Để chủ động phòng, chống nguy cơ xâm nhiễm và lây lan vi rút Corona, dịch bệnh Cúm gia cầm (CGC) và các loại mầm bệnh nguy hiểm ở động vật kịp thời và có hiệu quả, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành văn bản 301/UBND-NNTN, ngày 5/02/2020 yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban ngành và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh động vật theo đúng quy định của Luật thú y; các văn bản chỉ đạo từ Trung ương và của Ủy ban nhân dân tỉnh([1]); trong đó tập trung thực hiện các nội dung:
1. Chủ động xây dựng, tổ chức triển khai kế hoạch ứng phó với nguy cơ xâm nhiễm và lây lan vi rút Corona, dịch bệnh Cúm gia cầm (CGC) và các loại mầm bệnh nguy hiểm ở động vật.
2. Hướng dẫn chủ chăn nuôi gia cầm tăng cường áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, các biện pháp chủ động phòng dịch, tiêm phòng vắc xin CGC cho đàn gia cầm.
3. Tổ chức triển khai chủ động giám sát, lấy mẫu xét nghiệm bệnh CGC để kịp thời cảnh báo, áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, sử dụng có hiệu quả các loại vắc xin phòng bệnh CGC. Tổ chức tiêm vắc xin CGC phòng bệnh cho đàn gia cầm, bảo đảm đạt tỷ lệ tối thiểu trên 80% tổng đàn có nguy cơ và thuộc đối tượng tiêm phòng.
4. Tập trung tổ chức triển khai, đồng thời kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh động vật theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Công văn số 467/BNN-TY ngày 15 tháng 01 năm 2020 về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh động vật trước, trong và sau Tết Nguyên đán Canh Tý; Chỉ thị số 8256/CT-BNN-TY ngày 01 tháng 11 năm 2019 về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm vụ Đông Xuân; Công văn số 2945/UBND-NNTN ngày 06 tháng 11 năm 2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 8256/CT-BNN-TY ngày 01 tháng 11 năm 2019; Công văn số 218/UBND-NNTN ngày 21 tháng 01 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh động vật trước, trong và sau Tết Nguyên đán Canh Tý.
5. Đề nghị Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh Kon Tum chỉ đạo tổ chức ngăn chặn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn quản lý, đặc biệt đối với các trường hợp vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật từ nước ngoài vào Việt Nam; đặc biệt là nghiêm cấm việc nhập, vận chuyển động vật hoang dã vào Việt Nam theo đúng quy định của pháp luật hiện hành và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ;
6. Tổ chức Tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường tại các vùng trọng điểm, vùng nguy cơ có dịch cao của tỉnh để tiêu diệt các loại mầm bệnh. Thời gian thực hiện đồng loạt ngay từ đầu tháng 02/2020.
7. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Liên hệ cơ quan chuyên môn để triển khai thực hiện đúng quy trình xét nghiệm phát hiện vi rút Corona trên động vật; chủ động hợp tác với các cơ quan đơn vị có liên quan để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm trong chẩn đoán, xét nghiệm và phòng, chống vi rút Corona; thực hiện chương trình giám sát một số tác nhân gây bệnh mới có thể xuất hiện ở động vật như vi rút Corona (khi cơ quan có thẩm quyền ban hành).
- Triển khai, hướng dẫn tổ chức thực hiện các giải pháp phòng, chống trong trường hợp xuất hiện vi rút Corona ở động vật theo đúng quy định;
- Khẩn trương tổ chức giám sát, cảnh báo và kịp thời hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch bệnh CGC.
- Tổ chức các đoàn đến các huyện, thành phố để kiểm tra, đôn đốc hướng dẫn cụ thể các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, vệ sinh phòng dịch; Định kỳ báo cáo kết quả thực hiện về Ủy ban nhân dân tỉnh trước ngày 20 hằng tháng.
hbnguyet
([1]) Công văn số 2749/UBND-NNTN ngày 21 tháng 10 năm 2019 về việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm;…