banner
Thứ 7, ngày 11 tháng 1 năm 2025
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS)
26-2-2021

Các nội dung cơ bản:
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều khoản của Luật phòng, chống HIV/AIDS dựa trên hai chính sách cơ bản là: Tăng cường tiếp cận thông tin người nhiễm HIV và Bảo đảm quyền được tiếp cập dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS của mọi đối tượng. Cụ thể:
- Sửa đổi, bổ sung các thuật ngữ: “Xét nghiệm HIV”, “Các biện pháp can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV” và “Dự phòng trước phơi nhiễm với HIV bằng thuốc kháng HIV” tại Điều 2 về giải thích từ ngữ để bảo đảm cách hiểu thống nhất, chính xác phù hợp với nội dung sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật.
- Bổ sung nghĩa vụ của người nhiễm HIV phải thông báo tình trạng nhiễm HIV của mình cho vợ, chồng, người dự định kết hôn hoặc người sống chung như vợ chồng. Đây là nội dung cần thiết để góp phần bảo vệ quyền được an toàn của mỗi cá nhân và giảm nguy cơ lây nhiễm HIV từ người nhiễm HIV qua quan hệ tình dục. (Điểm a, khoản 1 Điều 4 của Luật HIV 2006).
- Điều chỉnh, bổ sung một số đối tượng nguy cao được ưu tiên các biện pháp tiếp cận thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS gồm nhóm người quan hệ tình dục đồng giới, người chuyển đổi giới tính, người có quan hệ tình dục với người nhiễm HIV và với các đối tượng nguy cơ cao, phạm nhân, người bị tạm giữ, tạm giam, nhà tạm giữ, trại viên cơ sở giáo dục bắt buộc, học sinh trường giáo dưỡng. (Khoản 2 Điều 11 của Luật HIV 2006).
- Bổ sung trường hợp cơ quan thông tin đại chúng thực hiện thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS được thu phí theo đặt hàng, giao nhiệm vụ có bố trí kinh phí của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phù hợp với thực tiễn về tự chủ tài chính hiện nay, tránh quy định mang tính hình thức là miễn phí nhưng không khả thi. Đồng thời, chỉnh sửa tên một số cơ quan, tổ chức của nhà nước có thay đổi so với trước. (Khoản 3, 7 Điều 12 và Điều 18 của Luật HIV 2006).
- Điều chỉnh, mở rộng sự tham gia của người nhiễm HIV, người có hành vi nguy cơ cao được tham gia một số biện pháp phòng, chống HIV/AIDS như: cung cấp dịch vụ xét nghiệm sàng lọc HIV, sinh phẩm tự xét nghiệm sàng lọc HIV cho người có nguy cơ cao tại cộng đồng theo quy định của pháp luật; giới thiệu, tư vấn sử dụng và tuân thủ điều trị, chuyển gửi người nguy cơ cao tham gia điều trị dự phòng trước và sau phơi nhiễm HIV. Đây là những hoạt động, dịch vụ đơn giản, dễ thực hiện và phù hợp với điều kiện của người nhiễm HIV, người nguy cơ cao, tạo điều kiện để những người trong các nhóm đồng đẳng, nhất là người có mặc cảm dễ tiếp cận với các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. (Điều 20 của Luật HIV 2006).
- Luật hóa để quy định cụ thể các biện pháp can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lẫy nhiễm HIV hiện đang thực hiện theo quy định của Chính phủ và quy định cụ thể các đối tượng được tiếp cận các biện pháp can thiệp giảm tác hại để bảo đảm hiệu lực pháp lý và tính thống nhất, đồng bộ của pháp luật.
- Bổ sung biện pháp can thiệp mới là “dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc kháng vi rút HIV”. Đây là biện pháp kỹ thuật mới rất có hiệu quả trong phòng lây nhiễm HIV (Điều 21 của Luật HIV 2006).
- Giảm độ tuổi được quyền tự nguyện đề nghị xét nghiệm HIV của trẻ em từ đủ 16 tuổi xuống đủ 15 tuổi mà không cần sự đồng ý của cha mẹ, người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật để bảo đảm phù hợp với tình trạng thực tế lây nhiễm HIV trong nhóm trẻ hiện nay cần được xét nghiệm sớm để điều trị kịp thời nếu trẻ nhiễm HIV, bảo đảm quyền được chăm sóc sức khỏe của trẻ em, khắc phục được các tồn tại hiện nay. (Điều 27 của Luật HIV 2006).
- Quy định theo hướng phân tách cụ thể các kỹ thuật xét nghiệm tương ứng với phạm vi và điều kiện thực hiện từ đơn giản (xét nghiệm sàng lọc tại cộng đồng) đến phức tạp (khẳng định trường hợp HIV dương tính) để đáp ứng yêu cầu phát triển kỹ thuật hiện nay. Đơn giản hóa thủ tục hành chính đối với điều kiện của cơ sở xét nghiệm HIV.
- Bổ sung quy định người được xét nghiệm HIV cung cấp chính xác địa chỉ nơi cư trú và số chứng minh thư nhân dân hoặc số thẻ căn cước công dân của mình cho cơ sở xét nghiệm trước khi thực hiện xét nghiệm khi muốn nhận kết quả xét nghiệm khẳng định HIV dương tính. (Điều 29 của Luật HIV 2006).
- Bổ sung đối tượng được tiếp cận thông tin người nhiễm HIV để bảo đảm lợi ích của người nhiễm HIV trong việc điều trị, thanh toán chi phí khám, chữa bệnh cho họ cũng như phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm HIV cho người trực tiếp chăm sóc, điều trị cho họ. (Điều 30 của Luật HIV 2006).
- Quy định phụ nữ mang thai tự nguyện xét nghiệm HIV được miễn phí như quy định hiện hành và có thêm nguồn chi trả từ BHYT đối với người có thẻ BHYT theo yêu cầu chuyên môn (Điều 35 của Luật HIV 2006); Bổ sung đối tượng được điều trị miễn phí do không tiếp cận bảo hiểm y tế của các phạm nhân (Điều 39 của Luật HIV 2006). Các quy định này nhằm bảo đảm điều kiện thuận lợi về quyền tiếp cận dịch vụ can thiệp giảm tác hại, xét nghiệm HIV, chăm sóc điều trị HIV/AIDS của mọi người dân, đặc biệt phụ nữ mang thai, trẻ em, nhóm người yếu thế.
- Bổ sung biện pháp điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV là biện pháp chuyên môn kỹ thuật mới, hiệu quả cho người có nguy cơ phơi nhiễm với HIV, người phơi nhiễm với HIV để tăng tiếp cận và hiệu quả phòng ngừa lây nhiễm HIV cho các đối tượng này. (Điều 36 của Luật HIV 2006).
- Quy định cụ thể hơn về nguồn lực và huy động các nguồn lực khác nhau cho phòng, chống HIV/AIDS bảo đảm thực hiện các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS nhằm mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Việt Nam, thể hiện vai trò Nhà nước trong việc cam kết nguồn lực hỗ trợ các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS đối với cộng đồng quốc tế. (Điều 43 của Luật HIV 2006).

- Bãi bỏ Điều 42 về tạm đình chỉ điều tra, miễn chấp hành hình phạt đối với người bị AIDS giai đoạn cuối, do khi người nhiễm HIV chuyển sang giai đoạn AIDS, nếu được điều trị ARV sẽ khỏe mạnh bình thường. Việc bỏ điều khoản này cũng nhằm đảm bảo quyền được điều trị HIV/AIDS cho những người nhiễm HIV trong cơ sở giam giữ, không để cho họ bị tử vong do AIDS nếu không được điều trị. Mặt khác, hiện nay việc tạm đình chỉ điều tra, miễn chấp hành hình phạt tù và các biện pháp xử lý vi phạm hành chính đang được thực hiện theo các luật về hình sự, tố tụng hình sự, xử lý vi phạm hành chính mới được ban hành.

- Bãi bỏ Điều 44 về Quỹ hỗ trợ, điều trị, chăm sóc người nhiễm HIV. Việc bãi bỏ Quỹ này phù hợp với chủ trương tại Nghị quyết số 792/2019/NQ-UBTVQH14 ngày 22/10/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về các quỹ ngoài ngân sách. Chính phủ sẽ đề xuất ghép nội dung của Quỹ này trong một Quỹ chung về lĩnh vực y tế khi xây dựng trong Luật phòng bệnh trình Quốc hội trong nhiệm kỳ tới. Việc bãi bỏ điều này không làm ảnh hưởng đến quyền được hỗ trợ, chăm sóc, điều trị HIV/AIDS của người nhiễm HIV do việc điều trị HIV/AIDS đã được Quỹ BHYT chi trả hoặc ngân sách nhà nước đảm bảo cho một số đối tượng quy định tại Điều 39 sửa đổi, bổ sung.

Số lượt xem:363

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
Công báo tỉnh Kon Tum















Trang thông tin điện tử Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum
Quản lý và nhập tin: Trung tâm Nghiên cứu, Ứng dụng và Dịch vụ KH&CN – Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Huỳnh Trung Kim - P. Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ - Trưởng Ban biên tập

Địa chỉ: Tầng 4 - Tòa nhà B Trung tâm Hành chính công tỉnh Kon Tum - Tổ 8, P. Thống Nhất, Tp. Kon Tum, tỉnh Kon Tum; Điện thoại: 0260.3862518 - Email: skhcn@kontum.gov.vn

Chung nhan Tin Nhiem Mang


653718 Tổng số người truy cập: 1455 Số người online:
TNC Phát triển: