banner
Thứ 3, ngày 23 tháng 7 năm 2024
Giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận công nghệ mới
27-5-2019

Phát huy vai trò là “bà đỡ” của các doanh nghiệp, những năm qua, ngành Công thương tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã nông thôn xây dựng những mô hình trình diễn, ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất, đào tạo nghề, quảng bá sản phẩm… Nhờ đó, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ngày càng gia tăng số lượng và quy mô sản xuất, góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông thôn.

Ông Lê Như Nhất – Giám đốc Sở Công thương cho biết: Hiện phần lớn các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh đang gặp khó khăn về vốn và thiếu sự mạnh dạn khi đầu tư thiết bị, công nghệ hiện đại cho sản xuất nên hiệu quả sản xuất, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp chưa cao. Xuất phát từ tình hình thực tế đó, hằng năm, từ các nguồn vốn khuyến công, Sở Công thương tiến hành hỗ trợ các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp công nghiệp nông thôn về máy móc, thiết bị hiện đại hóa sản xuất cũng như việc xây dựng thương hiệu, tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Đồng thời, hỗ trợ đào tạo nghề theo nhu cầu của các cơ sở công nghiệp, hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý doanh nghiệp, nhận thức và năng lực áp dụng sản xuất sạch hơn trong sản xuất công nghiệp…

Từ năm 2014 đến nay, Sở Công thương đầu tư, hỗ trợ 33 cơ sở công nghiệp nông thôn xây dựng mô hình trình diễn ứng dụng máy móc thiết bị hiện đại; mua máy móc thiết bị tiên tiến để đưa vào sản xuất với tổng kinh phí 5,497 tỷ đồng. Qua đó, giúp các doanh nghiệp có điều kiện mở rộng sản xuất kinh doanh, phát triển sản phẩm mới, đảm bảo cung cấp ra thị trường tiêu thụ.

Từ nguồn hỗ trợ của Sở Công thương, các cơ sở, doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất, thay đổi công nghệ, đào tạo lại đội ngũ lao động, tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, mẫu mã đẹp đáp ứng nhu cầu thị trường hiện nay và phù hợp với yêu cầu công nghiệp hoá nông nghiệp nông thôn. Trong 4 năm qua, nguồn vốn đối ứng của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất bỏ ra để mua sắm trang thiết bị mới là trên 60 tỷ đồng.

Ngành Công thương và các địa phương cũng tập trung khuyến khích, đầu tư cho các doanh nghiệp sản xuất ở một số ngành nghề có thế mạnh, có mức đóng góp cao vào giá trị sản xuất công nghiệp của các địa phương như: chế biến nông sản, sản xuất gạch không nung; cơ khí gia công... Việc đẩy mạnh ứng dụng máy móc thiết bị công nghệ cao đã góp phần mang lại hiệu quả trong sản xuất của các doanh nghiệp, giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho nhiều lao động nông thôn.

Tiêu biểu như Hợp tác xã Nông nghiệp công bằng Pô Cô (Đăk Hà) mạnh dạn đầu tư dây chuyền thiết bị hiện đại vào chế biến cà phê. Nhờ vậy, sản phẩm của đơn vị làm ra đảm bảo về chất lượng, mẫu mã bao bì và đáp ứng nhu cầu thị trường hiện nay. Hiện sản phẩm của đơn vị đã có mặt tại nhiều trung tâm thương mại lớn của cả nước và xuất khẩu nước ngoài.

Hay như Hợp tác xã Nông nghiệp Tuyết Sơn (Kon Plông), mặc dù chỉ được hỗ trợ 150 triệu đồng, nhưng cũng chính từ “nguồn vốn mồi” này, Hợp tác xã mạnh dạn đầu tư mua sắm máy móc thiết bị sản xuất chế biến tinh dầu từ tiêu rừng và nhiều sản phẩm từ dược liệu như: Tiêu rừng, cao sâm tổng hợp; rượu sâm đương quy... Sản phẩm của đơn vị hiện được kết nối thương mại, phân phối tại nhiều cơ sở, hệ thống bán lẻ trong cả nước.

Sở Công thương cũng đã hỗ trợ cho Công ty TNHH Đầu tư xuất nhập khẩu Cao Nguyên Kon Tum (huyện Đăk Glei) xây dựng dây chuyền thiết bị sản xuất chế biến cà phê quả tươi. Nhà máy đi vào hoạt động, góp phần giải quyết hàng loạt vấn đề nguồn nguyên liệu của huyện Đăk Glei, giải quyết hàng trăm lao động nông thôn địa phương. Thời gian tới, nhà máy sẽ mở rộng để chế biến sâu sản phẩm cà phê.

Dây chuyền chế biến cà phê của Công ty Xuất nhập khẩu cà phê Đăk Hà đã được Sở Công thương hỗ trợ

Theo ông Lê Như Nhất, để công nghiệp nông thôn trở thành một ngành kinh tế quan trọng góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển theo hướng lâu dài và bền vững; trong thời gian tới, Sở Công thương tiếp tục ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ có đủ năng lực, nhu cầu đổi mới công nghệ, ứng dụng khoa học kỹ thuật, cải tiến quy trình sản xuất, tạo ra sản phẩm mới; áp dụng sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng. Đặc biệt, Sở Công thương tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất chế biến các sản phẩm chủ lực của tỉnh, sản phẩm đặc trưng. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, hỗ trợ thông tin để các cơ sở, doanh nghiệp, đối tượng thụ hưởng nắm bắt, chủ động tiếp cận chính sách đầu tư cũng được chú trọng.

Với sự hậu thuẫn tích cực của ngành Công thương và bằng chính sự nỗ lực của mình, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hợp tác xã của tỉnh sẽ từng bước lớn mạnh. Từ đó, góp phần vào sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, tạo động lực thúc đẩy kinh tế nông nghiệp nông thôn phát triển.

Thực hiện chương trình khuyến công địa phương năm 2019, trong đợt một, Sở Công thương thực hiện hỗ trợ một phần vốn cho một số doanh nghiệp: Công ty CP Thương mại nông nghiệp và dược liệu Ðồng Xanh Kon Tum mua máy móc thiết bị sản xuất chế biến curcuminoid từ nghệ củ; Công ty CP Kora Group mua thiết bị sản xuất thực phẩm tiêu dùng từ hồng đảng sâm; Hợp tác xã Dược liệu hữu cơ Tu Mơ Rông trang bị thiết bị công nghệ cao trong chế biến và bảo quản sản phẩm cây dược liệu…

Nguồn: Báo Kon Tum

Số lượt xem:7188

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
Công báo tỉnh Kon Tum



de tai khoa hoc cap tinh








Trang thông tin điện tử Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum
Quản lý và nhập tin: Trung tâm Nghiên cứu, Ứng dụng và Dịch vụ KH&CN – Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Huỳnh Trung Kim - P. Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ - Trưởng Ban biên tập

Địa chỉ: Tầng 4 - Tòa nhà B Trung tâm Hành chính công tỉnh Kon Tum - Tổ 8, P. Thống Nhất, Tp. Kon Tum, tỉnh Kon Tum; Điện thoại: 0260.3862518 - Email: skhcn@kontum.gov.vn

Chung nhan Tin Nhiem Mang


217787 Tổng số người truy cập: 9550 Số người online:
TNC Phát triển: