Từ đầu tháng 8 tới nay, mưa bão dồn dập xảy ra ở nhiều nơi, gây ngập lụt, sạt lở làm thiệt hại nặng nề về người và tài sản, nhất là ở các tỉnh Khu vực Tây Nguyên, trong đó có tỉnh Kon Tum.
Theo báo cáo cáo của UBND các huyện, thành phố, mưa lũ, gió lốc, sạt lở đất đã làm 04 người thiệt mạng; 33 nhà bị tốc mái; một số tuyến đường giao thông tại huyện Tu Mơ Rông, huyện Đăk Glei, thành phố Kon Tum bị sạt lở, hư hỏng nghiêm trọng; thủy lợi Đăk Brol, xã Đăk Kroong, huyện Đăk Glei gãy 12m kênh mương; thủy lợi Đăk Vai 3, thôn Đăk Hú, huyện Ngọc Hồi bị sạt lở hư hỏng vai đập phía bên phải, vùi lấp đầy đập đầu mối, sạt lở nghiêng 03 gối trụ đỡ ống phi dẫn nước trên kênh, sạt trôi, vùi lấp cống thoát nước ra khoảng 30m.
Ngoài ra, có khoảng 07 ha cây lúa nước tại xã Đăk Ang, huyện Ngọc Hồi bị sạt lở và ngập úng; khoảng 0,7 ha diện tích ao nuôi của người dân tại thị trấn PleiKần, huyện Ngọc Hồi bị vỡ bờ trôi; 05 con bò, 01 con heo bị chết tại huyện Tu Mơ Rông và Đăk Glei; 01 nhà Rông tại xã Đăk Blà, thành phố Kon Tum bị sập hoàn toàn.
Phòng ở và phòng công vụ của Trường Mầm non xã Ngọc Linh, huyện Đăk Glei móng nền nhà bị gãy sụt lún hư hỏng 02 phòng ở và 01 phòng hội đồng. Tường nhà phía trước bị kéo nứt có khả năng đỗ sụp gây ảnh hưởng cho người sử dụng; sập hoàn khoảng 70m tường rào xây gạch trụ sở Đảng ủy, HĐND, UBND xã Ngọk Tụ, huyện Đăk Tô và tường rào Ban Chỉ huy Quân sự huyện, Tòa án huyện với chiều dài gần 100m…
Ngay sau khi xảy ra thiệt hại, UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các phòng có liên quan phối hợp với UBND các xã, phường bị thiệt hại để kiểm tra đánh giá tình hình thiệt hại báo cáo cấp có thẩm quyền và đề xuất biện pháp khắc phục.
Đối với người bị thiệt mạng, chính quyền địa phương đã tổ chức thăm hỏi động viên gia đình; hỗ trợ gia đình theo đúng quy định tại Quyết định số 36/2017/QĐ-UBND ngày 20/7/2017 của UBND tỉnh ban hành Quy định về quy trình khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
Đối với các nhà dân bị sập và tốc mái, người bị nạn, trước mắt đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các phòng ban liên quan tổ chức vận động bà con nhân dân và huy động nguồn lực tại chỗ để giúp đỡ các hộ bị thiệt hại khắc phục ổn định cuộc sống và thăm hỏi, hỗ trợ gia đình bị nạn theo quy định.
Đối với thiệt hại về nông nghiệp, đề nghị UBND huyện Ngọc Hồi, Đăk Glei và Tu Mơ Rông chỉ đạo các đơn vị liên quan tổ chức phối hợp với UBND các xã, phường rà soát, thống kê và tổng hợp báo cáo đề xuất hướng xử lý, khắc phục.
Đối với thiệt hại về công trình cơ sở hạ tầng, đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan tổ chức khắc phục theo đúng quy định tại Quyết định số 36/2017/QĐ-UBND ngày 20/7/2017 của UBND tỉnh ban hành Quy định về quy trình khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
Để chủ động phòng chống, ứng phó kịp thời và giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành nhiều Chỉ thị, văn bản chỉ đạo như Chỉ thị số 05/CT-UBND ngày 2/8/2019 về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn tỉnh. Và mới đây nhất, ngày 26/8, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành văn bản 2197/UBND-NNTN yêu cầu các ngành, địa phương tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân yêu cầu Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố rà soát, thành lập/kiện toàn, phân công nhiệm vụ cho các thành viên Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp, lực lượng xung kích cấp xã theo đúng quy định.
Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các tổ chức và Nhân dân trên địa bàn tỉnh về phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; tăng cường công tác cảnh báo, dự báo thiên tai; tập trung khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn; rà soát thực hiện đúng phương châm "04 tại chỗ" trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; đồng thời, thực hiện nghiêm công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh.
Các chủ đập thủy lợi, thủy điện thực hiện đúng, đầy đủ về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước theo quy định Nghị định số 114/2018/NĐ-CP ngày 04 tháng 9 năm 2018 của Chính phủ về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước; thực hiện nghiêm quy định về quản lý an toàn đập, quy trình vận hành hồ chứa, liên hồ chứa; chủ động theo dõi, kiểm tra đập, hồ chứa nước trước, trong và sau mùa mưa lũ nhằm phát hiện sớm những nguy cơ gây mất an toàn công trình; đồng thời phối hợp với các địa phương kiểm tra xác định vùng có nguy cơ ngập lụt trong mùa mưa lũ, thông báo, di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân.
Riêng đối với Sở Công Thương, Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý phải phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố rà soát, xây dựng phương án dự trữ, huy động lương thực, hàng hóa, nhu yếu phẩm thiết yếu phù hợp với từng khu vực, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa.. để chủ động đảm bảo nguồn hàng cho vùng bị thiên tai khi có yêu cầu.
Ngoài ra, theo dõi, kiểm ra, yêu cầu các chủ đập thủy điện triển khai thực hiện nghiêm công tác vận hành hồ chứa theo quy trình đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; chuẩn bị lực lượng, vật tư phương tiện sẵn sàng xử lý ngay từ ban đầu khi có sự cố, tình huống phức tạp xảy ra.
Còn đối với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (cơ quan thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh) theo dõi, hướng dẫn và đôn đốc Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan thực hiện theo quy định hiện hành.
Cổng Thông tin điện tử tỉnh Kon Tum