banner
Thứ 6, ngày 22 tháng 11 năm 2024
Đề án “nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”
11-10-2022

Ngày 28/01/2022, Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam ký quyết định số 146/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” (sau đây gọi tắt là Đề án)

 

Theo đó, Với mục tiêu tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của lãnh đạo và cán bộ của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp để thúc đẩy thực hiện chuyển đổi số. Phổ cập kỹ năng số cho các đối tượng tham gia vào quá trình chuyển đổi số quốc gia. Nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số trong từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương. Trong đó, Mục tiêu cụ thể:

 

Mục tiêu đến 2025:

 

Lãnh đạo các cấp, các ngành trong cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nhận thức sâu sắc về chuyển đổi số để chỉ đạo thực hiện chuyển đổi số tại cơ quan, tổ chức, đơn vị mình. Mọi người dân được cung cấp thông tin, nâng cao nhận thức về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về chuyển đổi số trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội.

 

100% cán bộ lãnh đạo, cán bộ công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan nhà nước, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hàng năm được tham gia đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, cập nhật kiến thức về chuyển đổi số, kỹ năng số, công nghệ số.

 

100% cán bộ chuyên trách chuyển đổi số, công nghệ thông tin hàng năm được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về công nghệ số và được đánh giá trực tuyến kết quả đào tạo qua Hệ thống đánh giá, sát hạch chuẩn kỹ năng số quốc gia.

 

70% số người dân trong độ tuổi lao động biết đến và có kỹ năng sử dụng các loại hình dịch vụ công trực tuyến và các dịch vụ số thiết yếu khác trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, giao thông, du lịch, ngân hàng; cơ bản nắm được cách thức sử dụng dịch vụ khi có nhu cầu.

 

100% các bộ, cơ quan ngang bộ, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng được mạng lưới chuyển đổi số đến tận cấp cơ sở với đội ngũ thành viên được thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng cập nhật kiến thức, kỹ năng làm nòng cốt cho tiến trình chuyển đổi số trong các ngành, các cấp.

 

Đào tạo được tối thiểu 1.000 chuyên gia chuyển đổi số trong các ngành, lĩnh vực, địa phương để trở thành lực lượng nòng cốt dẫn dắt, tổ chức và lan tỏa tiến trình chuyển đổi số quốc gia.

 

Hoàn thiện mô hình "Giáo dục đại học số" và thí điểm triển khai mô hình tại một số cơ sở giáo dục đại học. Khuyến khích các trường đại học dân lập tham gia thí điểm triển khai mô hình.

 

Đào tạo được 5.000 kỹ sư, cử nhân, cử nhân thực hành chất lượng cao chuyên ngành công nghệ số tại các trường đại học, cao đẳng có thế mạnh trong đào tạo về chuyển đổi số.

 

50% cơ sở giáo dục các cấp từ tiểu học đến trung học phổ thông có tổ chức các hoạt động giáo dục STEM/STEAM và kỹ năng số.

 

Mục tiêu đến 2030:

 

90% số người dân trong độ tuổi lao động biết đến các loại hình dịch vụ công trực tuyến và các dịch vụ số thiết yếu khác trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, giao thông, du lịch, ngân hàng; thành thạo cách thức sử dụng dịch vụ khi có nhu cầu.

 

Hoàn thiện và mở rộng triển khai mô hình "Giáo dục đại học số" tới tối thiểu 50% các trường đại học công lập trong toàn quốc.

 

Đào tạo được 20.000 kỹ sư, cử nhân, cử nhân thực hành chất lượng cao chuyên ngành công nghệ số tại các trường đại học, cao đẳng có thế mạnh trong đào tạo về chuyển đổi số.

 

80% cơ sở giáo dục các cấp từ tiểu học đến trung học phổ thông có tổ chức các hoạt động giáo dục STEM/STEAM và kỹ năng số.

 

Để thực hiện đạt được các mục tiêu đề ra, Đề án đã đề ra các nhóm nhiệm vụ như: (1) Nhóm các nhiệm vụ nâng cao nhận thức về chuyển đổi số; (2) Nhóm các nhiệm vụ về phổ cập kỹ năng chuyển đổi số; (3) Nhóm các nhiệm vụ về phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số.

 

Các giải pháp thực hiện:

 

1. Nhóm các giải pháp về cơ chế, chính sách:

 

Nghiên cứu, xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ, triển khai đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về chuyển đổi số cho đội ngũ cán bộ quản lý, chuyên trách và trực tiếp triển khai chuyển đổi số trong các cơ quan nhà nước.

 

Áp dụng hình thức khen thưởng đột xuất và kịp thời cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân có ý tưởng, sáng kiến, cách làm đột phá, sáng tạo trong chuyển đổi số, giúp mang lại hiệu quả cao trong hoạt động của cơ quan, tổ chức và lợi ích cho cộng đồng.

 

Nghiên cứu, xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách thu hút các giảng viên giỏi tham gia giảng dạy về chuyển đổi số, công nghệ số tại các cơ sở giáo dục; xây dựng chính sách ưu tiên để thu hút học sinh, sinh viên học chuyên sâu các chuyên ngành về chuyển đổi số, công nghệ số; xây dựng quỹ học bổng từ nguồn đóng góp, tài trợ của các tổ chức, tập đoàn, hãng công nghệ để cấp cho sinh viên theo học chuyên sâu các ngành về chuyển đổi số, công nghệ số có thành tích học tập xuất sắc.

 

2. Nhóm các giải pháp hỗ trợ triển khai

 

Truyền thông, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và toàn xã hội về vai trò, ý nghĩa của Đề án, tạo khí thế thi đua sôi nổi trong thực hiện chuyển đổi số và các nội dung của Đề án.

 

Tăng cường hợp tác quốc tế để trao đổi kinh nghiệm về đào tạo, nghiên cứu công nghệ số, kỹ năng số, kinh tế số và xã hội số; khuyến khích các cơ sở giáo dục của Việt Nam xây dựng, triển khai các chương trình hợp tác đào tạo, trao đổi giảng viên, học viên với các cơ sở giáo dục, nghiên cứu về chuyển đổi số, công nghệ số, kỹ năng số có uy tín trên thế giới.

 

Chọn lọc các chương trình tiên tiến của nước ngoài để hoàn thiện nội dung, chương trình đào tạo theo chuẩn quốc tế đào tạo kỹ sư, cử nhân chuyên sâu về chuyển đổi số, công nghệ số.

 

Khuyến khích, hỗ trợ các hình thức hợp tác giữa nhà trường, viện nghiên cứu và tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực chuyển đổi số; xây dựng chương trình phối hợp với các cơ quan, đơn vị, tập đoàn, doanh nghiệp để hỗ trợ sinh viên thực tập, làm việc thực tế tại các tổ chức, doanh nghiệp, viện nghiên cứu.

 

Xây dựng cơ chế quản lý, kiểm định, sát hạch và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các cơ sở giáo dục, đào tạo về chuyển đổi số, công nghệ số nhằm chuẩn hóa, nâng cao chất lượng đào tạo.

 

3. Nhóm các giải pháp về cơ chế tài chính

 

Ưu tiên bố trí kinh phí từ ngân sách nhà nước để triển khai Đề án, huy động các nguồn lực tài chính từ xã hội và các nguồn kinh phí khác cho hoạt động nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số.

 

Ngân sách trung ương bảo đảm kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thuộc phạm vi Đề án được giao cho các bộ, các cơ quan trung ương chủ trì và các hoạt động chỉ đạo, điều hành triển khai Đề án.

 

Địa phương có trách nhiệm bảo đảm kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thuộc phạm vi Đề án được giao cho các địa phương chủ trì.

 

Các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế bố trí kinh phí từ ngân sách của mình để đào tạo chuyển đổi số cho cán bộ thuộc cơ quan, đơn vị mình.

 

Ưu tiên bố trí kinh phí để triển khai các chương trình, dự án đào tạo thực hành ngắn hạn về chuyển đổi số, công nghệ số, kỹ năng số cho cán bộ chuyên trách tại các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

 

Ưu tiên kinh phí từ các chương trình học bổng để đào tạo giảng viên, nghiên cứu viên và cán bộ chuyên trách về công nghệ số ở nước ngoài; ưu tiên bố trí kinh phí từ ngân sách nhà nước, huy động các nguồn lực từ xã hội và các nguồn tài trợ quốc tế để đầu tư xây dựng các cơ sở giáo dục trọng điểm về công nghệ số, kinh tế số và xã hội số.

 

Khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học ưu tiên bố trí ngân sách từ các nguồn thu hợp pháp theo quy định để triển khai đào tạo, nghiên cứu phát triển về chuyển đổi số, công nghệ số.

 

Giao Bộ Thông tin và Truyền thông Chủ trì tổ chức triển khai thực hiện Đề án; tổng hợp thông tin, số liệu về tình hình, kết quả thực hiện Đề án; định kỳ hàng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả triển khai Đề án. Năm 2023 tổ chức sơ kết tình tình thực hiện Đề án, kịp thời đề xuất điều chỉnh các nội dung nhiệm vụ, giải pháp của Đề án trong trường hợp cần thiết. Tổng kết, đánh giá kết quả triển khai thực hiện Đề án vào năm 2025./.

hbnguyet

Số lượt xem:4771

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
Công báo tỉnh Kon Tum





de tai khoa hoc cap tinh








Trang thông tin điện tử Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum
Quản lý và nhập tin: Trung tâm Nghiên cứu, Ứng dụng và Dịch vụ KH&CN – Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Huỳnh Trung Kim - P. Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ - Trưởng Ban biên tập

Địa chỉ: Tầng 4 - Tòa nhà B Trung tâm Hành chính công tỉnh Kon Tum - Tổ 8, P. Thống Nhất, Tp. Kon Tum, tỉnh Kon Tum; Điện thoại: 0260.3862518 - Email: skhcn@kontum.gov.vn

Chung nhan Tin Nhiem Mang


549864 Tổng số người truy cập: 330 Số người online:
TNC Phát triển: