banner
Thứ 7, ngày 11 tháng 1 năm 2025
Kết luận của Đồng chí Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ KH&CN tại Hội nghị giao ban khoa học và công nghệ các tỉnh, thành phố vùng Nam Trung bộ và Tây nguyên lần thứ XV
6-8-2019

 

Ngày 21/6/2019, tại thành phố Đà Nẵng, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp với ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Đà Nẵng tổ chức Hội nghị giao ban KH&CN các tỉnh, thành phố vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên lần thứ XV. Đồng chí Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ KH&CN và đồng chí Lê Trung Chinh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng chủ trì Hội nghị.

Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc Bộ KH&CN và đại diện lãnh đạo 12 Sở KH&CN vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Hội nghị đã tập trung đánh giá và thảo luận kết quả hoạt động KH&CN của Vùng giai đoạn 2017 - 2019; kết quả triển khai thực hiện Thông báo kết luận tại Hội nghị giao ban KH&CN lần thứ XIV và triển khai Chương trình phối hợp hoạt động KH&CN của các tỉnh vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên đã được ký kết. Đồng thời, thảo luận một số giải pháp nhằm thực hiện thành công các mục tiêu phát triển KH&CN đến năm 2020 theo chỉ đạo tại Kết luận số 50-KL/TW ngày 30/5/2019 của Ban Bí thư Trung ương về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 20- NQ/TW của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 6 khóa XI về “Phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” và các giải pháp triển khai các nhiệm vụ KH&CN có tính liên tỉnh, liên vùng, sự phối hợp giữa các cơ quan Trung ương với địa phương, giữa các địa phương trong Vùng.         

Hội nghị giao ban KH&CN vùng Nam Trung bộ và Tây Nguyên

Sau khi nghe các báo cáo và thảo luận của các đại biểu tham dự Hội nghị, Thứ trưởng Trần Văn Tùng kết luận như sau:

1. Thống nhất đánh giá về hoạt động KH&CN của các địa phương và Vùng giai đoạn 2017-2019; đánh giá cao sự quan tâm chỉ đạo của các cấp lãnh đạo và sự chủ động của Sở KH&CN các tỉnh, thành phố trong Vùng, góp phần nâng cao vai trò của KH&CN đối vói việc phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương và Vùng; công tác quản lý nhà nước về các lĩnh vực KH&CN tiếp tục được tăng cường. Bên cạnh các kết quả đạt được, hoạt động KH&CN trong Vùng còn một số hạn chế như: Chưa hình thành và triển khai được các nhiệm vụ KH&CN có quy mô lớn, giải quyết những vấn đề quan trọng của và mang tính đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội; việc chuyển giao ứng dụng, nhân rộng kết quả một số đề tài, dự án KH&CN vào sản xuất và đời sống còn hạn chế. Kinh phí cho hoạt động nghiên cứu triển khai chủ yếu từ ngân sách nhà nước, chưa thu hút được nguồn lực xã hội đầu tư cho KH&CN, đặc biệt là chưa có nhiều doanh nghiệp chú trọng và đầu tư cho KH&CN, đổi mới công nghệ; hoạt động liên kết hình thành chuỗi giá trị phát triển các sản phẩm chủ lực, sản phẩm có lợi thế của địa phương và Vùng chưa được quan tâm đúng mức.

2. Để hoạt động KH&CN đóng góp tích cực hơn cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và Vùng, ngoài việc triển khai thực hiện theo chức năng nhiệm vụ được giao, định hướng hoạt động KH&CN vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên giai đoạn tới cần tập trung một số nội dung trọng tâm sau:

a) Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt, tổ chức thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về phát triển KH&CN nêu trong Kết luận số 50-KL/TW ngày 30/5/2019 của Ban Bí thư Trung ương về tệp tục thực hiện Nghị quyết quyết 20-NQ/TW của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 6 khóa XI về Phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu các cấp ủy Đảng, chính quyền trong thúc đẩy hoạt động KH&CN trên địa bàn.

b) Tiến hành tổng kết, đánh giá kết quả hoạt động KH&CN, đổi mới sáng tạo (ĐMST) phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng giai đoạn 2016-2020; khẩn trương nghiên cứu, tạo lập cơ sở lý luận và thực tiễn phục vụ trực tiếp cho việc xây dựng báo cáo chính trị và Nghị quyết đại hội Đảng các cấp của địa phương sẽ diễn ra vào năm 2020. Xác định phương hướng và giải pháp cho giai đoạn phát triển tiếp theo, cần quan tâm một số nội dung trọng tâm, đó là: Phát triển KH&CN, ĐMST thực sự là động lực then chốt của quá trình phát triển nhanh và bền vững. KH&CN, ĐMST được xác định là một trong những giải pháp đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, thúc đẩy tăng năng suất lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh. Chủ động, tích cực tham gia xây dựng và phát triển hệ thống ĐMST quốc gia lấy doanh nghiệp làm trung tâm, viện nghiên cứu, trường đại học là chủ thể nghiên cứu mạnh; đổi mới phương thức quản lý phù hợp với đặc thù của  hoạt động KH&CN, ĐMST của Vùng. Tập trung nghiên cứu ứng dụng, phát triển sản phẩm của tỉnh, thành phố, của vùng dựa vào công nghệ mới, công nghệ cao (đối với nông nghiệp là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ) để hình thành các ngành nghề mới và các sản phẩm mới, giá trị gia tăng cao, nhất là lĩnh vực mà vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên có thế mạnh; tăng cường nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn để làm giàu văn hóa, đảm bảo anh ninh, quốc phòng phục vụ phát triển bền vững kinh tế - xã hội của từng địa phương cũng như của cả nước. Xác định các nhiệm vụ có nội dung KH&CN lớn cần phải giải quyết thông qua các Chương trình quốc gia, nhất là Chương trình KC4.0 về “Hỗ trợ nghiên cứu, phát triển ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0”.

- Phát triển mạnh mẽ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, thúc đẩy liên kết các mạng lưới đổi mới sáng tạo trong và ngoài nước. Tiếp tục thực hiện các hoạt động thúc đẩy phát triển mạnh thị trường KH&CN và hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo; kết nối hiệu quả các sàn giao dịch công nghệ, các trung tâm ứng dụng tiến bộ KH&CN ở địa phương với các sàn giao dịch quốc gia; phát triển mạng lưới các tổ chức tư vấn, dịch vụ về môi giới, đánh giá, chuyển giao công nghệ, các tổ chức ươm tạo, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp ở địa phương.

- Bố trí nguồn lực về tài chính, cơ sở vật chất cho KH&CN tương xứng với yêu cầu “quốc sách hàng đầu”; chi đủ và sử dụng có hiệu quả, đúng mục đích nguồn đầu tư ngân sách nhà nước hàng năm cho KH&CN.

- Xây dựng tiềm lực KH&CN, ĐMST gắn kết chặt chẽ với phát triển sản xuất và phục vụ đời sống nhân dân; quan tâm đầu tư, tạo những điều kiện thuận lợi nhằm phát huy cao nhất tiềm năng, tính chủ động sáng tạo của đội ngũ cán bộ KH&CN. Rà soát, sắp xếp lại hệ thống tổ chức KH&CN theo hướng tinh gọn, hiệu lực và hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Kiên quyết thực hiện cơ chế tự chủ đối với các tổ chức KH&CN công lập trên địa bàn theo các quy định của Nghị định số 54/2017/NĐ-CP ngày 14/6/2016 của Chính phủ.

c) Tăng cường phối hợp giữa các Sở KH&CN và các đơn vị của Bộ KH&CN trong công tác quản lý nhà nước theo chức năng quản lý của ngành. Trong đó trọng tâm vào phối họp trong các hoạt động về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, sở hữu trí tuệ, thông tin thống kê KH&CN, an toàn bức xạ và hạt nhân, thanh tra KH&CN. Đẩy nhanh việc xây dựng cơ sở dữ liệu về KH&CN đáp ứng yêu cầu phát triển của hệ cơ sở dữ liệu quốc gia, của Đề án phát triển Hệ tri thức Việt số hóa đảm bảo kết nối cơ sở dữ liệu của đơn vị trên địa bàn tỉnh và với cơ sở dữ liệu của Trung ương.

d) Tăng cường phối hợp giữa các sở KH&CN trong Vùng trong công tác quản lý nhà nước, trao đổi thông tin, trong việc xây dựng và đề xuất các nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia để giải quyết các vấn đề có tính liên tỉnh, liên vùng. Những địa phương có điều kiện cũng cần thúc đẩy các hoạt động hợp tác KH&CN với các đối tác nước ngoài để đào tạo nguôn nhân lực và nghiên cứu phát triển.

3. Đối Với các đơn vị chức năng của Bộ, cần tăng cường phối hợp trong công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực; hỗ trợ các địa phương trong các hoạt động ĐMST, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo; hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương tham gia các chương trình KH&CN quốc gia; hỗ trợ các địa phương triển khai thực hiện việc truy xuất nguồn gốc, xây dựng mã số mã vạch, tạo lập và phát triên thương hiệu của các sản phẩm chủ lực của địa phương; cung cấp cơ sở dữ liệu thông tin về kết quả hoạt động KH&CN, thông tin để xây dựng các luận cứ khoa học về phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực quản lý nhà nước trên các lĩnh vực công tác.

4. Hội nghị nhất trí giao cho tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội nghị KH&CN các tỉnh, thành phố vùng Nam Trung Bộ - Tây Nguyên lần thứ XVI diễn ra vào năm 2021. Sở KH&CN Đắk Lắk chủ trì xây dựng Chương trình hợp tác trong hoạt động KH&CN giữa các tỉnh trong Vùng, đặc biệt là phối hợp xây dựng các nhiệm vụ KH&CN liên kết, tổ chức ký kết Chương trình hợp tác trước tháng 10/2019.

Hồng Vân

 

Số lượt xem:1165

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
Công báo tỉnh Kon Tum















Trang thông tin điện tử Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum
Quản lý và nhập tin: Trung tâm Nghiên cứu, Ứng dụng và Dịch vụ KH&CN – Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Huỳnh Trung Kim - P. Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ - Trưởng Ban biên tập

Địa chỉ: Tầng 4 - Tòa nhà B Trung tâm Hành chính công tỉnh Kon Tum - Tổ 8, P. Thống Nhất, Tp. Kon Tum, tỉnh Kon Tum; Điện thoại: 0260.3862518 - Email: skhcn@kontum.gov.vn

Chung nhan Tin Nhiem Mang


654063 Tổng số người truy cập: 2350 Số người online:
TNC Phát triển: