“Chứng nhận sản phẩm, hàng hoá” là một trong những nội dung hỗ trợ doanh nghiệp doanh nghiệp vừa và nhỏ của tỉnh Kon Tum theo Kế hoạch số 436/KH-UBND ngày 03/02/2021 của UBND tỉnh về thực hiện Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hoá trên địa bàn tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021-2025. Bài viết sau đây giúp các doanh nghiệp hiểu rõ hơn về chứng nhận sản phẩm, hàng hóa, quy trình chứng nhận sản phẩm, hàng hóa và mức hỗ trợ.
(Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum khảo sát thực tế tại doanh nghiệp để triển khai Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hoá trên địa bàn tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021-2025)
Hoạt động chứng nhận sản phẩm hàng hóa phù hợp quy chuẩn và tiêu chuẩn Việt Nam là một khâu quan trọng trong hành trình thương mại sản phẩm và tạo dựng thương hiệu của doanh nghiệp trên thị trường.
Khi tìm hiểu về việc đánh giá chất lượng sản phẩm sẽ có hai khái niệm là chứng nhận hợp chuẩn và chứng nhận hợp quy.
Chứng nhận hợp chuẩn hay chứng nhận phù hợp với tiêu chuẩn là việc đánh giá, xác nhận sản phẩm, hàng hóa phù hợp với tiêu chuẩn tương ứng. Chứng nhận hợp chuẩn về nguyên tắc là hoạt động tự nguyện. Đối với đánh giá phù hợp tiêu chuẩn, việc lựa chọn phương thức đánh giá nào là do tổ chức chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn hoặc tổ chức, cá nhân công bố hợp chuẩn quyết định nhưng phải thích hợp với đối tượng chứng nhận để đảm bảo độ tin cậy của kết quả đánh giá.
Tại Việt Nam, chứng nhận hợp chuẩn được ký hiệu là TCVN
Chứng nhận hợp quy hay chứng nhận phù hợp với quy chuẩn là việc đánh giá, xác nhận sản phẩm, hàng hóa phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng. Chứng nhận hợp quy được thực hiện một cách bắt buộc. Phương thức đánh giá quy chuẩn kỹ thuật áp dụng cho từng đối tượng cụ thể được quy định tại quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.
Theo quy định của nhà nước, chứng nhận hợp quy được ký hiệu là QCVN
Đối tượng cần chứng nhận hợp quy
Là sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, quy trình, môi trường thuộc danh mục có yêu cầu chứng nhận và công bố hợp quy được quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN), Quy chuẩn kỹ thuật địa phương (QCĐP). Những đối tượng được quy định thường liên quan đến an toàn kỹ thuật, sức khỏe, môi trường có tính chất bắt buộc. Áp dụng cho các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh sản phẩm, hàng hóa thuộc những đối tượng quy định này trên thị trường Việt Nam.
Để thực hiện chứng nhập hợp quy, các doanh nghiệp phải trải qua các quá trình đánh giá sự phù hợp.
Quy trình chứng nhận sản phẩm, hàng hóa
- Bước 1: Tiếp xúc ban đầu
Tổ chức chứng nhận (bên thứ 3) khảo sát doanh nghiệp: Việc thực hiện theo quy định pháp luật cụ thể như: công bố tiêu chuẩn áp dụng, hiệu chuẩn, kiểm định phương tiện đo, bảo dưỡng, bảo trì máy móc, sở hữu trí tuệ...
Tổ chức chứng nhận hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện trước các bước đã nêu trên và các việc khác liên quan đến hệ thống đảm bảo chất lượng như khảo sát mặt bằng, nhân sự, máy móc...
Tổ chức chứng nhận hướng dẫn doanh nghiệp làm hồ sơ bao gồm: làm hợp đồng, phiếu đăng ký chứng nhận, mô tả sản phẩm...
- Bước 2: Xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng
Xây dựng sơ đồ tổ chức và xác định trách nhiệm, quyền hạn;
Các hướng dẫn công việc và hướng dẫn vận hàng máy móc;
Xây dựng cụ thể các biểu mẫu có liên quan đến doanh nghiệp áp dụng.
- Bước 3: Hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện
Thời gian thực hiện từ 3-7 ngày;
Tổ chức chứng nhận hướng dẫn cách thực hiện tất cả các vấn đề liên quan đến việc xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng nêu tại bước 2;
Kiểm tra việc thực hiện tại Doanh nghiệp.
- Bước 4: Chứng nhận và khắc phục (nếu có)
Tổ chức chứng nhận đến doanh nghiệp chứng nhận sản phẩm, lấy mẫu thử nghiệm (thực hiện theo hợp đồng chứng nhận giữa doanh nghiệp và tổ chức doanh nghiệp);
Thực hiện khắc phục khi có sự cố phát sinh;
Nếu kết quả thử nghiệm và đánh giá đạt, tổ chức chứng nhận cấp Giấy chứng nhận hợp quy sản phẩm.
- Bước 5: Công bố hợp quy
Doanh nghiệp làm thủ tục công bố hợp quy sản phẩm theo hướng dẫn quy định tại Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN quy định về công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy và phương thức đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật. Thời gian công bố hợp quy đối với doanh nghiệp thường là 10 ngày.
Khi sản phẩm được chứng nhận có nghĩa là sản phẩm đó có các chỉ tiêu chất lượng, vệ sinh an toàn phù hợp với qui định trong tiêu chuẩn (hoặc quy chuẩn kỹ thuật) có liên quan, điều này đã tạo lòng tin của khách hàng đối với nhà sản xuất, góp phần nâng cao uy tín của nhà sản xuất, người tiêu dùng không cần thiết phải tốn chi phí cho việc thực hiện những thử nghiệm đối với sản phẩm đã được chứng nhận phù hợp với tiêu chuẩn và luôn yên tâm vì sản phẩm được sản xuất trong điều kiện đảm bảo chất lượng. đồng thời các cơ quan quản lý dễ dàng hơn khi vận dụng các hình thức miễn hay giảm kiểm tra theo quy định.
Mức kinh phí hỗ trợ doanh nghiệp chứng nhận sản phẩm, hàng hóa thực hiện theo Nghị quyết số 73/2021/NQ-HĐND ngày 16/12/2021 của HĐND tỉnh Quy định mức chi thực hiện Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021 - 2030 tại tỉnh Kon Tum.
Các doanh nghiệp của tỉnh Kon Tum nếu có nhu cầu hỗ trợ chứng nhận sản phẩm, hàng hóa, đề nghị liên hệ Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum (qua Phòng Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng), địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà B, Khu Trung tâm Hành chính tỉnh Kon Tum (Phường Thống Nhất, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum). Điện thoại: 02603.862.518 để được hướng dẫn./.
Hồng Vân