Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền; xử lý theo quy định của pháp luật đối với các vụ án liên quan đến “tín dụng đen”; tháo dỡ, xóa bỏ quảng cáo, rao vặt trái phép; các nhà mạng chặn 1 chiều, 2 chiều, cắt hủy và thu hồi một số thuê bao vi phạm…thì giải pháp được cho là số 1 ngăn chặn, đẩy lùi “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh được nhiều người cho rằng đó là mở rộng tín dụng.
Sau thời gian triển khai thực hiện, các ngân hàng đã tích cực đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ, cải cách thủ tục hành chính và mở rộng mạng lưới giao dịch. Dư nợ cho vay của các chương trình, chính sách tín dụng cơ bản tăng trưởng ổn định, đáp ứng một phần nhu cầu vay vốn của người dân.
Hiện nay, trên địa bàn có 16 tổ chức tín dụng đang hoạt động; trong đó 09 chi nhánh ngân hàng thương mại với mạng lưới 08 chi nhánh, 25 phòng giao dịch và 10 điểm giao dịch trực thuộc; Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh với 09 phòng giao dịch tại 9/9 huyện và 102 điểm giao dịch tại 102/102 xã; Chi nhánh Ngân hàng Phát triển tỉnh Kon Tum và 05 Qũy tín dụng nhân dân.
Tính đến ngày 30-4-2019, dự nợ cho vay Chương trình tín dụng phát triển nông nghiệp nông thôn đạt 11.756 tỷ đồng, tăng 14% so với đầu năm; các chương trình tín dụng chính sách của nhà nước đạt trên 2.463 tỷ đồng, tăng 4,1% so với đầu năm; Chương trình tín dụng ưu đãi theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP đạt 29,34 tỷ đồng, giảm 12,9% so với đầu năm; Chương trình cho vay tốn tất nông nghiệp theo Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg đạt 7,3 tỷ đồng, tăng không đáng kể (0,6 triệu đồng) so với đầu năm; Chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp nông thôn đạt 9.609 tỷ đồng, giảm 4,1% so với đầu năm; Chương trình cho vay đời sống, cho vay tiêu dùng đạt 2.580 tỷ đồng, tăng 8,5% so với năm 2017.
Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đang hoàn thiện Phương án thực hiện Chương trình cho vay tiêu dùng và mở rộng đối tượng vay vốn từ nguồn ủy thác từ ngân sách địa phương với thủ tục nhanh gọn, giải ngân trong ngày.
Ngân hàng Agribank Kon Tum đã xây dựng Phương án triển khai cho vay tiêu dùng gói 5.000 tỷ đồng, đến nay đã giải ngân được 350 triệu đồng với 12 khách hàng vay vốn.
Mặc dù, thời gian qua, Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy đã chỉ đạo triển khai quyết liệt các biện pháp nhằm ngăn chặn, đẩy lùi hoạt động "tín dụng đen". Tuy nhiên, tình hình hoạt động liên quan đến “tín dụng đen” còn diễn biến phức tạp, phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự an toàn xã hội, gây lo lắng, bức xúc trong Nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Việc triển khai một số chương trình tín dụng, tín dụng chính sách chưa đáp ứng được nhu cầu vay vốn chính đáng của người dân, doanh nghiệp trong thời gian ngắn; các sản phẩm, dịch vụ của ngân hàng chưa đa dạng, phong phú, thủ tục, quy trình nghiệp vụ cho vay còn rườm rà, gây cản trở khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng hợp pháp của người dân; một số bộ phận khách hàng sử dụng vốn vay sai mục đích, gây nợ xấu, điểm tín dụng thấp… nên không tiếp cận được nguồn vốn vay của ngân hàng.
Nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức của một bộ phận người dân về tác hại, hậu quả và mức độ nguy hiểm của “tín dụng đen” chưa cao; thủ tục, quy trình giải ngân vốn vay còn phức tạp, trong khi đó thủ tục cho vay tín dụng đen rất đơn giản; tăng trưởng của nguồn vốn tín dụng còn khá chậm, chưa đáp ứng nhu cầu vay vốn của người dân….qua đó, làm giảm khả năng tiếp cận nguồn vốn vay hợp pháp của người dân.
Tại nhiều diễn đàn, hội nghị, giải pháp được cho là số 1 góp phần hữu hiệu ngăn chặn, đẩy lùi “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh được nhiều người cho rằng đó là mở rộng tín dụng.
Vì vậy, các cấp ủy đảng, chính quyền và người đứng đầu của các cơ quan, đơn vị cần phát huy tinh thần trách nhiệm, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, các chính sách tín dụng ngân hàng, đặc biệt là chính sách tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng để người dân chủ động tiếp cận với nguồn vốn tín dụng lành mạnh.
Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Kon Tum chỉ đạo các ngân hàng thương mại, các công ty tài chính trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện tốt các giải pháp mở rộng tín dụng, như: Gói cho vay gói tín dụng 5.000 tỷ đồng của ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Phương án triển khai Chương trình tín dụng cho vay tiêu dùng và mở rộng đối tượng cho vay sản xuất kinh doanh từ nguồn vồn ngân sách địa phương của ngân hàng Chính sách xã hội và các dịch vụ tài chính lành mạnh của các ngân hàng thương mại; chú trọng tạo điều kiện thuận lợi, linh hoạt trong thủ tục cho vay và thanh toán, giúp người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn để đầu tư, sản xuất, kinh doanh, phục vụ cuộc sống.
Các sở, ban, ngành, địa phương phối hợp, chung tay cùng với ngành ngân hàng đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả các giải pháp mở rộng tín dụng; tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của các công ty được cấp phép hoạt động dịch vụ tài chính, các hiệu cầm đồ để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những hành vi chưa đúng quy định, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh.
Cùng với mở rộng tín dụng, để “tín dụng đen” được ngăn chặn và đẩy lùi nhanh chóng, các ngành, địa phương cần tiếp tục triển khai các biện pháp tháo dỡ, xóa bỏ quảng cáo, rao vặt trái phép, không đúng quy định, gây phản cảm, mất mỹ quan gắn với thực hiện các lĩnh vực đột phá về chỉnh trang đô thị, xây dựng tuyến phố, khu dân cư văn minh, xanh - sạch - đẹp; xây dựng các phóng sự, chuyên đề và tăng cường thời lượng các tin, bài tuyên truyền về hình thức hoạt động, thủ đoạn của các tổ chức “tín dụng đen” để Nhân dân biết và phòng tránh.
Tuyên truyền các phương thức, thủ đoạn cho vay nặng lãi, lừa đảo để cán bộ, đảng viên và quần chúng Nhân dân hiểu rõ hành vi, hậu quả của hoạt động “tín dụng đen”.
Vận động người dân không trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia hoạt động cho vay nặng lãi, “tín dụng đen”, lợi dụng kinh doanh dịch vụ cầm đồ, đòi nợ, kinh doanh tài chính để vi phạm pháp luật.
Tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về sản xuất theo đúng quy hoạch, về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả sản xuất nhằm hạn chế rủi ro khi xảy ra hạn hán, mất mùa, mất giá…, gây thiệt hại và ảnh hưởng đến đời sống của người dân.
Nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, thủ trưởng cơ quan, địa phương, nhất là cấp cơ sở xã, phường, thị trấn, trường học trong quản lý cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên và các tầng lớp Nhân dân không tham gia các hoạt động “tín dụng đen”, cho vay nặng lãi.
Tổ chức ký cam kết, giao ước thi đua xây dựng gia đình, địa bàn, khu dân cư, xã, phường, thị trấn… không tổ chức, không tham gia các hoạt động liên quan đến “tín dụng đen”. Tiếp tục xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh"... tại cơ sở, khu dân cư.
Công an tỉnh thường xuyên mở các đợt cao điểm trấn áp tội phạm, triệt xóa các tụ điểm nghi vấn cho vay nặng lãi, gắn với đấu tranh, triệt xóa các đường dây đánh bạc, tổ chức đánh bạc, lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua các hình thức huy động vốn, tham gia “hụi, họ, phường".
Tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự; đặc biệt là phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm liên quan đến “tín dụng đen” núp bóng doanh nghiệp như là các cơ sở kinh doanh cầm đồ, đòi nợ. Tiếp nhận, giải quyết nhanh chóng các tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố các đối tượng có liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, cho vay nặng lãi.
Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh Kon Tum