banner
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
Quy tắc đạo đức nghề nghiệp Thừa phát lại
4-12-2022

Ngày 01/11/2022, Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Thông tư số 08/2022/TT-BTP về quy tắc đạo đức nghề nghiệp Thừa phát lại (Quy tắc), có hiệu lực thi hành kể từ ngày 22/12/2022.

 

Theo đó, Quy tắc đạo đức nghề nghiệp Thừa phát lại quy định các chuẩn mực đạo đức, hành vi ứng xử trong hành nghề, là cơ sở để Thừa phát lại rèn luyện, tu dưỡng đạo đức nhằm nâng cao chất lượng hoạt động, uy tín, trách nhiệm nghề nghiệp, góp phần củng cố vị trí, vai trò của nghề Thừa phát lại trong xã hội. Trong đó, nghề Thừa phát lại dựa trên các nguyên tắc sau:

 

1. Bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức trong xã hội: Thừa phát lại có nghĩa vụ trung thành, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân; bằng hoạt động nghề nghiệp của mình góp phần bảo đảm tính nghiêm minh, công bằng của pháp luật; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

 

2. Bảo đảm thượng tôn pháp luật, độc lập, khách quan, tôn trọng sự thật: Thừa phát lại phải thượng tôn Hiến pháp, pháp luật, tự giác tuân thủ quy định của Quy tắc này trong hành nghề; phải thực hiện công việc được giao chính xác, đầy đủ, trách nhiệm và có thái độ độc lập, khách quan, trung thực, tôn trọng sự thật.

 

3. Tôn trọng, bảo vệ uy tín, thanh danh nghề nghiệp: Thừa phát lại có trách nhiệm tôn trọng, giữ gìn uy tín nghề nghiệp; phải ứng xử văn minh, lịch sự trong hành nghề; lành mạnh trong lối sống để nhận được sự tôn trọng, tin cậy và vinh danh của đồng nghiệp, người yêu cầu và xã hội về bản thân và nghề nghiệp của mình và Thừa phát lại phải mặc trang phục theo quy định, đeo thẻ Thừa phát lại khi hành nghề.

 

4. Rèn luyện, tu dưỡng bản thân: Thừa phát lại phải không ngừng rèn luyện, tu dưỡng đạo đức; tích cực tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng; chủ động học hỏi để trau dồi trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng hành nghề, góp phần nâng cao chất lượng công việc, phục vụ người yêu cầu; phải tận tâm với công việc; sẵn sàng tiếp nhận và giải quyết kịp thời, đầy đủ các yêu cầu hợp pháp của cá nhân, tổ chức, bảo đảm đúng pháp luật, phù hợp với đạo đức xã hội.

 

5. Bảo mật thông tin, bảo quản hồ sơ công việc: Thừa phát lại có trách nhiệm giữ bí mật, hướng dẫn thư ký nghiệp vụ, nhân viên của Văn phòng mình giữ bí mật các thông tin trong hồ sơ công việc và tất cả thông tin biết được về nội dung công việc trong và sau khi giải quyết yêu cầu. Trường hợp cung cấp thông tin về việc thực hiện công việc cho người khác phải được sự đồng ý bằng văn bản của người yêu cầu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác; Thừa phát lại có trách nhiệm bảo quản cẩn thận hồ sơ công việc trong quá trình giải quyết các yêu cầu, bàn giao đầy đủ hồ sơ công việc để lưu trữ theo quy định của pháp luật.

 

Ngoài ra, thông tư còn quy định các chuẩn mực đạo đức, hành vi ứng xử trong quan hệ của thừa phát lại với người yêu cầu; với đồng nghiệp, văn phòng thừa phát lại, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; với cơ quan thi hành án dân sự, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác./.

Nguyễn Thương

Số lượt xem:954

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
Công báo tỉnh Kon Tum





de tai khoa hoc cap tinh








Trang thông tin điện tử Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum
Quản lý và nhập tin: Trung tâm Nghiên cứu, Ứng dụng và Dịch vụ KH&CN – Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Huỳnh Trung Kim - P. Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ - Trưởng Ban biên tập

Địa chỉ: Tầng 4 - Tòa nhà B Trung tâm Hành chính công tỉnh Kon Tum - Tổ 8, P. Thống Nhất, Tp. Kon Tum, tỉnh Kon Tum; Điện thoại: 0260.3862518 - Email: skhcn@kontum.gov.vn

Chung nhan Tin Nhiem Mang


552250 Tổng số người truy cập: 2770 Số người online:
TNC Phát triển: