banner
Thứ 4, ngày 22 tháng 1 năm 2025
Một số vấn đề cần quan tâm đối với truy xuất nguồn gốc và bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp các sản phẩm đặc trưng của huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum
23-4-2022

Ngày 21 tháng 4 năm 2022, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật phối hợp cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương và UBND huyện Đăk Tô tổ chức Hội thảo “Giải pháp phát triển sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP gắn với xây dựng nông thôn mới huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum”. Đến tham dự Hội thảo, đại diện Sở Khoa học và Công nghệ có ông Đoàn Trọng Đức - Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tham gia một số ý kiến như sau:

 

1. Một số vấn đề về truy xuất nguồn gốc

 

Truy xuất nguồn gốc, truy xuất thông tin sản phẩm là khả năng theo dõi, nhận diện được một đơn vị sản phẩm thông qua tất cả các giai đoạn từ tìm nguồn nguyên liệu, sản xuất, chế biến, vận chuyển và phân phối ra thị trường.

 

Về lợi ích của truy xuất nguồn gốc:

 

- Đối với doanh nghiệp: bảo vệ sản phẩm khỏi những kẻ xấu muốn làm giả hàng hóa và sao chép thương hiệu; quản lý hệ thống phân phối sản phẩm và quản lý doanh số bán hàng chính xác, nhanh chóng; tạo dựng niềm tin đối với người tiêu dùng khiến họ luôn chọn mua sản phẩm của mình khi có nhu cầu.

 

- Đối với người tiêu dùng: xác thực thông tin về sản phẩm và doanh nghiệp sản xuất một cách nhanh chóng, chi tiết và chính xác nhất; mua được sản phẩm thật, chính hãng với chất lượng được đảm bảo và giá thành cạnh tranh nhất thị trường hiện nay.

 

- Đối với đơn vị quản lý thị trường: nhanh chóng phát hiện những loại hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc và xuất xứ; giảm nhẹ khâu kiểm định chất lượng hàng hóa đầu vào trên thị trường, giảm thiệt hại cho xã hội về tác hại của hàng giả, hàng kém chất lượng.

 

Ngày 19/01/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 100/QĐ-TTg về việc phê duyệt đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống TXNG. Để triển khai Quyết định 100/QĐ-TTg, Sở Khoa học và Công nghệ đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 2217/KH-UBND ngày 26 tháng 8 năm 2019 “Thực hiện Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống TXNG” (Kế hoạch số 2217 của UBND tỉnh).

 

UBND tỉnh cũng đã ban hành Kế hoạch số 1711/KH-UBND, ngày 27/5/2021 về bổ sung, điều chỉnh nội dung Kế hoạch số 2039/KH-UBND ngày 09/6/2020. Theo đó, giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, xây dựng phần mềm truy xuất nguồn gốc các sản phẩm nông lâm và thủy sản, xây dựng và vận hành hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu quản lý các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh nông lâm thủy sản thực phẩm và phi thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Trong đó có các nội dung: chủ trì, làm đầu mối về chuyên môn trong các hoạt động liên quan về truy xuất nguồn gốc; phối hợp thực hiện xây dựng phân hệ quản lý truy xuất nguồn gốc; lựa chọn tổ chức, cá nhân ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn có sản phẩm cần quản lý truy xuất nguồn gốc tham gia hệ thống, đặc biệt là các sản phẩm chủ lực xuất khẩu, các sản phẩm đặc trưng của tỉnh, sản phẩm chỉ dẫn địa lý, sản phẩm tham gia chương trình OCOP.

 

Hiện tại hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa của tỉnh Kon Tum đã được thiết lập trên địa chỉ website https://etrace.kontum.vn với trên 100 sản phẩm OCOP và các sản phẩm đặc trưng của tỉnh, do Sở Công thương quản lý. Tuy nhiên, sự truy xuất mới chỉ là mã nội bộ, chưa có tính mở để kết nối với bên ngoài, thông tin truy xuất công bố chưa đầy đủ trong toàn chuỗi, không có hệ thống định danh chung cho sản phẩm, tác nhân và vùng sản xuất,…      

 

2. Một số vấn đề chung về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp

 

Theo Luật Sở hữu trí tuệ Quyền sở hữu trí tuệ là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tài sản trí tuệ, bao gồm quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng. Quyền sở hữu công nghiệplà quyền của tổ chức, cá nhân đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh.

 

 Đăng ký sở hữu trí tuệ là phương thức để bảo vệ quyền lợi của chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt chủ sở hữu khi đã thực hiện đăng ký và có kết quả bảo hộ sẽ dễ dàng chứng minh mình là chủ sở hữu khi có tranh chấp xảy ra; đăng ký sở hữu trí tuệ sẽ giúp giữ vững khả năng cạnh tranh với các sản phẩm khác trên thị trường; có khả năng chuyển nhượng cho các bên có nhu cầu để thu về nguồn lợi nhuận lớn; kích thích khả năng tạo ra các sản phẩm mang tính trí tuệ khác và được xác lập quyền sở hữu trí tuệ với các sản phẩm đó.

 

* Một số kết quả bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Kon Tum

 

Giai đoạn từ năm 1991 đến năm 2016, số lượng đơn đăng ký sở hữu công nghiệp trên địa bàn tỉnh khá khiêm tốn, có khoảng 120 đơn (119 Nhãn hiệu, 01 Sáng chế/GPHI, 0 Kiểu dáng công nghiệp; 0 Chỉ dẫn địa lý).

 

Từ năm 2017 đến nay sau khi UBND tỉnh ban hành Chương tình phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh Kon Tum giai đoạn 2017-2020 (Quyết định số 554/QĐ-UBND ngày 19/6/2017); Chương trình phat triển tài sản trí tuệ tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021-2030 (Quyết định 137/QĐ-UBND, ngày 26/02/221) hoạt động sở hữu trí tuệ nói chung, sở hữu công nghiệp nói riêng có bước phát triển đột phá. Đối tượng đăng ký sở hữu công nghiệp trong những năm gần đây đã thực sự phát triển cả về số lượng lẫn loại hình đăng ký như nhãn hiệu thông thường, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý, sáng chế …Theo thống kê đến nay, các tổ chức, cá nhân đã nộp đăng ký quyền sở hữu công nghiệp là 445 đơn (Chỉ dẫn địa lý 02 đơn, Sáng chế 02 đơn, Kiểu dáng công nghiệp 01 đơn và 440 nhãn hiệu các loại). Số đã cấp văn bằng bảo hộ là 112 văn bằng (01 kiểu dáng công nghiệp, 02 chỉ dẫn địa lý, 35 nhãn hiệu chứng nhận, 74 nhãn hiệu thông thường).

 

Hầu hết các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc thù, sản phẩm lợi thế có tiềm năng của tỉnh đã được bảo hộ, do cơ quan nhà nước sở hữu và quản lý, gồm: chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ; chỉ dẫn địa lý “Đăk Hà” cho các sản phẩm cà phê Đăk Hà, 11 Nhãn hiệu chứng nhận cho các sản phẩm: Sâm Ngọc Linh Kon Tum, Cà phê xứ lạnh Kon Tum, Lan kim tuyến Kon Tum. Ý dĩ Kon Tum, Đảng sâm Kon Tum, Ngũ vị tử Kon Tum, Đương qui Kon Tum, Sa nhân tím Kon Tum, Nghệ vàng Kon Tum, Đinh lăng Kon Tum, Nấm linh chi Kon Tum. Huyện Kon Plong đăng ký nhãn hiệu chứng nhận cho 22 sản phẩm, nhóm sản phẩm đặc thù của huyện về rau, hoa, củ, quả, gạo đỏ…; huyện Tu Mơ Rông đăng ký nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm sâm dây, sơn tra. Hiện nay, có 3 sản phẩm đã nộp đơn bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận tại Cục Sở hữu trí tuệ gồm: Gạo thơm Đăk Hà, Dệt thổ cẩm Kon Tum, Yến sào Kon Tum; 01 nhãn hiệu chứng nhận đang xây dựng là Cá Niên Kon Plong.

 

3. Vấn đề đặt ra đối với  sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện Đăk Tô

 

- Theo thống kê chưa đầy đủ trên địa bàn huyện Đăk Tô hiện có 08 sản phẩm OCOP được UBND tỉnh công nhận đạt 03 sao. Theo Quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm OCOP Việt Nam (ban hành kèm theo Quyết định số 1162/QĐ- VPĐP-OCOP, ngày 17/9/2020 của Văn phòng điều phối Nông thôn mới Trung ương) thì các sản phẩm này được quyền sử dụng miễn phí (không cần xin phép) logo Nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm OCOP Việt Nam.

 

- Ngoài các sản phẩm đã được các doanh nghiệp, cá nhân và tỉnh đăng ký bảo hộ như: Cao su, tinh bột sắn, các dược liệu, OCOP nêu trên, để thúc đẩy đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với các sản phẩm trên địa bàn huyện, đề nghị UBND huyện Đăk Tô cần triển khai một số công việc sau đây:

 

Một là, rà soát, thống kê, phân loại các sản phẩm đặc trưng (đặc thù) của huyện hiện nay là sản phẩm gì? Sản phẩm đặc trưng là những sản phẩm truyền thống, sản phẩm mới có những nét đặc thù riêng, nổi trội mang đậm tính địa, có lợi thế cạnh tranh, có khả năng thương mại hóa cao. Trên cơ sở phân loại, xây dựng kế hoạch hàng năm để đề xuất các sản phẩm, nhóm sản phẩm cần đăng ký bảo hộ để đưa vào thực hiện thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ của tỉnh (đối với chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể) hoặc hỗ trợ tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tự đăng ký bảo hộ (đối với các loại nhãn hiệu thông thường, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế) thông qua chính sách hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ thúc đẩy đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ trong và ngoài nước trên địa bàn tỉnh Kon Tum đến năm 2030” (Đang trình HĐND tỉnh) và Dự án hỗ trợ nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa đối với doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

 

Hai là, thường xuyên phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Sở Y Tế hướng dẫn, kiểm tra các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn huyện trong việc cấp, sử dụng các chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận của tỉnh đã được bảo hộ; phát hiện xử lý theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

 

Ba là, thường xuyên tuyên truyền, phổ biến Luật Sở hữu trí tuệ, Chương trình phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021-2030 đến các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp trên địa bàn huyện để nâng cao nhận thức, hiểu rõ lợi ích của việc bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế, sáng kiến, sản phẩm, hàng hóa từ đó tích cực sáng tạo, nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa gắn với đăng ký xác lập quyền, quản lý, phát triển và bảo vệ danh tiếng, uy tín, chất lượng sản phẩm hướng tới xây dựng thương hiệu, đưa sản phẩm vươn ra thị trường trong nước và nước ngoài. 

 

Bốn là, tuyên truyền phổ biến cho các doanh nghiệp chương trình năng suất chất lượng hiện đang được triển khai tại tỉnh, chương trình sẽ hỗ trợ cho các doanh nghiệp kinh phí để xây dựng và áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc, ngoài ra còn hỗ trợ thêm một số nội dung khác như: xây dựng và áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng cơ bản, đẩy mạnh áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng, ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số để thiết lập, tối ưu hoá, hiện đại hoá hệ thống quản trị doanh nghiệp, chứng nhận sản phẩm, hàng hoá, chứng nhận hệ thống quản lý an toàn thực phẩm, môi trường, năng lượng, an toàn và sức khoẻ nghề nghiệp,… (Kế hoạch số 436/KH-UBND, ngày 03 tháng 02 năm 2021. Kế  hoạch hực hiện Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hoá trên địa bàn tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021-2025)./.

                                                                   Vân Thanh

Số lượt xem:267327

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
Công báo tỉnh Kon Tum















Trang thông tin điện tử Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum
Quản lý và nhập tin: Trung tâm Nghiên cứu, Ứng dụng và Dịch vụ KH&CN – Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Huỳnh Trung Kim - P. Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ - Trưởng Ban biên tập

Địa chỉ: Tầng 4 - Tòa nhà B Trung tâm Hành chính công tỉnh Kon Tum - Tổ 8, P. Thống Nhất, Tp. Kon Tum, tỉnh Kon Tum; Điện thoại: 0260.3862518 - Email: skhcn@kontum.gov.vn

Chung nhan Tin Nhiem Mang


667931 Tổng số người truy cập: 2581 Số người online:
TNC Phát triển: