banner
Thứ 2, ngày 22 tháng 7 năm 2024
Thúc đẩy liên kết, phát triển chuỗi giá trị Đảng sâm bền vững
3-12-2019

Trong những năm qua, tỉnh Kon Tum đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, kế hoạch phát triển sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ dược liệu nói chung, Đảng sâm (sâm dây) nói riêng như: Đề án đầu tư phát triển và chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh Kon Tum giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến 2030; Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch liên kết sản xuất, tiêu thụ một số sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh nhằm thúc đẩy liên kết, phát triển chuỗi giá trị Đảng sâm bền vững trên địa bàn tỉnh.

Củ sâm dây được người dân thu hoạch và sản phẩm mứt sâm dây được nhiều người ưu chuộng và chọn mua làm quà tặng

Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã bước đầu có một số doanh nghiệp, hợp tác xã đã thực hiện một số chuỗi liên kết sản xuất, gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm Đảng sâm như: Chuỗi liên kết mô hình trồng liên kết, phát triển chuỗi giá trị Đảng sâm giữa các doanh nghiệp, công ty liên doanh, liên kết sản xuất theo chuỗi giá như: Công ty TNHH Thái Hòa – Kon Tum, Công ty Cổ phần nước giải khác sâm dây Ngọc Linh; Hợp tác xã Nông dược Măng Đen; Hợp tác xã Tuyết Sơn (Kon Plông); Hợp tác xã dược liệu Ngọc Lây; Hợp tác xã dược liệu hữu cơ Tu Mơ Rông, Hợp tác xã Thanh Tâm (Tu Mơ Rông)... đã liên kết với các hộ dân với tổng diện tích khoảng gần 200 ha; các doanh nghiệp, hợp tác xã cam kết thu mua cao hơn giá thị trường khoảng 5.000 đồng/kg.

Một số sản phẩm từ Đảng sâm của các doanh nghiệp, hợp tác xã bắt đầu đã được đăng ký nhãn hiệu thương mại, được cấp giấy chứng nhận đăng ký sử dụng mã số mã vạch gắn với việc truy suất nguồn gốc sản phẩm như: sản phẩm Rượu sâm dây của Công ty TNHH Thái Hòa Kon Tum; Rượu Sâm dây, mứt Sâm dây của Hợp tác xã nông nghiệp Thanh Tâm Tu Mơ Rông; Rượu sâm dây, cao sâm dây của Hợp tác xã Tuyết Sơn Kon Plông...

Công ty Cổ phần nước giải khát sâm Ngọc Linh đang xây dựng Nhà máy chế biến nước giải khát và Trà túi lọc sâm dây Ngọc Linh tại thôn Đăk Nớ, xã Đăk Pék, huyện Đăk Glei được UBND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư tại Quyết định số 923/QĐ-UBND ngày 31/8/2018 có quy mô thiết kế đạt 800 lon/giờ trong giai đoạn I và 400 thùng/ngày trong giai đoạn II với tổng mức đầu tư 40 tỷ đồng do Công ty cổ phần nước giải khát Ngọc Linh là chủ đầu tư, hiện nay đơn vị đã thực hiện đăng ký và được cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đối với 02 sản phầm trà túi lọc sâm dây Ngọc Linh và nước sâm dây Ngọc Linh. Hiện nay, dự án đang được hoàn thiện, dự kiến đưa vào hoạt động vào cuối năm nay...

Ngoài ra, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 712/QĐ-UBND, 713/QĐ-UBND ngày 12/7 chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Hợp tác xã Dược liệu hữu cơ Tu Mơ Rông và Dự án phát triển ươm và trồng các loại dược liệu của Hợp tác xã Dược liệu Ngọc Lây tại xã Ngọc Lây, huyện Tu Mơ Rông. Theo thiết kế các dự án trên sẽ xây dựng vườn ươm giống và phát triển trồng cây dược liệu, trong đó có Đảng sâm.

Tuy nhiên, bên cạnh những tiềm năng, lợi thế, cũng thẳng thắn nhìn nhận trong việc phát triển Đảng sâm trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua còn gặp không ít khó khăn.

Khó khăn đầu tiên phải kể đến là quy mô diện tích sản xuất Đảng sâm của tỉnh còn nhỏ lẻ, chưa tạo ra cánh đồng lớn, nên chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

Trên địa bàn tỉnh chưa triển khai việc trồng dược liệu theo nguyên tắc, tiêu chuẩn “Thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc” - tiêu chuẩn GACP-WHO - một nguyên tắc, tiêu chuẩn quan trọng trong ngành dược liệu và là cơ sở để nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm dược liệu nói chung và sản phẩm từ Đảng sâm của tỉnh nói riêng.

Tiếp đến là công quảng bá, xây dựng thương hiệu đối với các sản phẩm Đảng sâm, việc quản lý, phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi buôn bán dược liệu trái phép, dược liệu giả và gian lận thương mại trong kinh doanh dược liệu chưa được quan tâm đúng mức.

Việc liên kết trong quá trình sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm chưa thật sự chặt chẽ; việc liên kết chủ yếu với hình thức hợp đồng miệng và có biên bản ghi nhớ bao tiêu sản phẩm mà chưa có hợp đồng tiêu thụ cụ thể của từng sản phẩm; một số doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị trong chuỗi sản xuất chưa thật sự chủ động, còn tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ trực tiếp chủa Nhà nước, chưa có định hướng, chiến lược phát triển sản phẩm cụ thể.

Để khắc phục những khó khăn, vướng mắc, liên kết, phát triển chuỗi giá trị Đảng sâm bền vững trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, theo ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh cần tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án đầu tư phát triển và chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh Kon Tum giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến 2030; Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch liên kết sản xuất, tiêu thụ một số sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Ngoài ra, áp dụng hướng dẫn của tổ chức Y tế thế giới về thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc (GACP - WHO); Ứng dụng KHCN để phát triển Đảng sâm; Tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ các dự án đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu, nhất là các dự án có thuê rừng để trồng các loại dược liệu dưới tán rừng; ngăn chặn, xử lý hành vi buôn bán dược liệu trái phép, dược liệu giả và gian lận thương mại trong kinh doanh dược liệu.

Huy động các nguồn lực từ nguồn vốn ngân sách địa phương, nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất từ Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020; Triển khai thực hiện Nghị định 57/2018/NĐ - CP về cơ chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và Quyết định số 2261/QĐ-TTg chính sách hỗ trợ hợp tác xã, để thực hiện liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ, chế biến sản phẩm Đảng sâm trên địa bàn tỉnh.

 

Tỉnh Kon Tum có hơn 2/3 diện tích tự nhiên là rừng và đất lâm nghiệp, rừng Kon Tum là nơi chứa đựng nguồn dược liệu tự nhiên phong phú, đa dạng về chủng loại và công dụng chữa được nhiều bệnh. Đất đai và khí hậu phù hợp với nhiều loài cây trồng, trong đó có nhiều loài cây thuốc quý xuất xứ từ các nơi khác nhau. Trong đó, bên cạnh cây Sâm Ngọc Linh, Đảng sâm (Sâm dây) cũng là một cây thuốc quý ở các xã xung quanh núi Ngọc Linh.

Đảng sâm có Tên khoa học là Codonopsis javanica; ở tỉnh Kon Tum Đảng sâm phân bố khá nhiều ở các xã thuộc Đông Trường Sơn xung quanh vùng núi Ngọc Linh như Măng Ri, Tê Xăng, Ngọk Lei, Mường Hoong, Ngọk Linh, Tu Mơ Rông, Văn Xuôi, Măng Bút thuộc các huyện Tu Mơ Rông, Đăk Glei, Kon Plông; Đảng sâm là vị thuốc quý với các thành phần như saponin, alkaloits, sucrose, glucose, insulin giúp tăng cường sức khỏe, chống mệt mỏi và tăng sự thích nghi của cơ thể, tăng khả năng miễn dịch của cơ thể, tốt cho tim mạch, hệ tiêu hóa và hệ thần kinh.

Theo kontum.gov.vn

Số lượt xem:1220

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
Công báo tỉnh Kon Tum



de tai khoa hoc cap tinh








Trang thông tin điện tử Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum
Quản lý và nhập tin: Trung tâm Nghiên cứu, Ứng dụng và Dịch vụ KH&CN – Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Huỳnh Trung Kim - P. Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ - Trưởng Ban biên tập

Địa chỉ: Tầng 4 - Tòa nhà B Trung tâm Hành chính công tỉnh Kon Tum - Tổ 8, P. Thống Nhất, Tp. Kon Tum, tỉnh Kon Tum; Điện thoại: 0260.3862518 - Email: skhcn@kontum.gov.vn

Chung nhan Tin Nhiem Mang


216150 Tổng số người truy cập: 2277 Số người online:
TNC Phát triển: