Căn cứ Thuyết minh và Hợp đồng số 10/2022/HĐ-KHCN ký ngày 04 tháng 07 năm 2022 giữa Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum và Trường Đại học Cần Thơ về thực hiện đề tài “Lai tạo dòng nếp than triển vọng và tiến tới xây dựng thương hiệu cho tỉnh Kon Tum”, đề tài do ThS. Huỳnh Như Điền - Trường Đại học Cần Thơ làm chủ nhiệm; Thông báo của Trường Đại học Cần Thơ, ngày 03/7/2024 về việc nhóm nghiên cứu thực hiện bố trí thí nghiệm và tiến hành 02 đợt cấy dòng Nếp than triển vọng thế hệ phân ly (F5, F6) thực hiện tại 02 huyện Đăk Hà và Tu Mơ Rông.
Ngày 06-07/7/2024 và ngày 16-17/7/2024, Trường Đại học Cần Thơ cùng Sở Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với các đơn vị có liên quan tiến xuống giống (cấy mạ) triển khai mô hình trồng thực nghiệm ngoài đồng ruộng các dòng Nếp than phân ly thế hệ F5 với quy mô 1000m2/điểm để đánh giá khả năng thích nghi và năng suất, chất lượng các dòng đã được lai tạo đề tài “Lai tạo dòng nếp than triển vọng và tiến tới xây dựng thương hiệu cho tỉnh Kon Tum”. Kết quả cụ thể như sau:
1. Nội dung triển khai thực hiện:
- Chuẩn bị đất thí nghiệm: Đất được cày xới, trang phẳng mặt ruộng, vệ sinh sạch cỏ dại và tàn dự thực vật vụ trước đạt yêu cầu để tiến hành cấy mạ.
- Đất được bón lót phân hữu cơ vi sinh 25kg/1000m2.
- Bố trí thí nghiệm và kỹ thuật cấy các dòng nếp than triển vọng thế hệ F5:
+ Bố trí thí nghiệm: các dòng nếp được cấy theo lô không lập lại, mỗi lô thí nghiệm khoảng 20m2 (4m x 5m).
+ Chuẩn bị mạ: mạ được gieo theo phương pháp mạ khay, mạ 14 ngày tuổi được chuẩn bị và chăm sóc tại trường Đại học Cần Thơ, chuyên chỡ đến ruộng thí nghiệm bằng xe ô tô.
+ Kỹ thuật cấy: áp dụng kỹ thuật cấy tay, cấy 1 tép, mật độ cấy 15 x 20 cm có giăn dây và cấy cạn giúp lúa nẩy chồi.
2. Kết quả triển khai thực hiện
2.1. Tại thôn Thanh Xuân, xã Đăk Ngọc, huyện Đăk Hà: Đã phối hợp với Ông Hà Văn Nhụy (hộ dân tham gia mô hình) tiến xuống giống (cấy mạ) triển khai mô hình trồng thực nghiệm ngoài đồng ruộng các dòng Nếp than phân ly thế hệ F5 với quy mô 1000m2/điểm để đánh giá khả năng thích nghi và năng suất, chất lượng các dòng đã được lai tạo.
Xuống giống triển khai mô hình thí nghiệm dòng Nếp than F5 tại thôn Thanh Xuân, xã Đăk Ngọc, huyện Đăk Hà
2.2. Tại làng Năng Nhỏ 1, xã Đăk Sao, huyện Tu Mơ Rông: Đã phối hợp với Bà Y Sắc và Bà Y Tút (hộ dân tham gia mô hình) tiến xuống giống (cấy mạ) triển khai mô hình trồng thực nghiệm ngoài đồng ruộng các dòng Nếp than phân ly thế hệ F5 với quy mô 1000m2/điểm để đánh giá khả năng thích nghi và năng suất, chất lượng các dòng đã được lai tạo.
Xuống giống triển khai mô hình thí nghiệm dòng Nếp than F5 tại làng Năng Nhỏ 1, xã Đăk Sao, huyện Tu Mơ Rông
2.3. Đánh giá chung
- Ruộng thí nghiệm được chuẩn bị đạt yêu cầu với diện tích 1000m2.
- Dòng nếp than được bố trí và cấy đúng kỹ thuật theo như mô tả ở trên.
3. Kiến nghị triển khai thực hiện
- Nhóm nghiên cứu thường xuyên theo dõi mô hình, chăm sóc bón phân đúng kỹ thuật.
- Cán bộ địa phương hỗ trợ giám sát và đôn đốc hộ nông dân thực hiện mô hình có trách nhiệm chăm sóc bảo vệ ruộng thí nghiệm theo yêu cầu kỹ thuật của nhóm nghiên cứu.
- Chủ nhiệm đề tài và hộ nông dân thường xuyên liên lạc để nắm rõ thông tin và có phương án phòng trừ dịch bệnh kịp thời nếu có xảy ra.