banner
Thứ 3, ngày 23 tháng 7 năm 2024
“Tam nông” trước yêu cầu hội nhập
22-5-2019

Từ lâu, vấn đề nông nghiệp, nông thôn, nông dân (còn gọi là “tam nông”) luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm chỉ đạo và triển khai thực hiện. Đặc biệt, trong hơn 10 năm trở lại đây, cùng với cả nước, tỉnh ta có những nỗ lực trong việc thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW ngày 5/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X về nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Trước yêu cầu mới đặt ra, Tỉnh uỷ quan tâm chỉ đạo chính quyền và các ngành chức năng triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp cho vấn đề “tam nông”, đưa kinh tế nông nghiệp phát triển tương xứng với tiềm năng của địa phương.

Qua hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh chuyển dịch theo hướng tích cực và ngày càng đi vào chiều sâu, các loại cây trồng, vật nuôi mới, nhất là các loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng được chính quyền và ngành chức năng khuyến khích, vận động nông dân đưa vào sản xuất. Qua đó, góp phần nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi, giá trị sản phẩm nông nghiệp tăng lên, thu nhập của nông dân được nâng cao, kinh tế nông nghiệp phát triển...

Theo đó, giá trị sản xuất nông nghiệp tăng bình quân 9%/năm trong giai đoạn 2011-2015 và tăng 8%/năm trong giai đoạn tiếp theo. Các sản phẩm chủ lực như cà phê, cao su ở tỉnh tiếp tục ổn định và phát triển. So với năm 2008, diện tích cà phê toàn tỉnh cuối năm 2018 đạt trên 18.900ha, tăng 8.560ha; diện tích cao su trên 74.700ha, tăng trên 43.000ha; diện tích sâm Ngọc Linh phát triển trên 300ha... 

Khoa học công nghệ được áp dụng rộng rãi trong sản xuất; cơ giới hoá trong nông nghiệp phát triển nhanh. Trong quá trình phát triển, tỉnh thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư nâng cấp, xây mới nhiều nhà máy chế biến cao su, mì, cà phê, mía... bảo đảm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp được ổn định.

Cùng với việc đầu tư xây dựng nông thôn mới, bộ mặt cơ sở hạ tầng nông thôn có nhiều thay đổi, đời sống vật chất và tinh thần người dân được nâng lên một bước.

Trước yêu cầu đặt ra đối với “tam nông” trong hội nhập, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ khẳng định nông nghiệp, nông thôn, nông dân có vai trò và vị trí chiến lược quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Trong mối quan hệ mật thiết nông nghiệp, nông dân và nông thôn, nông dân là chủ thể quá trình phát triển, xây dựng nông thôn mới gắn với xây dựng các cơ sở công nghiệp, dịch vụ và phát triển đô thị theo quy hoạch là căn bản; phát triển toàn diện, hiện đại hoá nông nghiệp là then chốt.

Tỉnh uỷ xác định mục tiêu ưu tiên là tạo cơ hội cho người nghèo, hộ nghèo vùng nông thôn ổn định sinh kế, đa dạng hoá thu nhập, vượt nghèo, vươn lên khá giả; cải thiện điều kiện sống người nghèo, thúc đẩy giảm nghèo nhanh và bền vững, hạn chế tái nghèo; giảm khoảng cách chênh lệch giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng, các dân tộc và các nhóm dân cư...

Các chỉ tiêu cụ thể đến năm 2025 và 2030 được Tỉnh ủy chỉ đạo UBND tỉnh và ngành chức năng xác định rõ để có kế hoạch triển khai thực hiện, tập trung quy hoạch vùng sản xuất, huy động nguồn vốn đầu tư nhằm đem lại hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, vừa đảm bảo sản xuất và đời sống trước mắt của người dân, vừa thể hiện mục tiêu tầm nhìn trung và dài hạn, đưa kinh tế nông nghiệp tăng trưởng, phát triển tương xứng.

Về nông nghiệp, toàn tỉnh có diện tích lúa 23.500ha, bắp 12.000ha, mía 2.500ha, mì 20.000ha, cà phê 12.000ha, cao su 90.000ha, sâm Ngọc Linh 1.000ha, rau hoa xứ lạnh 2.000ha; đàn trâu 35.000 con, đàn bò 155.000 con, đàn heo 230.000 con. Tổng sản lượng lương thực có hạt 145.000 tấn, sản lượng mía 175.000 tấn, mì 400.000 tấn, cà phê 25.000 tấn, cao su 90.100 tấn; cá hồi, cá tầm 1.000 tấn.

Về lâm nghiệp, trồng rừng sản xuất 50.000ha, khoanh nuôi tái sinh rừng khoảng 10.000ha, chuyển đổi đất lâm nghiệp sang đất trồng cao su 7.530ha, làm giàu rừng 5.000ha...

Về nông thôn, hoàn thành việc xây dựng và từng bước nâng cao chất lượng các công trình hạ tầng kinh tế - kỹ thuật nông thôn, nhất là hệ thống giao thông, thuỷ lợi.

Mục tiêu tỉnh đề ra trong triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới là, phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh có 50% số xã đạt nông thôn mới. Đối với các xã còn lại, mỗi năm bình quân đạt ít nhất 1-2 tiêu chí, bình quân đạt 17 tiêu chí/xã. Và, phấn đấu đến năm 2030, toàn tỉnh có 100% số xã đạt chuẩn xã nông thôn mới.

Để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu đặt ra, Tỉnh uỷ đề ra nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, làm rõ hơn từng vấn đề của Nghị quyết. Trong tuyên truyền, tăng cường phổ biến những cách làm hay, mô hình tốt trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới.

Tỉnh uỷ xác định đẩy mạnh tái cơ cấu, phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại. Tập trung tổ chức, triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án, quy hoạch, xác định lộ trình, lĩnh vực ưu tiên, huy động nguồn lực để thực hiện. Hình thành các vùng sản xuất tập trung hàng hoá nông nghiệp chủ lực. Tăng hiệu quả sử dụng đất đai, chuyển một số diện tích đất trồng lúa có năng suất thấp sang trồng một số loại cây khác có giá trị kinh tế cao. Phát triển ngành trồng trọt theo hướng hình thành cánh đồng mẫu, gắn với sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Thu hút các nhà đầu tư liên kết với người sản xuất theo chuỗi giá trị…

Cà phê tái canh bằng giống cao sản cho năng suất cao hơn so với các giống cà phê cũ.

 

Trong quá trình triển khai thực hiện, tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn theo tinh thần đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp với mục tiêu giá trị gia tăng và lợi nhuận; gắn sản xuất, chế biến và thị trường nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của tỉnh, nhất là về lao động, đất đai, địa hình, giao thông, thuỷ lợi.  Phấn đấu đưa cơ giới hoá vào sản xuất nông nghiệp đạt trên 85%, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, nhất là việc đưa các giống cây trồng, vật nuôi có nhiều lợi thế vào sản xuất theo hướng sản xuất hàng hoá.

Tỉnh uỷ cũng chủ trương tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách về phát triển nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới phù hợp với tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Tạo môi trường thuận lợi, khuyến khích các doanh nghiệp liên kết, sản xuất theo chuỗi giá trị, nhân rộng mô hình liên kết “4 nhà” phát triển sản phẩm nông nghiệp hàng hoá chủ lực của tỉnh tạo bước chuyển toàn diện về phát triển nông nghiệp.

Đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn. Ưu tiên thực hiện các giải pháp tạo động lực phát triển sản xuất, kinh doanh, phát triển đa dạng ngành nghề phi nông nghiệp, tạo việc làm, nâng cao năng suất lao động ở nông thôn. Phát triển nông nghiệp gắn với du lịch.

Tỉnh uỷ cũng chủ trương đẩy mạnh xây dựng nông thôn gắn với đô thị hoá, xây dựng nông thôn văn minh, hiện đại; giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội; bảo vệ môi trường, nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai; đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; phát triển khoa học và công nghệ...

Xác định rõ yêu cầu và thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đặt ra là điều kiện để nông nghiệp, nông dân, nông thôn tỉnh tiếp tục có chuyển biến mới.

Nguồn: Báo Kon Tum

Số lượt xem:955

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
Công báo tỉnh Kon Tum



de tai khoa hoc cap tinh








Trang thông tin điện tử Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum
Quản lý và nhập tin: Trung tâm Nghiên cứu, Ứng dụng và Dịch vụ KH&CN – Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Huỳnh Trung Kim - P. Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ - Trưởng Ban biên tập

Địa chỉ: Tầng 4 - Tòa nhà B Trung tâm Hành chính công tỉnh Kon Tum - Tổ 8, P. Thống Nhất, Tp. Kon Tum, tỉnh Kon Tum; Điện thoại: 0260.3862518 - Email: skhcn@kontum.gov.vn

Chung nhan Tin Nhiem Mang


218143 Tổng số người truy cập: 348 Số người online:
TNC Phát triển: