giới thiệu về những thành tựu vẻ vang và hơn 1000 ngôn ngữ loài người. Đây là "bách khoa toàn thư” trong thư viện số đang được xây dựng tại hệ sinh tự nhiên duy nhất của Trái Đất. Đĩa DVD này được làm bằng 25 tấm kẽm đặc biệt, được chế tạo bởi NanoArchival để có thể lưu được lượng thông tin khổng lồ và chống chịu dưới thời tiết khắc nghiệt nhất. Được khắc bằng nhiều vết siêu nhỏ, chiếc đĩa này chỉ xem được bằng kính hiển vi điện tử 100x trở lên.

4. Lốp xe co giãn tùy biến để tăng độ bám đường

Hexonic, một loại lốp xe thông minh của công ty Hanbook gồm những ô lục giác có thể trượt ngang giúp mở rộng gân lốp khi cần thiết. Chúng được thiết kế cho các xe tự lái với 7 cảm biến bên trong để thay đổi lốp, tăng độ bám đường theo nhiệt độ, điều kiện mặt đườn.

Loại lốp này dành cho thể loại xe đua được cải tiến thêm khả năng hút không khí và tăng lực ép xuống mặt đường. Hiện, chúng vẫn đang giai đoạn hoàn thiện.

5. Thiết bị cảm biến không dây mới phù hợp với làn da trẻ sinh non

Thông thường, tại phòng chăm sóc đặc biệt, mỗi trẻ sinh thiếu tháng sẽ được hỗ trợ bởi 5 thiết bị cảm biến và điện cực để theo dõi nhịp tim, hô hấp, nhiệt độ và khí O2 trong máu. Những thiết bị đeo này khiến nhiều bậc phụ huynh cảm thấy lo lắng cho làn da yếu ớt và mỏng manh của con mình.

Những thiết bị này có kích thước nhỏ, dài khoảng 2cm và 5cm

Thiết bị mới do nhà khoa học và kỹ sư Mỹ phát triển, không sử dụng pin và hoạt động nhờ một ăng-ten nhỏ xíu được đặt bên dưới lồng ấp. Ăng-ten sẽ truyền tải dữ liệu đến một máy phát đặt dưới lồng ấp của trẻ, giúp bác sĩ theo dõi tình trạng sức khỏe của trẻ.

Thiết bị cảm biến không dây bằng silicon, siêu mỏng và nhẹ được gắn vào chân và ngực trẻ bởi một chất keo dạng nước phù hợp với làn da mỏng của trẻ sinh non.

Hiện hệ thống đang được thử nghiệm tại Chicago và dự kiến sẽ được thử nghiệm ở Zambia vào tháng 4 tới.

6. Súng “phun” da nhân tạo giúp chữa lành vết bỏng

Spincare là một phát minh mới của các nhà khoa học Israel dưới dạng một khẩu súng cỡ nhỏ. Chúng có khả năng phun một lớp polymer trong suốt, giống như da người phủ trực tiếp lên vết thương. Lớp phủ này có thể chống chịu nước và bám trên vết thương tới 3 tuần. Sau đó, lớp da nhân tạo này sẽ tự bong ra một cách tự nhiên ngay sau khi lớp da thật của bệnh nhân ở phía dưới liền lại. Điều này giúp giảm cơn đau cho bệnh nhân phỏng rất nhiều.

Súng Spincare sẽ phun 1 lớp polyme trong suốt giống như da thật lên bề mặt vết thương.

Hiện 9 thiết bị này đã được phân phối tại một số bệnh viện ở Israel và châu Âu. Tại 2 thị trường này, súng Spincare đã được kiểm định và cho phép sử dụng.

7. Chip nano vi lỏng 3D phát hiện ung thư chỉ qua một giọt máu

Các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Kansas (Mỹ) đã phát minh ra một thiết bị rất nhạy, có thể nhanh chóng phát hiện ung thư và nhiều bệnh khác chỉ qua một giọt máu.

Chip nano vi lỏng 3D có thể phát hiện dấu hiệu ung thư bằng một giọt máu hoặc một giọt huyết tương.

Thiết bị có tên chip nano vi lỏng 3D xác định và chẩn đoán ung thư bằng cách lọc các exosome (các túi rất nhỏ được sản sinh từ một số tế bào có nhân). Đối với tế bào ung thư, exosome chứa các thông tin sinh học có thế dẫn đến sự phát triển và lan rộng của khối u.

Thử nghiệm lâm sàng trên các bệnh nhân ung thư buồng trứng, con chip có thể phát hiện sự tồn tại của ung thư trong một lượng huyết tương nhỏ. Ngoài ra, con chip này có thể được chế tạo một cách dễ dàng với chi phí thấp, cho phép kiểm tra rộng rãi và ít tốn kém đối với nhiều bệnh khác.

8. Ngân hàng tóc đầu tiên trên thế giới giúp điều trị hói đầu

Các nhà khoa học ở Anh đang tạo nên một "ngân hàng" nang lông tóc đầu tiên trên thế giới, trong nỗ lực giúp nhiều người điều trị bệnh hói đầu.

Người bị rụng tóc có thể gửi tại ngân hàng này những nang lông tóc khỏe mạnh để được nhân giống vô tính và lưu trữ cho bệnh nhân sử dụng trong thời gian họ rụng tóc. Mỗi bệnh nhân sẽ được lấy đi khoảng 100 nang lông tóc sau đó trữ chúng trong một hộp chứa đặc biệt ở nhiệt độ 150 độ C. 

Những tế bào này sẽ được cấy ngược trở lại vào da đầu của bệnh nhân để kích thích tóc mọc trở lại. Chi phí cho quy trình này không rẻ, có thể lên tới 2.500 bảng Anh (tương đương 76,8 triệu đồng) cho mỗi năm lưu trữ.

9. Phát hiện linh ngưu nửa trâu nửa cừu cực hiếm

Loại linh ngưu này được phát hiện gần đây tại tỉnh Thiểm Tây (Trung Quốc). Con trưởng thành cao 1-1,4m; dài 1,6-2,2m nhưng nặng tới 300 -350kg. Chúng hiện thuộc danh sách động vật được bảo vệ cấp cao nhất tại Trung Quốc vì độ quý hiếm. Chỉ còn sót một vài con trong khu vực bên trong dãy Himalaya.

10. Thịt bò in 3D từ đậu và tảo có kết cấu như thịt thật 

Sản phẩm độc đáo được công ty Nova Meat giới thiệu tại Triển lãm Di động toàn cầu được tổ chức ở Tây Ban Nha.

Một hỗn hợp cơ bản được làm từ gạo, đậu và tảo và được cho vào một máy in 3D. Trong quá trình in, các vi sợi trong hỗn hợp nhão sắp thẳng hàng như các sợi cơ trong thịt bò thật. Sự thẳng hàng này mang lại cho các miếng bít tết một kết cấu như thịt bò thật, dù chúng không hề có thịt.

Quá trình in mất khoảng 3 phút, trong lúc đó các lớp của hỗn hợp được in cẩn thận theo hình dạng một miếng bít tết. Sau khi được nướng chín, miếng bít tết nhanh chóng đổi sang màu nâu đậm, giống hệt thịt bò thật và bên trong có kết cấu sợi rõ ràng của thịt.

Theo Khampha.vn

 

Số lượt xem:741

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
Công báo tỉnh Kon Tum





de tai khoa hoc cap tinh








Trang thông tin điện tử Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum
Quản lý và nhập tin: Trung tâm Nghiên cứu, Ứng dụng và Dịch vụ KH&CN – Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Huỳnh Trung Kim - P. Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ - Trưởng Ban biên tập

Địa chỉ: Tầng 4 - Tòa nhà B Trung tâm Hành chính công tỉnh Kon Tum - Tổ 8, P. Thống Nhất, Tp. Kon Tum, tỉnh Kon Tum; Điện thoại: 0260.3862518 - Email: skhcn@kontum.gov.vn

Chung nhan Tin Nhiem Mang


557880 Tổng số người truy cập: 436 Số người online:
TNC Phát triển: