banner
Thứ 7, ngày 11 tháng 1 năm 2025
CPTPP: Cơ hội và thách thức cho nông sản Việt
15-8-2019

Sáng ngày 02/7/2019, tại Hà Nội, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức Hội thảo: “CPTPP: Cơ hội và thách thức cho nông sản Việt”.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng nhấn mạnh, CPTPP được ghi nhận là Hiệp định có tiêu chuẩn cao, toàn diện và cân bằng, nên Việt Nam sẽ được nhiều hơn mất và chắc chắn cán bộ, công chức, viên chức nói chung, cán bộ Hội nông dân nói riêng và đồng bào nông dân sẽ được nâng cao trình độ canh tác nông nghiệp, hàng hóa đạt chuẩn quốc tế vì bạn bè và vì chính mình. Vì vậy, chúng ta phải nhận thức được thuận lợi, cơ hội, cũng như khó khăn, thách thức, nhất là lĩnh vực thương mại nông sản khi Việt Nam ngày càng đi sâu vào CPTPP và EVFTA để vượt qua khó khăn, thách thức, giành được những thắng lợi to lớn và có lợi cho người nông dân theo quan điểm vì nông dân và nông dân làm chủ.

 

Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và việc tham gia các Hiệp định thương mại tự do nói riêng, đặc biệt là các hiệp định thế hệ mới, tiêu chuẩn cao và toàn diện như CPTPP và EVFTA không phải chỉ mang lại cơ hội mà còn kèm theo những rủi ro và thách thức. 

 

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh

Do vậy, theo Bộ trưởng Bộ Công Thương, để hỗ trợ các doanh nghiệp có thể tận dụng được tối đa những cơ hội cũng như giảm thiểu những thách thức gặp phải trong quá trình thực thi các Hiệp định này, Chính phủ đã và đang chỉ đạo các Bộ, ngành chủ động chuẩn bị các chương trình thiết thực cho doanh nghiệp và người dân, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn nhằm nâng cao nhận thức và sự hiểu biết của địa phương, doanh nghiệp về các quy định, cam kết của các Hiệp định, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp – lĩnh vực được dự đoán sẽ có nhiều cơ hội nhưng cũng gặp không ít thách thức từ quá trình thực thi. Hội thảo ngày hôm nay chính là một trong các hoạt động như vậy.

Chất lượng sản phẩm đang là rào cản trong việc ổn định và mở rộng thị trường xuất khẩu của nông sản Việt

Nông nghiệp, nông dân, nông thôn của nước ta đang phát triển mạnh mẽ và đạt được nhiều thành tựu rất đáng tự hào. Từ một nước phải nhập khẩu lương thực để cứu đói, chống đói, Việt Nam đã trở thành quốc gia xuất khẩu lương thực có thứ hạng cao về số lượng trên thị trường thế giới. Có nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam đang chiếm vị trí dẫn đầu trên thị trường thế giới như gạo, hồ tiêu, hạt điều, thủy sản, rau, quả, thực phẩm và đang dần định hình được thương hiệu, uy tín về chất lượng, giá cạnh tranh trên thị trường thế giới trong khuôn khổ các Hiệp định Thương mại tự do.

Tại thị trường trong nước, mức tiêu thụ các mặt hàng nông sản cũng ngày càng tăng theo mức thu nhập của người dân và tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa. Chất lượng nông sản Việt Nam ngày càng được cải thiện theo hướng áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất an toàn VietGAP, VietHAP, GlobalGAP…Việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp bước đầu đạt được kết quả tích cực, hình thành các vùng sản xuất nông sản hàng hóa chuyên canh, áp dụng công nghệ cao hướng đến tiêu dùng trong nước và gia tăng xuất khẩu.

Hiện nay, vấn đề đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp đang là một khó khăn rất lớn cho sản xuất nông nghiệp, với việc thường xuyên xảy ra hiện tượng được mùa thì rớt giá, được giá thì mất mùa. Về hoạt động xuất khẩu, theo thống kê hiện nay, thị trường xuất khẩu thiếu ổn định, xuất khẩu chủ yếu lệ thuộc vào Trung Quốc nhưng chủ yếu qua đường tiểu ngạch nên giá trị thấp.

Cùng với đó, những rào cản về kỹ thuật là khó khăn lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam khi hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam chỉ đạt tiêu chuẩn quốc tế khoảng 5%; thị trường xuất khẩu nông sản chủ yếu tập trung vào các nước trong khu vực và luôn chịu sự cạnh tranh bởi các nước Thái Lan, Ấn Độ, Indonesia… cũng có những mặt hàng tương tự.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt Nam chưa chủ động tìm hiểu thông tin, do đó thông tin về các thị trường tiềm năng còn mù mờ, là yếu tố cản trở khi hội nhập.

Do hoạt động sơ chế, chế biến, kênh tiêu thụ sản phẩm, tiêu dùng nông sản Việt Nam vẫn chủ yếu theo phương thức truyền thống nên chủng loại sản phẩm chưa đa dạng, thiếu nhãn mác để nhận diện sản phẩm. Các mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam có sức cạnh tranh kém, chưa có thương hiệu trên thị trường quốc tế, chủ yếu xuất khẩu dưới dạng thô nên giá trị gia tăng không nhiều và thường có giá trị xuất khẩu không cao.Bên cạnh đó, chất lượng sản phẩm nông nghiệp còn thấp và an toàn thực phẩm chưa được kiểm soát triệt để, giá cả bấp bênh, sản xuất kém hiệu quả, thiếu ổn định bền vững.

Việc hỗ trợ kết nối hình thành chuỗi liên kết sản xuất - phân phối các sản phẩm nông nghiệp chủ lực vẫn còn gặp nhiều khó khăn do người sản xuất chưa bảo đảm các tiêu chuẩn về mẫu mã, bao bì sản phẩm, giấy chứng nhận và chất lượng cho nên khó đáp ứng nhu cầu thu mua của các nhà phân phối. Mối liên kết trong việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học, sản xuất thu mua, chế biến, tiêu thụ, phân phối hiệu quả chưa chặt, còn lỏng lẻo và bất cập. Việc kết nối các khâu của chuỗi, giữa cơ sở sản xuất với cơ sở kinh doanh còn lỏng lẽo, chưa ký kết được những hợp đồng ổn định lâu dài, hay có kế hoạch và chiến lược sản xuất kinh doanh phù hợp.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đã chia sẻ tại Hội thảo những "hiểu lầm" mà nông sản Việt thường gặp phải dẫn đến những vấn đề ách tắc, ùn ứ nông sản thời gian qua; vấn đề "được mùa lại mất giá"; tư duy coi xuất khẩu là vấn đề duy nhất để cải thiện đời sống nông dân... Theo Thứ trưởng, bài toán sản lượng và doanh thu luôn là bài toán khó; mong muốn sản phẩm nào cũng phải chiến thắng trên sân nhà là điều không thể (vì có những sản phẩm do yếu tố thổ nhưỡng, không đạt chất lượng tốt). Theo đó, chúng ta phải lựa chọn những sản phẩm ưu tiên để phát triển và xây dựng thương hiệu.

CPTPP mang lại nhiều lợi ích đối với doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp

Bà Phạm Quỳnh Mai - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) nhấn mạnh, trước những khó khăn còn tồn tại của ngành nông nghiệp trong các vấn đề liên quan đến thị trường, chất lượng sản phẩm, tính kết nối giữa các doanh nghiệp, Hiệp định CPTPP sẽ giúp doanh nghiệp khắc phục một cách hiệu quả. Cụ thể:

Mở rộng thị trường tiêu dùng sản phẩm nông nghiệp

Việc các nước, trong đó có các thị trường lớn như Ca-na-đa, Ốt-xtrây-li-a và Nhật Bản giảm thuế nhập khẩu về 0% cho hàng nông sản của ta sẽ tạo ra những tác động tích cực trong việc thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu. Theo đó, doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu nông sản sang thị trường các nước thành viên Hiệp định CPTPP sẽ được hưởng cam kết cắt giảm thuế quan rất ưu đãi, giúp mở rộng thị trường xuất khẩu, tăng cường tiếp cận các thị trường lớn nhất thế giới với ưu thế đáng kể.

Tăng tính kết nối giữa các doanh nghiệp thông qua việc tham gia chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu

Các nước CPTPP chiếm 13,5% GDP toàn cầu với tổng kim ngạch thương mại hơn 10.000 tỷ USD, lại bao gồm các thị trường lớn như Nhật Bản, Ca-na-đa, Ốt-xtrây-lia sẽ mở ra nhiều cơ hội khi chuỗi cung ứng mới hình thành. Tham gia CPTPP sẽ giúp xu hướng này phát triển ngày càng mạnh mẽ hơn, là điều kiện quan trọng để nâng tầm trình độ phát triển của nền kinh tế nói chung và nền nông nghiệp Việt Nam nói riêng, tăng năng suất lao động, tham gia vào các công đoạn sản xuất có giá trị gia tăng cao hơn, từ đó tạo động lực và sức ép cho doanh nghiệp trong nước đầu tư sản xuất trong nước theo hướng giảm xuất khẩu nguyên liệu và sơ chế, đầu tư phát triển chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng, tăng cường xuất khẩu sản phẩm chế biến có giá trị gia tăng cao... Đây là cơ hội rất lớn để nâng tầm nền nông nghiệp Việt Nam trong 5 - 10 năm tới.

Nâng cao chất lượng sản phẩm

Doanh nghiệp Việt Nam cần tuân thủ nghiêm các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường trong khối nhằm đẩy mạnh việc xuất khẩu sang các nước thành viên CPTPP và tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm. Hàng hóa nông sản của Việt Nam còn phải đối diện với sức ép cạnh tranh tại “sân nhà” đến từ việc hàng hóa các nước CPTPP tràn vào thị trường trong nước. Sức ép từ hai phía sẽ tạo động lực cho doanh nghiệp Việt Nam cải cách mô hình kinh doanh, đầu tư hơn vào dây chuyền sản xuất và nguồn lực lao động.

Bên cạnh sức ép trực tiếp đến từ cạnh tranh, nền nông nghiệp Việt Nam sẽ hấp thụ được khoa học kỹ thuật mới thông qua hoạt động đầu tư xuyên quốc gia đi kèm với khoa học công nghệ và nâng cao trình độ kỹ năng lao động, từ đó thay đổi được cách làm truyền thống, nâng cao hiệu quả sản xuất và chất lượng của sản phẩm.

Tuy nhiên, hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và việc tham gia các Hiệp định thương mại tự do nói riêng, đặc biệt là các hiệp định thế hệ mới, tiêu chuẩn cao và toàn diện như Hiệp định CPTPP không phải chỉ mang lại cơ hội mà kèm theo những rủi ro và thách thức đến từ sức ép cạnh tranh.

Sức ép cạnh tranh là một thách thức lớn đối với nền kinh tế và các doanh nghiệp Việt Nam, bao gồm các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp. So với các thành viên khác, Việt Nam có lợi thế về sản xuất nông thủy sản nhiệt đới với lợi thế sản xuất có khả năng cạnh tranh cao, giá thành thấp, nguồn nguyên liệu dồi dào, năng suất cao, nguồn nhân lực rẻ hơn. Tuy nhiên, các nhóm mặt hàng nông sản chế biến Việt Nam sẽ phải đối mặt với các mặt hàng rau quả chế biến phổ biến tại các thị trường mới với mẫu mã đa dạng và chất lượng cao do ngành công nghiệp chế biến nông sản của ta chưa được phát triển như các thành viên khác.

 

Để vượt qua thách thức này, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp - chăn nuôi, Chính phủ trong thời qua đã ban hành 3 Nghị định theo hướng cơ cấu lại ngành nông nghiệp, tổ chức lại sản xuất, thí điểm một số mô hình sản xuất tiên tiến, thúc đẩy ứng dụng khoa học - công nghệ, hỗ trợ doanh nghiệp và nông dân trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nông nghiệp v.v. để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm nông nghiệp, từ đó đủ sức cạnh tranh trên sân nhà và vươn ra thị trường thế giới. Hiện nay, nhiều tập đoàn lớn của Việt Nam đã quan tâm đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp với các công nghệ sản xuất và quản lý tiên tiến trên thế giới. Với công nghệ và phương thức quản lý hiện đại, có cơ sở để tin rằng các sản phẩm do các tập đoàn này làm ra sẽ có khả năng cạnh tranh trên sân nhà.

Doanh nghiệp cần tận dụng hiệu quả Hiệp định CPTPP

Hiệp định CPTPP mở ra một sân chơi mới với quy mô thị trường chiếm khoảng 13,5% GDP toàn cầu và bao trùm thị trường gần 500 triệu dân. Để tận dụng tốt các cơ hội do thị trường này mang lại cũng như chuẩn bị tâm thế sẵn sàng ở một sân chơi mới, doanh nghiệp Việt Nam có thể xem xét một số giải pháp sau:

Một là, các doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu thông tin về Hiệp định CPTPP để nắm vững cam kết của Việt Nam và các thị trường đối tác quan tâm, đặc biệt là các thông tin về các ưu đãi thuế quan theo Hiệp định này đối với những mặt hàng ta đang có thế mạnh hoặc có nhiều tiềm năng xuất khẩu trong thời gian tới. Các nội dung chính của Hiệp định hiện đã được đăng tải trên trang thông tin điện tử chính thức của Bộ Công Thương. Đây là kênh thông tin tham khảo hữu ích cho doanh nghiệp khi tìm hiểu khu vực CPTPP.

Hai là, doanh nghiệp cũng cần thay đổi tư duy kinh doanh trong bối cảnh mới, lấy sức ép về cạnh tranh là động lực để đổi mới và phát triển. CPTPP chắc chắn sẽ mang lại cơ hội cho doanh nghiệp nào chủ động đáp ứng với những thay đổi về môi trường kinh doanh do quá trình hội nhập kinh tế quốc tế mang lại thông qua việc xây dựng và điều chỉnh kế hoạch kinh doanh cho giai đoạn trung và dài hạn nhằm thúc đẩy dòng chảy của hàng hóa vào các thị trường đối tác tiềm năng nêu trên.

Cuối cùng, các doanh nghiệp cũng cần chủ động tìm hướng hợp tác với các thị trường đối tác của Hiệp định để thu hút mạnh mẽ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam nhằm tận dụng hiệu quả nguồn vốn và việc chuyển giao công nghệ từ các tập đoàn lớn. Đây cũng chính là cơ hội tốt để các doanh nghiệp của ta tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.

Theo bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), để hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp, từ năm 2010, Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với Bộ, ngành và địa phương triển khai xây dựng 02 mô hình thí điểm tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp tại 12 tỉnh. Trong thời gian qua, Bộ Công Thương và Sở Công Thương một số địa phương dã đồng hành các doanh nghiệp bán lẻ trong và ngoài nước tổ chức các “Tuần hàng nông sản”, hỗ trợ nông sản Việt Nam có thị trường tiêu thụ ổn định trong nước và từng bước xây dựng thương hiệu.

Tại Hội thảo, nhiều ý kiến chia sẻ về các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu cũng như cách thức để nông sản Việt Nam tiếp cận thị trường nước ngoài (Trung Quốc, Hàn Quốc, Niu-di-lân...) nhận được sự quan tâm của đông đảo đại biểu. Các ý kiến đại diện cho người nông dân đến từ Quảng Ninh, Bắc Ninh... đã chia sẻ những khó khăn thực tế trong quá trình sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng hiện nay. 

Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khẳng định, các ý kiến này sẽ được Hội Nông dân Việt Nam, Bộ Công Thương tập hợp, lựa chọn để làm cơ sở kiến nghị với Đảng, Chính phủ nhằm mục tiêu đưa thương mại nông sản Việt Nam vững vàng vượt qua thách thức, nắm bắt được cơ hội, thuận lợi của CPTPP để tiếp tục phát triển bền vững, đảm bảo công cuộc phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của nước ta đạt được những thắng lợi mới.

Nguồn: Bộ Công thương

Số lượt xem:5114

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
Công báo tỉnh Kon Tum















Trang thông tin điện tử Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum
Quản lý và nhập tin: Trung tâm Nghiên cứu, Ứng dụng và Dịch vụ KH&CN – Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Huỳnh Trung Kim - P. Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ - Trưởng Ban biên tập

Địa chỉ: Tầng 4 - Tòa nhà B Trung tâm Hành chính công tỉnh Kon Tum - Tổ 8, P. Thống Nhất, Tp. Kon Tum, tỉnh Kon Tum; Điện thoại: 0260.3862518 - Email: skhcn@kontum.gov.vn

Chung nhan Tin Nhiem Mang


653998 Tổng số người truy cập: 2185 Số người online:
TNC Phát triển: