banner
Thứ 7, ngày 11 tháng 1 năm 2025
KHCN tuần qua: Phát hiện loài cây mới ở Việt Nam, sản xuất thịt bò trên vũ trụ
14-10-2019

Các nhà khoa học thuộc Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam và quốc tế vừa phát hiện một loài cây gỗ lớn mới cao đến 20 m, đường kính thân 60 cm ở dãy Trường Sơn.

1. Thành lập Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng

Bộ TT&TT vừa ban hành Quyết định về việc thành lập Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam trực thuộc Cục An toàn thông tin.

Trung tâm thực hiện chức năng làm đầu mối kỹ thuật điều phối ứng cứu sự cố an toàn không gian mạng và kiểm định an toàn thông tin trên phạm vi toàn quốc. Trung tâm cũng là đầu mối hợp tác quốc tế với các cơ quan, tổ chức có chức năng ứng cứu sự cố và kiểm định an toàn thông tin.

2. Hà Nội khởi công dự án thành phố thông minh 4,2 tỉ USD

TP Hà Nội vừa tổ chức lễ động thổ và công bố dự án thành phố thông minh có tổng mức đầu tư gần 4,2 tỉ USD. Dự án có diện tích 272 ha, đặt tại các xã Hải Bối, Vĩnh Ngọc và Kim Nỗ (H.Đông Anh).

Dự án thành phố thông minh tại Đông Anh, Hà Nội có tổng mức đầu tư 4,138 tỷ USD

Với 5 giai đoạn và dự kiến sẽ hoàn thành toàn bộ vào năm 2028, dự án do liên doanh Tập đoàn Sumitomo Corporation (Nhật Bản) và BRG đầu tư này sẽ áp dụng nhiều công nghệ thông minh như năng lượng thông minh, giao thông thông minh, quản trị thông minh, học tập thông minh, đời sống thông minh và kinh tế thông minh.

3. Loài cây gỗ mới ở Việt Nam

Các nhà khoa học thuộc Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam và quốc tế vừa phát hiện một loài cây gỗ lớn mới ở dãy núi Trường Sơn, miền Trung Việt Nam, đặt tên là đua đũa Trường Sơn (thuộc họ Bồ đề - Styracaceae).

Hình ảnh hoa, quả và lá cây đua đũa Trường Sơn. Ảnh: Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam.

Khác với các loại hiện có, chúng là những cây gỗ thường xanh, cao đến 20 m, đường kính ngang ngực đến 60 cm, gân thứ cấp ít, trục cụm hoa và thùy tràng ngắn hơn, lá bắc lớn. Phát hiện mới này giúp tăng số lượng đua đũa ở Việt Nam lên 4 loài và làm nổi bật giá trị tài nguyên cây gỗ ở Việt Nam.

4. 9X nghiên cứu vật liệu khử độc khói xe

Nguyễn Ngọc Khang, 23 tuổi, quê Hà Nội, vừa giành giải nhất Falling Walls Lab tại Việt Nam nhờ sáng kiến chế tạo, tổng hợp vật liệu xúc tác có khả năng xử lý khí Nitơ Oxit (NOx) từ động cơ phương tiện giao thông. Loại khí này có hại cho sức khỏe con người, là một trong những nguyên nhân hình thành sương mù quang hóa, bụi mịn.

Nguyễn Ngọc Khang vừa tốt nghiệp thủ khoa Viện Kỹ thuật Hóa học - Đại học Bách khoa Hà Nội.

Hiện Khang cùng các bạn đã tổng hợp thành công xúc tác, cho hiệu quả tốt với độ chuyển hóa NOx lên tới hơn 99,5%. Chất này sẽ được chứa trong một thiết bị xử lý khí thải nằm sau động cơ và trước bô xe. Khí đi vào, qua lớp xúc tác sẽ xảy ra phản ứng khiến NOx thành khí trơ thoát ra ngoài.

Nhóm đã có bốn công bố khoa học trong và ngoài nước, trong đó một bài báo do Khang là tác giả chính, một bài được đăng trên tạp chí Journal of Chemistry thuộc danh mục SCIE.

 

5. Phương pháp xét nghiệm máu phát hiện ung thư dạ dày

GastroClear do công ty startup MiRXES phát triển giúp phát hiện ung thư dạ dày giai đoạn đầu. Cụ thể, GastroClear có khả năng phát hiện 12 phân tử MicroRNA do tế bào ung thư tiết ra trong máu. Các bác sĩ chỉ cần lấy một lượng máu nhỏ để xác định dấu ấn sinh học của bệnh nhân, từ đó phân tích thông tin bệnh thay vì tiến hành xét nghiệm sinh thiết lỏng. 

Một nghiên cứu lâm sàng gần đây sử dụng GastroClear với 4.566 đối tượng được nội soi đã phát hiện 82,6% trường hợp ung thư dạ dày giai đoạn đầu, 88,4% được phát hiện ung thư giai đoạn cuối. Với sự phê duyệt của cơ quan Khoa học Y tế Singapore, dự án sẽ ra mắt tại Hongkong năm 2020.

6. Thuốc ngăn khối u ung thư tái phát di căn

Các nhà khoa học từ đại học Salford đã điều chế loại thuốc tên Dodecyl -TPP từ 4 loại dược phẩm khác, gồm Doxycycline, Niclosamide, Vitamin C và Berberine. 

Thuốc Dodecyl-TPP nhắm vào các ty thể, vốn là thành phần quan trọng cung cấp năng lượng cho các tế bào gốc ung thư để ngăn chúng sinh sôi và di căn. Từ đó, thuốc bỏ đói, làm ngạt ty thể trong các tế bào gốc ung thư, mở ra hướng đi mới trong điều trị ung thư. 

7. Hợp chất chiết từ gao giúp ức chế ung thư

Cụ thể, các nhà khoa học Hàn Quốc công bố Momilactones B tách chiết từ gạo trắng cho tác động lên thuận lợi trong việc khắc chế bệnh ung thư vú. Họ kết luận MB làm tăng tốc độ apoptosis (quá trình tự hủy diệt của tế bào theo chương trình có sẵn trong gene), tạo ra môi trường oxy thấp gây ức chế sự phát triển của tế bào ung thư vú ở người. Với khả năng này, MB có thể đại diện cho một tác nhân hóa trị liệu hoặc điều trị hiệu quả chống lại ung thư vú.

Thành công này mở ra triển vọng thu hồi các chất quý từ trấu, gạo bởi trước đó rất hiếm phòng thí nghiệm thành công trong việc tách chiết.

8. Nhà trị liệu tâm lý ảo cho chứng trầm cảm

Xây dựng bởi Flow Neuroscience (Malmo, Thuỵ Điển), ứng dụng Flow đóng vai trò như nhà tâm lý trực tuyến cho những người trầm cảm.

Ứng dụng Flow sẽ trở thành "người bạn trực tuyến" với bệnh nhân trầm cảm hoặc mắc chứng rối loạn lo âu.

Thông qua khung chat tự động (Chatbot), Flow sẽ tư vấn những kỹ năng tự chăm sóc sức khỏe, cách theo dõi tâm trạng, video giúp người dùng phục hồi sau trầm cảm, đồng thời thu thập dữ liệu liên quan tới tâm trạng người dùng để đưa ra liệu pháp phù hợp. Kết quả khảo sát cho thấy 24% người dùng đã vượt qua trầm cảm hoàn toàn và 41% cảm thấy tâm trạng được cải thiện tốt hơn ít nhất 50% sau 6 tuần "đồng hành" cùng Flow.

9. Áo khoác cảm nhạc cho người khiếm thính

Sound Shirt được phát minh bởi công ty thời trang CuteCircuit (London, Anh). Chiếc áo này sở hữu thiết kế đặc biệt với 16 cảm biến xúc giác được nhúng trực tiếp trong lớp vải thông minh của chiếc áo. Theo đó, nhạc sống sẽ được chuyển thành dữ liệu trong thời gian thực và truyền đến người mặc.

Kết quả, người dùng có thể cảm nhận tiếng đàn violin trên cánh tay và tiếng trống ở trên lưng của họ, mang đến một trải nghiệm hoàn toàn mới lạ. Những người khiếm thính được trải nghiệm đều chung phản ứng tích cực.

10. Sản xuất thịt bò ngoài vũ trụ

Lần đầu tiên, thịt được tạo ra trong vũ trụ. Và thành tựu này thuộc về Aleph Farms, công ty khởi nghiệp chuyên về công nghệ thực phẩm của Israel.

Cụ thể, các tế bào của bò được chuyển từ Trái đất lên ISS (phân khu của Nga) từ 26.9. Tại độ cao 399 km cách Trái Đất, tế bào bò đã phát triển thành mô cơ cơ có tỉ lệ nhỏ bằng cách sử dụng một phương pháp được gọi là "in 3D sinh học", theo đó bắt chước quá trình tạo mô cơ bên trong cơ thể bò. Dư luận hưởng ứng dự án này như một giải pháp cắt giảm tiêu dùng thịt và hạn chế khí thải nhà kính.

Theo khampha.vn

Số lượt xem:2369

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
Công báo tỉnh Kon Tum















Trang thông tin điện tử Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum
Quản lý và nhập tin: Trung tâm Nghiên cứu, Ứng dụng và Dịch vụ KH&CN – Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Huỳnh Trung Kim - P. Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ - Trưởng Ban biên tập

Địa chỉ: Tầng 4 - Tòa nhà B Trung tâm Hành chính công tỉnh Kon Tum - Tổ 8, P. Thống Nhất, Tp. Kon Tum, tỉnh Kon Tum; Điện thoại: 0260.3862518 - Email: skhcn@kontum.gov.vn

Chung nhan Tin Nhiem Mang


653925 Tổng số người truy cập: 1970 Số người online:
TNC Phát triển: