Cây Sâm Ngọc Linh là loài đặc hữu núi rừng Ngọc Linh, được Đoàn điều tra Dược liệu của Ban dân y khu 5 phát hiện năm 1973 tại núi Ngọc Linh của hai tỉnh Kon Tum và Quảng Nam. Đến năm 1985, hai nhà khoa học ( TS.Hà Thị Dụng và TS. Grushvitsky) xác định sâm Ngọc Linh là một loài mới, đặc hữu của hệ thực vật Việt Nam, thuộc chi Panax L., họ nhân sâm (Araliaceae) và đặt tên khoa học là Panax vietnamensis Ha et Grushv.
Trong thời gian qua, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng tỉnh Kon Tum đã quan tâm đầu tư KH&CN cho công tác bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh. Thông qua việc thực hiện các nhiệm vụ KH&CN, một số tổ chức, doanh nghiệp và hộ dân đã từng bước làm chủ được quy trình sản xuất giống, trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến một số sản phẩm từ sâm Ngọc Linh. Hoạt động xây dựng, đăng ký và xác lập quyền sở hữu công nghiệp cho các sản phẩm sâm Ngọc Linh đã được quan tâm. Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn tỉnh có hơn 1.165 hộ gia đình trồng sâm; 30 nhóm hộ, tổ liên kết sản xuất và 05 doanh nghiệp sản xuất sâm Ngọc linh. Tổng diện tích rừng tự nhiên có trồng sâm Ngọc linh trên địa bàn tỉnh hơn 1.151,6 ha với tổng số hơn 24,8 triệu cây. Tổng sản lượng ước đạt khoảng 213,6 tấn. Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Kon Tum lần thức XVI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định: “Phấn đấu phát triển vùng dược liệu tỉnh Kon Tum thành vùng dược liệu trọng điểm quốc gia và trở thành trung tâm sản xuất dược liệu lớn của cả nước vào năm 2025, với diện tích Sâm Ngọc Linh khoảng 4.500 ha, các cây dược liệu khác khoảng 10.000 ha; đa dạng hóa sản phẩm và quảng bá thương hiệu Sâm Ngọc Linh Kon Tum”
Trong thời qua, hoạt động nghiên cứu bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã có sự đóng góp rất lớn của các đơn vị nghiên cứu, tổ chức KH&CN và các nhà khoa học trong và ngoài tỉnh. Nhờ đó, cây Sâm Ngọc Linh đã thoát khỏi nguy cơ tuyệt chủng.
Được phát hiện từ năm 1973, cây sâm Ngọc Linh đã được điều tra tổng thể trên địa bàn hai tỉnh Kon Tum và Quảng Nam giai đoạn 1978-1980. Kết quả điều tra đã phát hiện được 108 khu vực có sâm mọc tập trung trong tự nhiên, đã vẽ 136 bản đồ, khoanh thành 11 chốt bảo vệ, khai thác. Riêng địa bàn xã Măng Xăng cũ (nay là xã Tê Xăng và xã Măng Ri) thuộc huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum có 05 chốt.
Nhằm đưa cây sâm Ngọc Linh thoát khỏi nguy cơ tuyệt chủng và biến nó trở thành cây hàng hoá có lợi thế cạnh tranh cao, đã nhiều năm qua việc bảo tồn và phát triển loài thực vật quý hiếm này đã được các nhà khoa học và các nhà quản lý đặc biệt quan tâm. Trước đây khi còn là tỉnh Gia Lai- Kon Tum cũ, việc bảo vệ và phát triển cây sâm được giao cho các đơn vị lâm nghiệp và dược liệu. Ngoài việc bảo vệ vùng Sâm tự nhiên dưới tán rừng còn phối hợp với Trung tâm Sâm Việt Nam (tại Tp. Hồ Chí Minh) nghiên cứu trồng di thực cây sâm ở độ cao 1.200 m. Ngày từ năm 1995, Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường Kon Tum (nay là Sở Khoa học và Công nghệ) đã nỗ lực phối hợp với các đơn vị trong và ngoài tỉnh để tìm cách bảo tồn và phát triển lại cây Sâm. Từ năm 1997, Sở Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với các cơ quan khoa học, Lâm trường Ngọc Linh và các đơn vị có liên quan trong tỉnh nghiên cứu, đầu tư bảo tồn và phát triển cây Sâm Ngọc Linh với các nội dung như trồng di thực ; xây dựng vườn giống và quy trình kỹ thuật trồng sâm ; tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng sâm Ngọc Linh cho đồng bào các xã ở vùng có sâm. Nhờ vậy, diện tích trồng sâm do dân và do các đơn vị nhà nước đầu tư đã tăng dần qua các năm. Vào thời điểm đó, diện tích sâm Ngọc Linh do người dân tự đầu tư trồng mới tại thôn Lạc Bông, xã Ngọc Lây, huyện Tu Mơ Rông khoảng 0,4 ha. Đối với các đơn vị nhà nước, từ tháng 3/1997 đến tháng 5/1998 có 3 đơn vị đầu tư phát triển cây sâm Ngọc Linh trên địa bàn xã Măng Xăng (nay tách thành xã Tê Xăng và xã Măng Ri) là Công ty Dược phẩm và Đầu tư thiết bị y tế, Lâm trường Ngọc Linh, Sở Khoa học và Công nghệ với tổng diện tích trồng là 6.153m2, bao gồm đầu tư trồng sâm trên vùng sinh trưởng tự nhiên, vùng bán tự nhiên và cả trồng sâm di thực. Từ 1999 - 2001, Lâm trường Ngọc Linh đã đầu tư vườn sâm giống bán tự nhiên tại chốt 3 - xã Măng Ri với diện tích là 6.904 m2 . Giai đoạn 2001- 2004, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum đã phối hợp với Viện Dược liệu (Bộ Y tế), Trung tâm Nghiên cứu trồng và chế biến cây thuốc Hà Nội, Lâm trường Ngọc Linh triển khai thực hiện đề tài “Nghiên cứu hoàn thiện công nghệ sản xuất giống, kỹ thuật trồng và quy hoạch phát triển cây sâm Ngọc Linh tại Kon Tum”. Kết quả đã xây dựng được vườn Sâm giống (ở độ cáo 1.900 m- 2.000 m) với diện tích gần 1 ha với hơn 60.000 cây Sâm giống nhằm tạo nguồn cây giống để phát triển vùng sâm trồng của tỉnh, đồng thời đã chuyển giao trên 13.550 cây Sâm giống cho 24 hộ dân tại thôn Lạc Bông, xã Ngọc Lây, huyện Tu Mơ Rông trồng thử nghiệm để triển khai nhân rộng. Phát triển kết quả nghiên cứu, UBND tỉnh Kon Tum đã phê duyệt dự án: “Bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh có sự tham gia của cộng đồng”do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô làm chủ đầu tư để tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng và mở rộng diện tích vườn sâm giống, sản xuất cung ứng cây giống.
Giai đoạn 2008-2012, Viện Sinh học Tây Nguyên chủ trì thực hiện đề tài cấp nhà nước “Nghiên cứu nhân giống vô tính và sản xuất sinh khối rễ cây sâm Ngọc Linh (Panax vietnamensis Ha et Grushv.)”. Kết quả của đề tài đã nghiên cứu và xây dựng quy trình nhân giống vô tính cây Sâm Ngọc Linh bằng phương pháp nuôi cấy mô; nghiên cứu và xây dựng quy trình sản xuất sinh khối rễ cây Sâm Ngọc Linh.
Ngày 28/12/2018, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phê duyệt Danh mục Dự án khoa học và công nghệ và các nhiệm vụ thuộc Dự án khoa học và công nghệ của sản phẩm quốc gia "Sâm Việt Nam"[1]. Một số dự án và nhiệm vụ khoa học và công nghệ được giao cho một số doanh nghiệp, đơn vị trên địa bàn tỉnh triển khai hoặc phối hợp triển khai. Nội dung các nhiệm vụ tập trung nghiên cứu hoàn thiện quy trình công nghệ trong sản xuất giống, trồng, chăm sóc, bảo vệ thực vật, thu hoạch, chế biến Sâm Ngọc Linh; nghiên cứu xây dựng quy trình công nghệ sản xuất chế phẩm dinh dưỡng cây trồng và bảo vệ thực vật chuyên dụng cho Sâm Ngọc Linh; quy trình sản xuất và sử dụng giá thể nền hữu cơ, chế phẩm vi sinh vật chức năng chuyên dụng cho Sâm Ngọc Linh.
Giai đoạn từ năm 2005 đến nay, Sở KH&CN đã chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương, các đơn vị có liên quan tham mưu UBND tỉnh phê duyệt triển khai thực hiện các đề tài, dự án KH&CN trong lĩnh vực dược liệu, trong đó đã triển khai 08 đề tài, dự án nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu KH&CN trong sản xuất giống, trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến một số sản phẩm từ Sâm Ngọc Linh. Một số kết quả nổi bật như: nghiên cứu xây dựng tiêu chuẩn cây giống Sâm Ngọc Linh; Nghiên cứu biện pháp phòng trừ sâu bệnh trên cây sâm Ngọc Linh; khảo sát thành phần hóa học, xây dựng qui trình định lượng saponin trên thân, lá Sâm Ngọc Linh làm cơ sở khoa học cho các sản phẩm ứng dụng. Hiện nay, đang triển khai 02 nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh về nghiên cứu bảo quan sâm củ Ngọc Linh; hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất một số sản phẩm trà hòa tan và cao sâm Ngọc Linh. Trong năm 2022, Sở KH&CN đã tham mưu UBND tỉnh phê duyệt triển khai đề tài "Nghiên cứu ứng dụng các công nghệ mới trong xác định và phân tích kiểm định chất lượng sâm Ngọc Linh" . Mục tiêu đề tài nhằmứng dụng công nghệ mới để kiểm định, đánh giá chất lượng sâm Ngọc Linh nhằm bảo vệ thương hiệu, danh tiếng sâm Ngọc Linh Kon Tum.
Về hoạt động xây dựng, xác lập và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ:trên cơ sở đề nghị của 02 tỉnh Quảng Nam và Kon Tum, ngày 16/8/2016 Cục Sở hữu trí tuệ đã ban hành Quyết định số 3235/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ hai tỉnh Kon Tum và Quảng Nam. Khu vực địa lý gồm xã Măng Ri, xã Ngọc Lây thuộc huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum, xã Trà Linh thuộc huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. Sau đó 02 tỉnh tiếp tục đề nghị, vào ngày 30/7/2018, Cục Sở hữu trí tuệ ban hành Quyết định số 2465/QĐ-SHTT về việc sửa đổi Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00049. Theo đó, tỉnh Kon Tum có 09 xã nằm trong chỉ dẫn địa lý gồm các xã: Mường Hoong, Ngọc Linh, Xốp thuộc huyện Đăk Glei; các xã: Đăk Na, Măng Ri, Ngọc Lây, Ngọc Yêu, Văn Xuôi, Tê Xăng thuộc huyện Tu Mơ Rông.
Để quản lý và sử dụng hiệu quả chỉ dẫn địa lý "Ngọc Linh" cho sản phẩm sâm củ, Sở KH&CN tỉnh Kon Tum phối hợp Sở KH&CN tỉnh Quảng Nam tham mưu UBND hai tỉnh ký ban hành Quy chế phối hợp (Quy chế số 376/QCPH-UBND ngày 05/5/2017) quản lý và sử dụng Chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ. UBND tỉnh Kon Tum ban hành Quy chế quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ của tỉnh Kon Tum (Quyết định số 636/QĐ-UBND ngày 22/6/2018 về ; Quyết định số 1247/QĐ-UBND ngày 28/12/2021 thay thế Quyết định số 636/QĐ-UBND ngày 22/6/2018).
Sở Khoa học và Công nghệ đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng hồ sơ và được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu đối với “SÂM NGỌC LINH KON TUM - NGỌC LINH KONTUM GINSENG” tại Quyết định số 44142/QĐ-SHTT ngày 31/5/2021 của Cục Sở hữu trí tuệ. Đồng thời, tham mưu UBND tỉnh ban hành Quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận sâm Ngọc Linh Kon Tum tại Quyết định số 697/QĐ-UBND 23/07/2020. Nhãn hiệu này đã được UBND tỉnh giao cho Sở Y tế quản lý tổ chức triển khai cấp quyền sử dụng cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh các sản phẩm trên đủ điều kiện.
Hiện nay, sâm Ngọc Linh đã thoát khỏi nguy cơ tuyệt chủng. Tuy nhiên, để cây sâm Ngọc Linh trờ thành “Quốc bảo”, “Quốc kế dân sinh”, hoạt động KH&CN cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
- Tiếp tục triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách KH&CN về nghiên cứu, đầu tư phát triển sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh; tập trung triển khai các nhiệm vụ KH&CN về sản phẩm sâm Ngọc Linh gắn liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị.
- Tiếp tục đầu tư nghiên cứu cho việc phát triển giống, hoàn thiện các kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến sâm Ngọc Linh đáp ứng nhu cầu phát triển; trong đó chú trọng công tác chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, tiên tiến cho người dân; nghiên cứu xây dựng các mô hình di thực cây Sâm Ngọc Linh ở các vùng chỉ dẫn địa lý trong quy hoạch có điều kiện lập địa phù hợp.
- Xây dựng được các vùng trồng đáp ứng nhu cầu bảo tồn và phát triển sản xuất sản phẩm sâm Ngọc Linh. Trong đó phân định rõ, vùng trồng bảo tồn, vùng phát triển sâm thương mại, vùng trồng sản phẩm sâm hữu tính (trồng từ hạt) và sâm vô tính (bằng phương pháp nuôi cấy mô và các phương pháp khác).
- Phối hợp triển khai thực hiện Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia sâm Ngọc Linh do Bộ KH&CN quản lý; phối hợp với các đơn vị có liên quan tiếp tục tham mưu đề xuất các nhiệm vụ nghiên cứu sâu về tính chất, chất lượng và chế biến các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh.
- Tiếp tục triển khai các nhiệm vụ hỗ trợ các hợp tác xã, doanh nghiệp và tổ chức, cá nhân trong việc chuyển giao, ứng dụng công nghệ tiến tiến trong sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh sản phẩm sâm Ngọc Linh;
- Đẩy mạnh hoạt động tạo lập, quản lý và khai thác tài sản trí tuệ nhằm xây dựng thương hiệu, bảo vệ danh tiếng sâm Ngọc Linh Kon Tum.
Đoàn Trọng Đức- PGĐ Sở KH&CN Kon Tum
[1] Quyết định số 4025/QĐ- BKHCN, ngày 28/12/2018 của Bộ Khoa học và Công nghệ.
Nguồn: Ấn phẩm Thông tin KH&CN số 3.2022 của Sở KH&CN tỉnh Kon Tum