banner
Chủ nhật, ngày 12 tháng 1 năm 2025
Kết luận của Thứ trưởng Trần Văn Tùng tại Hội nghị “Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển dược liệu vùng Tây Nguyên và Nam Trung Bộ”
7-8-2019

 

Trong khuôn khổ Hội nghị giao ban khoa học và công nghệ (KH&CN) các tỉnh/thành phố Vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên lần thứ XV, ngày 21/6/2019 tại thành phố Đà Nẵng, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Bộ Y tế và Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Đà Nẵng tổ chức Hội nghị “Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển dược liệu vùng Tây Nguyên và Nam Trung Bộ”. Đồng chí Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ KH&CN, đồng chí Lê Trung Chinh - Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng đồng chủ trì Hội nghị.

 

(Toàn cảnh Hội nghị Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển dược liệu

vùng Tây Nguyên và Nam Trung Bộ”)

Ngày 02/8/2019, Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông báo số 2334/TB-BKHCN về Kết luận của Thứ trưởng Trần Văn Tùng tại Hội nghị “Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển dược liệu vùng Tây Nguyên và Nam Trung Bộ”. Nội dung kết luận như sau:

1. Bộ KH&CN đánh giá cao sự quan tâm của Lãnh đạo các tỉnh, các cơ quan, tổ chức, cá nhân ở Trung ương và các tỉnh trong Vùng đối với việc tổ chức triển khai các nhiệm vụ KH&CN phục vụ phát triển dược liệu của Vùng. KH&CN đã từng bước khẳng định được vai trò, vị trí trong phát triển dược liệu, đóng góp cho phát kinh tế - xã hội của từng địa phương, của Vùng, cũng như của cả nước.

2. Ghi nhận và đánh giá cao vai trò của các doanh nghiệp đã và đang đầu tư sản xuất kinh doanh dược liệu trên địa bàn, là nhân tố đặc biệt quan trọng, đóng vai trò hạt nhân lan tỏa, tạo ra nhiều sự thay đổi cả về nhận thức cũng như hành động cụ thể của người dân trên địa bàn. Một số mô hình ứng dụng công nghệ cao, mô hình sản xuất tập trung đã thu hút được đông đảo người dân tham gia, tạo ra sản lượng hàng hóa có giá trị, tạo dựng thương hiệu và thị trường. Vai trò của hệ thống cơ quan quản lý nhà nước trong việc tổ chức liên kết hình thành các vùng sản xuất theo chuỗi bước đầu đã đạt được một số kết quả, đã có sự hỗ trợ của địa phương trong việc thu hút doanh nghiệp và người dân tham gia.

3. Đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trong Vùng chỉ đạo các sở, ngành triển khai một số nội dung sau:

- Ưu tiên hỗ trợ cho các nhiệm vụ bảo tồn và phát triển nguồn gen đối với nhóm cây dược liệu có tiềm năng và lợi thế tại địa phương phù hợp với qui hoạch tổng thể quốc gia về phát triển dược liệu.

- Xem xét, hỗ trợ nghiên cứu đồng bộ từ việc phục tráng, thuần hóa và nhập nội giống dược liệu; ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để chọn, tạo ra các loại giống dược liệu có năng suất, chất lượng cao đáp ứng yêu cầu về giống phục vụ cho sản xuất dược liệu ở quy mô vùng; hỗ trợ áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật như: sử dụng các loại phân bón thế hệ mới, sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học để đảm bảo an toàn, công nghệ tưới hiện đại, áp dụng công nghệ tiên tiến khác trong sản xuất dược liệu để đạt chuẩn GACP- WHO... Tập trung vào nhóm cây dược liệu có lợi thế của vùng, các cây dược liệu thị trường có nhu cầu cao.

- Hỗ trợ việc nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao trong nghiên cứu sản xuất các sản phẩm đông y có khả năng cạnh tranh với tân dược và ở thị trường các nước phát triển (với tiêu chí an toàn, hiệu quả được chứng minh lâm sàng, được sản xuất trên dây chuyền hiện đại, đạt chuẩn GMP).

- Xây dựng chính sách thu hút, hỗ trợ các doanh nghiệp triển khai các nhiệm vụ KH&CN để ứng dụng, đổi mới công nghệ trong sơ chế và bảo quản (ví dụ: công nghệ sấy lạnh và công nghệ sấy nhiệt vi sóng) nhằm bảo đảm được mẫu mã và chất lượng dược liệu.

4. Đề nghị Bộ Y tế sớm hoàn thành Đề án hình thành Vườn Bảo tồn cây thuốc quốc gia tại vùng Tây Nguyên theo chỉ đạo của Chính phủ để các địa phương triển khai các hoạt động bảo tồn, tập trung vào các nguồn Gen đặc hữu, bản địa, có giá trị và có nguy cơ bị tuyệt chủng phục vụ cho phát triển.

5. Đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, xây dựng Quy hoạch phát triển kinh tế từ vùng đệm của các Vườn quốc gia và Khu bảo tồn thiên nhiên để các địa phương có thể triển khai thu hút đầu tư, chia sẻ lợi ích, hợp tác giữa các Ban quản lý vườn quốc gia/ khu bảo tồn với các doanh nghiệp trong việc quản lý, trồng, chế biến dược liệu tại vùng đệm.

6. Giao các đơn vị trực thuộc Bộ KH&CN:

- Phối hợp Vụ Phát triển KH&CN địa phương hướng dẫn các địa phương xác định và triển khai các nhiệm vụ KH&CN trong kế hoạch phát triển dược liệu của các địa phương trong Vùng, trong đó tập trung ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện các nhiệm vụ KH&CN nhằm triển khai phát triển một số sản phẩm dược liệu theo chuỗi giá trị.

- Phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cụ thể hóa các nhiệm vụ được giao tại Chương trình phối hợp hoạt động KH&CN giữa Bộ KH&CN và Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn giai đoạn 2016-2020 và Quy chế phối hợp giữa Bộ KH&CN, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công thương về xây dựng và quản lý chỉ dẫn địa lý để hỗ trợ hoạt động phát triển dược liệu của Vùng./.

Hồng Vân

 

Số lượt xem:4872

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
Công báo tỉnh Kon Tum















Trang thông tin điện tử Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum
Quản lý và nhập tin: Trung tâm Nghiên cứu, Ứng dụng và Dịch vụ KH&CN – Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Huỳnh Trung Kim - P. Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ - Trưởng Ban biên tập

Địa chỉ: Tầng 4 - Tòa nhà B Trung tâm Hành chính công tỉnh Kon Tum - Tổ 8, P. Thống Nhất, Tp. Kon Tum, tỉnh Kon Tum; Điện thoại: 0260.3862518 - Email: skhcn@kontum.gov.vn

Chung nhan Tin Nhiem Mang


654184 Tổng số người truy cập: 457 Số người online:
TNC Phát triển: