banner
Thứ 4, ngày 22 tháng 1 năm 2025
Bộ KH&CN ban hành Thông tư hướng dẫn xử phạt hành chính lĩnh vực sở hữu công nghiệp
26-10-2024

Ngày 30/9/2024, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư 06/2024/TT-BKHCN sửa đổi, bổ sung một số điều của thông tư số 11/2015/TT-BKHCN ngày 26 tháng 6 năm 2015 của bộ trưởng bộ khoa học và công nghệ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của nghị định số 99/2013/NĐ-CP ngày 29 tháng 8 năm 2013 của chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp.

Theo đó, Thông tư 06/2024/TT-BKHCN sửa đổi một số nội dung của Thông tư 11/2015/TT-BKHCN, trong đó, một số sửa đổi, bổ sung đang lưu ý như:

1.      Sửa đổi, bổ sung Điều 1 như sau:

“Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Về phạm vi điều chỉnh: Thông tư này quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 99/2013/NĐ-CP ngày 29 tháng 8 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị định số 126/2021/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2021 và Nghị định số 46/2024/NĐ-CP ngày 04 tháng 5 năm 2024 của Chính phủ (sau đây viết tắt là Nghị định số 99/2013/NĐ-CP)

2. Đối tượng áp dụng:

+ Đối tượng quy định tại Điều 1a Nghị định số 99/2013/NĐ-CP có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp;

+ Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp theo quy định từ Điều 15 đến Điều 21a Nghị định số 99/2013/NĐ-CP;

+ Tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp.”.

 2. Sửa đổi, bổ sung Điều 7 như sau:

“Điều 7. Hành vi vi phạm quy định về chỉ dẫn bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp và chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp quy định tại Điều 6 Nghị định số 99/2013/NĐ-CP

1. Hành vi chỉ dẫn sai về tình trạng pháp lý quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 6 Nghị định số 99/2013/NĐ-CP được hiểu là việc cung cấp thông tin chỉ dẫn gây hiểu sai lệch rằng đối tượng đang được bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp tại Việt Nam mặc dù không được hoặc chưa được bảo hộ, kể cả trường hợp đối tượng đó đã nộp đơn đăng ký nhưng chưa được cấp văn bằng bảo hộ hoặc văn bằng bảo hộ đã bị hủy bỏ, chấm dứt hiệu lực hoặc hết thời hạn bảo hộ tại thời điểm thực hiện việc chỉ dẫn lên hàng hóa, bao bì hàng hóa, phương tiện kinh doanh, bao gồm:

+ Gắn trên hàng hóa, bao bì hàng hóa, phương tiện kinh doanh chỉ dẫn gây hiểu sai lệch về việc hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu được bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp như: “nhãn hiệu đã được cấp văn bằng bảo hộ độc quyền”, “nhãn hiệu được bảo hộ”, “nhãn hiệu thuộc độc quyền của...” hoặc chỉ dẫn có ý nghĩa tương tự, kể cả việc sử dụng ký hiệu ® (chỉ dẫn về việc nhãn hiệu được bảo hộ tại Việt Nam). Trường hợp trên hàng hóa, bao bì hàng hóa sử dụng ký hiệu ® mà trên hàng hóa, bao bì hàng hóa (bao gồm nhãn phụ đối với hàng hóa nhập khẩu) có chỉ dẫn thông tin trung thực về tình trạng bảo hộ nhãn hiệu tại Việt Nam thì không bị coi là hành vi vi phạm quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 6 Nghị định số 99/2013/NĐ-CP;

+ Gắn trên hàng hóa, bao bì hàng hóa, phương tiện kinh doanh chỉ dẫn gây hiểu sai lệch về việc hàng hóa được bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp như: “sản phẩm được bảo hộ độc quyền kiểu dáng công nghiệp; “sản phẩm được bảo hộ độc quyền sáng chế”; “sản phẩm được sản xuất theo quy trình được bảo hộ sáng chế của...” hoặc chỉ dẫn có ý nghĩa tương tự, kể cả việc sử dụng ký hiệu “P” hoặc “Patent” (chỉ dẫn về việc sản phẩm, hàng hóa được sản xuất theo sáng chế được bảo hộ). Trường hợp trên hàng hóa, bao bì hàng hóa sử dụng ký hiệu “P” hoặc “Patent” mà trên hàng hóa, bao bì hàng hóa (bao gồm nhãn phụ đối với hàng hóa nhập khẩu) có chỉ dẫn thông tin trung thực về tình trạng bảo hộ sáng chế tại Việt Nam thì không bị coi là hành vi vi phạm quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 6 Nghị định số 99/2013/NĐ-CP.

2. Các hành vi quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 6 Nghị định số 99/2013/NĐ-CP được hiểu như sau:

+ Hành vi nhận chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu không thực hiện dưới hình thức hợp đồng bằng văn bản trong trường hợp sử dụng nhãn hiệu được chuyển quyền trên hàng hóa, bao bì hàng hóa là việc nhận chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu từ chủ thể quyền và sử dụng nhãn hiệu đó trên hàng hóa, bao bì hàng hóa nhưng không được thể hiện dưới hình thức hợp đồng có đầy đủ các nội dung được quy định tại khoản 1 Điều 144 Luật Sở hữu trí tuệ. Văn bản chấp thuận, Thư đồng ý hoặc các văn bản tương tự của chủ thể quyền với nội dung cho phép một bên sử dụng nhãn hiệu được bảo hộ mà không có đầy đủ các nội dung được quy định tại khoản 1 Điều 144 Luật Sở hữu trí tuệ thì không được coi là hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu;

+ Hành vi chỉ dẫn sai là hành vi ghi trên hàng hóa, bao bì hàng hóa cụm từ “được sản xuất theo hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp của…” hoặc chỉ dẫn có nghĩa tương tự bằng tiếng Việt hoặc tiếng nước ngoài thuộc một trong các trường hợp sau đây:

  • Người sử dụng chưa được chuyển quyền sử dụng hợp pháp đối tượng sở hữu công nghiệp theo quy định của pháp luật;
  • Có hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp giữa các bên nhưng thông tin như tên hoặc số hợp đồng trong nội dung chỉ dẫn không chính xác.

c) Hành vi không ghi chỉ dẫn là hành vi không ghi trên hàng hóa, bao bì hàng hóa chỉ dẫn về việc sản phẩm, hàng hóa đó được sản xuất theo hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp.”.

3. Sửa đổi, bổ sung Điều 10 như sau:

“Điều 10. Hành vi vi phạm trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp trên mạng Internet

1. Hành vi bị xem xét xảy ra trên mạng Internet khi có đủ các yếu tố quy định tại Khoản 4 Điều 72 Nghị định số 65/2023/NĐ-CP ngày 23 tháng 8 năm 2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp, bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ (sau đây viết tắt là Nghị định số 65/2023/NĐ-CP) cũng bị coi là hành vi vi phạm trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp và bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định số 99/2013/NĐ-CP.

2. Chủ thể đăng ký tên miền cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng tên miền mà biết hoặc có căn cứ để biết tổ chức, cá nhân đó sử dụng tên miền để thực hiện hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này cũng bị coi là thực hiện hành vi vi phạm và bị xem xét xử phạt theo quy định tương ứng tại Nghị định số 99/2013/NĐ-CP.”.

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 11 năm 2024./.

 
hbnguyet
Số lượt xem:89

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
Công báo tỉnh Kon Tum















Trang thông tin điện tử Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum
Quản lý và nhập tin: Trung tâm Nghiên cứu, Ứng dụng và Dịch vụ KH&CN – Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Huỳnh Trung Kim - P. Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ - Trưởng Ban biên tập

Địa chỉ: Tầng 4 - Tòa nhà B Trung tâm Hành chính công tỉnh Kon Tum - Tổ 8, P. Thống Nhất, Tp. Kon Tum, tỉnh Kon Tum; Điện thoại: 0260.3862518 - Email: skhcn@kontum.gov.vn

Chung nhan Tin Nhiem Mang


667930 Tổng số người truy cập: 2577 Số người online:
TNC Phát triển: