banner
Thứ 7, ngày 11 tháng 1 năm 2025
Quy trình xử lý khi có ca Covid-19 cộng đồng và cách lý y tế vùng có dịch
15-7-2021

Thực hiện theo các hướng dẫn chung của Bộ Y tế, Ngày 12/7/2021, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Kon Tum ban hành Quy trình xử lý khi có ca Covid-19 cộng đồng và cách lý y tế vùng có dịch.

 

Với phương châm: Tốc độ chống dịch là quan trọng nhất với thần tốc truy vết; thần tốc cách ly; thần tốc khoanh vùng; thần tốc lấy mẫu và xét nghiệm;  Khoanh vùng nhanh diện rộng, xét nghiệm diện rộng, phong tỏa diện hẹp.

 

Quy trình xử lý cụ thể như sau:

 

I. XỬ LÝ CA COVID-19 CỘNG ĐỒNG

 

1. Lập tức đưa ca COVID-19 (F0) đi cách ly, điều trị tại cơ sở y tế theo quy định.

 

2. Điều tra dịch tễ F0

 

Điều tra ngay dịch tễ ca bệnh theo thường quy (thông tin cá nhân; Xác định yếu tố dịch tễ liên quan cơ bản; điều tra lịch trình xác định mốc dịch tễ tỉnh, huyện, cụ thể; điều tra tiếp xúc…).

 

3. Truy vết F1 thần tốc- triệt để

 

- Tổ chức cách ly tập trung ngay F1; lấy mẫu bệnh phẩm F1 theo mẫu đơn.

 

- Tiến hành xét nghiệm mẫu đơn ngay cho các bệnh phẩm của F1.

 

- Truy vết F1 triệt để tại các mốc dịch tễ của F0 và thông báo mốc dịch tễ cho các địa phương có liên quan khác để phối hợp truy vết.

 

4. Truy vết F2

 

- Tổ chức cách ly tại nhà F2 theo quy định; lấy mẫu bệnh phẩm F2 (có thể lấy mẫu gộp).

 

- Tiến hành xét nghiệm cho các bệnh phẩm của F2.

 

- Truy vết F2 tại các mốc dịch tễ của F1 và thông báo mốc dịch tễ cho các địa phương có liên quan khác để phối hợp truy vết (khi cần thiết).

 

5. Truy vết F3 để lập danh sách quản lý, tự theo dõi sức khỏe tại nhà (nếu có đủ thời gian cần thiết cho việc truy vết).

 

II. CÁCH LY Y TẾ VÙNG CÓ DỊCH COVID-19 (phong tỏa)

 

1. Khoanh vùng diện rộng (tạm thời)

 

- Thực hiện ngay khi có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 sàng lọc hoặc khẳng định dương tính.

 

- Khoanh vùng dịch tễ tạm thời diện rộng ngay khu dân cư có ca bệnh. Phạm vi khoanh vùng dịch tễ dựa vào đánh giá ban đầu về tình hình ổ dịch và nguy cơ. Việc khoanh vùng dịch tễ tạm thời không phụ thuộc vào đơn vị hành chính và không cần có quyết định hành chính.

 

2. Xét nghiệm diện rộng

 

- Lấy mẫu xét nghiệm diện rộng tại khu vực khoanh vùng diện rộng.     

                          

- Tập trung nhân lực, lấy mẫu xét nghiệm diện rộng thật nhanh tại cộng đồng khu vực khoanh vùng diện rộng. Nên lấy mẫu gộp theo hộ gia đình hoặc nhóm hộ gia đình gần nhau. Làm xét nghiệm mẫu gộp ngay để đánh giá nguy cơ và đánh giá tình hình dịch tại cộng đồng.

 

- Lấy mẫu xét nghiệm tại một số mốc dịch tễ quan trọng.    

                                                                                                                        

* Lưu ý: Ca có triệu chứng và F1 thì phải xét nghiệm mẫu đơn. Mẫu cộng đồng thì nên xét nghiệm gộp 5 (theo Quyết định số 1817/QĐ-BYT ngày 07/4/2021).

 

3. Phong tỏa diện hẹp (cách ly y tế vùng có dịch COVID-19)

 

- Phong tỏa cứng ổ dịch (khoanh vùng tạm thời và lấy mẫu cộng đồng thì rộng nhưng phong tỏa cứng thì gọn vừa đủ, nguy cơ đến đâu, phong tỏa đến đó).

 

- Tùy theo kết quả xét nghiệm F1 và xét nghiệm các mẫu cộng đồng tại ổ dịch để quyết định phạm vi phong tỏa chính thức. Nguyên tắc phong tỏa ổ dịch: Phong toả gọn, nguy cơ đến đâu, phong tỏa đến đấy (nguy cơ được đánh giá theo phân bố ca F0; phân bố F1; phân bố các mốc dịch tễ; mối liên quan dịch tễ tại cộng đồng). Trong vùng phong tỏa thực hiện theo “Sổ tay hướng dẫn tổ chức thực hiện cách ly y tế vùng có dịch COVID-19” của Bộ Y tế.

 

- Mục đích phong tỏa ổ dịch: Khống chế nguồn lây ở trong khu vực phong tỏa để không thể phát tán ra bên ngoài.

 

-  Mục tiêu phong tỏa ổ dịch: (1) Khóa chặt ổ dịch không cho nguồn lây thoát ra ngoài để không lây sang các vùng khác; (2) Dập dịch triệt để ở bên trong không để dịch lây lan trong vùng phong tỏa để dập tắt ổ dịch.

 

- Biện pháp để đạt được 2 mục tiêu này: Tại vùng phong tỏa phải thực hiện nghiêm “nội bất xuất, ngoại bất nhập” và thực hiện triệt để nhà cách ly với nhà bên trong vùng phong tỏa với nguyên tắc: Người nhà nào ở yên nhà ấy; không gặp gỡ bất cứ ai ở bên ngoài; không đến chơi nhà ai; không cho ai vào nhà với tinh thần nhà nhà cửa đóng then cài; các cửa hàng, cửa hiệu đều phải đóng cửa (trừ cửa hàng thiết yếu được cho phép mở cửa bởi chính quyền địa phương).

 

4. Triển khai các hoạt động trong khu vực phong tỏa và liên quan

 

- Triển khai các hoạt động trong khu vực phong tỏa theo Phương án cách ly y tế vùng dịch COVID-19 đã được phê duyệt.

 

- Xét nghiệm: Tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm định kỳ 3 ngày/1 lần cho toàn bộ người dân trong vùng phong tỏa theo mẫu gộp hộ gia đình hoặc các hộ gia đình liền kề nhau để phát hiện và đưa nhanh F0, F1 ra khỏi cộng đồng, làm sạch ổ dịch. Tùy theo kết quả xét nghiệm sẽ quyết định số lần lấy mẫu tiếp theo. Nhiều ổ dịch nơi đã có sự lây nhiễm phức tạp trong cộng đồng thì phải lấy mẫu xét nghiệm rất nhiều lần mới lọc sạch được mầm bệnh để dập tắt ổ dịch.

 

- Xem xét thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 hoặc lựa chọn thực hiện một số nội dung cơ bản của Chỉ thị này cho cấp xã/huyện có ca bệnh (không tụ tập, nhà cách ly với nhà, đóng các cửa hàng, dịch vụ không thiết yếu…).

 

- Xem xét thực hiện Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch COVID-19 ở một số cấp xã/huyện lân cận hoặc xã/huyện có liên quan dịch tễ hoặc có mốc dịch tễ quan trọng.

 

- Giám sát: Tổ chức giám sát toàn diện, triệt để, lấy mẫu xét nghiệm tất cả các trường hợp sốt, ho, đau họng, hội chứng cúm, viêm đường hô hấp tại cộng đồng, cơ sở điều trị, các hiệu thuốc trên toàn địa bàn. Những ngày đầu cần tiến hành tổng rà soát, lấy mẫu tất cả những người đang có triệu chứng sốt, ho, đau họng, ốm mệt, viêm đường hô hấp, mất khứu giác trên toàn địa bàn.

 

- Tổ cộng đồng (Tổ công tác cộng đồng phòng chống dịch bệnh): Thành lập/kiện toàn ngay các Tổ cộng đồng phòng chống dịch COVID-19 tại tất cả các khu dân cư. Các Tổ cộng đồng phải hoạt động mạnh mẽ, thực chất, hiệu quả. Hàng ngày đi từng ngõ, gõ từng nhà để làm nhiệm vụ theo quy định. Yêu cầu đại diện các hộ gia đình hàng ngày chủ động khai báo y tế bắt buộc bằng điện thoại tình hình sức khỏe của hộ gia đình cho Tổ cộng đồng hoặc y tế cơ sở.

 

- Tuyên truyền mạnh mẽ đến từng khu dân cư và phát động phong trào toàn dân tham gia phòng chống dịch. Đặc biệt là thực hiện 5K và thực hiện nghiêm Chỉ thị số 16/CT-TTg hoặc Chỉ thị số 15/CT-TTg đang áp dụng tại địa bàn.

 

- Kiểm tra, xử phạt nghiêm: Chính quyền địa phương tổ chức lực lượng công an, dân phòng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác phòng chống dịch của người dân trong vùng dịch. Có chế tài xử phạt nghiêm khắc những người vi phạm quy định để răn đe và đảm bảo việc chấp hành của người dân trong công tác phòng chống dịch.

 

- Khử trùng và xử lý môi trường ổ dịch.

 

5. Triển khai các nhiệm vụ khi kết thúc phong tỏa: Tổ chức triển khai các nhiệm vụ khi kết thúc phong tỏa ổ dịch theo Phương án đã được phê duyệt.

 

Trên đây là Quy trình xử lý khi có ca COVID-19 cộng đồng và cách ly y tế vùng có dịch. Quy trình này sẽ được tiếp tục sửa đổi, bổ sung trong quá trình tổ chức thực hiện công tác phòng, chống COVID-19 cho phù hợp với các chỉ đạo của Trung ương và thực tiễn trên địa bàn./.

 

Số lượt xem:8332

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
Công báo tỉnh Kon Tum















Trang thông tin điện tử Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum
Quản lý và nhập tin: Trung tâm Nghiên cứu, Ứng dụng và Dịch vụ KH&CN – Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Huỳnh Trung Kim - P. Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ - Trưởng Ban biên tập

Địa chỉ: Tầng 4 - Tòa nhà B Trung tâm Hành chính công tỉnh Kon Tum - Tổ 8, P. Thống Nhất, Tp. Kon Tum, tỉnh Kon Tum; Điện thoại: 0260.3862518 - Email: skhcn@kontum.gov.vn

Chung nhan Tin Nhiem Mang


653720 Tổng số người truy cập: 1458 Số người online:
TNC Phát triển: