banner
Chủ nhật, ngày 12 tháng 1 năm 2025
Việt Nam nhân nuôi thành công chủng giống tảo xoắn Spirulina
22-5-2019

Tảo nuôi ở Việt Nam có protein, hàm lượng beta – caroten cao hơn của Pháp, Nhật Bản, dùng làm dược liệu ngừa ung thư, tim mạch và lão hóa.

Viện nghiên cứu và ứng dụng công nghệ cao Hòa Lạc (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã nhân nuôi thành công tảo xoắn Spirulina VNU A03 - một vi tảo có dạng xoắn hình lò xo, màu xanh lam, kích thước từ 0,25-1 mm. Loài tảo này có các dưỡng chất (đạm, đường, axit béo, vitamin...) có lợi cho hoạt động của tim mạch và hệ thần kinh, chống lão hóa, ngăn ngừa ung thư, tăng sức đề kháng cơ thể. 

Ông Bùi Đức Thắng, Viện trưởng Viện nghiên cứu và ứng dụng công nghệ cao Hòa Lạc cho biết, trong số hàng trăm chủng giống, các nhà khoa học Việt Nam đã chọn tạo, nuôi cấy thử nghiệm, chọn Spirulina VNU A03 và xây dựng quy trình nuôi cấy. Sau 5 năm, phân tích, theo dõi sự phát triển con giống trong các điều kiện môi trường của Việt Nam, tháng 9/2018 các nhà khoa học đã chọn giống và xây dựng thành công quy trình nuôi cấy thông thường và quy mô công nghiệp. 

Khu nuôi trồng tảo xoắn Spirulina VNU A03 tại Viện nghiên cứu và ứng dụng công nghệ cao Hòa Lạc.

"Hiện công suất nuôi cấy đạt 5 - 6 tấn tảo khô/năm", ông Thắng nói và cho biết so với các tảo nhập khẩu, tảo của Việt Nam có protein cao, chiếm 68% khối lượng (các sản phẩm tử Pháp chiếm 60%, Đài Loan 62%) . Đặc biệt, hàm lượng beta – caroten vượt trội so với các sản phẩm tảo của Nhật Bản - quốc gia có thương hiệu trong khai thác và sản xuất các sản phẩm có nguồn gốc từ tảo Spirulina. Chất này có tác dụng ngăn ngừa ung thư, chống lão hóa và hiệu quả ở những người có nguy cơ bệnh tim mạch, phòng và chữa bệnh khô mắt ở trẻ em, đã được chứng nhận bởi nhiều công trình nghiên cứu khoa học trên thế giới.

Hiện Viện nghiên cứu và ứng dụng công nghệ cao Hòa Lạc ứng dụng công nghệ trong nuôi cấy và sản xuất tảo Spirulina với cơ sở hạ tầng gần 6.000 m2. Khu sản xuất được quy hoạch khép kín, bảo đảm vệ sinh, được Bộ Y tế cấp giấy chứng nhận cho cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Nguyên liệu tảo xoắn Spirulina VNU A03 đang được nhóm nghiên cứu hướng đến đối tượng sử dụng là các doanh nghiệp dược, chế biến sản phẩm thực phẩm, thực phẩm dinh dưỡng, bảo vệ sức khỏe, sản xuất mỹ phẩm...

Giống tảo xoắn Spirulina VNU A03 là kết quả của Đề án nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước do Viện nghiên cứu và ứng dụng công nghệ cao Hòa Lạc và Học Viện Nông nghiệp Việt Nam phối hợp thực hiện. Chủng giống tảo này đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn công nhận là chủng giống đầu tiên tại Việt Nam. Theo Nghị định 65/2017 của Thủ tướng Chính phủ, chủng tảo Spirulina VNU A03 được xếp vào nguồn dược liệu để ứng dụng trong lĩnh vực Y tế.

Nguồn: Vnexpress.net

Số lượt xem:1413

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
Công báo tỉnh Kon Tum















Trang thông tin điện tử Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum
Quản lý và nhập tin: Trung tâm Nghiên cứu, Ứng dụng và Dịch vụ KH&CN – Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Huỳnh Trung Kim - P. Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ - Trưởng Ban biên tập

Địa chỉ: Tầng 4 - Tòa nhà B Trung tâm Hành chính công tỉnh Kon Tum - Tổ 8, P. Thống Nhất, Tp. Kon Tum, tỉnh Kon Tum; Điện thoại: 0260.3862518 - Email: skhcn@kontum.gov.vn

Chung nhan Tin Nhiem Mang


654264 Tổng số người truy cập: 625 Số người online:
TNC Phát triển: