banner
Thứ 6, ngày 22 tháng 11 năm 2024
KẾT QUẢ HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUÝ III NĂM 2024
29-9-2024
Trong quý III năm 2024, Sở Khoa học và Công nghệ đã tập trung tham mưu UBND tỉnh các văn bản triển khai hoạt động quản lý khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh; đồng thời, đẩy mạnh hoạt động đánh giá nghiệm thu, chuyển giao ứng dụng kết quả nghiên cứu vào sản xuất, đăng ký sáng chế đối với các quy trình nghiên cứu. Cùng với đó, cơ quan đã tăng cường công tác hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã trong việc bảo hộ nhãn hiệu, cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý Ngọc Linh cho sản phẩm sâm củ, hệ thống quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc, kiểm định hiệu chuẩn các phương tiện đo,....

Sở Khoa học và Công nghệ đã trình UBND tỉnh ban hành 07 văn bản quản lý; tham mưu Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận 03/9 sáng kiến cấp tỉnh; công nhận phạm vi ảnh hưởng, hiệu quả áp dụng của 11/18 sáng kiến. Tổ chức triển khai thực hiện 13 đề tài, dự án khoa học và công nghệ cấp tỉnh; 01 dự án thuộc chương trình nông thôn miền núi ủy quyền địa phương quản lý. Cấp Giấy chứng nhận đăng ký kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước cho 03 đề tài.

Tổ chức họp Hội đồng đánh giá, nghiệm thu 05 đề tài, dự án KH&CN cấp tỉnh; 01 dự án thuộc chương trình nông thôn miền núi:

Đề tài “Nghiên cứu ứng dụng vi tảo xử lý môi trường nước thải trong nuôi trồng thủy sản nước ngọt trên địa bàn tỉnh Kon Tum”. Kết quả đề tài đã phân lập được 3 chủng/loài vi tảo có trong môi trường nước nuôi trồng thuỷ sản tại Kon Tum các năm 2022. 2023, đó là: C.vulgaris KT2022; S. Acuminatus KT2022; S. platensis KT2022; C.vulgaris KT2023; S. Acuminatus KT2023 và S. platensis KT2023.  Xây dựng được 03 quy trình công nghệ cho 3 chủng/loài vi tảo. Ứng dụng 3 chủng/ loài vi tảo C.vulgaris KT2023, S. Acuminatus KT2023 và S. platensis KT2023 vào xử lý môi trường nước thải trong nuôi trồng thủy sản tại Trường Cao đẳng Kon Tum ở quy mô phòng thí nghiệm, hiệu suất xử lý đã giảm COD, BOD, loại bỏ ni tơ và phosphor tổng số đều đạt: 89 -92%, 89 -91%; 88 -100 và 87 -98% (trong đó ở NT4 có hiệu suất xử lý ni tơ tổng số là 78% công thức có bổ sung vi khuẩn lam S. Platensis KT2023). Kết quả đề tài đã được Nhà trường ứng dụng trong giảng dạy và có tính khả thi cao để triển khai ứng dụng trong thực tiễn xử lý môi trường trong nuôi trồng thủy sản và ứng dụng khác.

Dự án “Ứng dụng tiến bộ KH&CN xây dựng mô hình liên kết sản xuất nguyên liệu đảng sâm và khổ qua rừng theo tiêu chuẩn GACP-WHO và chế biến sản phẩm đạt chuẩn ISO 22000”.  Dự án đã phối hợp các đơn vị tư vấn hỗ trợ, đào tạo “Thực hành tốt trồng trọt và hái thuốc”; áp dụng quy trình kỹ thuật nhân giống, trồng, thu hoạch, sơ chế, sản xuất dược liệu theo tiêu chuẩn GACP-WHO đối với cây đảng sâm và khổ qua rừng để áp dụng trong thực tiễn sản xuất cho 15 cán bộ, người lao động của công ty; cán bộ, công chức trên địa bàn huyện Đăk Tô. Tổ chức đào tạo, tập huấn cho các hộ dân thực hành tốt nuôi trồng, thu hái dược liệu và các nguyên tắc, tiêu chuẩn khai thác dược liệu GACP-WHO cho 12 hộ dân. Tiếp nhận và áp dụng 12 quy trình quản lý cây đảng sâm, khổ rừng theo tiêu chuẩn GACP-WHO); sản xuất 1.000 hộp Trà đảng sâm; 1.000 hộp Trà khổ qua.

Đề tài "Nghiên cứu ứng dụng các công nghệ mới trong xác định và phân tích kiểm định chất lượng sâm Ngọc Linh". Đề tài đã xây dựng được bộ chỉ thị phân tử ứng dụng cho công tác xác định chính xác loài, một số loài thuộc chi panax và các taxon dưới loài của Sâm Ngọc Linh (Panax vietnamensis var. vietnamensis); Xây dựng được quy trình kiểm định sâm Ngọc Linh và các loài trong taxon Panax được ghi nhận chính thức tại Việt Nam bằng chỉ thị phân tử; Xây dựng được quy trình định lượng, định tính saponin có trong các bộ phận sâm Ngọc Linh. Đến nay, đơn vị đã hoàn toàn làm chủ công nghệ để xác định chất lượng và phân biệt được sâm Ngọc Linh thật và sâm giả. Đặc biệt, nộp đơn đăng ký sáng chế "Quy trình kiểm định sâm Ngọc Linh (Panax vietnamensis Ha et Grushv) và một số loài khác thuộc chi Panax" và đã được Cục Sở hữu trí tuệ chấp nhận đơn hợp lệ.

Dự án “Ứng dụng công nghệ vi sinh đa chức năng sản xuất phân hữu cơ vi sinh POLYFA từ than bùn và phụ phế phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Kon Tum” (thuộc chương trinh NT-MN). Kết quả dự án đã chuyển giao và tiếp nhận 08 quy trình công nghệ; sản xuất được 1.350/1.000 kg chế phẩm vi sinh đa chủng gốc, 3.394/500 tấn phân bón POLYFA lô số 0 đạt tiêu chuẩn chất lượng theo quy định. Mô hình xuất phân hữu cơ vi sinh đa chức năng POLYFA đạt công suất 9.900 tấn/năm và đã được cấp có thẩm quyền cấp giấy phép sản xuất và lưu hành. Hiện nay, đang tiếp tục duy trì sản xuất để cung ứng sản phẩm trên thị trường. Thông qua dự án đã tổ chức đào tạo 10 kỹ thuật viên và tập huấn cho 200 lượt hộ nông dân trên địa bàn dự án.

Đề tài “Đổi mới hoạt động giáo dục đạo đức - lối sống văn hóa cho học sinh các trường Trung học trên địa bàn tỉnh Kon Tum trong bối cảnh hiện nay". Kết quả đề tài đã điều tra, khảo sát, đánh giá thực trạng, đồng thời, xây dựng 05 mô hình đổi mới hoạt động giáo dục đạo đức - lối sống văn hóa cho học sinh các trường trung học trên địa bàn tỉnh Kon Tum (gồm các nội dung đổi mới; phương pháp và giải pháp thực hiện; tiêu chí đánh giá kết quả giáo dục và kết quả rèn luyện, phát triển đạo đức - lối sống văn hóa của học sinh trung học) làm cơ sở khoa học để cho ngành giáo dục - đào tạo nghiên cứu, áp dụng cho học sinh các trường trung học trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
Đề tài "Thực trạng và giải pháp nhằm phát huy nguồn lực của các tôn giáo trong xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Kon Tum". Kết quả đề tài đã làm rõ những nguồn lực tôn giáo và đề xuất giải pháp khả thi để huy động phục vụ phát triển kinh tế- xã hội trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, định hướng đến năm 2035.
Tham gia ý kiến về công nghệ đối với 25 hồ sơ công trình, dự án đầu tư thuộc các lĩnh vực trồng, chế biến dược liệu, trang trại chăn nuôi công nghệ cao, khai thác khoáng sản làm vật liệu thông thường,... trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Cấp 05 giấy phép tiến hành công việc bức xạ - Sử dụng thiết bị X-quang trong y tế. Cấp chứng chỉ nhân viên bức xạ cho 01 cá nhân của tổ chức y tế.


Tổ chức kiểm tra về tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, nhãn hàng hoá, sở hữu công nghiệp, an toàn bức xạ hạt nhân quý III/2024 tại 13 cơ sở, doanh nghiệp, 03 đơn vị hành chính sự nghiệp; phối hợp với Ngân hàng nhà nước chi nhánh tỉnh Kon Tum kiểm tra 4 tổ chức được Ngân hàng nhà nước cấp phép kinh doanh mua, bán vàng miếng và 34 doanh nghiệp hoạt động kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ. Kiểm tra hoạt động xây dựng, áp dụng, duy trì và cải tiến Hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 tại 12 cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh. Qua kiểm tra, kiến nghị Thanh tra xử lý vi phạm hành chính đối với một số tổ chức, cá nhân theo quy định.

Hướng dẫn các đơn vị kinh doanh xăng dầu thực hiện việc kiểm định lại phương tiện đo sau sửa chữa; các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh xây dựng và áp dụng HTQLCL, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa. Hỗ trợ kinh phí đăng ký bảo hộ đối nhãn hiệu thuộc Chương trình Phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Kon Tum đến năm 2030 cho Công ty cổ phần VinGin và Hợp tác xã Du lịch và Dược liệu Siu Puông.

Tổ chức Hội nghị “Hướng dẫn doanh nghiệp tham gia Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp về đo lường và năng suất chất lượng” cho các doanh nghiệp và các đơn vị có liên quan trên địa bàn tỉnh (có 40 người tham gia) để biết, tham gia Chương trình.
 
Triển khai thực hiện Kế hoạch số 133-KH/TU, ngày 14-3-2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, qua đó, Sở KH&CN đã hỗ trợ thôn Đăk Rê1, xã Đăk Na, huyện Tu Mơ Rông 01 ha mô hình cà phê, hỗ trợ 20 cây sao đen và hướng dẫn trồng trong khuôn viên Nhà rông và điểm trường học của Thôn, mô hình nuôi cá trắm và cá chép, diện tích 0,6 ha; thăm, tặng quà các hộ gia đình chính sách nhân ngày 27/7, tặng sách vở, bút viết và các đồ dùng học tập cần thiết 3 em học sinh của thôn có hoàn cảnh khó khăn.


Một số hoạt động nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng vào sản xuất trên địa bàn tỉnh


Hoạt động nghiên cứu triển khai:  Tiếp tục thực hiện nhân giống, cấy chuyển lưu giữ các loại giống cây trồng trong phòng thí nghiệm, gồm: sâm Ngọc Linh, lan Dendro, ba kích, phúc bồn tử, cây bảy lá một hoa, cẩm lai, bạch đàn. Theo dõi mô hình trồng nấm mối; sản xuất 1000 hũ đông trùng hạ thảo, đang theo dõi 500 hũ đợt 3; cấy lan kim tuyến: 3.690 bì; pha môi trường: 280 lít; sản xuất 2.000 bịch phôi nấm mối đen. Xây dựng mô hình trồng, chăm sóc 1.700m2 cà chua trong màng, kết quả đã thu hoạch đến thời điểm hiện tại 1.149kg cà lớn, 351kg cà bi. Phân tích và trả kết quả 364 mẫu sâm, kết quả kiểm tra, có 360/364 mẫu là sâm Ngọc Linh, 3/364 mẫu không phải sâm Ngọc Linh, 01/364 mẫu không ra kết quả.

Hoạt động dịch vụ KH&CN: Tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn 1528 phương tiện, chuẩn đo lường các loại; thử nghiệm 151 mẫu sản phẩm, hàng hóa; đo điện trở tiếp đất hệ thống chống sét cho 33 công trình; kiểm định 01 máy X-Quang chẩn đoán trong y tế; kiểm xạ 02 phòng X-Quang; đánh giá chứng nhận VietGAP Trồng trọt cho 01 doanh nghiệp; phối hợp với Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trưởng tỉnh Kon Tum lấy mẫu, phân tích để lập báo cáo công tác BVMT năm 2024 cho 06 cửa hàng xăng dầu trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

Phương hướng hoạt động khoa học và công nghệ quý IV năm 2024

Một là, trình UBND tỉnh xem xét, ban hành: Quyết định ban hành đơn giá dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc lĩnh vực khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh Kon Tum”; Quyết định ban hành quy định về tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước; cơ chế giám sát, đánh giá, kiểm định chất lượng và quy chế kiểm tra, nghiệm thu dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc lĩnh vực khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh Kon Tum; Quyết định ban hành Quy chế quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý "Ngọc Linh" cho sản phẩm sâm củ của tỉnh Kon Tum (điều chỉnh, bổ sung);  Kế hoạch triển khai "Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hoá trên địa bàn tỉnh Kon Tum" năm 2025; Kế hoạch kiểm tra việc xây dựng, áp dụng, duy trì và cải tiến Hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001 tại các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính nhà nước tỉnh Kon Tum năm 2025.

Hai là, tổ chức tổng kết năm; xây dựng chương trình trọng tâm năm 2025; triển khai xây dựng kế hoạch chi tiết năm 2025 trên các lĩnh vực (hỗ trợ công nghệ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; công nghệ sinh học, khoa học và công nghệ cấp huyện, thành phố, cải cách thủ tục hành chính;…).

Ba là, tham mưu xây dựng định hướng nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng KH&CN năm 2026 và thông báo đề xuất đặt hàng nhiệm vụ KH&CN, tổng hợp tham mưu UBND tỉnh phê duyệt triển khai trong năm 2026.

Bốn là, tổ chức tuyển chọn tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện đề tài năm 2025 bổ sung. Tiếp tục đôn đốc, tổ chức kiểm tra tiến độ, nghiệm thu các đề tài, dự án đang thực hiện; thông báo tuyển chọn, xét giao trực tiếp các đề tài, dự án.

Năm là, tổ chức kiểm tra việc áp dụng, duy trì và cải tiến Hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 tại 09 cơ quan hành chính nhà nước còn lại theo kế hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt.

Ngân Hà
Số lượt xem:122

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
Công báo tỉnh Kon Tum





de tai khoa hoc cap tinh








Trang thông tin điện tử Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum
Quản lý và nhập tin: Trung tâm Nghiên cứu, Ứng dụng và Dịch vụ KH&CN – Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Huỳnh Trung Kim - P. Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ - Trưởng Ban biên tập

Địa chỉ: Tầng 4 - Tòa nhà B Trung tâm Hành chính công tỉnh Kon Tum - Tổ 8, P. Thống Nhất, Tp. Kon Tum, tỉnh Kon Tum; Điện thoại: 0260.3862518 - Email: skhcn@kontum.gov.vn

Chung nhan Tin Nhiem Mang


548876 Tổng số người truy cập: 4302 Số người online:
TNC Phát triển: