banner
Thứ 7, ngày 11 tháng 1 năm 2025
Thúc đẩy tăng năng suất sản phẩm hàng hóa và khả năng cạnh tranh
22-12-2019

Với nhiều kết quả đáng ghi nhận, thời gian qua, Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020” đã hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng, tạo ra sản phẩm có khả năng cạnh tranh trong thị trường trong nước và nước ngoài.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng, Phó Trưởng ban thường trực Ban điều hành Chương trình phát biểu tại Hội nghị.

Năm 2019 xây dựng được gần 1.000 TCVN, QCVN

Hội nghị Ban điều hành Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020” (Chương trình 712) được Bộ KH&CN tổ chức mới đây nhằm đánh giá tình hình triển khai, kết quả thực hiện và định hướng các hoạt động hỗ trợ danh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng giai đoạn đến năm 2030.

Tại Hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Hà Minh Hiệp cho biết, Bộ KH&CN được Chính phủ giao chủ trì 2 trong 9 dự án thành phần thuộc Chương trình đó là: Dự án 1 “Xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật” và Dự án 2 “Thúc đẩy hoạt động NSCL”.

Qua đó, năm 2019, hoạt động xây dựng tiêu chuẩn đã được đẩy mạnh, cụ thể: Bộ KH&CN và các Bộ ngành đã tổ chức xây dựng 874 TCVN, tập trung cho đối tượng là sản phẩm, hàng hóa chủ lực và các lĩnh vực liên quan; phục vụ kịp thời yêu cầu quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm hàng hóa; nhu cầu sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu hàng hóa...

Trong số 507 TCVN do Bộ KH&CN xây dựng, đến nay, 163 TCVN đã được công bố; 145 TCVN đã thông qua Ban kỹ thuật; 67 TCVN đã qua tổ chức hội nghị chuyên đề. 132 dự thảo TCVN đang trong quá trình chuẩn bị ký hợp đồng thực hiện.

270 TCVN do Bộ, ngành xây dựng đã chuyển Bộ KH&CN thẩm định như: Bộ NN&PTNT: 51 TCVN; Bộ Giao thông Vận tải: 10 TCVN; Bộ Xây dựng: 35 TCVN; Bộ Tài nguyên và Môi trường: 55 TCVN; Bộ Y tế: 12 TCVN;, Bộ TTTT: 6 TCVN...

“Bộ KH&CN đã chủ động, phối hợp với Bộ NN&PTNT soát xét, xây dựng, hình thành bộ TCVN về nông nghiệp hữu cơ; bao gồm 08 TCVN (01 TCVN soát xét TCVN 11041:2015; 07 TCVN xây dựng mới: trồng trọt hữu cơ, chăn nuôi hữu cơ, chứng nhận sản phẩm hữu cơ, tôm hữu cơ, gạo hữu cơ, chè hữu cơ, sữa hữu cơ); đang xem xét về xây dựng TCVN về sâm Ngọc Linh”, ông Hiệp cho biết.

Bên cạnh đó, năm 2019, 12 TCVN, 01 QCVN đã được xây dựng từ đặt hàng của các hiệp hội, doanh nghiệp như: Hiệp hội đồng quốc tế, Hiệp hội thực phẩm Châu Âu, Tập đoàn Than, công ty Bluscoop, Công ty than Đông Bắc, Tập đoàn Ptrolimex, Công ty Thép PoscoVSS…

Năm 2019, Bộ KH&CN thực hiện xây dựng mới và sửa đổi 13 QCVN. Đến nay 08 QCVN đã được ban hành; Thực hiện thẩm định 59 QCVN do các Bộ ngành xây dựng, trong đó đề nghị các Bộ ngành không quy định nội dung liên quan đến các điều kiện kinh doanh trong 13 dự thảo QCVN.

Theo thống kê, từ năm 2016-2019, số TCVN xây dựng là 3.474 TCVN. Hệ thống TCVN ngày càng được hoàn thiện (tăng cả về số lượng, chất lượng và đảm bảo tính đồng bộ). Đến nay, có khoảng 11.500 TCVN với mức độ hài hòa TCQT, TCKV đạt trên 54%.

Hệ thống QCVN đến nay có khoảng 780 QCVN trở thành công cụ và phương tiện quan trọng để duy trì các chuẩn mực trong các quan hệ kinh tế, hỗ trợ quản lý nhà nước, đảm bảo an toàn, vệ sinh, sức khoẻ cho con người; bảo vệ động vật, thực vật và môi trường...

Lấy doanh nghiệp làm trung tâm để tăng năng suất, chất lượng hàng hóa

Theo đánh giá của Ban điều hành Chương trình 712, không chỉ Bộ KH&CN, trong năm 2019 cùng với sự vào cuộc của các Bộ: Công thương, NN&PTNT, Y tế, TTTT, GTVT, Xây Dựng, các UBND tỉnh, thành phố Chương trình 712 đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Các mục tiêu của Chương trình cơ bản được đáp ứng, tăng cường ở giai đoạn 2. Cùng với việc hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, hoạt động hỗ trợ áp dụng các giải pháp quản lý tiên tiến của Chương trình đã góp phần thực hiện thành công mục tiêu hỗ trợ phát triển doanh nghiệp theo Nghị quyết 02/NQ-CP, Nghị quyết 35/NQ-CP… và nhận được sự đánh giá tích cực của cộng đồng doanh nghiệp.

Toàn cảnh Hội nghị

Tại Hội nghị, nhiều đại biểu cho rằng, trong những năm vừa qua nhờ có những chương trình như Chương trình 712, nền tảng về TCĐLCL nâng lên rõ rệt, hàng hóa của Việt Nam cũng được chấp nhận dễ dàng hơn trên thị trường quốc tế.

Đặc biệt, Chương trình 712 đã tạo ra một phong trào tăng năng suất chất lượng một cách bền vững qua việc áp dụng các Hệ thống quản lý chất lượng, công cụ quản lý tiên tiến giúp cho các doanh nghiệp nâng cao năng lực quản trị, điều hành, quản lý công nghệ của doanh nghiệp, tiết kiệm chi phí, nguyên, nhiên vật liệu, tiết kiệm thời gian cho doanh nghiệp.

Đến nay, hệ thống tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam ngày càng phát triển với trên 11.500 TCVN, hơn 780 Quy chuẩn kỹ thuật và hàng vạn tiêu chuẩn cơ sở, làm chuẩn mực quan trọng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và quản lý. Tỷ lệ hài hòa của TCVN với tiêu chuẩn quốc tế và khu vực không ngừng được nâng lên, đến nay đã đạt 54%. Hệ thống này góp phần tích cực nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa Việt Nam, bảo đảm an toàn cho con người và môi trường, góp phần tăng cường xuất khẩu và thuận lợi hóa giao dịch thương mại của Việt Nam trên trường quốc tế.

Theo Tổng cục trưởng  Tổng cục Tiêu chuẩn – Đo lường – Chất lượng Trần Văn Vinh, Chương trình cần phải triển khai tích cực nữa vì trong thời gian tới khối lượng doanh nghiệp đang phát triển với tốc độ rất lớn. Sự phát triển của khối doanh nghiệp đặt ra nhu cầu về đào tạo, quản lý, quản trị doanh nghiệp, nâng cao NSCL… Chính vì vậy, Chương trình cần tiếp tục triển khai để hỗ trợ và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mới tiếp tục được tiếp cận với Chương trình này.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng  Bộ KH&CN Trần Văn Tùng chia sẻ, đây là một trong những hoạt động thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước và Chính phủ, lấy doanh nghiệp là trung tâm hỗ trợ cho sự phát triển của doanh nghiệp thông qua đổi mới cơ chế chính sách, đổi mới hỗ trợ, đổi mới về KH&CN, trong đó có hoạt động tiêu chuẩn đo lường chất lượng, hoạt động sở hữu trí tuệ và các hoạt động khác.

Thời gian vừa qua, rất nhiều hoạt động của Chương trình đã có kết quả thiết thực hỗ trợ cho doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng, tạo ra sản phẩm có khả năng cạnh tranh trong thị trường trong nước và nước ngoài. Qua đó khẳng định sự thay đổi và khẳng định việc đưa KH&CN giúp phát triển KT-XH của đất nước.

Thứ trưởng đề nghị Cơ quan thường trực Chương trình phối hợp chặt chẽ với các đơn vị quản lý trong và ngoài Bộ để hướng dẫn, phổ biến lan tỏa hơn nữa mục tiêu của Chương trình; Tăng cương công tác đào tạo phổ biến, phổ biến hướng dẫn về nội dung chương trình trong các trường đại học, cao đẳng. Thứ trưởng cũng mong muốn các Bộ ngành vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa triển khai Chương trình và có những đánh giá về kết quả tổng thể. Tiếp tục nghiên cứu, góp ý vào Chương trình đang được xây dựng trong giai đoạn tới đến năm 2030 để Chương trình tiếp cận một cách hiệu quả.

Link liên kết nguồn: http://truyenthongkhoahoc.vn/vn/Thuc-day-tang-nang-suat-sa-n-pha-m-ha-ng-ho-a-va-kha-nang-canh-tranh-c1044/Thuc-day-tang-nang-suat-sa-n-pha-m-ha-ng-ho-a-va-kha-nang-canh-tranh-n11828

Theo  Trung tâm nghiên cứu và phát triển truyền thông khoa học và công nghệ ( CESTC)

 

Số lượt xem:76

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
Công báo tỉnh Kon Tum















Trang thông tin điện tử Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum
Quản lý và nhập tin: Trung tâm Nghiên cứu, Ứng dụng và Dịch vụ KH&CN – Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Huỳnh Trung Kim - P. Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ - Trưởng Ban biên tập

Địa chỉ: Tầng 4 - Tòa nhà B Trung tâm Hành chính công tỉnh Kon Tum - Tổ 8, P. Thống Nhất, Tp. Kon Tum, tỉnh Kon Tum; Điện thoại: 0260.3862518 - Email: skhcn@kontum.gov.vn

Chung nhan Tin Nhiem Mang


653580 Tổng số người truy cập: 1096 Số người online:
TNC Phát triển: